Giáo Lý về việc Cầu Nguyện bằng Thánh Vịnh
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
chia sẻ và hướng dẫn trong các buổi triều kiến chung Thứ Tư hằng tuần
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch
Bài 4 (Thứ Tư 2/5/2001)
HẾT MỌI TẠO VẬT HÃY CHÚC TỤNG CHÚA
(Ca Vịnh Đaniên, Kinh Ban Mai, Chúa Nhật, Tuần Thứ Nhất và Thứ Ba)
1. “Tất cả mọi công việc của Chúa hãy chúc tụng Chúa” (Dn 3:57). Chiều kích về vũ trụ thấm đậm Bài Ca Vịnh được trích từ Sách Đaniên này, bài ca vịnh giành cho Phụng Vụ Giờ Kinh Ban Mai Chúa Nhật của tuần thứ nhất và thứ ba. Lời kinh nguyện giống như kinh cầu tuyệt diệu này rất hợp với những Ngày của Chúa, Dies Domini, là ngày giúp chúng ta chiêm ngưỡng nơi Chúa Kitô phục sinh mức độ tuyệt đỉnh của dự án Thiên Chúa đối với vũ trụ và lịch sử. Thật vậy, nơi Ngài là Alpha và Omega, là nguyên thủy và là cùng đích của lịch sử (x Rev 22:13), chính tạo vật đạt được toàn vẹn ý nghĩa của mình, vì, như Thánh Gioan gợi lại trong Lời Mở Đầu Phúc Aâm của mình, “nhờ Người mà tất cả mọi sự được tạo thành” (1:3). Lịch sử cứu độ đạt đến tuyệt đỉnh nơi biến cố phục sinh của Chúa Kitô, một biến cố đưa sự sống con người đến tặng ân Thần Linh và ơn làm con cái nam nữ thừa nhận của Thiên Chúa, trong khi chờ đợi Vị Hôn Phu thần linh là Đấng sẽ dâng thế giới về lại cho Thiên Chúa Cha (x 1Cor 15:24).
2. Qua đoạn văn ca vịnh theo hình thức của một kinh cầu này, ánh mắt của chúng ta như thể duyệt lại tất cả mọi sự. Nhãn giới của chúng ta nhắm đến mặt trời, mặt trăng cùng các vì tinh tú; đậu trên những giòng nước mênh mông vươn trải, hướng lên những ngọn núi đồi, lân la với những yếu tố sung sức khác nhau của thời tiếøt; lướt qua từ nóng đến lạnh, từ quang sáng đến tối tăm; quan sát thế giới khoáng chất và thực vật, chú ý tới các loại thú vật khác nhau. Thế rồi, lời mời gọi của bài ca vịnh trở nên phổ quát, ở chỗ, nó liên quan đến các thần trời, tiến đến tất cả mọi “người con cái nhân loài”, nhất là bao gồm Yến Duyên Dân Chúa, các vị tư tế và những vị thánh nhân. Đây là một ca đoàn vĩ đại, một cuộc hòa tấu các thứ tiếng khác biệt để chung lời chúc tụng Thiên Chúa, Vị Hóa Công của vũ trụ và là Chúa của lịch sử. Nếu cầu nguyện theo chiều hướng mạc khải Kitô giáo, thì lời nguyện này là lời nguyện được ngỏ cùng Thiên Chúa Ba Ngôi, như phụng vụ kêu mời chúng ta thực hiện bằng việc thêm công thức Ba Ngôi vào Bài Ca Vịnh: “Chúng ta hãy ca ngợi Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.
3. Cái hồn phổ quát của tôn giáo, theo một ý nghĩa nào đó, cũng được phản ảnh nơi Bài Ca Vịnh này, một cái hồn nhìn thấy được dấu vết của Thiên Chúa nơi thế giới để hướng lòng lên chiêm ngưỡng Đấng Hóa Công. Tuy nhiên, trong khung cảnh của Sách Đaniên, bài thánh ca này được viết lên như là một lời tri ân cảm tạ của ba người trẻ Do Thái, Hanania, Adaria và Mitsaeo, những người bị kết tội hỏa thiêu trong lò lửa vì không chịu tôn thờ tượng vàng Nêbucanêsa, song lại được gìn giữ khỏi bị lửa thiêu một cách lạ lùng. Bối cảnh của biến cố này cho thấy lịch sử cứu độ đặc biệt, một lịch sử Thiên Chúa tuyển chọn Dân Yến Duyên làm dân của Ngài và thiết lập giao ước với họ. Chính giao ước này là những gì ba người trẻ Do Thái muốn trung thành đáp ứng, cho dù có phải trả bằng giá tử đạo trong lò lửa chăng nữa. Lòng trung thành của họ gặp được lòng thủy chung của Thiên Chúa, Đấng đã sai thiên thần đến gìn giữ họ khỏi bị lửa thiêu (x. 3:49).
