Giáo Lý về việc Cầu Nguyện bằng Thánh Vịnh

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II

chia sẻ và hướng dẫn trong các buổi triều kiến chung Thứ Tư hằng tuần

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch

Bài 14 (Thứ Tư 5/9/2001) 

CHÚC TỤNG CHÚA LÀ VUA CẢ TRÊN KHẮP HOÀN CẦU

(Thánh Vịnh 46 [47], Kinh Ban Mai, Ngày Thứ Tư, Tuần Thứ Nhất) 

1.         “Lạy Chúa, Đấng Tối Cao, là Vua cả trên khắp hoàn cầu!”. Tiếng kêu lên khởi đầu này được lập lại bằng nhiều cung điệu khác nhau trong Thánh Vịnh 46 (47), Thánh Vịnh chúng ta vừa nguyện cầu. Thánh Vịnh này được sáng tác như một bản thánh thi dâng lên Vị Chúa thống trị của vũ trụ cũng như của lịch sử: “Thiên Chúa là vua trên khắp cả hoàn cầu... Thiên Chúa cai trị tất cả mọi dân nước” (các câu 8 và 9). Như những sáng tác tương tự khác của Thánh Vịnh (x Ps 92; 95-98), bài thánh thi dâng lên Vị Chúa là vua của thế giới cũng như của nhân loại này mặc lấy một cung cách cử hành phụng vụ. Vì lý do đó, chúng ta đang ở ngay tâm điểm của việc dân Yến Duyên chúc tụng thiêng liêng, một việc chúc tụng dâng lên trời cao từ Đền Thờ, nơi Thiên Chúa vô cùng và hằng hữu tỏ mình ra và gặp gỡ dân Ngài. 

2.         Chúng ta sẽ theo bài ca vịnh hân hoan chúc tụng này tiến vào những giây phút trọng yếu của nó như hai triều sóng của biển khơi tuôn dạt vào bờ. Hai giòng hải triều này khác nhau ở chỗ, chúng cho thấy mối liên hệ giữa dân Yến Duyên và các dân nước. Trong phần đầu của bài thánh vịnh, mối liên hệ này là một mối liên hệ thống trị: Thiên Chúa “đã bắt các dân tộc qui phục chúng ta, Ngài đã đặt các dân nước dưới chân chúng ta” (câu 4); trái lại, ở phần thứ hai, mối liên hệ ấy lại là một mối liên hệ liên kết: “Các vị hoàng gia của các dân tộc tụ họp lại với dân Chúa của Abraham” (câu 10). Người ta có thể thấy được bước tiến bộ cả thể. Nơi phần thứ nhất (x từ câu 2 đến 6), bài thánh vịnh viết: “Hỡi tất cả dân tộc các người, hãy vỗ tay, hãy reo hò Thiên Chúa bằng những tiếng kêu hoan hỉ!” (câu 2). Tâm điểm của cuộc vỗ tay reo mừng này là hình ảnh uy nghi cao cả của Vị Chúa tối cao, Đấng được bài thánh vịnh gán cho ba danh hiệu hiển vinh, đó là “tối cao, cao cả và đáng sợ” (câu 3). Ba danh hiệu này nói lên siêu việt tính của Thiên Chúa, nói lên chủ quyền tuyệt đối của hữu thể, của quyền toàn năng. Chúa Kitô phục sinh sau này cũng đã kêu lên: “Tất cả mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thày” (Mt 28:18).

3.         Nơi chủ quyền phổ quát của Thiên Chúa trên tất cả mọi dân tộc trên trái đất này (x câu 4), tác giả Thánh Vịnh nhấn mạnh đến việc Ngài hiện diện đặc biệt nơi dân Yến Duyên, dân Thiên Chúa tuyển chọn, “thành phần ưu ái”, một gia sản cao quí và thân mến nhất của Ngài (x câu 5). Dân Yến Duyên là đối tượng của tình Thiên Chúa đặc biệt yêu thương, một tình yêu được thể hiện bằng việc chiến thắng các nước đối phương. Trong cuộc đấu tranh này, việc hiện diện của Hòm Bia Giao Ước ở với các quân đoàn của Yến Duyên làm cho họ yên tâm về ơn phù trợ của Thiên Chúa; sau khi chiến thắng, Hòm Bia về lại Núi Sion (x Ps 67 [68]:19) và mọi người hô lên rằng: “Thiên Chúa ngự lên ngai tòa của Ngài giữa hò reo mừng rỡ, Chúa ngự lên giữa tiếng kèn vang” (Ps 46 [47]: 6).

