Giáo Lý về việc Cầu Nguyện bằng Thánh Vịnh

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II

chia sẻ và hướng dẫn trong các buổi triều kiến chung Thứ Tư hằng tuần

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch

Bài 10 (Thứ Tư 25/7/2001) 

CHÚA QUAN PHÒNG BẢO VỆ KẺ TÍN NGHĨA

(Ca Vịnh Tobia, Kinh Ban Mai, Ngày Thứ Ba, Tuần Thứ Nhất) 

1.         “Tôi tôn tụng Chúa Trời tôi và thần trí tôi hân hoan trong Đức Thiên Vương” (Tb 13:7). Người nói những lời này trong Bài Ca Vịnh vừa được xướng lên là Tôbia cha, nhân vật được Cựu Ước kể lại bằng một câu truyện ngắn xây dựng trong cuốn sách (theo bản dịch Vulgata) mang tên Tôbia con ông. Để hiểu được đầy đủ ý nghĩa của bài thánh thi này, chúng ta phải để ý đến những đoạn truyện trước đó. Câu truyện xẩy ra nơi người Do Thái lưu đầy ở Ninivê. Khi viết lại câu truyện này ở các thế kỷ sau đó, vị tác giả sách thánh coi cha con họ như là một tấm gương soi cho anh chị em sống niềm tin đang bị phân tán nơi ngoại nhân cũng như đang bị cám dỗ bỏ đi truyền thống của cha ông mình. Chân dung của Tôbia và gia đình ông được trình bày cho thấy như là một mẫu sống. Đó là một người đàn ông, bất chấp mọi sự xẩy ra cho mình, vẫn trung thành với qui định của lề luật, nhất là với việc làm phúc bố thí. Ông đã gặp phải bất hạnh với nạn bần túng và mù lòa, nhưng vẫn không bao giờ thôi tin tưởng.

Chẳng bao lâu Thiên Chúa đã đáp ứng qua Tổng Thần Raphael, vị đã dẫn dắt Tobia con trong cuộc hành trình gian nan, đã chỉ dẫn cho chàng có được một cuộc hôn nhân hạnh phúc, và cuối cùng đã chữa lành cho người cha khỏi cảnh mù lòa.

Sứ điệp rõ ràng ở đây là những ai lành thánh, nhất là bằng việc mở lòng mình ra cho nhu cầu của tha nhân, đều là những người sống đẹp lòng Chúa, cho dù họ có bị thử thách; cuối cùng họ cũng sẽ cảm nhận được lòng lành của Chúa.

2.         Với ý tưởng gợi ý này, những lời của bài thánh thi mới sáng tỏ hơn. Chúng mời gọi chúng ta hãy hướng tầm mắt của mình nhìn lên “Thiên Chúa là Đấng muôn đời hằng sống”, nhìn đến vương quốc của Ngài là vương quốc “tồn tại qua mọi thế hệ”. Từ việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa như thế, tác giả sách thánh đã cống hiến cho chúng ta thấy một chấm phá về thần học lịch sử mà ông đã cố gắng để trả lời cho vấn đề được gợi lên bởi thành phần Dân Chúa bị phân tán và thử thách, đó là vấn đề tại sao Thiên Chúa lại đối xử với chúng ta như thế? Câu trả lời qui về cả đức công minh và tình thương thần linh: “Ngài nghiêm trị các người về những bất chính của các người, nhưng Ngài lại tỏ lòng xót thương tất cả các người” (câu 5). Như thế, việc nghiêm trị như thể là một đường lối giáo dục thần linh, được tận kết ở lòng xót thương: “Ngài hành hạ rồi lại tỏ lòng xót thương, Ngài đầy xuống đáy âm phủ rồi Ngài lại đưa lên từ vực sâu” (câu 2).

Người ta có thể tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng không bao giờ bỏ rơi tạo vật của Ngài. Hơn nữa, những lời của bài thánh thi còn hướng tới một quan điểm khác nữa, quan điểm qui ý nghĩa cứu độ cho hoàn cảnh đau thương, biến nơi lưu đầy thành cơ hội chúc tụng những việc làm của Thiên Chúa: “Hỡi các người Yến Duyên, hãy chúc tụng Ngài trước các Dân Ngoại, vì mặc dầu Ngài đã phân tán các người nơi họ, Ngài cũng đã chứng tỏ cho thấy Ngài cao cả ngay ở nơi đó nữa” (các câu 3-4).

