Nữ Giới Thời Giáo Hội Sơ Khai
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 14/2/2007
Bài Giáo Lý 31 trong loạt bài về Giáo Hội Hiệp Thông Tông Truyền
Anh Chị Em thân mến:
Hôm nay chúng ta tiến tới chỗ kết thúc cuộc hành trình về các chứng nhân thời Kitô Giáo sơ khai, những vị được đề cập tới trong các bản văn của Tân Ước. Và chúng ta lợi dụng giai đoạn chót trong cuộc hành trình đầu tiên này để lưu ý tới nhiều nhân vật nữ giới đã đóng một vai trò hiệu nghiệm và cao quí trong việc truyền bá Phúc Âm.
Không được quên lãng chứng từ của họ, đúng như những gì được chính Chúa Giêsu nói về người nữ xức dầu đầu của Người trước cuộc khổ nạn của Người ít lâu: ‘Thật vậy, Thày cho các con hay, bất cứ nơi nào trên khắp thế giới Phúc Âm này được rao giảng thì những gì chị làm đều được nhắc đến chị’ (Mt 26:13; Mk 14:9).
Chúa Kitô muốn có thành phần chứng nhân cho Phúc Âm này, những nhân vật đã góp phần của mình để nhờ đó đức tin vào Người được tăng trưởng, được nhìn nhận và việc tưởng nhớ đến họ tiếp tục tồn tại trong Giáo Hội. Theo lịch sử, chúng ta có thể phần biệt vai trò của nữ giới thuởi Kitô Giáo sơ khai, trong cuộc đời sống trần thế của Chúa Giêsu và trong những cuộc thăng trầm của thế hệ Kitô hữu tiên khởi.
Dĩ nhiên, như chúng ta biết, Chúa Giêsu đã chọn 13 nam nhân trong thành phần môn đệ của Người để làm tổ phụ của dân tân Yến Duyên “là để ở với Người, và để được sai đi rao giảng” (Mk 3:14-15). Sự kiện này là những gì hiển nhiên, thế nhưng, ngoài 12 Vị là các trụ cột của Giáo Hội ấy, các vị tổ phụ của thành phần tân Dân Chúa, còn có nhiều người nữ cũng được chọn và được kể vào số thành phần môn đệ.
Tôi chỉ có thể đề cập vắn gọn tới những người quyết theo con đường của chính Chúa Giêsu, bắt đầu là nữ tiên tri Anna (x Lk 2:36-38), rồi tới người phụ nữ Samaritanô (x Jn 4:1-39), người đàn bà Syrophoenicia (x Mk 7:24-30), người đàn bà bị bệnh loạn huyết (x Mt 9:20-22) và người phụ nữ tội lỗi được thứ tha (x Lk 7:36-50).
Chẳng lẽ tôi lại không lưu ý tới những vai chính trong một số những dụ ngôn có sức tác động của Ngườim chẳng hạn như người đàn bà làm bánh (Mt 13:33), người đàn bà đánh mất đồng bạc cắc (Lk 15:8-10), hay người đàn bà góa gây bực bội cho quan tòa (Lk 18:1-18).
Có tính cách quan trọng hơn cho việc bàn luận của chúng ta đây là những người phụ nữ đã đóng một vai trò liên quan tới sứ v ụ của Chúa Giêsu. Trước hết, chúng ta tự nhiên nghĩ tới Trinh Nữ Maria, vị lấy đức tin và nỗ lực từ mẫu của mình hợo tác một cách đặc biệt vào việc cứu chuộc, cho tới độ bà Isave đã gọi Mẹ là “có phúc hơn mọi người nữ” (Lk 1:42), rồi thêm rằng: “Phúc cho em là người tin tưởng” (Lk 1:45).
Trở nên một người môn đệ của Chúa Kitô, Mẹ Maria đã bộc lộ ở tiệc cưới Cana niềm tin tưởng hoàn toàn của Mẹ nơi Người (x Jn 2:5), và đã theo Người cho tới chân thập tự giá, nơi Mẹ đã lãnh nhận sứ vụ từ mẫu của Mẹ từ Người đối với tất cả mọi môn đệ của Người qua mọi thời đại, được Thánh Gioan làm đại diện (x Jn 19:25-27).
