Thánh Ignatiô Antiôkia
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 14/3/2007
Bài Giáo Lý 33 trong loạt bài Giáo Hội Hiệp Thông Tông Truyền
Anh Chị Em thân mến,
Như Thứ Tư vừa rồi, hôm nay tôi nói về những nhân vật chính hồi Giáo Hội trẻ trung. Tuần vừa rồi, chúng ta đã nói về Đức Giáo Hoàng Clêmentê I, vị thừa kế thứ ba của Thánh Phêrô. Hôm nay, chúng ta sẽ nói về Thánh Ignatiô, vị là ‘giám mục thứ ba ở Antiôkia xứ Syria, từ năm 70 tới 107 là năm ngài tử đạo.
Vào thới ấy, Rôma, Alexandria và Antiokia là 3 thành bố lớn của Đế Quốc Rôma. Công Đồng Chung Nicea nói tới 3 ‘ưu quyền’ này, đó là ưu quyền Rôma, ưu quyền Alexandria và Antiokia tham dự một cách nào đó vào một ‘thượng quyền’.
Thánh Ignatiô là vị gaím mục ở Antiôkia, là thánh phố hiện nay ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ở đây, ở Antiôkia này, như chúng ta biết qua Sách Tông Vụ, có một cộng đồng Kitô giáo lớn mạnh đang phát triển: Vị giám mục đầu tiên của nó là tông đồ Phêrô như được truyền thống đề cập tới, và ‘ở đó mà lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Kitô hữu’ (Acts 11:26).
Một vị sử gia thời thế kỷ thứ 4 là Eusebius ở Caesarea đã giành hẳn 1 chương của cuốn Giáo Sử – Storia Ecclesiastica của ông về đời sống và hoạt động của Thánh Ignatio (3,36).
Vị sử gia này viết: “Từ Syria, Ignatio đã được gửi tới Rôma để bị quẳng cho loài thú, vì ngài làm chứng về Đức Kitô. Chuyến đi qua Á Châu, được coi sóc nghiêm ngặt bởi cảnh binh” (thành phần được ngài gọi là ’10 con beo’ trong Bức Thư ngài gửi cho tín hữu Rôma, 5:1), “nơi mỗi một thành phố nghỉ chân, bằng lời giảng dạy và trách cứ, ngài đã kiên cường các Giáo Hội; nhất là ngài thiết tha kêu gọi hãy coi chừng lạc thuyết bấy giờ đang bắt đầu xuất hiện và khuyên đừng rời xa truyền thống tông đồ”.
Chặng dừng chân thứ nhất của chuyền hành trình tử đạo là thành phố Smyrna là nơi có vị giám mục là Thánh Polycarp, một môn sinh của Thánh Gioan. Ở đây, Thánh Ignatio viết 4 bức thư, thứ tự gửi cho Giáo Hội ở Epheso, Magnesia, Tralles và Rome.
Sử gia Eusebius tiếp tục kể rằng “Sau khi rời Smyrna, Ignatio đã đến thành Troas, và từ đó ngài đã gửi một số thư mới nữa”: 2 bức cho các Giáo Hội ở Philadelphia và Smyrna, và 1 cho Giám Mục Polycarp.
Eusebius liêt kê đầy đủ các bức thư là những bức thư truyền lại cho chúng ta từ Giáo Hội thế kỷ thứ nhất n hư là một kho tàng quí báu. Đọc những bức thư ấy, người ta có thể cảm thấy cái mới mẻ của đức tin thuộc thế hệ vốn còn biết đến các vị tông đồ. Chúng ta cũng có thể cảm thấy nơi những bức thư này tình yêu thiết tha của một vị thánh. Sau hết, từ thánh Troas, vị tử đạo đã tiến đến Rôma là nơi, ở Vận Động Trường Flavian, ngài đã bị quẳng cho sư tử ăn thịt.
Không có một vị Giáo Phụ nào đã bày tỏ một cách thiết tha như Thánh Ignatio ước muốn liên kết với Chúa Kitô và sống trong Người. Đó là lý do tại sao chúng ta đã đọc bài Phúc Âm về cây nho là Chúa Giêsu theo Phúc Âm Thánh Gioan.
