Giáo Lý về việc Cầu Nguyện bằng Thánh Vịnh
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
chia sẻ và hướng dẫn trong các buổi triều kiến chung Thứ Tư hằng tuần
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch
Bài 12 (Thứ Tư 22/8/2001)
TÀ TÂM NƠI TỘI NHÂN ĐỐI NGHỊCH VỚI LÒNG LÀNH CỦA THIÊN CHÚA
(Thánh Vịnh 35 [36], Kinh Ban Mai, Ngày Thứ Tư, Tuần Thứ Nhất)
1. Có hai thái độ cốt yếu mà mọi người có thể tỏ ra mỗi khi bắt đầu làm việc một ngày và giao tiếp với nhau, đó là chúng ta có thể chọn sự thiện hay theo sự ác. Thánh Vịnh 35 (36) chúng ta vừa nghe phác ra hai cái nhìn đối nghịch nhau. Trong lúc có người âm mưu gian ác trên “giường ngủ” khi gần chỗi dậy; thì ngược lại cũng có người chính trực tìm kiếm ánh sáng của Thiên Chúa, “nguồn mạch của tất cả mọi sự sống” (câu 10). Vực thẳm của lòng lành Thiên Chúa, một nguồn suối sinh động làm giãn cơn khát của chúng ta và là ánh sáng soi chiếu cõi lòng của chúng ta, ngược lại với vực thẳm tà tâm nơi kẻ tội lỗi.
Có hai loại người được kể đến trong lời cầu của bài Thánh Vịnh vừa đọc, bài Thánh Vịnh cho Phụng Vụ Giờ Kinh Ban Mai của Ngày Thứ Tư trong Tuần Thứ Nhất.
2. Hình ảnh thứ nhất được tác giả Thánh Vịnh cho thấy là hình ảnh của tội nhân (x các câu 2-5). Theo nguyên ngữ Do Thái thì “việc vấp phạm nhủ cùng tội nhân trong đáy lòng họ”, vì nơi lòng của họ có “tiếng nói của tội lỗi” (câu 2). Đây là lời diễn tả mạnh mẽ. Nó khiến chúng ta nghĩ là lời của Satan, đối nghịch với lời thần linh, vang vọng trong tâm hồn cũng như nơi ngôn từ của tội nhân.
Sự dữ như thể được bẩm sinh nơi họ, cho đến nỗi nó thoát ra qua lời nói và việc làm (x các câu 3-4). Ngày ngày họ sống bằng việc chọn theo “những đường lối gian ác”, ngay từ tảng sáng khi họ còn “ở trên giường ngủ của mình” (câu 5), cho đến tối là lúc họ cảm thấy buồn ngủ. Việc họ liên lỉ chọn lựa này phát xuất từ việc chọn lựa liên quan đến cả cuộc đời của họ và là việc chọn lựa sinh ra chết chóc.
3. Tuy nhiên, tác giả Thánh Vịnh hoàn toàn muốn hướng đến một hình ảnh khác là hình ảnh tác giả muốn làm nổi bật lên, đó là hình ảnh của một con người tìm kiếm dung nhan Thiên Chúa (x các câu 6-13). Họ dâng lời ca tiếng hát chân thành xứng hợp chúc tụng tình yêu thần linh (x các câu 6-11), một tình yêu họ theo cho đến cùng, bằng một lời nguyện cầu khiêm cung được thốt lên từ vùng mê hoặc tối tăm của sự dữ và là một lời cầu được vĩnh viễn chiếu soi bởi ánh sáng của ân sủng. Lời nguyện cầu này phát lên một kinh cầu thực sự thích hợp nói lên hình ảnh của một Thiên Chúa tình yêu với những từ ngữ như ân sủng, lòng trung thành, đức công minh, việc phán quyết, ơn cứu độ, bóng bao che, sự viên mãn, nỗi hân hoan và sự sống. Nó đặc biệt nhấn mạnh đến bốn đặc tính thần linh; những đặc tính này, được diễn tả theo ngôn từ Do Thái, có một giá trị sâu xa hơn là được cảm nhận theo các thứ ngôn từ chúng ta dùng theo ngôn ngữ tân thời.