Ngoài ra, còn có một vài người nữ là thành phần qua những cách thức khác nhau gắn liền với hình ảnh của Chúa Giêsu bằng những trách vụ. Những người phụ nữ theo Chúa Giêsu để phục vụ Người bằng tài sản của họ là một thí dụ nổi bật ở đây. Thánh Luca cho chúng ta thấy một số tên tuổi là Maria Mai Đệ Liên, Joanna, Susanna “và nhiều người khác” (x Lk 8:2-3). Sau đó, các Phúc Âm nói cho chúng ta biết rằng các phụ nữ, không giống như 12 vị, đã không bỏ Chúa Giêsu vào giờ khổ nạn của Người (x Mt 27:56-61; Mk 15:40).
Nổi bật nhất trong những người phụ nữ này là Mai Đệ Liên, người chẳng những hiện diện ở Cuộc Khổ Nạn mà còn trở thành nhân chứng đầu tiên và người loan báo tin mừng đầu tiên của Đấng Phục Sinh (x Jn 20:1,11-18). Thật vậy, Thánh Tôma Aquinas đã gán cho Maria Mai Đệ Liên lời diễn tả độc đáo là “tông đồ của các tông đồ” (“apostolorum apostola”), giành một bài diẫn giải tuyệt vời về cô: “Như người nữ đã thốt lên cho người nam tiên khởi những lời chết chóc thế nào thì cũng có một người nữ đầu tiên loan báo cho các vị tông đồ những lời sự sống như thế” ("Super Ioannem," CAI publishers, Paragraph 2519).
Còn nữa, trong phạm vi của Giáo Hội sơ khai, việc hiện diện của nữ giới cũng không phải là những gì thứ yếu. Đó là trường hợp của 4 người con gái “phó tế” Philiphê, không được nhắc đến tên tuổi, những người cư ngụ ở Caesarea, tất cả 4 người, như Thánh Luca cho biết, đều được “ơn nói tiên tri”, tức là khả năng công khai nói theo tác động của Thánh Linh (x Acts 21:9). Cái vắn vỏi của tín liệt không cho phép chúng ta có những suy đoán một cách chính xác hơn.
Chúng ta có nhiều văn liệu của Thánh Phaolô về phẩm vị và vai trò trong giáo hội của nữ giới. Ngài bắt đầu bằng nguyên tắc nền tảng là nguyên tắc cho rằng đối với “thành phần lãnh nhận phép rửa “không còn Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; vì tất cả anh chị em đều là một trong Chúa Giêsu Kitô” (Gal 3:28), tức là tất cả đều liên kết trong cùng một bản tính, cho dù mỗi người có những phận vụ đặc biệt (x 1Cor 12:27-30).
Vị Tông Đồ công nhận như một điều bình thường là nữ giới có thể “nói tiên tri” trong cộng đồng Kitô hữu (1Cor 11:5), tức là họ công khai nói theo tác động của Thánh Linh, miễn là để xây dựng cộng đồng và bằng một cách xứng đáng. Bởi thế, lời huấn dụ nổi tiếng “nữ giới cần phải giữ thinh lặng trong giáo hội” cần phải được tương đối hóa (1Cor 14:34).
Vấn đề được tranh luận nhiều này về mối liên hệ giữa câu thứ nhất – nữ giới có thể nói tiên tri trong giáo hội – và câu kia – họ không được nói gì – tức là mối liên hệ giữa hai ý nghĩa có vẻ tương khắc này, c hung ta hãy để cho các nhà chú giải thánh kinh.
Nó không phải là điều cần phải được bàn luận ở đây. Thứ Tư vừa rồi, chúng ta đã gặp gỡ Prisca, hay Priscilla, vợ của Aquila, người ở trong hai trường hợp được đề cập bất ngờ trước chồng của mình (x Acts 18:18; Rm 16:13): Cả hai trường hợp này đượcThánh Phaolô minh nhiên diễn tả như là “sun-ergous” hay cộng sự viên của ngài (Rm 16:3).
