Thứ Tư 9/8/2006
Bài 15
Tông Đồ Gioan, Một Thần Học Gia
Anh Chị Em thân mến,
Trước những ngày nghỉ này, tôi đã bắt đầu phác tả những hình ảnh nho nhỏ về 12 Tông Đồ. Các Tông Đồ là những người đồng hành của Chúa Giêsu, những người bạn của Chúa Giêsu. Cuộc hành trình của các vị với Chúa Giêsu không phải chỉ là một cuộc hành trình về thể lý từ Galilêa tới Giêrusalem, nhưng là một cuộc hành trình nội tâm làm cho các vị biết tin tưởng vào Chúa Giêsu Kitô, không phải một cách dễ dàng gì, vì các vị cũng là người như chúng ta.
Thế nhưng, chính vì lý do này, lý do vì các vị là những người đồng hành của Chúa Giêsu, là những người bạn của Chúa Giêsu, thành phần học biết tin tưởng trong cuộc hành trình không quá dễ dàng mà các vị cũng là hướng đạo viên cho chúng ta, giúp chúng ta nhận biết Chúa Giêsu Kitô, yếu mến Người và tin tưởng nơi Người.
Tôi đã nhận định về 4 trong 12 vị Tông Đồ là Simon Phêrô, Anrê, người an hem của ngài; Giacôbê, người an hem của Thánh Gioan; và Giacôbê ‘Hậu’ là vị đã viết một Bức Thư chúng ta thấy trong tân Ước. Và tôi đã bắt đầu nói về Thánh Ký Gioan, qui tụ những sự kiện thiết yếu về cuộc đời của vị Tông Đồ này, trong buổi Giáo Lý cuối cùng trước những ngày nghỉ đây.
Giờ đây tôi muốn chú trọng tới nội dung của giáo huấn ngài dạy. Các bản văn chúng ta muốn khảo sát hôm nay, bởi thế, chính là cuốn Phúc Âm và những Bức Thư mang tên của ngài.
Một đặc tính nổi bật hiện lên nơi các bản văn của Thánh Gioan đó là tình yêu. Không phải tình cờ mà tôi muốn mở đầu cho bức Thông Điệp đầu tiên của tôi bằng những lời của vị Tông Đồ này: ‘Thiên Chúa là tình yêu’ (Deus caritas est); ai ở trong tình yêu là ở trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong họ’ (1Jn 4:16). Thật là khó mà tìm thấy những bản văn như thế này nơi các tôn giáo khác. Bởi vậy mà những lời như thế này mang chúng ta tới chỗ đối diện với một yếu tố thực sự là đặc thù của Kitô Giáo.
Dĩ nhiên Thánh Gioan không phải là vị tác giả duy nhất từ thời bắt đầu Kitô Giáo nói về tình yêu. Vì đây là một cấu trúc thiết yếu của Kitô Giáo mà tất cả mọi tác giả Tân Ước đều nói về nó, mặc dù bằng những cách nhấn mạnh khác nhau.
Giờ đây nếu chúng ta dừng lại để suy niệm về đề tài này của Thánh Gioan thì bởi vì ngài đã nói lên những tính chất chính yếu của nó một cách cương quyết và sâu sắc. Bởi vậy mà chúng ta tin vào lời của ngài. Một điều chắc chắn đó là ngài không trình bày về bản chất của tình yêu một cách trừu tượng, triết học và thậm chí thần học.
Không, ngài không phải là một lý thuyết gia. Thật vậy, tự bản chất của mình, tình yêu chân thực không bao giờ chỉ là những gì có tính cách suy đoán, mà thực hiện một liên hệ một cách trực tiếp, cụ thể và thậm chí khả chứng với con người thực. Bởi vậy mà Thánh Gioan, vị Tông Đồ và là người bạn của Chúa Giêsu, làm cho chúng ta thấy được các yếu tố của tình yêu, nói đúng hơn, thấy được những giai đoạn của tình yêu Kitô Giáo, một tiến trình được đánh dấu bằng ba thời điểm.
