Giáo Lý về việc Cầu Nguyện bằng Thánh Vịnh

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II

chia sẻ và hướng dẫn trong các buổi triều kiến chung Thứ Tư hằng tuần

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch

Bài 9 (Thứ Tư 20/6/2001) 

CHÚA TIẾN VÀO ĐỀN THỜ CỦA NGƯỜI!

(Thánh Vịnh 23 [24], Kinh Ban Mai, Ngày Thứ Ba, Tuần Thứ Nhất)

1.         Bài ca cổ xưa này của Dân Chúa chúng ta vừa nghe đã vang lại trong đền thờ Giêrusalem. Để có thể nắm được cốt lõi của lời cầu nguyện này, chúng ta cần phải chú ý đến ba niềm xác tín. Xác tín thứ nhất là chân lý về các tạo vật: Thiên Chúa đã tạo dựng nên thế giới và là Chúa của nó. Xác tín thứ hai là phán quyết của Ngài khuất phục tạo vật: chúng ta phải ra trước nhan Ngài để trả lẽ về những gì chúng ta làm. Xác tín thứ ba là mầu nhiệm Thiên Chúa tỏ hiện: Ngài đến với vũ trụ cũng như với lịch sử loài người và muốn được tự do thiết lập mối liên hệ hiệp thông thân tình với loài người. Một nhà chú giải tân thời viết: “Đây là ba thể thức căn bản của việc cảm nghiệm Thiên Chúa cũng như của mối liên hệ với Thiên Chúa; chúng ta sống bởi việc Thiên Chúa làm, chúng ta sống trước nhan Thiên Chúa, và chúng ta có thể sống với Thiên Chúa” (G. Ebeling, On the Psalms, [xem bản Ý ngữ Sui Salmi, Brescia, 1973, p. 97]).

2.         Ba phần của Thánh Vịnh 23 tương đương với ba cơ cấu căn bản này là những gì chúng ta giờ đây sẽ khảo sát, coi chúng như là ba màn liên tục nhau trong một bài thi ca tam liên khúc đối với lời cầu nguyện của chúng ta. Màn đầu tiên là lời than lên cùng Đấng Hóa Công, Đấng là chủ nhân ông của trái đất và tất cả mọi người cư ngụ ở đó (các câu 1-2). Lời than này là lời tuyên xưng niền tin vào Vị Chúa của vũ trụ và của lịch sử. Theo quan niệm cổ xưa về tạo vật thì trái đất được quan niệm như là một công trình kiến trúc, ở chỗ, Thiên Chúa đã đặt nền tảng trái đất trên biển khơi, biểu hiệu cho những giòng nước giao động và hủy hoại, đồng thời cũng là dấu hiệu cho thấy giới hạn của tạo vật, bị eo hẹp bởi hư không và sự dữ. Tạo thành bị treo lơ lửng trên vực thẳm thủy triều, được bàn tay tạo dựng cùng quan phòng của Thiên Chúa gìn giữ cho hiện hữu và sống động.

3.         Từ chân trời vũ trụ này, quan điểm của tác giả Thánh Vịnh thu hẹp vào tiểu thế giới Sion là “núi của Chúa”. Đến đây chúng ta đang ở vào hình ảnh thứ hai của bài Thánh Vịnh (các câu 3-6). Chúng ta đứng trước đền thờ Giêrusalem. Đoàn người hiếu trung lên tiếng hỏi những ai canh giữ thánh môn câu hỏi mở đầu là “Ai sẽ trèo lên núi Chúa, ai sẽ đứng trong thánh điện của Ngài?” Các vị tư tế, thành phần được các chuyên gia trong một số đoạn văn Thánh Kinh khác gọi là “phụng vụ mở màn” (x Ps 14; Is 33:14-16; Mi 6:6-8), đáp lại bằng cách liệt kê những điều kiện cần thiết giúp con người được hiệp thông với Chúa trong việc tôn thờ. Những điều kiện này không chỉ là những tiêu chuẩn thuần nghi thức hay bề ngoài cần phải tuân hành, mà là những đòi hỏi về luân lý và hành động cần phải sống. Đó là việc kiểm điểm lương tâm hay là hành động thống hối trước khi cử hành phụng vụ. 

