Những Cộng Sự Viên của Thánh Phaolô: Barnabê, Silas và Apollos.

 

 

ĐTC Biển Đức XVI - Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 7/2/2007

Bài 30 trong loạt bài Giáo Lý về Giáo Hội Hiệp Thông Tông Truyền

 

 

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Tiếp tục với kiểu trình bày hình ảnh về các vị chứng nhân cho đức tin Kitô Giáo được chúng ta bắt đầu mấy tuần trước đây, hôm nay chúng ta coi tới một cặp vợ chồng. Cặp vợ chồng được nói tới đây là Priscilla và Aquila, cặp vợ chồng có một chỗ đứng nơi nhóm hợp tác viên được làm nên bởi nhiều người theo tông đồ Phaolô, và là cặp vợ chồng đã được tôi vắn tắt nhắc tới hồm Thứ Tư vừa rồi. Dựa vào tín liệu chúng ta có được, cặp vợ chồng này đã đóng một vai trò chủ động vào những thời điểm nguyên khởi hậu vượt qua của Giáo Hội.

 

Tên gọi Aquila và Priscilla là những danh xưng theo tiếng Latinh, thế nhưng cặp nam nữ có tên gọi theo tiếng Latinh này lại nguồn gốc là Do Thái. Tuy nhiên, trong khi Aquila theo địa dư xuất thân từ Cộng Đồng Do Thái Lưu Vong ở miền bắc Anatolia là nơi trông ra Biển Đen mà nay là Thổ Nhĩ Kỳ, thì Priscilla, có tên gọi đôi khi được viết tắt là Prisca, có lẽ là một người Do Thái xuất thân từ Rôma (x Acts 18:2).

 

Dù sao thì họ cũng từ Rôma tới Côrintô là nơi Thánh Phaolô gặp họ vào đầu thập niên 50; ở đó, ngài trở nên thân quen với họ, vì, như Thánh Luca nói cho chúng ta biết rằng, họ cũng làm nghề buôn bán với Thánh Phaolô về các thứ tăng lều cho việc sử dụng trong gia đình, thậm chí ngài đã được họ tiếp đón vào nhà của họ nữa (x Acts 18:3).

 

Lý do họ đến Côrintô là vị Hoàng Đế Claudius quyết định trục xuất khỏi Rôma những người Do Thái sống trong thành phố ấy: Sử gia người Rôma là Suetonius cho chúng ta biết rằng vị hoàng đế đã tống khứ những người Do Thái đi là bởi ‘họ nổi loạn vì một người tên là Chrestus’ (cf. "The Lives of the Twelve Caesars, Claudius," 25).

 

Người ta có thể thấy rằng vị sử gia này không biết rõ tên tuổi ấy cho lắm – thay vì viết Christ thì ông viết là ‘Chrestus’ – và ông ta chỉ có một ý nghĩ rất lẫn lộn về những gì đã xẩy ra bấy giờ. Dù sao thì cũng đã có những bất đồng trong cộng đồng Do Thái về vấn đề Giêsu có phải là Christ hay chăng. Và những trục trặc ấy là lý do thuần túy được vị hoàng đế ấy sử dụng để trục xuất tất cả mọi người Do Thái khỏi Rôma.

 

Người ta có thể từ sự kiện này mà suy diễn được rằng cặp vợ chồng ấy đã chấp nhận đức tin Kitô Giáo ở Rôma vào thập niên 40, và bấy giờ đã thấy được nơi Thánh Phaolô một con người chẳng những có chung một niềm tin tưởng với họ về vấn đề Chúa Giêsu là Đức Kitô, mà còn là một vị tông đồ, đích thân được Chúa Kitô Phục Sinh kêu gọi. Bởi thế, những lần đầu tiên họ gặp được ngài xẩy ra ở Côrintô, nơi họ tiếp đón ngài tại nhà của họ và cùng nhau làm tăng lều.

 

Ở giai đoạn thứ hai, họ chuyển tới Êphêsô, vùng Tiểu Á. Ở đó họ đóng một vai trò quan trọng trong việc hoàn tất vấn đề huấn luyện cho một người Do Thái ở Alexandria là Apollo là nhân vật chúng ta đã đề cập tới hôm Thứ Tư vừa rồi. Vì ông ta bấy giờ mới chỉ có một kiến thức sơ sài về đức tin Kitô Giáo, ‘Priscilla và Aquila đã nghe ông nói, thì kéo ông ra ngoài mà giải thích cho ông một cách chín h xác hơn về đường lối của Thiên Chúa’ (Acts 18:26).