4. Trước hết là từ hésel, tức “ân sủng”, một từ ngữ đồng thời cũng là lòng trung thành, tình yêu thương, đức tín trung và nỗi dịu dàng. Từ này là một trong những hình thức căn bản để diễn tả cho thấy giao ước giữa Chúa và dân của Ngài. Cần phải biết là từ này xuất hiện tất cả 127 lần trong Thánh Vịnh, hơn nửa số lần trong cả Cựu Ước. Rồi tới từ emumáh, phát xuất từ nguyên tự amen, ngôn từ của đức tin, có nghĩa là vững vàng, an toàn, trung thành vô điều kiện. Đến từ Sedeqáh, tức “đức công minh”, một đức công minh mang ý nghĩa cứu độ: đức công minh này là thái độ thánh hảo và quan phòng của Thiên Chúa, Đấng giải thoát kẻ tín nghĩa khỏi sự dữ và bất công bằng việc can thiệp vào lịch sử của mình. Sau hết chúng ta thấy từ mishpát, tức “việc phán quyết” là việc Thiên Chúa tỏ ra cho thấy Ngài cai quản tạo vật của Ngài, khi Ngài chăm sóc kẻ bần cùng và thành phần bị đàn áp, cũng như khi Ngài triệt hạ thành phần hung tàn và thành phần hống hách.
Bốn từ ngữ về thần học này là những từ ngữ mà con người cầu nguyện lập lại nơi việc tuyên xưng đức tin của họ, khi họ đặt chân bước vào những nẻo đường đời, bằng một niềm tin tưởng luôn có bên mình một Vị Thiên Chúa yêu thương, thủy chung, chính trực và cứu độ.
5. Đối với những danh hiệu khác nhau chúng ta sử dụng để tôn tụng Thiên Chúa, tác giả Thánh Vịnh thêm vào hai hình ảnh nổi nang nữa. Một đàng là hình ảnh dồi dào thực phẩm, hình ảnh khiến cho chúng ta trước hết nghĩ đến bữa tiệc thánh, một bữa tiệc được cử hành ở đền thờ Sion với thịt của các vật hy tế. Cũng có các hình ảnh về suối nguồn và thủy triều với những giòng nước làm giãn cơn khát chẳng những nơi cổ họng khô ran mà còn cả linh hồn nữa (xem các câu 9-10; Thánh Vịnh 41: 2-3; 62: 2-6). Chúa làm tươi mới và thỏa mãn con người cầu nguyện, làm cho họ thông phần vào tầm vóc viên mãn của sự sống trường sinh bất tử. Biểu hiệu ánh sáng cho chúng ta thấy một hình ảnh khác, đó là “trong ánh sáng của Chúa chúng con thấy được chính ánh sáng” (câu 10). Nó là một hào quang chiếu tỏa như thể “một thác nước” và như là một dấu hiệu Thiên Chúa tỏ vinh quang của Ngài ra cho kẻ tín nghĩa. Đó là những gì đã xẩy ra cho Moisen trên Núi Sinai (x Ex. 34:29-30), cũng như nó đang xẩy ra cho Kitô hữu ở mức độ là “(chúng ta) đang được biến đổi theo cùng một hình ảnh nơi dung nhan hiện lộ phản ánh vinh hiển của Chúa” (2Cor 3:18).
Theo ngôn ngữ của các bài Thánh Vịnh, “thấy ánh sáng dung nhan Thiên Chúa” một cách cụ thể nghĩa là được gặp gỡ Chúa trong đền thờ, bất cứ khi nào cử hành phụng nguyện và công bố lời Chúa. Kitô hữu cũng chia sẻ cùng một cảm nghiệm này khi họ cử hành việc chúc tụng Chúa vào lúc bắt đầu ngày sống, trước khi họ lên đường chạm trán với những thách đố của cuộc sống thường ngày là cuộc sống không phải bao giờ cũng bình lặng.
(L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 29/8/2001)