Thứ Tư 23/8/2006

 

Bài 16

 

Tông Đồ Gioan, ‘Vị Thụ Khải ở Patmô’

 

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Trong bài Giáo Lý vừa rồi, chúng ta đã suy niệm về hình ảnh của Tông Đồ Gioan. Đầu tiên chúng ta đã cố gắng để có thể biết được bao nhiêu về cuộc sống của ngài. Thế rồi, trong bài giáo lý sau đó, chúng ta đã suy niệm về nội dung chính yếu của Phúc Âm và các Thư ngài viết: đó là đức ái, là tình yêu. Và hôm nay, chúng ta lại chú trọng tới hình ảnh của Thánh Gioan lần nữa, lần này chúng ta thấy ngài như là một vị thị kiến Khải Huyền.

 

Chúng ta cần phải có một nhận định tức khắc là, trong khi tên của ngài không bao giờ xuất hiện ở cuốn Phúc Âm Thứ Bốn hay các bức thư được cho là của vị tông đồ này, thì Sách Khải Huyền đề cập tới tên Giaon 4 lần (x 1:1,4,9;22:8). Một mặt thì rõ ràng là vị tác giả này không cần phải giấu diếm tên tuổi của mình, mặt khác, ngài biết rằng thành phần độc giả đầu tiên của ngài có thể chính xác nhận ra ngài. Chúng ta còn biết thêm là, ngay trong thể kỷ thứ ba, các học giả đã tranh cãi về cái chân tướng thực sự của vị Gioan Khải Huyền này.

 

Đó là lý do chúng ta cũng có thể gọi ngài là ‘vị thụ khải ở Patmô’, vì hình ảnh của ngài gắn liền với địa danh của hải đạo vùng Biển Aegean, nơi mà, theo chứng từ tự thuật riêng của ngài, ngài thấy mình bị đầy đến đó ‘vì lời Chúa và việc làm chứng cho Chúa Giêsu’ (Rev 1:19). Chính tại Patmô, ‘trong Thần Linh vào ngày của Chúa’, Thánh Gioan đã có những thị kiến cao cả và đã nghe thấy những sứ điệp đặc biệt, những gì có một tác dụng không ít trên lịch sử của Giáo Hội cũng như nơi tất cả nền văn hóa Kitô Giáo.

 

Chẳng hạn, từ nhan đề của cuốn sách ngài viết là ‘Apocalypse’ (Khải Huyền), ngôn ngữ của chúng ta mới có những chữ ‘apocalypse, apocalyptic’ là những chữ gợi lên, cho dù không thích đáng, ý tưởng về một thứ tai ương chập chờn.

 

Cuốn sách này cần phải được hiểu trong bối cảnh của cái cảm nghiệm thảm thương nơi 7 Giáo Hội ở Á Châu (Ephesus, Smyrna, Pergamum, Tiatira, Sardi, Philadelphis và Laodicea), những giáo hội vào cuối thế kỷ thứ nhất phải đương đầu với những khó khăn – đó là những cuộc bách hại và thậm chí cả những khó khăn nội bộ – trong việc họ làm chứng cho Chúa Kitô. Thánh Gioan ngỏ lời cùng họ, tỏ cho thấy cái cảm thức mục vụ sâu xa đối với thành phần Kitô hữu bị bách hại, thành phần được ngài khuyến dụ là hãy kiên trì trong đức tin chứ đừng đồng hóa mình với chính thế giới dân ngoại rất hùng mạnh bấy giờ.

 

Nói tóm thì mục tiêu của ngài đó là tỏ ra cho thấy ý nghĩa của lịch sử loài người từ cái chết và cuộc phục sinh của Chúa Kitô. Thật vậy, thị kiến đầu tiên và chính yếu của Thánh Gioan liên quan tới hình ảnh Con Chiên, một con chiên dù có bị sát hại, vẫn đứng (x. Rev 5:6), trước ngai chính Thiên Chúa ngự trị. Qua hình ảnh ấy, Thánh Gioan muốn nói với chúng ta hai điều chính yếu: thứ nhất là Chúa Giêsu, mặc dù Người bị sát hại một cách dữ dội, thay vì nằm sõng soài dưới đất thì ngược lại vẫn đứng vững, vì Người đã vĩnh viễn chiến thắng tử thần bằng cuộc phục sinh của Người.

