Giáo Lý về việc Cầu Nguyện bằng Thánh Vịnh
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
chia sẻ và hướng dẫn trong các buổi triều kiến chung Thứ Tư hằng tuần
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch
Bài 8 (Thứ Tư 13/6/2001)
CHÚA LONG TRỌNG CÔNG BỐ LỜI CỦA NGÀI
(Thánh Vịnh 28 [29], Kinh Ban Mai, Ngày Thứ Hai, Tuần Thứ Nhất)
1. Có một số nhà chuyên gia coi Thánh Vịnh 28 chúng ta vừa mới nghe như là một trong những đoạn văn cổ nhất của Sách Thánh Vịnh. Có một hình ảnh mãnh liệt liên kết Thánh Vịnh này với việc biểu lộ bằng thi ca và nguyện cầu của mình: ở chỗ chúng ta đối diện với một cơn bão tố càng ngày càng hoành hành. Chữ qol trong tiếng Do Thái có ý nghĩa cả về “tiếng nói” lẫn “sấm xét”, được lập lại ở đầu những câu chính, tạo nên một cảnh căng thẳng dồn dập nơi bài Thánh Vịnh. Vì lý do này những nhà chú giải đã gọi bài Thánh Vịnh của chúng ta đây là “bài Thánh Vịnh thất sấm trận”, tính theo số lần vang vọng chữ sấm xét này. Thật vậy, người ta có thể nói rằng tác giả Thánh Vịnh đã nghĩ đến sấm xét như là một biểu hiệu của tiếng nói thần linh, nơi mầu nhiệm siêu việt và bất khả thấu của tiếng nói này, một tiếng nói vang vào thực tại tạo vật để làm cho nó bàng hoàng và kinh hãi, nhưng cũng là một tiếng nói, theo ý nghĩa sâu xa nhất của mình, lại là một tiếng nói bình an và thái hòa. Người ta nghĩ đến đoạn 12 của Phúc Âm Thứ Bốn là đoạn đề cập đến tiếng nói từ trời đáp lời Chúa Giêsu được dân chúng cho như là tiếng sấm (x Jn 12:28-29).
Trong việc sử dụng Thánh Vịnh 28 làm Kinh Ban Mai, Phụng Vụ Giờ Kinh muốn mời gọi chúng ta hãy mặc lấy thái độ tôn thờ Uy Nghi thần linh cách sâu thẳm và tin tưởng.
2. Vị xướng hát Thánh Kinh đã dẫn đưa chúng ta đến hai giây phút và hai địa điểm. Ở giữa (các câu 3-9) hai giây phút và hai địa điểm này, chúng ta thấy có đoạn về trận bão tố nổi lên từ “các giòng nước mênh mông” của Địa Trung Hải. Trước mắt của con người Thánh Kinh này thì các giòng nước biển cả ấy trở thành những xao động tấn công vẻ đẹp và huy hoàng của thiên nhiên tạo vật, làm soi mòn, tàn phá và hủy hoại nó. Bởi thế, khi quan sát bão tố nổi lên, nguòi ta mới thấy được quyền năng vô biên của Thiên Chúa. Con người cầu nguyện thấy cơn bão tố tiến lên hướng bắc và tàn phá đất liền. Những cây trắc bá Libanon và Núi Sirion, đôi khi cũng được gọi là Núi Hermon, bị xét đánh và như thể bật lên như những con thú hoảng sợ dưới những trận sấm xét. Những vang động càng gần hơn, băng ngang qua toàn cõi Thánh Địa, rồi chuyển xuống phía nam, đến những miền đất hoang vu xứ Kades.
3. Sau bức tranh chuyển động và căng thẳng mãnh liệt này, chúng ta được mời gọi chiêm ngưỡng một cảnh khác trái ngược lại, một cảnh được phác tả ở đầu và ở cuối bài Thánh Vịnh (các câu 1-2 và 9b-11). Cơn buồn thảm và nỗi sợ hãi giờ đây được đối lại bằng việc tôn vinh thờ lạy Thiên Chúa trong đền thờ ở Sion.
Hầu như có một luồng truyền thông liên kết cung thánh Giêrusalem với cung thánh thiên đình, ở chỗ, cả hai nơi thánh này đều có an bình và lời ngợi ca chúc tụng vinh quang thần linh. Tiếng sấm xét điếc tai nhường chỗ cho cảnh an hòa của tiếng hát phụng vụ, nỗi kinh hoàng nhường chỗ cho nỗi vững tâm tin tưởng nơi sự bảo vệ thần linh. Bấy giờ Thiên Chúa mới xuất hiện “ngự trên lụt lội” như “Đức Vua muôn thuở” (câu 10), tức như Vị Chúa Tể và là Đấng Thống Trị của tất cả mọi tạo vật.
