Giáo Lý về việc Cầu Nguyện bằng Thánh Vịnh

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II

chia sẻ và hướng dẫn trong các buổi triều kiến chung Thứ Tư hằng tuần

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch

 

Bài 5 (Thứ Tư 23/5/2001) 

CHÚA ĐỘI TRIỀU THIÊN CỨU ĐỘ CHO NGƯỜI NGHÈO KHÓ

(Thánh Vịnh 149, Kinh Ban Mai, Chúa Nhật, Tuần Thứ Nhất) 

1.         “Người trung nghĩa hãy rạng ngời hớn hở, hãy tỉnh giấc hân hoan chỗi dậy”. Thứ tự anh chị em vừa nghe nơi Thánh Vịnh 149 cho thấy một hừng đông đang lên và thành phần trung nghĩa sửa soạn hát lời chúc tụng vào lúc ban mai. Với cụm từ gợi ý ở câu thứ nhất, bài ca chúc tụng này của họ được gọi là “một bài ca mới”, một thánh thi trang trọng và vẹn toàn, vẹn toàn đối với những ngày sau hết, những ngày Chúa sẽ qui tụ thành phần công chính lại trong một thế giới được đổi mới. Cả một bầu không khí vui mừng tràn ngập toàn bài Thánh Vịnh này; bài Thánh Vịnh bắt đầu bằng lời Alleluia được xướng lên, tiếp đến là lời ca khen, chúc tụng, niềm hân hoan, tác động nhảy múa, tiếng đàn tiếng trống. Bài Thánh Vịnh này gợi hứng cho tấm lòng đầy hoan hỉ đạo hạnh dâng lên lời cầu tạ ơn.

2.         Những vai chính trong bài Thánh Vịnh, theo bản văn gốc Do Thái, được gán cho hai chữ bắt nguồn từ nền linh đạo Cựu Ước. Ba lần họ được gọi là Hasidim (ở các câu 1, 5, 9), tức là “những người trung nghĩa đạo hạnh”, thành phần trung thành và ưu ái (hesed) đáp lại tình yêu phụ thân của Chúa.

Phần thứ hai của bài Thánh Vịnh gợi lên những ngỡ ngàng, vì phần này chất chứa đầy những cảm giác đấu tranh. Lạ lùng ở chỗ, cũng trong cùng một câu mà bài Thánh Vịnh lại bao gồm cả “những lời chúc tụng Thiên Chúa trên môi miệng” lẫn “thanh gươm hai lưỡi ở trong tay họ” (câu 6). Có suy niệm chúng ta mới hiểu được tại sao bài Thánh Vịnh được viết lên cho người “trung nghĩa” sử dụng, thành phần dấn thân đấu tranh cho việc giải phóng; họ tranh đấu để giải thoát đám dân chúng bị áp bức, cho những người này có cơ hội phụng sự Thiên Chúa. Trong thời Macabê, ở vào thế kỷ thứ hai trước Chúa Giáng Sinh, những ai chiến đấu cho tự do và niềm tin, những người phải trải qua một cuộc đàn áp dữ dội dưới quyền lực của Hellenistic, đều được gọi là Hasidim, những người trung thành với Lời Thiên Chúa và truyền thống của cha ông họ.

3.         Theo quan điểm hiện tại của lời chúng ta cầu nguyện đây thì biểu hiệu tranh đấu này trở thành hình ảnh dấn thân của người tín hữu, thành phần hát lời chúc tụng Thiên Chúa vào buổi ban mai, để rồi sau đó họ đã ra đi khắp các nẻo đường thế giới, lọt vào giữa lòng sự dữ và bất công. Bất hạnh thay, có những lực lượng mãnh liệt dàn trận chống lại Vương Quốc của Thiên Chúa, đó là “các dân tộc, các đất nước, các vị thủ lãnh và các bậc vị vọng” được tác giả Thánh Vịnh nói tới. Tuy nhiên, người tín hữu vẫn tin tưởng, vì họ biết rằng họ có Chúa ở với, Đấng là chủ tể của lịch sử (câu 2). Việc họ chiến thắng sự dữ là điều chắc chắn, và cả cuộc khải hoàn của tình yêu cũng thế. Tất cả thành phần hasidim đều tham dự vào cuộc chiến này, họ là thành phần trung nghĩa và chính trực, những người, bằng quyền năng của Thần Linh, làm cho công cuộc lạ lùng được gọi là Vương Quốc Thiên Chúa nên trọn.

