Thứ Tư 29/3/2006

 

Bài 3

 

Tặng Ân Hiệp Thông

 

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Qua thừa tác vụ tông đồ, Giáo Hội, một cộng đồng được Con Thiên Chúa làm người qui tụ, sẽ sống qua giòng thời gian, xây dựng và nuôi dưỡng mối hiệp thông trong Chúa Kitô và trong Thần Linh, một mối hiệp thông tất cả mọi người được kêu gọi tham phần và có thể cảm nghiệm thấy ơn cứu độ được Chúa Cha ban cho. Mười Hai Vị Tông Đồ, như vị thừa kế thứ ba của Thánh Phêrô là Giáo Hoàng Clementê đã nói vào cuối thế kỷ thứ nhất, lưu ý tới việc chọn lựa thành phần thừa kế mình (cf. 1Clement 42:4), nhờ đó sứ vụ được ký thác cho các ngài được tiếp tục sau khi các ngài qua đi. Qua các thế kỷ, Giáo Hội, được kiến tạo dưới sự lãnh đạo của những vị chủ chiên hợp lệ, đã tiếp tục sống trên thế giới như mầu nhiệm hiệp thông, một mầu nhiệm, ở một nghĩa nào đó, phản ảnh chính mối hiệp thông Ba Ngôi, phản ảnh mầu nhiệm của chính Thiên Chúa.

 

Thánh Tông Đồ Phaolô đã đề cập tới nguồn mạch Ba Ngôi cao cả này khi ngài chúc Kitô hữu của mình rằng: ‘Nguyện xin ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em” (2Cor 13:13). Những lời này, có lẽ là tiếng vọng của việc tôn thờ của Giáo Hội sơ khai, nhấn mạnh đến cách thức tặng ân nhưng không của tình yêu Chúa Cha nơi Chúa Giêsu Kitô được hiện thực và thể hiện nơi mối hiệp thông do Thánh Linh thực hiện.

 

Việc dẫn giải này, được căn cứ trực tiếp vào mối liên hệ nơi đoạn này giữa ba sở hữu cách (“ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần”), cho thấy “mối hiệp thông” như là một tặng ân đặc biệt của Thần Linh, hoa trái của tình yêu Chúa Cha và của ân sủng Chúa Giêsu.

 

Ngoài ra, khung cảnh này, được nhấn mạnh nơi mối hiệp thông huynh đệ, dẫn chúng ta đến chỗ thấy, trong ‘koinonia - mối hiệp thông’ của Thánh Thần, không những “việc thông phần” vào sự sống thần linh một cách hầu như cá vị, như thể mỗi một người được thông phần, mà còn cả “mối hiệp thông” về lý thuyết nơi tín hữu nữa, một mối hiệp thông được chính Thần Linh thông ban như vị tác giả và tác nhân chính của nó (x Phil 2:1).

 

Cần phải khẳng định là ân sủng, tình yêu và hiệp thông, những gì được ám chỉ một cách tương ứng với Chúa Kitô, Chúa Cha và Thần Linh, là những khía cạnh khác nhau của một tác động thần linh duy nhất cho phần rỗi của chúng ta, tác động kiến tạo nên Giáo Hội và làm nên bởi Giáo Hội – như Thánh Cyprian đã nói vào thế kỷ thứ ba – “một đám đông qui tụ lại với nhau bởi mối hiệp nhất của Chúa Cha và Chúa Con cùng Thánh Linh” ("De Oratione Dominica," 23: PL 4, 536, quoted in "Lumen Gentium," 4).

 

Ý niệm hiệp thông như việc thông phần vào sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa là những gì được sáng tỏ một cách đặc biệt ở Phúc Âm Thánh Gioan, nơi cho thấy mối hiệp thông yêu thương liên kết Con với Cha cũng như với con người đồng thời cũng là mô phạm và là nguồn mạch của mối hiệp nhất huynh đệ, một mối hiệp nhất cần phải nối kết các môn đệ lại với nhau: ‘các con hãy yêu thương nhau như Thày đã yêu thương các con’ (Jn 15:12; x. 13:34). ‘Để họ cũng được ở trong chúng ta’ (Jn 17:21-22), do đó, là mối hiệp thông con người với Thiên Chúa Ba Ngôi và là mối hiệp thông con người với nhau. Trong thời điểm của cuộc hành trình trần thế, nhờ mối hiệp thông với Con, người môn đệ đã được tham dự vào sự sống thần linh của Người và sự sống thần linh của Cha: ‘mối hiệp thông của chúng tôi với Chúa Cha và với Chúa Giêsu Kitô” (1Jn 1:3).

