Thứ Tư 21/6/2006

 

Bài 12

 

 

Tông Đồ Giacôbê Tiền

 

 

Anh Chị Em thân mến:

 

Chúng ta tiếp tục loạt hình ảnh về các vị tông đồ được Chúa Giêsu trực tiếp chọn lựa trong đời sống công khai của Người. Chúng ta đã nói về Thánh Phêrô và người an hem Anrê của ngài. Hôm nay chúng ta gặp hình ảnh về tông đồ Giacôbê. Các bản liệt kê theo Thánh Kinh đề cập tới hai vị cùng tên Giacôbê, đó là Giacôbê, con ông Giêbêđê, và Giacôbê, con ông Alphaê (x Mk 3:17,18; Mt 10:2-3), những vị được phân biệt một cách chung chung là Giacôbê Tiền và Giacôbê Hậu.

 

Những phân biệt này không phải là để so sánh về sự thánh thiện của các ngài, song chỉ để nói tới sự thích đáng khác nhau của các vị nơi các bản văn Tân Ước, nhất là trong khung cảnh đời sống trần gian của Chúa Giêsu. Hôm nay chúng ta chú trọng tới nhân vật đầu tiên trong hai vị có cùng tên gọi này.

 

Tên Giacôbê được dịch từ chữ ‘lákobos’, một tên được biến dạng bởi ảnh hưởng của tiếng Hy Lạp về tên vị tổ phụ nổi tiếng Giacóp. Vị tông đồ có tên gọi là là người an hem của thánh Gioan, và trong các bản liệt kê được đề cập tới thì vị này đứng thứ hai sau thánh Phêrô, như nơi thánh ký Marcô (3:17), hay đứng thứ ba sau thánh Phêrô và Anrê, như trong các Phúc Âm Thánh Mathêu (10:2) và Luca (6:14), trong khi đó, trong Sách Tông Vụ ngài lại đứng sau thánh Phêrô và Gioan (1:13). Cùng với thánh Phêrô và Gioan, tháng Giacôbê thuộc về nhóm 3 môn đệ đặc biệt được tham dự vào những giây phút quan trọng của cuộc sống Chúa Giêsu. 

 

Vì hôm nay là ngày rất nóng bức, giờ đây tôi xin vắn tắt đề cập tới chỉ hai lần trong các trường hợp này mà thôi. Cùng với thánh Phêrô và Gioan, ngài đã tham dự vào giây phút thống khổ của Chúa Giêsu trong Vườn Nhiệt, cũng như trong lúc Chúa Giêsu biến hình. Bởi thế, đây là vấn đề của hai trường hợp rất khác nhau: một trường hợp thì thánh Giacôbê, cùng với hai môn đệ kia, cảm nghiệm được vinh quang của Chúa Kitô, thấy Người nói chuyện với Moisen và Êlia, thấy vinh quang thần linh rạng ngời nơi Chúa Giêsu; còn trường hợp kia thì ngài lại thấy khổ đau và nhục nhã; ngài tận mắt chứng kiến thấy Con Thiên Chúa hạ mình xuống biết là chừng nào, đến vâng lời cho đến chết.

 

Trường hợp thứ hai đối với ngài thực sự là một cơ hội để trưởng thành đức tin, để chỉnh lại ý nghĩ một chiều, vinh thắng nơi trường hợp thứ nhất, ở chỗ, ngài cần phải nhận thức Đấng Thiên Sai, vị được dân Do Thái đợi chờ như một con người hiển thắng, thực sự không phải chỉ đầy những vinh dự và vinh quang, mà còn bởi những khổ đau và yếu hèn ra sao nữa. Vinh quang của Chúa Kitô được hiện thực đích xác trên cây thập tự giá, khi Người tham phần vào các nỗi khổ đau của chúng ta.

 

Việc trưởng thành đức tin này được Thánh Linh hoàn trọn vào Ngày Lễ Ngũ Tuần, nhờ đó khi đến giây phút tột đỉnh của việc làm chứng từ, thánh Giacôbê đã không lui bước. Vào đầu thập niên 40 thuộc thế kỷ thứ nhất, Vua Hêrôđê Agrippa, cháu của Hêrôđê Cả, như thánh Luca cho chúng ta biết: ‘đã dữ dội ra tay đối với những ai thuộc về Giáo Hội. Ông đã dùng gươm sát hại Giacôbê là người anh em của Gioan’ (12:1-2). Chi tiết ngắn ngủi thiếu kể lể này, một đàng cho thấy các Kitô hữu thường làm chứng cho Chúa Kitô bằng mạng sống của mình ra sao, đàng khác cho thấy thánh Giacôbê giữ một vị thế liên quan tới Giáo Hội ở Giêrusalem, một phần là vì vai trò này của ngài được thi hành trong cuộc sống trần gian của Chúa Giêsu. 

 

Một truyền thống sau đó, một truyền thống trở về ít là với Isidore ở Seville, thuật lại rằng ngài ở Tây Ban Nha để truyền bá phúc âm hóa miền đất quan trọng này của Đế Quốc Rôma. Theo một truyền thống khác thì thân thể của ngài được đưa tới Tây Ban Nha, tới thành phố Santiago de Compostela. Như tất cả chúng ta đều biết nơi ấy đã trở thành một đối tượng rất được sùng kính, và cho tới ngày nay, là mục tiêu cho nhiều cuộc hành hương, chẳng những từ Âu Châu mà còn từ khắp thế giới nữa. Bởi thế mới hiểu được hình ảnh tiêu biểu về thánh Giacôbê được gắn liền với chiếc gậy của người hành hương, cũng như với truyện kể Phúc Âm, là những đặc tính của vị tông đồ lưu động, dấn thân loan báo ‘tin mừng’, đặc tính của cuộc hành trình nơi đời sống Kitô hữu.

 

Bởi thế chúng ta có thể học được nhiều điều nơi thánh Giacôbê, đó là sự mau mắn chấp nhận tiếng gọi của Chúa, cả khi Người xin chúng ta hãy rời bỏ ‘chiếc thuyền bè’ đầy an toàn theo con người của chúng ta; là lòng nhiệt thành theo Người trên những con đường được Người ấn định cho chúng ta đi vượt ra ngoài cả óc giả tưởng của chúng ta; là việc sẵn sàng làm chứng cho Người một cách can đảm, và nếu cần bằng việc tận tuyệt hy sinh mạng sống nữa. Vậy thánh Giacôbê Tiền cho chúng ta thấy một mẫu gương sống động về việc gắn bó thiết tha với Chúa Kitô. Ngài, vị thoạt tiên qua người mẹ của mình đã yêu cầu cho được cùng với người anh em của mình ngồi cạnh Thày trong vương quốc của Người, thực sự chính là người đầu tiên được uống chén khổ nạn trong cuộc chung phần tử đạo với các Vị Tông Đồ.

 

Sau hết, để tóm tắt mọi sự, chúng ta có thể nói rằng con đường của ngài, chẳng những bề ngoài song trên hết là bề trong, từ núi Biến Hình tới núi khổ nạn, là tiêu biểu cho cuộc hành trình của đời sống Kitô hữu, một cuộc hành trình diễn ra giữa các cuộc bắt bớ của thế gian và niềm an ủi của Thiên Chúa, như Công Đồng Chung Vaticanô II đã nói. Theo Chúa Giêsu, như thánh Giacôbê, chúng ta biết rằng, ngay cả trong những nỗi khó khăn khốn khó, chúng ta vẫn đi trên đường ngay nẻo chính vậy.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 21/6/2006