4.         Thánh Aâu Quốc Tinh, bắt đầu từ các chi tiết về “ca đoàn” và “đàn trống” trong bài Thánh Vịnh, đã dẫn giải thế này: “Ca đoàn tiêu biểu cho những gì?... Ca đoàn là một nhóm ca viên cùng nhau hát. Nếu chúng ta hát trong một ca đoàn, chúng ta phải hát cho đều. Khi hát chung trong một ca đoàn, một tiếng hát lạc giọng sẽ làm cho người nghe chói tai và khiến cho cả ca đoàn bị lộn xộn” (Enarr. In Ps. 149; CCL 40, 7, 1-4).

Đối chiếu các nhạc cụ được đề cập đến trong bài Thánh Vịnh, thánh nhân còn đặt vấn đề: “Tại sao tác giả Thánh Vịnh cầm trong tay cả trống lẫn đàn?” Ngài trả lời là, “vì chúng ta chúc tụng Chúa không phải chỉ bằng giọng nói mà còn bằng cả việc làm của chúng ta nữa. Một khi chúng ta cầm đàn trống lên thì đôi tay của chúng ta phải ăn khớp với gióng nói. Anh em cũng thế. Một khi anh em hát lời Alleluia thì anh em cũng phải cho người nghèo bánh ăn nữa, cho người trần truồng áo mặc nữa, cho người lữ khách chỗ trọ nữa. Nếu anh em thực hiện như thế thì chẳng những tiếng anh em hát lên mà cả đôi tay của anh em cũng hợp với giọng hát của anh em nữa, vì việc làm ăn khớp với lời nói” (cùng nguồn, 8, 1-4).

5.         Chúng ta còn sử dụng chữ thứ hai để gọi những ai cầu nguyện trong bài Thánh Vịnh này, đó là chữ anawim, “những người nghèo hèn” (câu 4). Nơi Thánh Vịnh thường có những cách diễn đạt ngược đảo. Thánh Vịnh chẳng những nói đến thành phần bị áp bức, cùng khổ, bị bách hại vì đức công chính, mà còn nói đến cả những ai, vì trung thành với giáo huấn luân lý của Nhóm Liên Minh với Thiên Chúa, bị loại trừ bởi những kẻ ưa thích cậy dựa vào võ lực, giầu sang và quyền bính. Theo ý nghĩa này, người ta hiểu được rằng, hạng “người nghèo” không phải chỉ là một hạng người trong xã hội, mà còn là một chọn lựa tâm linh nữa. Đó là những gì Mối Phúc Đức thứ nhất nói đến: “Phúc cho người nghèo khó trong tinh thần, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:3). Tiên tri Zephaniah đã nói về thành phần anawim như là những con người đặc biệt thế này: “Hãy tìm kiếm Chúa, hỡi tất cả anh em hèn kém trong lãnh thổ, thành phần thi hành các mệnh lệnh của Ngài; hãy tìm kiếm đức chính trực, tìm kiếm đức khiêm cung; anh em mới có thể nhờ đó tránh được ngày thịnh nộ của Chúa” (2, 3).

6.         “Ngày thịnh nộ của Chúa” thực sự là ngày được diễn tả trong phần thứ hai của bài Thánh Vịnh, khi thành phần “nghèo” được vào hàng ngũ của Thiên Chúa để chống lại sự dữ. Tự mình, họ không đủ sức mạnh, hay đủ vũ khí, hoặc đủ những chiến thuật cần thiết để chống lại cuộc tấn công hung tàn của sự dữ. Tuy nhiên, vị tác giả Thánh Vịnh đã không lưỡng lự cho rằng: “Chúa yêu thương dân Ngài, Ngài cho kẻ thấp hèn (anawim) được chiến thắng vẻ vang” (câu 4). Những gì Thánh Phaolô viết cho các Kitô hữu Côrintô đã làm trọn bức họa trên đây: “Thiên Chúa đã chọn những gì là hèn kém và bị thế gian khinh thường, ngay cả những cái chẳng là gì, để làm cho những cái là gì trở thành chẳng là gì” (1Cor 1:28).

Với một lòng tin tưởng cậy trông như vậy, “con cái Sion” (câu 2), thành phần hasidim anawim, thành phần trung nghĩa và nghèo hèn, tiếp tục sống chứng từ của mình trong thế giới và theo giòng lịch sử. Ca vịnh Magnificat Ngợi Khen của Mẹ Maria trong Phúc Aâm Thánh Luca là tiếng vang của những cảm quan đẹp nhất nơi “con cái Sion”, một ca vịnh hân hoan chúc tụng Thiên Chúa, Đấng cứu độ của Mẹ, một ca vịnh tạ ơn về những điều cao cả Đấng Toàn Năng đã thực hiện, về việc Ngài ra tay chống lại các lực lượng sự dữ, về việc Ngài liên kết với người nghèo khó, và về lòng trung thành của Vị Thiên Chúa của Giao Ước (x 1:46-55).

 (L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 30/5/2001)