Giáo Lý về việc Cầu Nguyện bằng Thánh Vịnh
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
chia sẻ và hướng dẫn trong các buổi triều kiến chung Thứ Tư hằng tuần
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch
Bài 1 (Thứ Tư 28/3/2001)
THÁNH VỊNH LÀ NGUỒN CẦU NGUYỆN LÝ TƯỞNG CỦA KITÔ HỮU
1. Trong Tông Thư Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ, Tôi đã hy vọng là Giáo Hội sẽ càng ngày càng nổi bật hơn về “nghệ thuật cầu nguyện”, bằng cách học lại việc nguyện cầu từ môi miệng của Thày Chí Thánh (x số 32). Nỗ lực này, trước hết, phải được thể hiện nơi phụng vụ là nguồn mạch và là tột đỉnh của đời sống Giáo Hội. Thế nên, vấn đề quan trọng là cần phải để ý hơn nữa đến việc mục vụ cổ võ Phụng Vụ Giờ Kinh như là một kinh nguyện của toàn thể Dân Chúa (x cùng nguồn, số 34). Thật vậy, nếu các vị linh mục và tu sĩ buộc phải cử hành Phụng Vụ Giờ Kinh, thì giáo dân cũng rất nên cử hành như vậy. Đây là mục tiêu của vị Tiền Nhiệm Phaolô VI đáng kính của Tôi, hơn 30 năm trước đây một chút, qua Hiến Chế Laudis Canticum, một văn kiện Ngài xác định hình thức hiện hành của việc cầu nguyện này, với hy vọng Thánh Vịnh và Ca Vịnh là những gì chính yếu cấu thành Phụng Vụ Giờ Kinh sẽ được hiểu biết “bằng một cảm nhận mới nơi Dân Chúa” (AAS 63 năm 1971, 532). Một sự kiện phấn khởi cho thấy là nhiều giáo dân ở các giáo xứ và các hội đoàn đã cảm nhận được việc cầu nguyện này. Tuy nhiên, việc cầu nguyện ấy vẫn là một việc cần phải được học hỏi về giáo lý và thánh kinh mới có thể cảm nhận được trọn vẹn.
Để đạt mục đích này, hôm nay chúng ta bắt đầu loạt bài giáo lý về Thánh Vịnh và Ca Vịnh của Kinh Ban Mai. Bằng loạt bài giáo lý đây, Tôi muốn khuyến khích và giúp cho mọi người biết cầu nguyện bằng cùng những lời lẽ đã được Chúa Giêsu sử dụng, những lời lẽ mà cả bao ngàn năm nay đã làm nên kinh nguyện của dân Yến Duyên cũng như của Giáo Hội.
2. Chúng ta có thể tìm hiểu các Thánh Vịnh bằng những phương cách khác nhau. Phương cách thứ nhất để tìm hiểu các Thánh Vịnh đó là qua cấu trúc văn chương, tác giả, việc hình thành, và hoàn cảnh được sáng tác của các Thánh Vịnh ấy. Cũng có lợi khi chúng ta đọc các Thánh Vịnh ở chỗ để ý đến đặc tính thi phú của các Thánh Vịnh ấy, một đặc tính đôi khi đạt tới tột đỉnh của một thứ minh thức sinh động và của việc diễn đạt biểu trưng. Cũng không phải là không hào hứng khi đọc các Thánh Vịnh theo những cảm tình khác nhau của cõi lòng con người được bộc phát nơi các Thánh Vịnh ấy, như hân hoan, tri ân, cảm tạ, yêu mến, thiết tha, nồng nhiệt, song cũng đầy những khổ đau, than van, nài xin ơn trợ giúp và đức công minh, những cảm xúc đôi khi đưa tới giận dữ và nguyền rủa. Con người tìm thấy tất cả bản thân mình ở nơi các Thánh Vịnh.
Mục đích chúng ta đọc Thánh Vịnh trước hết là để làm sáng tỏ ý nghĩa đạo đức của các Thánh Vịnh, khi chứng tỏ cho thấy Thánh Vịnh có thể được dùng làm kinh nguyện cho người môn đệ của Chúa Kitô, mặc dù các Thánh Vịnh ấy đã được viết từ nhiều thế kỷ trước đây cho tín đồ Do Thái. Để làm việc này, chúng ta cần phải có những lời dẫn giải, tuy nhiên, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu Thánh Vịnh theo Truyền Thống, nhất là theo các Vị Giáo Phụ.
