Thứ Tư 7/6/2006

 

Bài 10:

 

Phêrô là Đá Chúa Kitô thiết lập Giáo Hội

 

 

 

Anh Chị Em thân mến:

 

Chúng ta tái tiếp tục loạt bài giáo lý hằng tuần được bắt đầu từ mùa xuân năm nay. Trong bài vừa rồi, hai tuần trước đây, tôi đã nói về Thánh Phêrô như là vị đệ nhất tông đồ. Hôm nay, chúng ta trở lại một lần nữa về nhân vật cao cả và quan trọng này của Giáo Hội. Thánh Ký Gioan, khi trình thuật cuộc gặp gỡ đầu tiên với Simon là người anh em của Anrê, đã đề cập đến một chi tiết đặc biệt, đó là: ‘Chúa Giêsu nhín anh mà nói: Con là Simon, con Gioan; con sẽ được gọi là Cephas – được chuyển dịch là Phêrô’ (1:42). Chúa Giêsu thường không đổi tên các môn đệ của mình.

 

Ngoài trường hợp tên hiệu ‘con sấm sét’ được Người nói với các con của Zebedee trong một hoàn cảnh đặc biệt (x Mk 3:17), nhưng sau đó Người không dùng nữa, Người không bao giờ ghép một tên mới nào cho một người nào trong thành phần môn đệ của Người. Tuy nhiên, Người lại làm như thế với Simon, gọi ngài là Cephas, một tên gọi sau đó được chuyển dịch sang tiếng Hy Lạp là ‘Petros’, sang tiếng Latinh là ‘Petrus’. Nó được chuyển dịch chính xác vì nó không phải chỉ là một danh xưng; bởi thế nó là một ‘sứ vụ’ Petrus lãnh nhận từ Chúa Kitô. Danh xưng mới ‘Petrus’ còn được trở lại một số lần nữa trong các Phúc Âm và sẽ được chấm dứt bằng việc thay thế tên gọi nguyên thủy Simon của ngài.

 

Chi tiết này có một tầm quan trọng đặc biệt nếu để ý là, ở Cựu Ước, hễ xẩy ra việc đổi tên thường là loan báo việc ban bố một sứ vụ nào đó (x Gen 17:5, 32:28ff, v.v.). Thật thế, ý muốn của Chúa Kitô trong việc qui cho Thánh Phêrô một vị thế nổi bật đặc biệt trong tông đồ đoàn là những gì được biểu lộ qua nhiều mấu chốt: chẳng hạn như tại Capernaum, Thày đã ở lại nhà của Phêrô (Mk 1:29); khi dân chúng xô lấn Người trên bờ Hồ Gennesaret, giữa hai chiếc thuyền bỏ neo, Chúa Giêsu đã chọn chiếc của Simon (Lk 5:3); đặc biệt là những trường hợp Chúa Giêsu đi với nhóm 3 môn đệ thì Phêrô bao giờ cũng được nhắc đến đầu tiên trong nhóm 3 người này. Những trường hợp này đã xẩy ra nơi việc hồi sinh cho đứa con gái của ông từ Jairus (x Mk 5:37; Lk 8:51), trong cuộc Biến Hình (x Mk 9:2; Mt 17:1; Lk 9:28), và sau hết trong cuộc thuống khổ ở Vườn Gethsemane (x Mk 14:33; Mt 16:37).

 

Những nhân viên thu thuế cho Đền Thờ đặt vấn đề với Phêrô và Thày đã trả thuế cho chính Người và cho Phêrô, và chỉ cho một mình Phêrô thôi (x Mt 17:24-27); ngài là người đầu tiên được Chúa Giêsu rửa chân trong Bữa Tiệc Ly (x Jn 13:6) và Người cầu nguyện chỉ cho một mình ngài để đức tin của ngài khỏi bị lung lạc cũng như để nhờ vậy sau này ngài mới có thể kiên cường đức tin của các môn đệ khác (x Lk 22:30-31).

 

Về phần mình, chính bản thân Thánh Phêrô nhận thấy được vai trò quan trọng của mình. Ngài là vị thường nói nhân danh những vị khác, xin giải thích về dụ ngôn khó hiểu (Mt 15:15), hay hỏi về ý nghĩa đích thực của một chỉ thị (x Mt 18:21), hoặc hỏi về một lời chính thức hứa hẹn bù đắp từ Tháy (Mt 19:27). Đặc biệt ngài là một người khắc phục cái lung túng vụng về nơi một số trường hợp khi thay cho tất cả nhào vô can thiệp.

 

Chẳng hạn như khi Chúa Giêsu, cảm thấy sầu buồn trước việc dân chúng không hiểu về bài giảng của Người liên quan đến ‘bánh sự sống’, đã hỏi: ‘Các con cũng có muốn bỏ Thày mà đi hay chăng?’. Thánh Phêrô đã dứt khoát trả lời rằng: ‘Thưa Thày, chúng con còn biết theo ai? Thày có những lời sự sống đời đời’ (Jn 6:67-69). Bởi thế, Chúa Giêsu mới long trọng tuyên bố một lần vĩnh viễn về vai trò của Phêrô trong Giáo Hội: ‘Vậy Thày nói cùng con rằng, Con là Đá, và trên đá này Thày sẽ xây giáo hội của Thày, dù cửa hỏa ngục cũng sẽ không thể nào thắng nổi. Thày sẽ trao cho con chìa khóa nước trời. Những gì con cầm buộc dưới thế thì cũng bị cầm buộc trên trời; những gì con tháo gỡ dưới đất thì trên trời cũng tháo gỡ’ (Mt 16:18-19).

