Giáo Lý về việc Cầu Nguyện bằng Thánh Vịnh
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
chia sẻ và hướng dẫn trong các buổi triều kiến chung Thứ Tư hằng tuần
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch
Bài 15 (Thứ Tư 12/9/2001)
CHÚA LUÔN ĐỨNG VỀ BÊN KẺ TÍN NGHĨA
(Thánh Vịnh 56 [57], Kinh Ban Mai, Ngày Thứ Năm, Tuần Thứ Nhất)
1. Bấy giờ là một đêm tối; những con dã thú hung dữ như đang lẩn quẩn đâu đó. Con người cầu nguyện ở đây đang đợi chờ hừng đông lên cho ánh sáng phá tan âm u và sợ hãi. Bối cảnh của bài Thánh Vịnh 56 (57) chúng ta đang suy niệm hôm nay là như thế. Bài Thánh Vịnh này là một lời kinh đêm được con người cầu nguyện đây dâng lên vào lúc bình minh của một ngày sống, một bình minh được ngong ngóng đợi chờ, để có thể hân hoan chúc tụng Chúa (x các câu 9-12). Thật vậy, bài thánh vịnh đi từ lời than van thảm thiết ngỏ cùng Thiên Chúa tiến đến niềm hy vọng an bình cùng với một nỗi vui mừng cảm tạ, một nỗi niềm vang lên những lời lẽ cũng được lập lại trong một bài thánh vịnh khác (x 107 [108]: 2-6).
Thực thế, con người cần phải vượt qua từ sợ hãi đến vui mừng, từ đêm tối đến ngày sống, từ ác mộng đến an bình, từ khẩn nguyện đến chúc tụng. Đó là một cảm nghiệm thường được Thánh Vịnh nói đến: “Ngài đã biến cảnh than khóc của tôi thành ca mừng, Ngài đã lột bỏ áo khổ hạnh để mặc cho tôi nỗi hân hoan. Tôi không ngừng hát khen chúc tụng Chúa với cả con người tôi. Lạy Chúa là Thiên Chúa của tôi, muôn đời tôi sẽ tri ân cảm tạ Chúa” (Ps 29:12-13).
2. Thánh Vịnh 56 (57) chúng ta đang suy niệm đây có hai phần. Phần thứ nhất là cảm nghiệm sợ hãi trước cuộc tấn công của sự dữ là những gì muốn tấn công kẻ công chính (x các câu 2-7). Ở giữa cảnh tượng này có những con sư tử rình chờ tấn công. Hình ảnh này chẳng mấy chốc biến thành một bức tranh chiến tranh, toàn là những đao thương, cung tên và gươm giáo. Con người cầu nguyện ở đây cảm thấy mình bị tấn công bởi một thứ đạo quân tử thần. Chung quanh họ là một lũ săn bắt đặt cạm bẫy và hầm hố bắt mồi. Thế nhưng, cảnh tượng căng thẳng này đột nhiên bị giải tỏa. Thật thế, ngay từ đầu (xem câu 2) đã xuất hiện những cánh thần linh cho thấy có một sự bao che bảo vệ, một sự bao che bảo vệ ám chỉ đặc biệt đến Hòm Bia Giao Ước có thần Cherubim tỏa cánh, dấu hiệu Thiên Chúa hiện diện giữa kẻ tín nghĩa của Ngài nơi đền thánh ở Núi Sion.
3. Con người cầu nguyện ở đây thiết tha xin Thiên Chúa từ trời sai đến những vị sứ giả được Ngài gán cho những danh hiệu tiêu biểu như “Tín Đức” và “Aân Sủng” (câu 4), những tính chất xứng hợp với tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Vì lý do đó, cho dù ngay cả lúc Ngài làm cho những con dã thú gầm thét phải khiếp đảm và những kẻ bách hại phải kinh hồn thì kẻ tín trung trong lòng vẫn an bình và tin tưởng, như Đaniên trong hang sư tử vậy (xem Dn 6:17-25).
Việc Thiên Chúa không trì hoãn ra mặt của Ngài, ở chỗ, việc Ngài ra mặt này cho thấy cái tác hiệu làm cho đối phương của Ngài phải tự chuốc lấy cho họ án phạt, khi họ bị rơi ngay xuống hố do họ đào ra để đánh bẫy người công chính (xem câu 7). Niềm tin tưởng cậy trông như vậy, một niềm tin cậy luôn được bộc lộ nơi Thánh Vịnh, làm biến tan nỗi thất đảm và sự qui hàng quyền lực sự dữ. Không sớm thì muộn Thiên Chúa cũng đứng về bên hàng ngũ người tín nghĩa, bằng cách đảo lộn những kế hoạch của kẻ gian ác, lột trần những ý đồ xấu xa của họ.