 

Khi tông đồ Phaolô ở Êphêsô viết Bức Thư Thứ Nhất cho giáo đoàn Côrintô, thì kèm theo những lời chào đặc biệt của mình, ngài đã rõ ràng đề cập tới ‘Aquila và Presca, cùng với giáo hội ở nhà của họ’ (16:19).     

 

Như thế, chúng ta mới biết được vai trò hết sức quan trọng của cặp vợ chồng này thực hiện trong lãnh vực của Giáo Hội thời sơ khai, đó là vai trò tiếp đón nơi nhà mình nhóm Kitô hữu địa phương khi họ qui tụ lại với nhau để nghe Lời Chúa và để cử hành Thánh Thể. 

 

Chính vì loại tụ hợp này mà trong tiếng Hy Lạp được gọi là ‘ekklesìa’ – tiếng Latinh là ‘ecclesia’ – tiếng Ý là ‘chiesa’ – nghĩa là hội đồng, là tụ họp. Vậy, ở nơi căn nhà của Aquila và Priscilla, Giáo Hội đã qui tụ lại, Giáo Hội được Chúa Kitô triệu tập, Đấng cử hành ở đấy các Mầu Nhiệm Thánh.

 

Như thế, chúng ta có thể thấy được chính việc hạ sinh của thực tại Giáo Hội nơi các gia đình của thành phần tín hữu. Thật vậy, Kitô hữu, cho tới khoảng thế kỷ thứ ba, đã không có những địa điểm thờ phượng riêng: Đầu tiên, họ qui tụ lại ở các hội đường Do Thái, cho đến khi cuộc chung sống nguyên thủy giữa Cựu Ước và Tân Ước bị phân giải, khiến cho Giáo Hội của thành phần này bắt buộc phải cống hiến cho mình căn tính riêng là những gì luôn sâu xa bắt nguồn từ Cựu Ước.

 

Thế rồi, sau cuộc ‘phân ly’ này, họ tụ họp lại ở các nhà của thành phần Kitô hữu, những ngôi nhà nhờ đó đã trở thành ‘Giáo Hội’. Sau cùng, vào thế kỷ thứ ba, mới xuất hiện những dinh thự thực sự cho việc phụng thờ của Kitô Giáo.

 

Thế nhưng, ở đây, vào tiền bán thế kỷ thứ nhất cũng như vào thế kỷ thứ hai thì các ngôi nhà của Kitô hữu đã trở thành ‘nhà thờ’ thực sự và thích đáng. Như tôi đã nói, họ cùng nhau đọc Thánh Kinh và cử hành Thánh Thể. Đó là những gì thường xẩy ra, chẳng hạn, ở Côrintô, nơi Thánh Phaolô đã đề cập tới một người nào đó là ‘Gaius, vị tiếp đón tôi và toàn thể giáo hội’ (Rm 16:23), hay ở Laodicea, nơi cộng đồng này cũng tụ họp lại ở n hà của một người nào đó tên là Nympha (Col 4:15), hoặc ở Colessae, nơi việc tụ họp diễn ra ở nhà của một người nào đó tên là Archippus (x Philemon, 2).

 

Sau này, khi trở về Rôma, Aquila và Priscilla tiếp tục phát triển phận vụ quí báu nhất này ở thủ đô của đế quốc nữa. Thật vậy, Thánh Phaolô, khi viết cho giáo đoàn Rôma, đã gửi cho họ chính lời chào này: ‘Chào Prisca và Aquila, những cộng sự viên của tôi trong Chúa Giêsu Kitô, những người đã liều mạng vì sự sống của tôi, những người mà chẳng những tôi lấy làm biết ơn mà tất cả các giáo hội Dân Ngoại nữa; tôi cũng chào giáo hội đang ở nhà của họ’ (16:3-5).  

 

Còn lời ca tụng nào đặc biệt hơn nữa nơi những lời lẽ ấy! Chính tông đồ Phaolô, chứ không phải ai khác, đã nói như vậy! Ngài minh nhiên nhìn nhận nơi những lời lẽ ấy hai hợp tác viên đích thực và quan  trọng nơi việc tông đồ của ngài.

 

Chi tiết liên quan tới việc họ liều mạng vì ngài có lẽ dính liền tới việc họ nhúng tay can thiệp cho ngài trong thời gian ngài bị giam cầm, có lẽ ở chính Êphêsô (x Acts 19:23; 1Cor 15:32; 2Cor 1:8-9).