Trong cung cách ấy, Bài Ca Vịnh này đã rập theo khuôn mẫu của các bài ca ngợi trong Cựu Ước đối với những cơn hiểm nguy vô lối thoát. Trong số các bài ca ngợi này là bài ca chiến thắng nổi tiếng được ghi lại trong chương 15 của Sách Xuất Hành, bài ca ngợi nói lên lòng Người Do Thái xưa tri ân Chúa về cái đêm họ không thể nào thoát được quân đội của Pharaô, song Thiên Chúa đã mở đường cho họ, bằng cách phân rẽ các giòng nước và nhận chìm “ngựa và kỵ binh… vào lòng biển cả” (Ex 15:1).
4. Không phải là ngẫu nhiên mà trong Đêm Vọng Lễ Phục Sinh trọng thể, phụng vụ hằng mong muốn chúng ta lập lại bài thánh ca được Dân Do Thái hát lên trong Cuộc Xuất Ai Cập này. Con đường được mở ra cho họ tiên báo một con đường mới Chúa Kitô phục sinh khai mào cho nhân loại vào đêm thánh Người phục sinh từ trong cõi chết. Cuộc vượt qua tiêu biểu của chúng ta từ nước của Phép Rửa làm cho chúng ta tái cảm nghiệm được cuộc vượt qua từ sự chết đến sự sống, nhờ việc Chúa Giêsu chiến thắng tử thần cho thiện ích của tất cả chúng ta.
Bằng việc lập lại Bài Ca Vịnh này của ba người trẻ Do Thái trong phụng vụ Giờ Kinh Ban Mai của Chúa Nhật, thành phần môn đệ theo Chúa Kitô chúng ta muốn được cuốn theo triều sóng tri ân trước những việc làm cao cả Thiên Chúa đã thực hiện nơi tạo vật, nhất là nơi mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô.
Thật vậy, Kitô hữu nhận thấy có một mối liên hệ giữa việc giải cứu ba người trẻ được đề cập đến trong Bài Ca Vịnh này với việc phục sinh của Chúa Giêsu. Trong việc phục sinh của Chúa Giêsu, Sách Tông Vụ có sẵn lời nguyện cho tín hữu tin tưởng ca lên như tác giả Thánh Vịnh là: “Ngài sẽ không bỏ rơi linh hồn tôi trong âm phủ, cũng không để Đấng Thánh của Ngài trải qua tình trạng bị hủy hoại” (Acts 2:27; Ps 15:10).
Chính truyền thống đã liên kết Bài Ca Vịnh này với biến cố Phục Sinh. Một số bản văn cổ thời cho thấy sự hiện diện của bản thánh ca này nơi kinh nguyện cho Chúa Nhật, Lễ Phục Sinh hằng tuần của Kitô hữu. Hơn nữa, những bức họa hình hài cho thấy ba người trẻ đang cầu nguyện bình thản giữa ngọn lửa cũng được tìm thấy nơi các hang toại đạo ở Rôma nữa, nhờ đó đã chứng thực tính cách hiệu nghiệm của lời nguyện cũng như tính cách chắc chắn về việc Chúa can thiệp.
5. “Chúc tụng Chúa là Đấng muôn đời đáng ca ngợi và hiển vinh trên tầng trời” (Dn 3:56). Trong việc hát lên bản thánh ca này vào Chúa Nhật, Kitô hữu cảm nhận được lòng tri ân, chẳng những vì tặng ân được tạo thành mà còn vì chúng ta là những kẻ được Thiên Chúa chăm sóc theo tình phụ thân, Đấng đã nâng chúng ta lên phẩm vị làm con cái nam nữ của Ngài trong Chúa Kitô.
Việc Thiên Chúa chăm sóc chúng ta bằng tình phụ thân khiến chúng ta thấy thiên nhiên tạo vật với một cái nhìn mới mẻ và vẻ đẹp ngỡ ngàng của nó hiến cho chúng ta một dấu chỉ cao sang để chúng ta thoáng thấy được tình yêu của Ngài. Bằng những cảm quan này, Thánh Phanxicô Assisi đã chiêm ngưỡng tạo vật và dâng lời chúc tụng Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch tối hậu của tất cả mọi vẻ mỹ lệ. Cũng dễ hiểu thôi khi thấy các lời nguyện của bài Thánh Kinh này được âm vang nơi linh hồn của thánh nhân lúc ngài ở San Damiano, lúc ngài sáng tác “Khúc Ca Vầng Dương Huynh”, sau khi ngài đã chịu đựng đến tột cùng khổ đau về cả thể lý lẫn tâm linh (x Fonti Francescane, 263).
(L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 9/5/2001)