John ở Salisbury

 

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 16/12/2009

Bài Giáo Lý 100 trong Loạt bài về Giáo Hội Hiệp Thông Tông Truyền

 

 

Anh chị em thân mến,

 

Hôm nay, chúng ta sẽ gặp gỡ hình ảnh của John ở Salisbury, vị thuộc về một trong những trường triết lý và thần học quan trọng nhất của Thời Trung Cổ, đó là trường ở vương cung thánh đường Chartres, ở Pháp quốc. Cả John nữa, như các thần học gia khác được tôi nói tới trong các tuần qua, giúp chúng ta hiểu được làm thế nào đức tin, hòa hợp với những ước nguyện chính đáng của lý trí, đẩy ý nghĩ tới chân lý mạc khải chất chứa sự thiện thực sự của con người.

 

John được sinh ra ở Anh quốc, tại Salisbury, vào khoảng giữa năm 1100 và 1120. Đọc những tác phẩm của ngài, nhất là các bức thư phong phú của ngài, chúng ta khám phá ra những biến cố quan trọng nhất trong đời sống của ngài. Qua 12 năm, giữa năm 1136 và 1148, ngài đã dấn thân học hỏi, trau dồi ở các trường khá nhất thời ấy, những nơi ngài nghe các giáo sư nổi tiếng giảng dạy.

 

Ngài đã đến Paris rồi tới Chartres, một môi trường đặc biệt đánh dấu viện huấn luyện của ngài và từ môi trường ấy ngài đã đồng hóa tính chất hết sức cởi mở về văn hóa của mình, việc ngài hào hứng với những vấn đề suy đoán, và sự nhận thức của ngài về văn chương. Như thường xẩy ra vào thời bấy giờ, những học sinh sánh chói nhất được các đấng bậc giáo phẩm và các vương chủ chọn làm những cộng tác viên thân cận nhất của họ. Điều ấy cũng xẩy ra cho John ở Salisbury, vị đã được Bernard ở Claraval giới thiệu cho Đức Tổng Giám Mục Theobald ở Canterbury – tòa thánh ở Anh quốc – vị đã hân hoan nhận ngài trong thành phần giáo sĩ của mình.

 

Trong vòng 11 năm, từ 1150 đến 1161, John là bí thư và là tuyên úy của vị tổng giám mục luống tuổi này. Bằng lòng nhiệt thành liên lỉ, bất chấp vấn đề tiếp tục học hỏi của mình, ngài đã thực hiện một chế độ triệt để về những hoạt động ngoại giao, 10 lần đến Ý với mục đích đặc biệt là nuôi dưỡng mối liên hệ của vương quốc Anh và Giáo Hội ở đó với Vị Giáo Chủ Rôma.

 

Trong những năm tháng ấy, ngoài những gì khác xẩy ra, có vị Giáo Hoàng là Đức Adrian IV, một người Anh là bạn thân thiết với John ở Salisbury. Vào những năm sau cái chết của Đức Adrian năm 1159, một tình trạng căng thẳng trầm trọng xẩy ra ở Anh quốc giữa Giáo Hội và vương quốc này. Vua Henri II, có ý nắm quyền đối với đời sống nội bộ của Giáo Hội, hạn chết quyền tự do của Giáo Hội. Nỗ lực này gây ra phản ứng từ John ở Salisbury, và nhất là việc dũng cảm chống lại của vị thừa kế TGM Theobald ở tòa giám mục Canterbury là Thánh Thomas Backet. Thánh Thomas đi lưu đầy ở Pháp vì điều này. John ở Salisbury hộ tống ngài và ở lại phục vụ ngài, luôn luôn hoạt động cho việc hòa giải. Vào Năm 1170, khi cả John và Thánh Thomas Becket trở về Anh quốc, Thánh Thomas bị tấn công và sát hại ở vương cung thánh đường. Ngài đã chết như một vị tử đạo và lập tức được dân chúng tôn kính như thế.

 

John tiếp tục trung thành phục vụ vị thừa kế Thánh Thomas nữa, cho đến khi ngài được chọn lạm giám mục ở Chartres, nơi ngài ở từ 1176 cho tới 1180, năm ngài qua đời.