4.         Các vị tư tế đặt ra ba đòi hỏi. Trước hết, con người phải có “đôi tay thanh sạch và tấm lòng tinh tuyền”. “Đôi tay” và “tấm lòng” ám chỉ cả hành vi lẫn ý hướng, tức toàn thể con người là những gì cần phải trọn vẹn hướng về Thiên Chúa và lề luật của Ngài. Đòi hỏi thứ hai kêu gọi con người “không điêu ngoa gian dối”, theo ngôn ngữ Thánh Kinh tức là cần phải chân thành, thậm chí cần phải chiến đấu chống lại tội tôn thờ ngẫu tượng, vì ngẫu tượng là các vị thiên chúa giả tạo, tức là “những giả dối”. Đòi hỏi này xác quyết điều răn thứ nhất trong Bản Thập Giới, tính cách tinh tuyền của lòng đạo đức cũng như của việc tôn thờ. Đòi hỏi thứ ba cũng là đòi hỏi sau cùng đụng chạm đến mối liên hệ với tha nhân của chúng ta. “Đừng thề thốt để lường gạt tha nhân của mình”. Theo văn hóa về ngôn từ như thứ văn hóa ngôn từ của dân Do Thái xưa, thì lời nói là biểu hiệu của các mối liên hệ xã hội theo công bằng và chính trực, không được sử dụng nó để lừa đảo nhau.

5.         Tới đây chúng ta tiến đến màn thứ ba nơi tam liên khúc của chúng ta, một tam liên khúc gián tiếp nói lên việc thành phần hiếu trung hân hoan tiến vào đền thờ để gặp Chúa (các câu 7-10). Bằng một cuộc trao đổi thấm thía với những lời kêu gọi và vấn đáp, Thiên Chúa tuần tự tỏ mình ra qua ba danh hiệu trang trọng là “Vua Vinh Hiển, Chúa Dũng Lực Hùng Anh, Chúa Các Đạo Binh”. Các cổng của đền thờ Sion được nhân cách hóa và mời gọi nâng các môn đăng của mình lên để đón Chúa là Đấng đến chiếm hữu nhà của Ngài. Màn chiến thắng, được bài Thánh Vịnh diễn tả ở hình ảnh thi ca thứ ba, đã được phụng vụ Kitô giáo Đông phương cũng như Tây phương áp dụng vào cuộc Chúa Kitô vinh hiển Xuống Ngục Tổ Tông, một biến cố được Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô đã nói đến (3:19), cũng như được áp dụng vào việc Chúa Kitô Phục Sinh Thăng Thiên về trời (x Acts 1:9-10). Thậm chí hiện nay, trong Phụng Vụ Byzantine, bài Thánh Vịnh này còn được các ca đoàn luân phiên hát vào Đêm Vọng Phục Sinh Thứ Bảy Tuần Thánh, và trong Phụng Vụ Latinh bài Thánh Vịnh này cũng được sử dụng cho Chúa Nhật thứ hai của Cuộc Vượt Qua khi kết thúc nghi thức rước lá. Phụng Vụ Trọng Thể trong việc mở Cửa Thánh để khai mạc Năm Thánh đã khiến lòng chúng ta hết sức xúc động khi sống lại cũng một cảm nhận của vị tác giả Thánh Vịnh, lúc ngài bước qua ngưỡng cửa đền thờ Sion xưa.

6.         Danh hiệu cuối cùng, “Chúa các Đạo Binh”, mới thoạt nghe nó không thật sự là một quân hiệu, dù có đối chiếu với các hàng ngũ của dân Do Thái đi nữa. Trái lại, danh hiệu này có một giá trị hoàn vũ: Chúa, Đấng giờ đây đến gặp nhân loại trong một khoảng không gian hạn hẹp của cung thánh Sion, là Hóa Công nắm trong tay tất cả mọi tinh tú trên trời như là đạo binh của Ngài, tức là nắm trong tay những tạo vật của vũ trụ hằng tùng phục Ngài. Trong sách tiên tri Ba-Rúch chúng ta đọc thấy: “Các tinh tú từ vị trí của mình chiếu sáng và hoan hỉ trước ai đây; khi Ngài gọi chúng, chúng đáp: ‘Này chúng tôi đây!’ hân hoan chiếu sáng cho Vị Hóa Công của mình” (3:34-35), Vị Thiên Chúa vô cùng, toàn năng và hằng hữu thích ứng bản thân mình với nhân loại tạo vật, đến gần để gặp gỡ, lắng nghe và hiệp thông với họ. Phụng vụ là thể hiện việc cùng tìm đến nhau trong đức tin, trong trao đổi và yêu thương.

(L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 27/6/2001)