Thứ Tư 22/3/2006

 

Bài 2

 

Các Tông Đồ là Chứng Nhân và Phái Viên Chúa Kitô

 

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Bức Thư gửi Giáo Đoàn Êphêsô cho thấy Giáo Hội như là một cơ cấu ‘được xây dựng trên nền tảng tông đồ và tiên tri có chính Chúa Giêsu Kitô là tảng đá góc tường’ (2:20). Trong Sách Khải Huyền, vai trò của các vị tông đồ, đặc biệt là của Nhóm 12, được sáng tỏ ở viễn tượng cánh chung của một Giêrusalem thiên quốc, một Giêrusalem hiện lên như một thành đô có tường thành với ’12 nền đá làm có khắc 12 tên của 12 vị tông đồ của Con Chiên’ (21:14). Các Phúc Âm cùng thuật lại việc kêu gọi các vị tông đồ là những việc làm đầu tiên của sứ vụ Chúa Giêsu, sau khi Người lãnh nhận phép rửa của Gioan Tẩy Giả ở sống Dược Đăng.

 

Theo trình thuật của Thánh Marcô (1:16-20) và Thánh Mathêu (4:18-22) thì Hồ Galilêa là khung cảnh cho việc kêu gọi các vị tông đồ tiên khởi. Chúa Giêsu đã bắt đầu rao giảng Vương Quốc của Thiên Chúa, thời điểm ánh mắt của Người hướng tới hai cặp an hem: Simon và Anrê, Giacôbê và Gioan. Họ là những người đánh cá, chuyên cần với việc làm hằng ngày của mình. Họ hạ lưới xuống và sửa chữa lưới của mình. Tuy nhiên, một việc bắt cá khác lại đang đợi chờ họ. Chúa Giêsu quyết định lên tiếng gọi họ và họ lập tức theo Người: Từ đó trở đi họ sẽ là ‘những tay đánh cá người’ (x Mk 1:17; Mt 4:19.

 

Mặc dù căn cứ vào cùng một truyền thống, Thánh Luca trình thuật cặn kẽ hơn (5:1-11). Thánh nhân cho thấy cuộc hành trình đức tin của những vị môn đệ tiên khởi này, nhấn mạnh tới việc Chúa Giêsu mời gọi họ theo Người xẩy ra sau khi họ đã nghe bài giảng đều tiên của Người, và sau khi đã cảm nghiệm được những dấu lạ đầu tiên Người thực hiện. Đặc biệt là mẻ cá lạ là những gì trực tiếp tạo nên môi trường ấy và cho thấy cái biểu hiệu về sứ vụ của thành phần đánh cá người được ủy thác cho họ. Từ đó, định mệnh của những con người ‘được kêu gọi’ này hoàn toàn dính liền với định mệnh của Chúa Giêsu. Một người tông đồ là một người được sai đi, thế nhưng trước đó, họ là một ‘chuyên viên’ thông thạo về Chúa Giêsu.

 

Khía cạnh này được Thánh Ký Gioan nhấn mạnh từ lần đầu tiên Chúa Giêsu gặp gỡ các vii tông đồ tương lai. Ở đây thì khung cảnh lại khác đi. Cuộc gặp gỡ xẩy ra ở bờ sông Dược Đăng. Sự hiện diện của những người môn đệ tương lai ấy là những gì chiếu sáng thế giới thiêng liêng của họ, thành phần cũng như Chúa Giêsu đến từ Galilêa để sống cảm nghiệm phép rửa của Thánh Gioan. Họ là những con người đang đợi chờ Vương Quốc của Thiên Chúa, mong muốn nhận biết Đấng Thiên Sai là Đấng được loan báo là gần đến rồi.

 

Chỉ cần Thánh Gioan Tẩy Giả chỉ cho biết Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa (x Jn 1:36) là họ muốn được gặp gỡ riêng tư với Vị Sư Phụ này. Cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với hai vị tông đồ tương lai ấy là những gì rất minh bạch. Trả lời cho câu hỏi: ‘Các anh tìm kiếm chi vậy?’, họ đã trả lời bằng một câu vấn nạn khác: ‘Rabbi – tức là Thưa Thày – Thày hiện đang ở đâu?’ Câu trả lời của Chúa Giêsu là một lời mời gọi: ‘Hãy đến mà xem’ (x Jn 1:38-39). Hãy đến hầu các anh có thể thấy.

 

Thế là cuộc mạo hiểm của các tông đồ bắt đầu như là một cuộc qui tụ của những con người cởi mở cho nhau một cách hỗ tương. Các vị môn đệ bắt đầu hiểu biết về Vị Sư Phụ này. Họ thấy được chỗ Người sống và bắt đầu biết về Người. Họ không cần phải trở thành những người rao giảng cho một ý tưởng, mà là chứng nhân cho một con người. Trước khi được sai đi truyền bá phúc âm hóa, họ cần phải ‘ở’ với Chúa Giêsu (x Mk 3:14), thiết lập mối liên hệ riêng tư với Người. Bởi thế, việc truyền bá phúc âm hóa không là gì khác ngoài việc loan truyền những gì được cảm nghiệm thấy và là một lời mời gọi thông dự vào mầu nhiệm hiệp thông với Chúa Kitô (x 1Jn 13).