 

Tôi muốn nói về 2 tác phẩm của John ở Salisbury, những tác phẩm được coi là những tác phẩm chính và được đặt tên có tính cách thanh nhã với những danh xưng HY Lạp “Metalogicon” (Để Bênh Vực Lý Lẽ) và Policraticus (Con Người của Chính Quyền). Trong tác phẩm thứ nhất – và không thiếu sự châm biếu hay ho nói lên đặc tính của nhiều người làm văn hóa – ngài đã loại bỏ chủ trương của những ai có một quan niệm giảm thiểu về văn hóa, coi nó là những gì hùng hồn trống rỗng và là những lời nói vô bổ. Thay vào đó, John ca ngợi văn hóa, triết lý đích thực, tức là cuộc gặp gỡ giữa ý nghĩ minh bạch và việc truyền đạt, nghĩa là bài nói hay ho hiệu quả. Ngài viết: “như thực sự việc hùng biện không được soi sáng bởi đức tin thì chẳng những là những gì cẩu thả mà còn mù quáng nữa, cũng thế, sự khôn ngoan không dính dáng tới việc sử dụng ngôn từ thì chẳng những yếu kém mà một cách nào đấy bị bớt xén cụt ngủn nữa: Mặc dù có lẽ sự khôn ngoan không có ngôn từ có thể mang lại lợi ích cho lương tâm cá nhân, nó cũng hiếm thấy hay ít thấy mang lại lợi ích cho xã hội (Metalogicon 1,1 PL 199,327).

 

Đây là một giáo huấn rất thích đáng. Ngày nay, những gì John định nghĩa như “hùng biện”, tức là khả năng truyền đạt bằng những dụng cụ trau chuốt và thông dụng hơn, đã gia tăng kinh khủng. Vì thế lại càng khẩn trương truyền đạt các sứ điệp được ơn “khôn ngoan”, tức là những sứ điệp được tác động trong sự thật, sự thiện và sự mỹ. Đó là một trách nhiệm lớn lao đặc biệt bao gồm những ai hoạt động nơi lãnh vực văn hóa đa dạng và phức tạp, việc truyền thông và phương tiện truyền thông. Và đó là một lãnh vực nhờ đó Phúc Âm có thể được loan truyền bằng nghị lực truyền giáo.

 

Trong cuốn “Metalogicon”, John tiếp tục những vấn đề về lý luận là vấn đề rất hào hứng vào thời của ngài, và ngài đã nêu lên một vấn nạn chủ yếu này: Lý trí của con người có thể biết được những gì? Nó có thể đáp ứng cho tới đâu ước vọng này nơi hết mọi người, ước vọng tìm kiếm chân lý? John ở Salisbury chủ trương ôn hòa hơn, căn cứ vào một số những tiểu luận của Aristotle và Cicero. Theo ngài thì lý trí bình thường của con người có thể đạt tới sự hiểu biết không phải là những bì bất khả tranh luận, mà là những gì có lẽ và có thể tranh cãi. Sau đây là kết luận của ngài, sự hiểu biết của con người là những gì bất toàn, vì nó lệ thuộc vào tính cách hữu hạn, vào những giới hạn của con người. Tuy nhiên, nó gia tăng v à trở nên hoàn hảo nhờ kinh nghiệm và việc tỉ mỉ với việc lập luận đúng đắn và cụ thể, có khả năng thiết lập những mối liên hệ giữa các ý niệm và thực tại; nhờ bàn luận, đối chọi và kiến thức được phong phú hóa từ thế hệ này tới thế hệ kia. Chỉ duy ở nơi Thiên Chúa mới có kiến thức toàn hảo, một kiến thức được thông đạt cho con người, ít là một phần nào đó, bằng mạc khải được đức tin đón nhận. Bởi thế, kiến thức của đức tin mở ra những tiềm năng của lý trí và làm cho kiến thức này gia tăng bằng lòng khiêm tốn trước kiến thức về các mầu nhiệm của Thiên Chúa.

 

Tín hữu và thần học gia, thành phần đi sâu vào kho tàng đức tin, cũng cởi mở trước một kiến thức thực tiễn là những gì hướng dẫn hoạt động thường nhật, tức là, lề luật luân lý và việc thực hành nhân đức.

 

John ở Salisbury đã viết: “Lòng khoan dung của Thiên Chúa ban cho chúng ta lề luật của Ngài, một lề luật ấn định những gì hữu dụng giúp cho chúng ta hiểu biết, và cho thấy hợp lệ biết bao trong việc nhận biết Thiên Chúa cũng như chính đáng biết bao khi tìm tòi xem xét… Thật vậy, nơi lề luật này, ý muốn của Thiên Chúa trở nên hiển nhiên và tỏ hiện, nhờ đó mỗi một người trong chúng ta biết được những gì là can thiết cho họ để làm” (Metalogicon 4,41, PL 199,944-945).