 

4.         Phần thứ hai của bài Thánh Vịnh này (x từ câu 7 đến câu 10) mở ra với một triều sóng chúc tụng khác cùng với lời hoan ca: “Hãy hát khen Thiên Chúa, hãy hát khen; hãy hát khen vua của chúng ta... hãy hát những bài thánh thi chúc tụng!” (các câu 7-8). Cho dù người ta có hát khen Chúa ngự trên ngai tòa của Ngài, Đấng nắm trong tay tất cả chủ quyền (x câu 9). Vương tòa được coi là “thánh”, bởi vì con người hữu hạn và tội lỗi không thể tiến tới đó được. Thế nhưng, Hòm Bia Giao Ước hiện diện nơi cực thánh của Đền Thờ ở Sion cũng là một thiên ngai. Nhờ đó, Vị Thiên Chúa xa cách và siêu việt, thánh hảo và vô cùng, mới gần gũi với tạo vật của Ngài, hòa mình với không gian và thời gian (x 1Kgs 8:27, 30).

5.         Bài thánh vịnh được kết thúc bằng một nhận định lạ lùng có tính cách cởi mở đại đồng: “Các vị hoàng gia của các dân tộc qui tụ lại với dân Chúa của Abraham” (câu 10). Một nhận định trở về với tổ phụ Abraham là gốc nguồn chẳng những của dân Yến Duyên mà còn của cả các dân tộc khác nữa. Sứ mệnh làm cho tất cả mọi dân nước và tất cả mọi văn hóa qui về Chúa được ủy thác cho dân tuyển chọn là giòng dõi của ông, vì Ngài là Thiên Chúa của toàn thể nhân loại. Từ Đông sang Tây nhân loại sẽ qui tụ ở Sion để gặp gỡ vị vua của hòa bình và yêu thương, của hiệp nhất và huynh đệ (x Mt 8:11). Như tiên tri Isaia hy vọng, các dân tộc thù địch nhau sẽ nhận được lời mời gọi là hãy bỏ khí giới xuống và hãy cùng nhau chung sống dưới vương quyền của Thiên Chúa, dưới một thể chế của công lý và hòa bình (x Is 2:2-5). Tất cả mọi người gắn mắt hướng về tân đô Giêrusalem, nơi Chúa “đang ngự đến”, được tỏ hiện trong vinh quang của thần tính Ngài. Sẽ có “một đám đông vô vàn không ai đếm nổi từ mọi đất nước, mọi sắc chủng, mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ mà đến... họ lớn tiếng kêu lên: Ơn cứu độ thuộc về Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai của mình, cũng như thuộc về Con Chiên” (Rev 7:9-10).

6.         Bức Thư gửi Giáo Đoàn Êphêsô thấy được việc hiện thực của lời tiên tri này nơi mầu nhiệm Chúa Kitô Cứu Thế, khi xác nhận với Kitô hữu không thuộc về Do Thái giáo là: “Anh em hãy nhớ rằng dân ngoại anh em từ bẩm sinh ... vốn không thuộc về Chúa Kitô, không có quyền công dân Yến Duyên, ở ngoài giao ước của lời hứa, không biết hy vọng và không biết đến Thiên Chúa trên thế gian này là gì. Thế mà, giờ đây, trong Chúa Giêsu Kitô, anh em là những người vốn xa lạ nay bởi máu của Chúa Kitô đã được mang lại gần. Thật vậy, Người là bình an của chúng ta, Người là Đấng làm cho cả hai nên một dân tộc, khi phá hủy đi bức tường thù nghịch cách ngăn” (2:1-14).

Bởi thế, trong Chúa Kitô, vương quyền của Thiên Chúa, như bài thánh vịnh của chúng ta xướng lên, được hiện thực trên thế gian nơi cuộc gặp gỡ của tất cả mọi dân tộc. Đó là cách dẫn giải về mầu nhiệm này của một bài giảng vô danh vào thế kỷ thứ tám: “Cho đến khi Đấng Thiên Sai là niềm hy vọng của các dân nước đến, các Dân Ngoại không biết tôn thờ Thiên Chúa và không biết Ngài là ai. Cho đến khi Đấng Thiên Sai cứu chuộc họ, Thiên Chúa không cai trị các dân nước bằng việc họ tuân phục và tôn thờ Ngài. Giờ đây, bằng Lời của mình cũng như bằng Thần Linh của mình, Thiên Chúa mới cai trị họ, vì Ngài đã cứu họ khỏi lừa đảo và biến họ thành bạn hữu của Ngài” (Anonymous Palestinian, Arab-Christian Homily of the Eighth Century, Rome 1994, p. 100).

(L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 12/9/2001)