 

Sự sống được hiệp thông với Thiên Chúa và nơi chúng ta này chính là mục tiêu của việc loan truyền Phúc Âm, là mục tiêu của việc hoán cải trở về với Kitô Giáo: ‘những gì chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho anh em, để anh em được hiệp thông với chúng tôi’ (1Jn 1:3). Bởi thế, mối hiệp thông lưỡng đôi với Thiên Chúa và nơi chúng ta này là những gì bất khả phân ly.

 

Bất cứ lúc nào mối hiệp thông với Thiên Chúa bị hủy diệt, mối hiệp thông với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, thì căn nguyên và là nguồn gốc của mối hiệp thông nơi chúng ta cũng bị hủy hoại. Và bất cứ khi nào mối hiệp thông giữa chúng ta không còn tồn tại, thì mối hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi cũng không thể nào sống động và chân thực, như chúng ta đã nghe.

 

Giờ đây chúng ta hãy tiến thêm một bước nữa. Hiệp thông – hoa trái của Chúa Thánh Thần – là những gì được dưỡng nuôi bởi bánh Thánh Thể (x 1Cor 10:16-17) và được thể hiện nơi những mối liên hệ huynh đệ, như một thứ ngưỡng vọng về một thế giới mai sau. Nơi Thánh Thể, Chúa Giêsu dưỡng nuôi chúng ta, liên kết chúng ta với chính bản thân Người, với Chúa Cha và với Thánh Thần cũng như với nhau nơi chúng ta, và cơ cấu hiệp nhất bao gồm thế giới này là những gì ngưỡng vọng cho một thế giới mai sau nơi thời của chúng ta.

 

Nếu đó là những gì ngưỡng vọng tới tương lai thì hiệp thông là tặng ân có những thành quả rất chân thực; nó làm cho chúng tar a khỏi những gì là lẻ loi cô quạnh, ra khỏi cái tâm thức hẹp hòi của chúng ta, và làm cho chúng ta có thể tham dự vào mối tình yêu thương liên kết chúng ta với Thiên Chúa và với nhau. Muốn hiểu được s75 trọng đại của tặng ân này, chỉ cần nghĩ tới những chia rẽ và xung khắc là những gì đầy đọa các mối liên hệ giữa cá nhân, nhóm phái hay cả các quốc gia với nhau. Và nếu tặng ân hiệp nhất trong Thánh Thần ấy bị hụt hang thì không thể nào không xẩy ra tình trạng chia rẽ nơi loài người.

 

‘Hiệp thông’ thực sự là một tin mừng, một phương dược Chúa ban cho chúng ta để chống lại với sự lẻ loi cô độc đang đe dọa tất cả mọi người ngày nay, một tặng ân quí giá làm cho chúng ta cảm thấy mình được Thiên Chúa chấp nhận và yêu thương, trong mối hiệp nhất của Dân Ngài là dân được qui tụ lại với nhau nhân danh Ba Ngôi; nó là ánh sáng làm cho Giáo Hội sáng tỏ như một dấu hiệu giữa các dân nước: ‘Nếu chúng ta nói rằng chúng ta hiệp thông với Ngài trong khi chúng ta lại bước đi trong tăm tối, là chúng ta nói dối và không sống theo chân lý; nhưng nếu chúng ta bước đi trong ánh sáng, như Ngài ở trong ánh sáng, là chúng ta hiệp thông với nhau’ (1Jn 1:6-7).

 

Giáo Hội, bởi thế, cho thấy mình, bất chấp tất cả mọi yếu hèn về nhân loại làm nên tính chất lịch sử của mình, như một kiến tạo lạ lùng của tình yêu, được thiết lập để làm cho Chúa Kitô gần gũi với mọi con người nam nữ, thành phần thực sự muốn gặp gỡ Người, cho đến ngày cùng tháng tận. Và nơi Giáo Hội, Chúa vẫn tiếp tục là người đương thời của chúng ta. Thánh Kinh không phải là cái gì thuộc về quá khứ. Chúa không nói trong quá khứ mà là nói trong hiện tại, Người nói với chúng ta hôm nay đây, ban cho chúng ta ánh sáng, cho chúng ta thấy con đường sự sống, ban cho chúng ta mối hiệp thông, nhờ đó sửa soạn cho chúng ta và hướng chúng ta tới ánh sáng.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 29/3/2006