 

Theo John ở Salisbury cũng có một sự thật khách quan và bất biến, bắt nguồn từ Thiên Chúa, trở nên khả tri với trí khôn của con người. Sự thật này liên quan tới những hành động cụ thể và xã hội. Đó là luật tự nhiên, một lề luật là hồn sống cho các luật lệ của con người và quyền bính chính trị cũng như tôn giáo, nhờ đó chúng có thể cổ võ công ích. Luật tự nhiên này có đặc tính được John gọi là “bình đẳng”, tức là qui cho từng người quyền lợi của họ. Từ đó mới có những qui tắc hợp tình hợp lý với tất cả mọi dân tộc và là những qui tắc không được loại bỏ. Đó là luận đề chính trong cuốn “Policraticus”, cuốn tiểu luận về triết lý và thần học chính trị, trong đó John ở Salisbury chia sẻ về những điều kiện giúp một vị lãnh đạo chính trị có thể tác hành một cách chính đáng và uy tín.

 

Trong khi những việc bàn luận khác được đề ra trong tác phẩm này dính dáng tới những hoàn cảnh lịch sử là môi trường nó được viết ra, đề tài về mối liên hệ giữa luật tự nhiên và trật tự tích cực về pháp lý, có trọng tài là tính cách bình đẳng, là những gì ngày nay vẫn còn rất quan trọng. Thật vậy, trong thời đại của chúng ta đây, nhất là ở một số xứ sở, chúng ta chứng kiến thấy một cuộc phân rẽ đáng e ngại giữa lý trí, một lý trí có nhiệm vụ khám phá ra những giá trị đạo lý liên hệ tới phẩm giá con người, và tự do là những gì có trách nhiệm tiếp nhận và cổ võ những thứ giá trị ấy. Có lẽ John ở Salisbury muốn nhắc nhở chúng ta ngày nay là chỉ có những lề luật bình đẳng ấy mới bảo vệ được tính chất thánh hảo của sự sống con người và loại trừ việc hợp thức hóa vấn đề phá thai, triệt sinh an tử và việc tha hồ thí nghiệm về di giống, những luật ấy tôn trọng phẩm giá của hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, những luật được tác động bởi tính chất trần thế đúng đắn – tính chất trần thế bao giờ cũng bao gồm việc bảo vệ quyền tự do tôn giáo – và là những luật theo đuổi việc phụ trợ và đoàn kết ở cấp độ quốc gia và quốc tế.

 

Không phải là những gì John ở Salisbury gọi “tính chất bạo tàn của chủ quyền” hay những gì chúng ta có thể gọi là “tính cách chuyên chế độc đoán của chủ nghĩa tương đối”, sẽ đi đến chỗ thế chỗ cho – một thứ chủ nghĩa tương đối mà, như tôi đã nhắc lại mấy năm trước đây, “không nhìn nhận gì là tối hậu và chỉ lấy bản thân mình cùng những ước muốn của mình làm cân lường của nó” (Misa pro eligendo Romano Pontifice, homily, April 19, 2005).

 

Trong bức thông điệp mới đây nhất, “Bác Ái trong Chân Lý”, ngỏ cùng những con người nam nữ thiện tâm, thành phần nỗ lực bảo đảm rằng hành động xã hội và chính trị không bao giờ được tách khỏi chân lý khách quan về con người cũng như về phẩm giá của họ, tôi đã viết: “Chân lý, và tình yêu được nó tỏ hiện, không thể nào được sản xuất ra: chúng chỉ có thể được lãnh nhận như là một tặng ân. Nguồn gốc tối hậu của nó không phải là và không thể nào là nhân loại, mà chỉ duy một mình Thiên Chúa Đấng là chính Chân Lý và Tình Yêu. Nguyên tắc này hết sức quan trọng cho xã hội cũng như cho việc phát triển, vì không thể nào có một sản phẩm thuần túy nhân loại; ơn gọi phát triển về phần của cá nhân và chư dân không chỉ dựa trên việc chọn lựa của con người, mà là một phần nội tại của một dự án có trước chúng ta và tạo nên cho tất cả chúng ta một nhiệm vụ cần được tự nguyện chấp nhật” (khoản 52).

 

Dự án này là những gì có trước chúng ta, sự thật về hiện hữu, chúng ta phải tìm kiếm và đón nhận, nhờ đó công lý mới phát sinh. Thế nhưng chúng ta có thể thấy nó và đón nhận nó chỉ bằng một con tim, một ý muốn và lý trí được thanh tẩy trong ánh sáng của Thiên Chúa mà thôi.

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 16/12/2009