4. Trước hai cảnh tượng đối nghịch nhau này, con người cầu nguyện được mời gọi chia sẻ một cảm nghiệm lưỡng diện. Trước hết, họ phải nhận ra mầu nhiệm Thiên Chúa, một mầu nhiệm được diễn tả nơi biểu hiệu bão tố, một mầu nhiệm con người không thể thấu triệt hay làm chủ. Như Tiên Tri Isaia lên tiếng hát, Chúa như luồng xét đánh, hay như cơn bão tố nổi lên trong lịch sử loài người, gieo hoảng hốt cho kẻ hư hoại cũng như cho thành phần đàn áp. Một khi Ngài phán quyết thì những đối phương kiêu hãnh của Ngài sẽ bật gốc lên như cây cối bị bão táp đánh đổ, hay như các cây trắc bá trở nên xác sơ trước cơn thịnh nộ thần linh (x Is 14:7-8).
Những gì đã được thấy rõ ràng nơi ý nghĩa này cũng là những gì đã được nhà tư tưởng tân thời (Rudolph Otto) diễn tả như là tremendum của Thiên Chúa, tức là siêu việt tính khôn lường và sự hiện diện của Ngài như một quan án công minh trong lịch sử loài người. Lịch sử loài người đừng hòng việc chống lại được quyền năng tối thượng của Ngài. Trong ca vịnh Ngợi Khen, Mẹ Maria cũng đã tôn tụng khía cạnh tác hành này của Thiên Chúa: “Ngài đã ra tay uy quyền, đánh tan người kiêu ngạo với ý nghĩ kiêu căng của họ; Ngài đã hạ người quyền hành xuống khỏi ngai tòa của họ” (Lk 1:51-52a).
5. Tuy nhiên, bài Thánh Vịnh cũng cho chúng ta thấy một khía cạnh khác của dung nhan Thiên Chúa, khía cạnh được khám phá ra nơi niềm thân mật nguyện cầu cũng như nơi việc cử hành phụng vụ. Theo nhà tư tưởng trên đây, đó là khía cạnh fascinosum của Thiên Chúa, tức khía cạnh say mê phát tỏa ra từ ân sủng của Ngài, một mầu nhiệm yêu thương được tuôn đổ xuống trên người trung hiếu, một niềm phúc lộc tin tưởng an tâm giành cho kẻ công chính. Dù có phải đối diện với những biến động của sự dữ, với những cơn bão tố của lịch sử, cũng như với chính cơn thịnh nộ của đức công minh thần linh, con người cầu nguyện vẫn cảm thấy bình an, vẫn được bao che trong chiếc áo choàng bảo vệ do Đấng Quan Phòng ban cho những ai chúc tụng Thiên Chúa và đi theo đường lối của Ngài. Qua việc cầu nguyện, chúng ta biết rằng điều Thiên Chúa thực sự ước muốn đó là ban bình an cho chúng ta. Nơi đền thánh, nỗi lo âu của chúng ta được xoa dịu và nỗi kinh hoàng của chúng ta bị loại trừ; chúng ta tham dự vào phụng vụ thiên quốc cùng với tất cả “con cái Thiên Chúa”, các thiên thần và các thánh nhân. Thế rồi, sau cơn bão tố, hình ảnh hủy hoại như một trận lụt cả thể gây nên do loài người gian manh, giờ đây lại xuất hiện trên bầu trời một cầu vồng của ân sủng thần linh, một nhắc nhở về “giao ước vĩnh viễn giữa Thiên Chúa và hết mọi sinh vật có xác thịt trên mặt đất” (Gn 9:16).
Sứ điệp này nổi bật trước hết nơi việc “Kitô “ hữu đọc lại bài Thánh Vịnh. Nếu thất “sấm” trận nơi bài Thánh Vịnh của chúng ta biểu hiệu cho tiếng của Thiên Chúa trong vũ trụ này, thì việc thể hiện cao đẹp nhất của tiếng này là tiếng Chúa Cha tỏ căn tính sâu xa nhất của “Người Con yêu dấu” (Mk 1:11) ra, qua cuộc thần hiển của Chúa Giêsu khi Người lãnh nhận Phép Rửa. Thánh Basiliô viết: “Có lẽ, còn nhiệm mầu hơn nữa, tiếng của Chúa vang trên các giòng nước được dội lại khi có tiếng từ trên cao phán xuống lúc Chúa Giêsu lãnh nhận phép rửa rằng: Đây là Con Cha yêu dấu. Thật vậy, bấy giờ Chúa thở hơi trên các giòng nước, thánh hóa chúng bằng phép rửa. Vị Thiên Chúa vinh quang làm sấm động từ trên cao tiếng chứng từ mãnh liệt của Ngài... Bấy giờ anh em mới có thể nhờ tiếng ‘sấm động’ hiểu rằng việc biến đổi xẩy ra sau Phép Rửa qua tiếng mãnh liệt của Phúc Aâm” (Bài giảng về Các Thánh Vịnh: PG 30, 359).
(L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 20/6/2001)