3. Thật vậy, bằng một tâm thức sâu xa, Truyền Thống đã nhận ra và thấy rằng chính Chúa Kitô trong tất cả mầu nhiệm của Người là “chìa khóa” để hiểu được Thánh Vịnh. Các Vị Giáo Phụ đã mạnh mẽ xác tín là các Thánh Vịnh đều nói về Chúa Kitô. Thật thế, Chúa Kitô phục sinh đã áp dụng Thánh Vịnh vào bản thân mình, khi Người nói cùng các môn đệ: “Mọi điều viết về Thày trong lề luật Moisen và các tiên tri cùng thánh vịnh đều phải được nên trọn” (Lk 24:44). Các Vị Giáo Phụ còn nói, Chúa Kitô được nói tới nơi các Thánh Vịnh, hay thậm chí Chúa Kitô nói qua các Thánh Vịnh. Phát biểu như thế, các Vị Giáo Phụ có ý nói đến chẳng những con người cá nhân của Chúa Kitô mà còn nói đến Christus totus, đến toàn thể Chúa Kitô, bao gồm Chúa Kitô là Đầu cùng với các phần thể của Người nữa. Với toàn thể Chúa Kitô như thế, Kitô hữu đã mới có thể đọc Sách Thánh Vịnh theo chiều hướng tất cả mầu nhiệm về Chúa Kitô được. Cũng với khía cạnh này còn phát sinh ra chiều kích Giáo Hội nữa, một chiều kích đặc biệt được nổi bật khi cừng nhau hát Thánh Vịnh chung. Do đó chúng ta mới có thể hiểu được tại sao Thánh Vịnh, ngay từ các thế kỷ đầu tiên, đã được sử dụng như lời kinh nguyện của Dân Chúa. Nếu trong một vài giai đoạn lịch sử nào đó người ta thích sử dụng các kinh nguyện khác hơn, thì chính các vị đan sĩ đã có công lớn trong việc giữ cho ngọn đuốc Thánh Vịnh luôn được sáng giá trong Giáo Hội. Một trong những vị đan sĩ này là Thánh Romuald, vị sáng lập dòng Camaldoli, vào lúc mở màn cho đệ nhị thiên kỷ Kitô giáo, theo sử gia Bruno Querfurt đời Ngài viết, thậm chí còn chủ trương rằng Thánh Vịnh là đường lối duy nhất để thực sự cảm nghiệm sâu xa được việc nguyện cầu: “Una via in psalmis” (Passio sanctorum Benedicti at Johannis ac sociorum eorundem: MPH VI, 1893, 427).
4. Bằng niềm xác tín này, niềm xác tín thoạt nghe như quá đáng ấy, thánh nhân đã thực sự gắn chặt với truyền thống tuyệt hảo của các thế kỷ Kitô giáo đầu tiên, thời kỳ Thánh Vịnh là sách cầu nguyện thượng hạng của Giáo Hội. Đối với những xu hướng lạc giáo, liên tục đe dọa mối hiệp nhất về đức tin và hiệp thông của Giáo Hội, thì việc Giáo Hội lấy Thánh Vịnh là sách cầu nguyện thượng hạng như thế là một chọn lựa dứt khoát. Điều đáng chú ý liên quan đến vấn đề này là bức thư tuyệt vời Thánh Anathasiô viết cho Marcellinô vào tiền bán thế kỷ thứ tư, thời kỳ lạc giáo Ariô đang dữ dội tấn công niềm tin vào thần tính của Chúa Kitô. Để đối đầu với các kẻ lạc giáo, thành phần dùng các bài thánh ca và kinh nguyện có tính cách mơn trớn cảm tình đạo đức để dụ dỗ dân chúng, Vị Đại Giáo Phụ này đã dồn tất cả mọi nỗ lực của mình vào việc dạy cho biết việc Thánh Vịnh được Thánh Kinh truyền lại (x PG 27, 12ff). Đó là lý do tại sao, cùng với Kinh Lạy Cha là kinh Chúa dạy có tính cách antonomasia, việc thực hành cầu nguyện bằng Thánh Vịnh đã sớm trở nên phổ thông nơi thành phần lãnh nhận phép rửa.
5. Bằng việc dùng Thánh Vịnh cầu nguyện như một cộng đồng, tâm trí người Kitô hữu nhớ rằng và hiểu rằng họ không thể nào hướng về Chúa Cha là Đấng ngự trên trời mà lại không sống hiệp thông thực sự với anh chị em của mình sống trên thế gian. Hơn nữa, được chìm sâu một cách ý thức vào truyền thống cầu nguyện của dân Do Thái, người Kitô hữu học được cách cầu nguyện bằng việc kể lại magnalia Dei, tức là kể lại những kỳ công vĩ đại Thiên Chúa đã làm, cả trong cuộc tạo dựng thiên nhiên tạo vật cũng như con người, lẫn trong lịch sử dân Yến Duyên cũng như Giáo Hội. Hình thức cầu nguyện được lấy từ Thánh Kinh này, không loại trừ một số những lời diễn tả tự phát, chẳng hạn như các bài thánh ca và troparia, những lời chẳng những tiếp tục nói lên tính cách cầu nguyện tư riêng, mà còn làm phong phú chính kinh nguyện phụng vụ nữa. Thế nhưng, Sách Thánh Vịnh vẫn là nguồn mạch lý tưởng cho việc Kitô hữu cầu nguyện và sẽ tiếp tục làm cho Giáo Hội hứng khởi trong một ngàn năm mới.
(L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 4/4/2001)