 

Thứ hai là chính Chúa Giêsu, chỉ vì Người đã chết và phục sinh, mà giờ đây hoàn toàn tham phần vào quyền năng vương giả và cứu độ của Chúa Cha. Đây là một thị kiến trọng yếu. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, trên thế gian này, là một Con Chiên bất lực, thương tích và tử vong. Thế nhưng, Người vẫn đứng, vững vàng, trước ngai Thiên Chúa và tham dự vào quyền năng thần linh. Người nắm trong tay của Người lịch sử của thế giới này. Như thế, vị thụ khải này muốn nói với chúng ta rằng: Hãy tin tưởng vào Chúa Giêsu, đừng sợ các quyền lực đối địch, đừng sợ bị bách hại! Con Chiên bị đả thương và tử vong là Con Chiến chiến thắng! Hãy theo Chúa Giêsu, Con Chiên, hãy tin tưởng Chúa Giêsu, hãy theo đường lối của Người! Cho dù trên thế gian này, Người như thể là một Con Chiên yếu đuối, Người là kẻ chiến thắng!

 

Đối tượng của một trong những thị kiến chính của Sách Khải Huyền đó là Con Chiên ở vào lúc Người mở cuốn sách trước đó được niêm phong bằng 7 ấn tín, một cuốn sách không ai có thể mở nổi (x Rev 5:4). Lịch sử dường như là những gì bất khả giải mã, bất khả triệt thấu. Không ai có thể đọc được nó cả.

 

Có lẽ việc Thánh Gioan khóc lóc trước mầu nhiệm rất tăm tối của lịch sử là những gì thể hiện tình trạng bối rối của các Giáo Hội Á Châu vì Thiên Chúa tỏ ra thinh lặng trước những cuộc bách hại họ phải chịu bấy giờ. Đó là một tình trạng bối rối được phản ảnh rõ ràng cái ngỡ ngàng của chúng ta trước những khó khăn nặng nề, những hiểu lầm và những thù hận mà Giáo Hội cũng phải chịu ở một số phần đất trên thế giới ngày nay.

 

Chúng là những thứ khổ đau Giáo Hội chắc chắn không đáng chịu, như Chúa Giêsu không đáng bị trừng phạt vậy. Tuy nhiên, chúng tỏ ra cả cái ác tâm hiểm độc của con người ta, khi Người để cho mình bị làm chủ bởi các cạm bẫy của sự dư, cũng như bởi việc Thiên Chúa là Đấng điều khiển các biến cố xẩy ra. Bởi thế mà chỉ có Con Chiên bị sát tế mới có thể mở được cuốn sách được niêm ấn ấy và mới cho thấy nội dung của cuốn sách này, mới cống hiến ý nghĩa cho lịch sử, một lịch sử bề ngoài thường rất ư là lố bịch buồn cười.

 

Một mình Người mới có thể rút ra những lời khuyên bảo và những giáo huấn cho đời sống của Kitô hữu, thành phần được cuộc chiến thắng của Người trên sự chết loan báo và bảo đảm cho cuộc chiến thắng họ chắc chắn sẽ đạt được. Tất cả mọi ngôn từ được Thánh Gioan sử dụng, đậm đà hình ảnh, đều nhắm đến việc cống hiến cho chúng ta niềm an ủi này.

 

Ở tâm điểm của thị kiến được Sách Khải Huyền trình bày là hình ảnh rất đặc biệt của một Người Nữ, người hạ sinh một Người Con trai, và thị kiến bổ xung về Con Rồng, một con rồng bị rơi từ các tầng trời xuống, nhưng vẫn rất mãnh lực. Người Nữ này là tiêu biểu cho Mẹ Maria, Mẹ Chúa Cứu Thế, nhưng người nữ ấy đồng thời cũng tiêu biểu cho toàn thể Giáo Hội, cho Dân Chúa thuộc mọi thời đại, cho Giáo Hội qua mọi thời đại cảm thấy hết sức đớn đau hạ sinh Chúa Kitô. Và người nữ này luôn bị đe dọa bởi quyền lực của Con Rồng. Người nữ ấy có vẻ bất lực, yếu đuối.