 

Và việc Thánh Phaolô cần phải liên kết tất cả mọi Giáo Hội Dân Ngoại với niềm  biết ơn của riêng ngài, dẫu cho lời phát biểu ấy có vẻ phóng đại, dù sao cũng giúp chúng ta có thể trực giác thấy được tính cách trọng đại nơi phạm vi hoạt động của họ cũng như nơi tác dụng của họ đối với thiện ích của Phúc Âm.

 

Sau đó, truyền thống hạnh thánh đã qui tầm quan trọng riêng biệt cho Priscilla, mặc dù vẫn còn vấn đề trục trặc về thân thế của bà với một Priscilla khác là vị tử đạo. Dù sao thì ở Rôma đây chúng ta có cả một nhà thờ được cung hiến cho Thánh Prisca ở Aventine, lẫn các Hầm Mộ của Priscilla ở Via Salaria.

 

Như thế, việc tưởng nhớ về một người đàn bà, nhân vật thực sự đã là một người chủ động góp phần nhiều vào lịch sử của Kitô Giáo ở Rôma, là việc mãi mãi lưu tồn. Chắc chắn một điều là: cùng với niềm tri ân của các Giáo Hội tiên khởi được Thánh Phaolô nói tới, chúng ta cũng phải thêm lời cảm tạ của chúng ta nữa, vì Kitô Giáo đã vươn tới các thế hệ của chúng ta là nhờ đức tin và việc dân thân tông đồ của thành phần tín hữu giáo dân, của các gia đình, của những cặp vợ chồng như Priscilla và Aquila.

 

Vấn đề ở đây không phải là chỉ cám ơn các vị tông đồ là người loan báo Kitô Giáo mà thôi. Để đâm rễ vào mảnh đất của các dân tộc, để phát triển một cách sống động, cần phải có cả việc dấn thân của những gia đình, của những cặp vợ chồng, của những cộng đồng Kitô hữu, của thành phần tín hữu giáo dân cống hiến ‘những thứ mùn đất’ cho việc phát triển đức tin nữa. 

 

Chính luôn nhờ thế mà Giáo Hội tăng trưởng. Đặc biệt là cặp vợ chồng này chứng tỏ cho thấy hoạt động của thành phần phối ngẫu Kitô Giáo thực sự là quan trọng như thế nào. Khi họ được hỗ trợ bởi đức tin và có một đời sống tu đức sâu xa thì việc can đảm dấn thân của họ cho và trong Giáo Hội trở thành những gì tất yếu thôi.

 

Cộng đồng sự sống hằng ngày của họ được kéo dài và một cách nào đó được thăng hoa trong việc  lãnh nhận một trách nhiệm công cho thiện ích của Thân Mình Chúa Kitô, cho dù chỉ là một phần nhỏ trong giáo hội. Đó là những gì đã diễn tiến nơi thế hệ tiên khởi và đó sẽ là cách thức thường xẩy ra vậy.

 

Chúng ta không thể bỏ qua một bài học khác nữa từ gương mẫu của họ, đó là hết mọi ngôi nhà đều có thể biến thành một ngôi nhà thở nhỏ. Chẳng những theo nghĩa là ở đó tình yêu thương của Kitô hữu, thường được tạo nên bởi lòng vị tha và chăm sóc lẫn nhau, cần phải hiển trị, mà còn ở chỗ toàn thể đời sống gia đình, trên căn bản đức tin, được kêu gọi xoay quanh vai trò chủ tể duy nhất của Chúa Giêsu Kitô nữa.

 

Không phải là tình cờ vô cớ mà trong Thư gửi giáo đoàn Êphêsô, Thánh Phaolô đã so sánh mối liên hệ hôn nhân với mối hiệp thông phu thê giữa Chúa Kitô và Giáo Hội (Eph 5:25-33). Thậm chí còn hơn thế nữa, chúng ta có thể cho rằng vị Tông Đồ này khuôn đúc đời sống của toàn thể Giáo Hội theo đời sống của gia đình. Giáo Hội thực sự là gia đình của Thiên Chúa.

 

Vì thế chúng ta tôn kính Aquina và Priscilla như là mô phạm của đời sống phu thê, ý thức dấn thân phục vụ toàn thể cộng đồng Kitô hữu. Và chúng ta thấy nơi họ khuôn mẫu của Giáo Hội, gia đình của Thiên Chúa cho mọi thời đại.



 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 7/2/2007