Thứ Tư 11/10/2006
Bài 21:
Tông Đồ Simon và Thaddêô
Anh Chị Em thân mến,
Hôm nay chúng ta chú ý tới hai trong 12 Tông Đồ, đó là Tông Đồ Simon người Canaan và Giuđa được gọi là Thaddêô (đừng nhầm với Giuđa Iscariot). Chúng ta chú ý tới hai vị cùng một lúc, không phải vì trong danh sách 12 Tông Đồ hai vị bao giờ cũng được nhắc đến bên nhau (x Mt 10:4; Mk 3:18; Lk 6:15; Acts 1:13), mà vì không có nhiều chi tiết về hai vị, ngoại trừ Sổ Bộ Tân Ước có một bức thư được cho là của Tông Đồ Giuđa Thaddêô.
Tông Đồ Simon được ghép với một hình dung từ khác nhau trong 4 bản liệt kê: trong khi Thánh Ký Mathêu và Marcô diễn tả ngài như là “người xứ Canaan” thì Thánh Ký Luca diễn tả ngài như là “người nhiệt thành”. Thật sự, hai phẩm chất này là những gì tương đương nhau, vì chúng có cùng một nghĩa: đúng vậy, theo tiếng Do Thái thì động từ “qanà” có nghĩa là “nhiệt thành, hăng say”, và có thể được sử dụng để nói về Thiên Chúa liên quan tới nỗi hờn ghen đối với thành phần dân được Ngài tuyển chọn (x Ex 20:5), hay về thành phần bừng lên lòng nhiệt thành hoàn toàn dấn thân phụng sự Thiên Chúa như Elia (x 1Kgs 19:10).
Bởi thế, có thể Tông Đồ Simon này, nếu không thực sự thuộc về phong trào duy quốc gia chủ nghĩa của Nhóm Zealots, thì ít là có đặc tính của một lòng nhiệt thành đối với căn tính của người Do Thái, vì thế đối với Thiên Chúa, với dân tộc của mình và với lề luật thần linh. Nếu đúng là thế thì Tông Đồ Simon này hoàn toàn khác hẳn với Tông Đồ Mathêu, vị ngược lại, vì là một người thu thuế, xuất thân từ một hoạt động hoàn toàn được coi là dơ bẩn. Đó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ của Người cũng như thành phần phụ giúp của Người từ những tầng lớp xã hội và tôn giáo khác nhau, không hề phân cách.
Người chú trọng tới con người, chứ không lưu ý tới thứ loại hay qui ước xã hội! Và điều tuyệt vời ở đây là trong các nhóm môn đệ của mình, mặc dù khác nhau, từ thành phần nhiệt thành đến thành phần thu thuế, đều chung sống với nhau, thắng vượt những khó khăn có thể được đặt ra: thật thế, chính Chúa Giêsu là động lực cho việc liên kết này, nơi Người, tất cả đều thấy mình được kết nối. Và điều ấy rõ ràng cống hiến cho chúng ta một bài học, thành phần thường chú trọng tới những gì là khác biệt nhau và có thể là những gì chống đối nhau, quên đi rằng nơi Chúa Giêsu Kitô chúng ta có được một sức mạnh để hòa giải các thứ xung khắc của chúng ta. Và chúng ta hãy nhớ rằng nhóm 12 là một hình ảnh tiền thân của Giáo Hội và vì thế cho thấy trước Giáo Hội cần phải có chỗ cho tất cả mọi đặc sủng, mọi dân nước, mọi chủng tộc, tất cả mọi phẩm chất làm người, tất cả những gì có thể được hòa hợp và hiệp nhất nơi mối hiệp thông với Chúa Giêsu.
Về Tông Đồ Giuđa Thaddêô, vị được gọi như thế bởi truyền thống, liên kết hai tên gọi khác nhau: trong khi Thánh Ký Mathêu và Marcô chỉ gọi ngài là “Thaddêô” (Mt 10:3; Mk 3:18), thì Thánh Ký Luca lại gọi ngài là “Giuđa con Giacôbê” (Lk 6:16; Acts 1:13). Biệt danh Thaddêô có một nguồn gốc không rõ ràng và được giải thích như xuất phát từ tiếng Aramaic “taddà”, nghĩa là “ngực” bởi thế có nghĩa là “hào hiệp cao thượng”, hay như tiếng viết tắt của một tên gọi Hy Lạp như “Theodore, Teodoto”. Ngài là vị ít được nói đến.
Chỉ có Thánh Ký Gioan ghi nhận một điều yêu cầu ngài đã tỏ ra cùng Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly: Thaddêô nói cùng Chúa Giêsu rằng “Lạy Thày, tại sao Thày chỉ tỏ mình cho chúng con mà thôi và không tỏ ra cho thế gian?” Đó là một vấn nạn có một tầm quan trọng lớn lao hiện tại, một vấn đề chúng ta cũng hỏi Chúa Giêsu rằng: Tại sao Đấng Phục Sinh không tỏ hết vinh quang của mình ra cho các thành phần đối phương để chứng tỏ cho họ thấy rằng Người là người vinh thắng? Tại sao Thiên Chúa lại chỉ tỏ mình ra cho thành phần môn đệ mà thôi? Câu trả lời của Chúa Giêsu là một câu giải đáp huyền nhiệm và có ý nghĩa sâu xa.