 

Có 3 ngụ từ được Chúa Giêsu sử dụng là những gì tự chúng rất sáng tỏ: Phêrô sẽ là nền đá cho việc dựng xây Giáo Hội; ngài sẽ sẽ giữ chìa khóa nước trời để đóng mở cho những ai được ngài nghĩ là thích đáng; sau hết ngài có thể cầm buôc hay tháo gỡ, tức là có thể thiết lập hay cấm đoán những gì ngài coi là cần thiết cho đời sống của Giáo Hội, một Giáo Hội là và mãi tiếp tục là của Chúa Kitô. Giáo Hội bao giờ cũng là Giáo Hội của Chúa Kitô chứ không phải của Phêrô. Người diễn tả bằng những hình ảnh dẻo dai về những gì sau này được hiểu là ‘thượng quyền tài phán’.

 

Vai trò thượng thặng Chúa Giêsu muốn trao cho Phêrô còn được thấy sau cả cuộc phục sinh của Người nữa: Chúa Giêsu nói với các bà về thông báo cùng Phêrô, nhắm đến một mình ngài trong số tất cả các tông đồ khác (x Mk 16:7); Mai Đệ Liên chạy về tìm ngài và Gioan để nói cho hai vị rằng viên đá đã được lăn ra khỏi cửa mồ (x Jn 20:2) và Gioan để cho ngài vào trước khi các vị đến ngôi mộ trống (x Jn 20:4-6); sau đó, trong số các tông đồ, Phêrô là nhân chứng đầu tiên về việc hiện ra của Đấng Phục Sinh (x Lk 24:34; 1Cor 15:5).

 

Vai trò này, một vai trò được dứt khoát nhấn mạnh (x Jn 20:3-10), là những gì đánh dấu tính cách liên tục giữa vai trò thượng thặng của ngài trong nhóm tông đồ cũng như tính cách thượng thặng do ngài tiếp tục nắm giữ trong một cộng đồng được hạ sinh bởi các biến cố vượt qua, như được chứng thực ở Sách Tông Vụ (cf. 1:15-26; 2:14-40; 3:12-26; 4:8-12; 5:1-11,29; 8:14-17; 10; etc.). Việc hành sử của ngài được coi là quyết liệt đến nỗi nó trở thành đối tượng cho việc tuân giữ cũng như cho việc bình phẩm (x Acts 11:1-18; Gal 2:11-14).

 

Trong một công đồng được gọi là Công Đồng Giêrusalem, Phêrô thi hành một phận sự hành sử (x Acts 15 và Gal 2:1-10), và chính vì sự kiện làm chứng cho đức tin chân chính mà ngài được đích thân Thánh Phaolô nhìn nhận nơi ngài một thứ vai trò ‘đệ nhất’ (x 1Cor 15:5; Gal 1:18,2:7ff v.v.). Ngoài ra, sự kiện có một số đoạn chính liên quan tới Phêrô có thể được đặt trong bối cảnh của Bữa Tiệc Ly là bữa trong đó Chúa Giêsu trao cho Phêrô thừa tác vụ làm kiên cường anh em mình (x Lk 22:31ff), cho thấy làm sao Giáo Hội, một Giáo Hội được hạ sinh từ chỗ tưởng niệm cuộc vượt qua ở việc cử hành Thánh Thể, một trong những yếu tố xây dựng của mình nơi thừa tác vụ được ủy thác cho Phêrô.

 

Bối cảnh về vai trò thượng quyền của Thánh Phêrô trong Bữa Tiệc Ly, ở vào lúc thiết lập Thánh Thể, Cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô, cũng cho thấy ý nghĩa tối hậu của vai trò thượng quyền này: Qua tất cả mọi thời đại, Phêrô phải là vị bảo quan mối hiệp thông với Chúa Kitô; ngài phải hướng dẫn vào mối hiệp thông với Chúa Kitô, để lưới không bị rách song bảo trì được mối đại hiệp thông hoàn vũ. Chí bao giờ cùng nhau chúng ta mới có thể ở với Chúa Kitô, Đấng là Chúa của tất cả mọi người. Trách nhiệm của Thánh Phêrô bởi thế bao gồm việc bảo toàn mối hiệp thông với Chúa Kitô bằng đức ái của Chúa Kitô, hướng dẫn việc hiện thực hóa đức ái này trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta hãy cầu nguyện để vai trò thượng quyền của Thánh Phêrô, một vai trò được trao phó cho những con người nghèo hèn, luôn được thực thi theo ý nghĩa nguyên thủy như Chúa Kitô mong muốn, hầu ý nghĩa thực sự của nó càng được nhìn nhận hơn nơi những người anh chị em chưa hiệp thông với chúng ta.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 7/6/2006