3.         Khởi từ lời mời gọi để dẫn giải cuộc lưu đầy theo đường lối quan phòng như thế, việc suy niệm của chúng ta có thể liên quan tới việc chú ý đến ý nghĩa tích cực nhiệm mầu nơi đau khổ, khi chúng ta sống đau khổ trong sự phó mình cho ý định của Thiên Chúa. Trong Cựu Ước cũng đã có một vài đoạn cho thấy đề tài này. Hãy nhớ lại câu truyện về Giuse trong Sách Khởi Nguyên (x 37:2-36), người bị anh em mình bán đi và đã thành nhân vật cứu vớt họ sau này. Chúng ta làm sao quên được sách ông Gióp? Nơi đây cho thấy một con người vô tội chịu đau khổ và không biết diễn tả thảm trạng của mình ra sao, ngoại trừ phó mình cho sự cao cả cũng như cho đức khôn ngoan của Thiên Chúa (x Jb 42:1-16).

Đối với chúng ta là những người đọc những đoạn Cựu Ước này theo quan điểm Kitô giáo, điểm qui chiếu chỉ có thể là Thập Giá Chúa Kitô, một Thập Giá cống hiến cho chúng ta câu trả lời sâu xa về mầu nhiệm đau khổ trên thế gian này.

4.         Đối với các tội nhân, thành phần bị nghiêm trị vì những việc làm bất chính của họ (x. câu 5), bài thánh thi của Tôbia phát lên một tiếng gọi trở về, một tiếng gọi cho thấy khía cạnh lạ lùng về một cuộc trở về “với nhau” giữa Thiên Chúa và con người: “Khi các người hết lòng trở về với Ngài, làm những gì chính đáng trước nhan Ngài, bấy giờ Ngài sẽ quay về lại với các người, và sẽ không còn giấu mặt khỏi các người nữa” (câu 6). Việc sử dụng từ ngữ “trở về” đối với tạo vật cũng như đối với Thiên Chúa đều nói lên cho thấy tính cách nhấn mạnh của nó, dù có khác ý nghĩa nhau.

Nếu tác giả của bài Ca Vịnh nghĩ về những thiện ích đi kèm với việc “trở về” cùng Thiên Chúa, đó là việc Ngài lại tỏ lòng ưu ái đối với dân Ngài, trong chiều hướng của mầu nhiệm Chúa Kitô, chúng ta trước hết phải nghĩ về tặng ân bao gồm cả chính Thiên Chúa nữa. Con người cần đến Ngài hơn tất cả mọi tặng ân của Ngài. Tội lỗi là một thảm họa không phải vì nó làm cho Thiên Chúa giáng phạt chúng ta, mà vì nó loại trừ Ngài khỏi lòng trí của chúng ta.

5.         Bài Ca Vịnh này hướng mắt chúng ta nhìn lên nhan Thiên Chúa là Cha, kêu gọi chúng ta hãy chúc tụng và ca khen Ngài: “Ngài là Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi, là Cha của chúng tôi”. Người ta cảm thấy ý nghĩa làm con cái đặc biệt như dân Yến Duyên có nhờ tặng ân giao ước, cũng là ý nghĩa làm con cái dọn đường cho mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Thế rồi, nơi Chúa Giêsu, dung nhan của Cha sẽ chiếu soi và tình thương của Ngài sẽ được tỏ hiện.

Ở đây chúng ta có thể nghĩ đến dụ ngôn Người Cha nhân hậu được Phúc Âm Thánh Luca thuật lại. Người Cha chẳng những tỏ ra thứ tha cho người con hoang đàng trở về, mà còn tha thứ bằng cả một tấm lòng thiết tha vô cùng êm ái, hòa với niềm hân hoan và cuộc thiết đãi. “Khi hắn còn ở đàng xa, người cha đã trông thấy hắn và động lòng thương. Ông đã chạy đến với đứa con của mình, ôm chấm lấy hắn mà hôn” (Lk 15:20). Những lời diễn tả của bài Ca Vịnh của chúng ta hợp với hình ảnh cảm động của Phúc Âm. Cần phải bộc lộ lời ca khen và cảm tạ Thiên Chúa: “Vậy giờ đây các người hãy để ý đến những gì Ngài đã làm cho các người và hãy hết lời ca khen Ngài. Chúc tụng Chúa của đức công chính và tôn tụng Đức Vua muôn thế hệ” (câu 7).

(L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 1/8/2001)