Thời điểm thứ nhất liên quan tới chính Nguồn Mạch của tình yếu được vị Tông Đồ này cho thấy là Thiên Chúa, khi khẳng định ‘Thiên Chúa là tình yêu’ (1Jn 4:8,16). Thánh Gioan là tác giả Tân Ước duy nhất cống hiến cho chúng ta định nghĩa về Thiên Chúa. Chẳng hạn ngài nói rằng: ‘Thiên Chúa là thần linh’ (Jn 4:24) hay ‘Thiên Chúa là ánh sáng’ (1Jn 1:5). Ở đây ngài được minh tri công bố rằng: ‘Thiên Chúa là tình yêu’.
Hãy chú ý là: ngài không chỉ chủ trương rằng ‘Thiên Chúa yêu thương’, hay tệ hơn nữa rằng ‘tình yêu là Thiên Chúa’! Nói cách khác, Thánh Gioan không chỉ diễn tả tác động của Thiên Chúa mà còn đi sâu tới tận gốc rễ của tình yêu nữa.
Ngoài ra, ngài không có ý qui một phẩm tình thần linh cho một thứ tình yêu chung chung và thậm chí phi ngôi vị; ngài không đi từ tình yêu tới Thiên Chúa, nhưng trực tiếp hướng về Thiên Chúa để xác định bản tính của Ngài bằng một chiều kích yêu thương vô cùng.
Làm như thế, Thánh Gioan muốn nói rằng cấu trúc thiết yếu của Thiên Chúa là tình yêu và bởi đó, tất cả mọi hoạt động của Thiên Chúa đều xuất phát từ yêu thương và thấm đẫm yêu thương, ở chỗ, tất cả những gì Thiên Chúa làm, Ngài đều làm vì yêu thương và với yêu thương, cho dù chúng ta không luôn luôn có thể hiểu ngay được đó là tình yêu, một tình yêu chân thực.
Tuy nhiên, đến đây, không thể nào không tiến thêm một bước nữa để giải thích rằng Thiên Chúa đã cụ thể bày tỏ tình yêu của Ngài bằng việc đi vào lịch sử của loài người qua Con Người của Chúa Giêsu Kitô, nhập thể, tử nạn và phục sinh vì chúng ta.
Đó là thời điểm thiết yếu thứ hai của tình yêu Thiên Chúa. Ngài không chỉ tuyên bố bằng lời nói, nhưng, chúng ta có thể nói, thực sự dấn thân mình và ‘đã phải trả giá’ bằng bản thân mình.
Đúng như những gì được Thánh Gioan viết, “Thiên Chúa đã quá yêu thương thế gian”, tức là tất cả chúng ta, “mà Ngài đã ban Người Con duy nhất của Ngài’ (Jn 3:16). Bởi thế, tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại là những gì được cụ thể hóa và biểu lộ nơi tình yêu của chính Chúa Giêsu.
Thánh Gioan còn viết: ‘Vì đã yêu thương những kẻ thuộc về mình trên thế gian, Người đã yêu thương họ đến cùng’ (Jn 13:1). Vì tình yêu nguyên tuyền và trọn vẹn này mà chúng ta được thực sự cứu khỏi tội lỗi, như Thánh Gioan còn viết: ‘Hỡi con cái bé nhỏ của tôi… nếu có ai phạm tội thì chúng ta có một vị biện hộ trước Cha là Chúa Giêsu Kitô công minh chính trực; Người là sự đền bồi tội lỗi của chúng ta, không phải chỉ tội lỗi của chúng ta mà thôi còn tội lỗi của cả thế gian nữa’ (1Jn 2:1-2; x 1Jn 1:7).
Đó là cách thức tình yêu của Chúa Giêsu vươn tới chúng ta, ở chỗ, tuôn đổ Máu của Người cho phần rỗi của chúng ta! Kitô hữu, thinh lặng chiêm ngưỡng trước ‘cái thái quá’ của tình yêu này, không thể nào lại không suy nghĩ đến việc đáp ứng sao cho cân xứng. Tôi nghĩ mỗi một người trong chúng ta, luôn luôn và liên tục, cần phải tự vấn về điều này.