4. Bây giờ chúng ta tiến sang phần thứ hai của bài Thánh Vịnh, phần tri ân cảm tạ (xem các câu 8-12). Một luồng sáng mãnh liệt và tuyệt vời hiện lên, đó là “Lòng tôi kiên vững, Ôi Thiên Chúa, lòng tôi kiên vững. Tôi sẽ xướng hát ca lên. Hồn tôi ơi hãy thức dậy đi. Hãy thức dậy đi nào thụ cầm và thất huyền cầm. Tôi sẽ đánh thức hừng đông dậy” (các câu 8-9). Bấy giờ tối tăm đã bị tan biến, ở chỗ bình minh cứu độ đã làm cho bài ca của con người cầu nguyện đây khởi sắc.
Aùp dụng hình ảnh này vào mình, vị Tác Giả Thánh Vịnh như muốn chuyển dịch nó thành những kiểu tượng hình của Thánh Kinh, một kiểu tượng hình thật là độc thần, một tập tục của những vị tư tế người Ai Cập hay người Phoenicia, những vị có trách nhiệm “đánh thức bình minh”, có trách nhiệm làm cho mặt trời tái hiện, vì mặt trời được coi như một vị thần phước lộc. Vị Tác Giả Thánh Vịnh còn đề cập đến việc treo cất đi những nhạc cụ vào lúc khóc than và thử thách (xem Ps 136 [137]: 2), cũng như đến việc “đánh thức” chúng dậy để chúng vang lên tiếng hân hoan vào những lúc được giải phóng và vui mừng. Phụng vụ bừng lên niềm hy vọng, đó là việc con người hướng về Thiên Chúa, xin Ngài đến với dân Ngài một lần nữa, cũng như xin Ngài hãy nhậm lời họ nguyện cầu. Bình minh trong Thánh Vịnh thường là lúc Thiên Chúa ban hồng ân sau đêm tối nguyện cầu.
5. Bài Thánh Vịnh kết thúc bằng một bài thánh thi chúc tụng Chúa, Đấng đã hoạt động với hai phẩm tính cứu độ cao cả của Ngài, hai phẩm tính cứu độ được diễn tả bằng những danh hiệu khác nhau nơi phần khẩn cầu thứ nhất (xem câu 4). Bởi vậy, được nhân cách hóa một cách tượng trưng, Thiện Hảo Tính và Tín Trung Tính thần linh đã nhập cuộc. Hai tính chất này hiện diện tràn đầy các tầng trời và như một thứ ánh sáng chiếu trong tăm tối của những cuộc thử thách và bách hại (xem câu 11). Vì lý do này, truyền thống Kitô giáo đã dùng Thánh Vịnh 56 (57) như là một ca vịnh thao thức để đón mừng ánh sáng và niềm vui của Lễ Phục Sinh, một thứ ánh sáng và niềm vui đẩy lui nỗi sợ hãi chết chóc và mở ra chân trời hiển vinh thiên quốc cho người tín hữu.
6. Thánh Grêgôriô Nyssa đã khám phá thấy nơi những lời của bài Thánh Vịnh này một loại thể thức chung về những gì xẩy ra làm ai cũng cảm thấy nhận thức được sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Thánh nhân kêu lên: “Thật vậy, Ngài đã cứu độ tôi khi bao phủ tôi bằng mây Thần Linh, và những ai giầy đạp tôi đều bị bẽ bàng hổ ngươi” (Theo bản dịch Latinh Về Những Danh Hiệu của Các Bài Thánh Vịnh”, Rôma, 1994, trang 183).
Sau đó, trích lại những lời diễn đạt ở cuối bài Thánh Vịnh, chỗ có câu “Ôi Thiên Chúa, xin hãy thượng tôn trên các tầng trời. Chớ gì vinh quang của Chúa tỏa xuống trên trái đất”, thánh nhân kết thúc: “Khi vinh quang Thiên Chúa tỏa rạng trên trái đất, sáng tỏ nơi đức tin của những ai được cứu độ, là lúc các quyền lực trên trời tôn tụng Thiên Chúa, hoan hỉ vì ơn cứu độ của chúng ta” (cùng nguồn vừa dẫn trang 184).
(L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 19/9/2001)