 

Thế nhưng, trong khi bà bị đe dọa, bị Con Rồng truy nã, bà cũng được ơn an ủi của Thiên Chúa bảo vệ. Và Người Nữ này, cuối cùng, chiến thắng. Con Rồng không phải là kẻ thắng cuộc. Đây là lời tiên tri cả thể của cuốn sách này, làm cho chúng ta tin tưởng! Người nữ chịu khổ đau trong giòng lịch sử là Giáo Hội bị bách hại, cuối cùng đã xuất hiện như Vị Hôn Thê rạng ngời, hình ảnh của một tân Gia-Liêm, nơi không còn châu lệ hay khóc than, hình ảnh của một thế giới được biến đổi, của một tân thế giới mà chính Chúa là ánh sáng và đèn soi là Con Chiên.

 

Chính vì lý do ấy mà Sách Khải Huyền của Thánh Gioan, mặc dù đầy những chi tiết liên tục dính dáng tới khổ đau, hoạn nạn và khóc than – bộ mặt tối tăm của lịch sử – đồng thời cũng thường có các bài tụng ca có thể nói tiêu biểu cho bộ mặt rạng ngời của lịch sử.

 

Chẳng hạn, Khải Huyền nói đến một đám thật đông xướng ca gần như vang rền là: ‘Alleluia! Chúa đã thiết lập triều đại của Ngài, vị Thiên Chúa của chúng ta, Đấng toàn năng. Chúng ta hãy hân hoan sung sướng tôn vinh Ngài. Vì đã tới ngày hôn  lễ của Con Chiên, vị hôn thê của Người đã sửa soạn sẵn sàng’ (Rev 19:6-7). Chúng ta đang đối diện với một cái đối nghịch thường thấy nơi Kitô Giáo, theo đó, đau khổ không bao giờ được coi là phán quyết cuối cùng; trái lại, nó được thấy như là một giây phút vượt tới hạnh phúc, hơn thế nữa, cái hạnh phúc này đã được nhiệm mầu thấm đậm bởi niềm vui xuất phát từ niềm hy vọng.

 

Bởi thế mà Thánh Gioan, vị thụ khải ở Patmô, có thể kết thúc cuốn sách của mình bằng một ước vọng cuối cùng làm rung động cả một niềm hy vọng thiết tha. Ngài gợi lên cho thấy việc Chúa Kitô đến lần sau hết: ‘Hãy đến, lạy Chúa Giêsu!’ (Rev 22:20). Đó là một trong những lời nguyện cầu chính yếu của một Kitô Giáo phôi sinh, được Thánh Phaolô chuyển dịch sang tiếng Aramaic là ‘Marana tha’. Và lời nguyện cầu này: ‘Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!’ (1Cor 16:22) có một số chiều kích.

 

Trước hết, dĩ nhiên là nó áp dụng vào việc đợi chờ cuộc vĩnh viễn chiến thắng của Chúa Kitô, của một tân Gia Liêm, của Chúa là Đấng đến biến đổi thế giới. Thế nhưng, đồng thời nó cũng là một kinh nguyện Thánh Thể: ‘Giờ đây, lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!’ Và Chúa Giêsu đến, Người dự phóng cho việc đến lần cuối cùng của Người. Như thế, với niêm hân hoan, chúng ta đồng thời cũng nói: ‘Giờ đây xin Chúa hãy đến và vĩnh viễn đến!’. Lời nguyện cầu này cũng mang ý nghĩa thứ ba nữa, đó là ‘Lạy Chúa, Chúa đã đến rồi! Chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa giữa chúng con. Vì đây là một cảm nghiệm vui mừng. Thế nhưng, xin Chúa hãy vĩnh viễn đến!’ Bởi thế, cùng với Thánh Phaolô, với vị thụ khải ở Patmô, với Kitô Giáo phôi sinh, chúng ta cũng nguyện cầu rằng: ‘Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến. Hãy đến biến đổi thế giới này! Xin hãy đến, lúc này đây, hôm nay đây, và chớ gì bình an vinh thắng!’ Amen.

 
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 23/8/2006