Còn có những n hận định khác không được bỏ qua. Chẳng hạn, cần phải nói rằng Bức Thư ngắn gửi cho Philemon được Thánh Phaolô nói tới một người phụ nữ gọi là “Apphia” (x Phil 2). Những bản dịch Latinh và Syria từ bản Hy Lạp thêm vào tên “Apphia” lời diễn tả “soror carissima” (ibid), và cần phải nói rằng trong cộng đồng người Côlôsê, họ đã đóng một vai trò quan trọng. Dù sao đi nữa thì chị là người nữ duy nhất được Thánh Phaolô nói tới trong số thành phần nhận được một trong các bức thư của ngài.
Trong các đoạn khác, Vị Tông Đồ này đề cập tới một bà Phoebe nào đó được ngài gọi là “diakinos” của giáo hội Cenchreae, một thành phố cảng ở phía đông Corintô (x Rm 16:1-2). Mặc dù bấy giờ danh hiệu này vẫn không có một giá trị thừa tác vụ đặc biệt nào có tính cách phẩm trật, nó cũng diễn tả được việc hành sử trách nhiệm về phần người đàn bà thuận lợi cho cộng đồng Kitô Giáo này.
Thánh Phaolô yêu cầu hãy thân ái đón tiếp bà và “giúp bà bất cứ những gì bà cần”, rồi thêm rằng: “Vì bà đã là ân nhân cho nhiều người và cho cả tôi nữa”. Trong cùng một bối cảnh của bức thư ấy, Vị Tông Đồ này, đã nhắc nhở một cách tế nhị các tên tuổi khác của những người phụ nữ, như một Maria nào đó, rồi Tryphaena, Tryphosa và Persis, “yêu dấu”, cũng như Julia là những người được ngài công khai viết rằng họ “đã làm việc khó nhọc vì anh chị em” hay “đã làm việc vất vả trong Chúa” (Rm 16:6,12a, 12b,15), như thế ngài đã nhấn mạnh đến v iệc dấn thân mạnh mẽ của họ cho giáo hội.
Ngoài ra, có hai người nữ được gọi là Euodia và Syntyche, là những người nổi nang trong giáo hội ở Philiphê (Phil 4:2): Lời Thánh Phaolô kêu gọi hãy đồng lòng với nhau cho thấy rằng hai người nữ này đã thi hành một phận vụ quan trọng ở cộng đồng ấy.
Tóm lại, lịch sử Kitô Giáo đã phát triển một cách rất khác nếu không có việc đóng góp quảng đại của nhiều người nữ. Vì lý do ấy, như vị tiền nhiệm đáng kính và yêu dấu của tôi là Đức Gioan Phaolô II, đã viết trong tông thư “ Mulieris Dignitatem”: “Bởi thế, Giáo Hội xin tạ ơn mỗi một và hết mọi người phụ nữ… Giáo Hội tạ ơn về tất cả những biểu dương của ‘tinh hoa’ nữ giới đã diễn tiến trong giòng lịch sử, giữa tất cả các dân tộc và quốc gia; Giáo Hội tạ ơn về tất cả mọi đặc sủng Thánh Linh phân phát cho nữ giới trong lịch sử Dân Chúa, về tất cả những chiến thắng Giáo Hội có được nhờ đức tin, đức cậy và đức mến của họ: Giáo Hội tạ ơn về tất cả mọi hoa trái từ sự thánh thiện của nữ giới” (số 31).
Như chúng ta thấy, lời ca ngợi này gửi đến nữ giới trong giòng lịch sử của Giáo Hội và được bày tỏ nhân danh toàn thể cộng đồng giáo hội. Chúng ta cũng liên kết mình với lời cảm nhận tri ân này, dâng lời tạ ơn Chúa vì Người là Đấng dẫn dắt Giáo Hội của Người, từ đời nọ đến đời kia, bằng việc sử dụng một cách đặc biệt những con người nam nữ, thành phần có thể làm cho đức tin và pháp rửa của mình sinh hoa kết trái cho thiện ích của toàn thể Thân Mình giáo hội cho Thiên Chúa được hiển vinh hơn.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 14/2/2007