Việc tự vấn này dẫn chúng ta tới thời điểm thứ ba của năng lực yêu thương, đó là từ thành phần thụ nhân của một thứ tình yêu đi trước và trổi vượt trên chúng ta, chúng ta được kêu gọi hãy quyết tâm thực hiện một đáp đền chủ động, một đền đáp muốn thích đáng thì chỉ có thể là một đáp đền bởi yêu thương.
Thánh Gioan nói về một ‘giới luật’. Thật vậy, ngài đã đề cập tới những lời này của Chúa Giêsu: ‘Thày ban cho các con một giới luật mới, đó là các con hãy yêu thương nhau; như Thày đã yêu thương các con thế nào, các con cũng hãy yêu thương nhau như thế’ (Jn 13:34).
Chúa Giêsu muốn nói tới cái mới mẻ này ra sao? Nó nằm ở sự kiện là Người không lấy làm hài lòng khi lập lại những gì đã được Cựu Ước đòi hỏi và là những gì chúng ta đã đọc thấy trong các Phúc Âm khác: ‘Các người phải yêu thương tha nhân như bản thân mình’ (Lev 19:18; x. Mt 22:37-39; Mk 12:29-31; Lk 10:27).
Nơi qui luật cổ xưa thì tiêu chuẩn này được căn cứ vào con người (‘như bản thân mình’), trong khi đó, nơi qui luật được Thánh Gioan nói tới, Chúa Giêsu cho thấy Con Người của Người như là lý do và là tiêu chuẩn cho tình yêu của chúng ta: ‘như Thày đã yêu thương các con’.
Chính vì thế mà tình yêu trở thành Kitô Giáo thực sự, ở chỗ, theo cả nghĩa nó phải được hướng về tất cả mọi người bất phân biệt, và trên hết, nó cần phải thực hiện bất chấp những hậu quả thái quá của nó, không có một giới hạn nào ngoài việc trở thành vô hạn.
Những lời ấy của Chúa Giêsu, ‘như Thày đã yêu thương các con’, cũng đồng thời vừa mời gọi chúng ta vừa làm cho chúng ta day dứt; chúng là mục đích của Kitô học có vể bất khả đạt, thế nhưng đồng thời chúng cũng là một kích thích không cho phép chúng ta thu mình lại nơi những gì chúng ta có thể chiếm đạt. Nó không cho phép chúng ta hài lòng với những gì chúng ta là mà thôi thúc chúng ta cứ tiến tới với đích điểm ấy.
Trong cuốn Gương Chúa Giêsu, một cuốn sách quí về tu đức nhỏ có từ cuối Thời Trung Cổ, tác giả viết về vấn đề này như sau: ‘Tình yêu của Chúa Giêsu là những gì cao quí và rộng lớn: nó thôi thúc chúng ta thực hiện những việc cao cả, và tác động chúng ta luôn mong muốn những gì là trọn lành. Tình yêu sẽ những gì hướng thượng chứ không bị gò bó vào những vật hạ đẳng. Tình yêu là những gì thanh thoát trước tất cả mọi chi phối trần gian…. Vì tình yêu xuất phát từ Thiên Chúa và không thể nghỉ yêu ngoài ở nơi Thiên Chúa hơn là nơi những tạo sinh. Người yêu là kẻ bay, chạy và hớn hở, họ tự do thanh thoát chứ không bị cầm giữ. Họ ban tặng tất cả cho mọi người mà lại có tất cả trong mọi sự, vì họ nghỉ yên trong một sự thiện tối hậu trên tất cả mọi sự thiện, Đấng mà từ Ngài xuất phát tất cả mọi sự thiện’ (Thomas Kempis, The Imitation of Christ, Book III, Chapter V, 3-4).
Còn lời nhận định nào hay hơn về ‘giới luật mới’ được Thánh Gioan nói tới đây? Chúng ta hãy cầu cùng Cha để có thể cho dù bao giờ cũng là kẻ bất toàn chúng ta vẫn có thể sống giới răn mới này mạnh mẽ tới độ chúng ta có thể chia sẻ nó với những ai chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống của chúng ta.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo
http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/audiences/2006/documents/hf_ben-xvi_aud_20060809_en.html