Chúa Giêsu nói rằng: “Nếu ai yêu mến Thày thì sẽ giữ lời Thày, và Cha Thày sẽ yêu thương họ, rồi Chúng Ta sẽ đến với họ, biến họ làm nơi cư trú của Chúng Ta” (Jn 14:22-23). Tức là Đấng Phục Sinh cũng cần phải được nhìn thấy, được nhận thấy, bằng con tim, nhờ đó Thiên Chúa có thể cư trú nơi họ. Chúa Giêsu không hiện ra như là một thứ đồ vật. Chúa Giêsu muốn đi vào cuộc đời của chúng ta, vì vậy, việc Người tỏ mình ra là một thứ tỏ mình bao hàm và cần có một con tim cởi mở đón nhận. Chỉ có thế chúng ta mới thấy được Đấng Phục Sinh.
Xưa kia Tông Đồ Giuđa Thaddêô được cho là tác giả của một trong những bức thư Tân Ước được gọi là “công giáo” vì những bức thư này ngỏ cùng một số rất đông thành phần độc giả. Thật vậy, bức thư này được ngỏ cùng “thành phần được tuyển chọn đang sống trong tình yêu của Thiên Chúa là Cha và được Chúa Giêsu Kitô gìn giữ bảo trì” (câu 1).
Mối quan tâm chính yếu của bản văn này đó là việc Kitô hữu phải coi chừng tất cả những ai lấy ân sủng của Chúa như tấm bình phong che đậy cái phóng túng bừa bãi của họ và lừa đảo anh em mình bằng những giáo thuyết bất khả chấp, gây chia rẽ trong Giáo Hội “bởi ảnh hưởng từ các thứ mơ tưởng của họ” (câu 8). Bởi vậy mà Tông Đồ Giuđa này so sánh họ với thành phần sa đọavà bằng những lời lẽ mạnh mẽ ngài nói rằng “họ theo đường lối của Cain” (câu 11).
Ngoài ra, ngài không ngần ngại gán ghép cho họ “như là những đám mây không mưa bị nổi trôi bởi gió cuốn hay những thứ cây cối cuối mùa chẳng sinh hoa kết trái, bị cằn chết, bị mất gốc; như những ngọn sóng hung dữ trên biển cả phun bọt bẩn thỉu; như những thứ tinh tú hoang đàng, đáng là đám sương mù tăm tối trong cõi vĩnh hằng” (các câu 12-13).
Ngày nay chúng ta không còn quen với việc sử dụng thứ ngôn từ gây tranh cãi này, thứ ngôn từ dầu sao cũng nói cho chúng ta một điều gì đó quan trọng: Đó là trong tất cả mọi chước cám dỗ hiện hữu, trước tất cả mọi trào lưu của cuộc sống tân tiến, chúng ta cần phải kiên trì gìn giữ lấy căn tính đức tin của mình. Dĩ nhiên đường lối ân huệ và đối thoại được Công Đồng Chung Vaticanô II đã thực hiện một cách khéo léo, chắc chắn sẽ được nhất mực tiếp tục thực hiện. Thế nhưng, đường lối đối thoại này, một đường lối rất ư là cần thiết, vẫn không được làm cho chúng ta quên đi nhiệm vụ cần phải cân nhắc và luôn làm chứng một cách mạnh mẽ những chiều hướng chi phối thuộc căn tính Kitô Giáo của chúng ta là những gì chúng ta không được loại bỏ.
Cần phải gìn giữ thật hiện đại cái căn tính ấy, cái căn tính chúng ta có không phải là trò đùa ở một bình diện thuần văn hóa hay ở một mức độ hời hợt, song nó cần phải là những mạnh mẽ, minh bạch và can đảm trước những xung khắc nơi thế giới chúng ta đang sống.
Đó là lý do bản văn của bức thư ấy mới tiếp tục viết như thế này: “Thế nhưng, anh chị em thân mến, hãy xây dựng bản thân mình trên đức tin rất thánh của anh chị em, hãy nguyện cầu trong Chúa Thánh Thần, hãy giữ mình trong tình yêu Thiên Chúa, hãy đợi chờ tình thương của Chúa Giêsu Kitô là Chúa của chúng ta nơi cuộc sống trường sinh; hãy tin tưởng, những ai trong anh chị em đang bị chao đảo…” (câu 2-22).
Chúng ta thấy rõ là vị tác giả của những giòng chữ này sống trọn vẹn niềm tin của ngài, một niềm tin hàm chứa các thực tại cao cả như tính cách liêm chính và niềm vui về luân lý, lòng tin tưởng và sau hết là việc chúc tụng, tất cả đều được tác động bởi duy sự thiện hảo của vị Thiên Chúa duy nhất của chúng ta và bởi tình thương của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Bởi thế, chớ gì cả Tông Đồ Simon người Canaan và Tông Đồ Giuđa Thaddêô giúp chúng ta biết tái nhận thức một cách mới mẻ và sống một cách thiết tha với vẻ đẹp của đức tin Kitô Giáo, biết thực hiện một chứng từ vừa mạnh mẽ vừa thanh thản.
Đaminh
Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày
11/10/2006