 

Các tông đồ được sai đến với ai? Theo Phục Âm, Chúa Giêsu dường như giới hạn sứ vụ của các vị ở Yến Duyên: ‘Thày chỉ sai đến với chiên lạc nhà Yến Duyên thôi’ (Mt 15:24). Đồng thời Người cũng hạn chế sứ vụ được ủy thác cho Nhóm 12: “Chúa Giêsu sai nhóm 12 này đi sau khi chỉ dẫn các vị rằng ‘Đừng đến lãnh địa của dân ngoại hay thôn làng của người Samaritanô. Trái laạ, hãy đến với chiên lạc của nhà Yến Duyên’ (Mt 10:5). Thành phần chủ trương duy lý đã chỉ trích những điều này là nhân vật Nazarét thiếu tâm thức phổ quan đại đồng.

 

Thật vậy, những lời lẽ ấy cần phải được hiểu theo chiều hướng liên hệ đặc biệt với Do Thái là cộng đồng Giao Ước, trong sự liên tục với lịch sử cứu độ. Theo sự trông mong Đấng Cứu Tinh, thì những lời hứa hẹn thần linh, được trực tiếp truyền đạt cho Yến Duyên, sẽ được nên trọn khi chính Thiên Chúa, qua Đấng Ngài Tuyển Chọn, qui tụ dân Ngài lại như mục tử qui tụ đàn chiên của mình: ‘Ta sẽ cứu chiên của Ta để chúng không còn bị cướp bóc…. Ta sẽ chỉ định một mục tử duy nhất để chăn dắt chúng là Đavít tôi tớ của Ta…. Va tôi tớ Đavít của Ta sẽ là hoàng vương nơi chúng’ (x Ez 34:22-24).

 

Chúa Giêsu là vị mục tử cánh chung, Đấng qui tụ thành phần chiên lạc nhà Yến Duyên và lên đường tìm kiếm chúng, vì Người biết chúng và yêu thương chúng (x Lk 15:4-7; Mt 18:12-14; x. Jn 10:11 ff). Qua việc ‘qui tụ’ này, Vương Quốc của Thiên Chúa được loan báo cho tất cả mọi quốc gia. ‘Nhờ thế Ta sẽ tỏ vinh quang của Ta trước các dân nước, và tất cả mọi quốc gia sẽ thấy phán quyết Ta ban hành và bàn tay Ta trên chúng’ (Ez 39:21). Và Chúa Giêsu đã theo đúng như nội dung lời ngôn sứ ấy. Đầu tiên là ‘qui tụ’ dân Do Thái, nhờ đó tất cả mọi dân nước được kêu gọi để qui tụ lại trong mối hiệp thông với Chúa được sống động và tin tưởng.

 

Như thế, Nhóm 12, được kêu gọi để tham dự vào cùng một sứ vụ của Chúa Giêsu, cộng tác với Vị Mục Tử cuối thời ấy, cũng trước hết loan báo cho tất cả thành phần chiên lạc nhà Yến Duyên, tức là với dân của lời hứa, dân mà việc qui tụ của họ là dấu hiệu cứu độ của tất cả mọi dân tộc, mở đầu cho việc đại đồng hóa Giao Ước ấy. Vấn đề ở đây là việc giới hạn này chẳng những không tương phản với việc cởi mở đại đồng nơi vai trò thiên sai của nhân vật Nazarét ấy, mà ngay từ ban đầu sứ vụ của Người cũng như sứ vụ của các vị tông đồ còn là một dấu hiệu ngôn sứ tác hiệu nữa.

 

Sau cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Kitô, dấu hiệu ấy đã được sáng tỏ, đó là tính chất đại đồng nơi sứ vụ của các vị tông đồ trở thành hiển nhiên. Chúa Kitô đã sai các vị tông đồ ‘đi khắp thế giới’ (Mk 16:15) và ‘mọi dân nước’ (Mt 28:19; Lk 24:47) ‘và đến tận cùng trái đất’ (Acts 1:8). Sứ vụ này được tiếp tục. Lệnh truyền của Chúa trong việc qui tụ các dân nước lại nên một trong tình yêu thương của Người luôn là những gì liên tục. Đó là niềm hy vọng của chúng ta và đó cũng là giới lệnh cho chúng ta, đó là hãy góp phần vào tính cách đại đồng ấy, vào mối hiệp nhất thực sự này theo sự phong phú của các nền văn hóa, trong mối hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô thực sự của chúng ta.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 22/3/2006