Có hai chiều hướng thiêng liêng có thể thấy được nơi Thánh Ignatiô, đó là chiều hướng Thánh Phaolô liên kết với Chúa Kitô và chiều hướng Thánh Gioan tập trung đời sống vào Người. Để rồi, hai chiều hướng này chập lại thành ‘việc noi gương bắt chước Chúa Kitô’ là Đấng nhiều lần được Thánh Ignatiô công bố là Thiên C húa của tôi và Thiên Chúa của chúng ta.
Bởi thế mà Thánh Ignatiô đã van xin Kitô hữu Rôma đừng trì hoãn cuộc tử đạo của ngài, vì ngài ‘nao nức được kết hợp cùng Chúa Giêsu Kitô’. Rồi ngài giải thích rằn g: ‘Đối với tôi thật là tuyệt vời được chết để về cùng Chúa Giêsu Kitô, hơn là được cai trị cho đến tận thế. Tôi trông mong Người, Đấng đã chết vì tôi. Tôi mong muốn Người, Đấng đã phục sinh vì tôi…. Hãy để cho tôi noi gương bắt chước cuộc Khổ Nạn của Thiên Chúa tôi!’ (Roman 5-6).
Nơi những lời bày tỏ hừng hực yêu thương này, chúng ta có thể thấy chủ nghĩa hiện thực Kitô học chuyên biệt kiểu mẫu của Giáo Hội Antiokia, chú ý đặc biệt hơn hết vào việc nhập thể của Con Thiên Chúa cũng như vào nhân tính đích thực và cụ thể của Người. Thánh Ignatiô viết cho tín hữu thành Smyrna rằng: ‘Người thực sự là giòng dõi Đavít… thực sự sinh bởi một vị trinh nữ…. Thực sự bị đóng đanh vì chúng ta’ (1,1).
Niềm khao khát bất khả chống cưỡng của Thánh Ignatio đối với việc liên kết với Chúa Kitô là một ‘mầu nhiệm hiệp nhất’ thực sự’. Ngài đã nhận mình như là ‘một con người có nhiệm vụ hiệp nhất’ (Philadelphia 8,1).
Đối với Ignatio, việc hiệp nhất ‘trước hết là một đặc quyền của Thiên Chúa, Đấng có ba’, duy nhất trong cuộc hiệp nhất tuyệt đối. Ngài thường lập lại rằng Thiên Chúa là hiệp nhất và chỉ nơi Thiên Chúa việc hiệp nhất này mới ở trong tình trạng tinh tuyền và nguyên thủy. Kitô hữu muốn đạt được cuộc hiệp nhất này trên đời đây là ở chỗ mô phỏng, việc sát cận nhất khả dĩ đối với nguyên mẫu thần linh. Như thế, Thánh Ignatio diễn giải một nhãn quan về Giáo Hội, nhắc lại một cách khít khao với lời bày tỏ của Thánh Clêmentê ở Rôma trong Bức Thư ngài gửi cho tín hữu Côrintô.
Chẳng hạn, ngài viết cho tín hữu Êphêsô rằng: ‘Bởi thế, thật là thích đáng đối với việc anh chị em cần phải làm theo ý muốn vị giám mục của anh chị em, một điều mà anh chị em cũng đang làm. Vì hàng giáo sĩ đổi mới một cách chính đáng, xứng đáng với Thiên Chúa, ăn khớp với vị giám mục giống hệt như các giây đàn với cây đàn. Nhờ thế mà Chúa Giêsu Kitô được ca ngợi trong tình yêu thương tương hợp và hòa hợp. Và anh chị em, cùng nhau trở thành một ca đoàn, hòa hợp trong yêu thương, và tiếp tục bài ca tụng Thiên Chúa trong mối hiệp nhất để anh chị em đồng thanh hợp xướng’ (4,1-2).
Và sau khi khuyên nhủ những tín hữu thành Smyrna đừng ‘làm gì liên quan tới Giáo Hội mà không có vị giám mục’ (8,1), ngài đã giãi bày với Thánh Polycarp rằng: ‘Tôi cống hiến đời tôi cho những ai vâng lời giám mục, các vị giáo sĩ và các phó tế. Chớ gì tôi, cùng với họ, được ở với Chúa. C ùng làm việc với nhau, cùng chiến đấu với nhau, cùng chạy với nhau, cùng chịu khổ với nhau, cùng ngủ nghỉ và thức dậy với nhau như là thành phần quản trị viên của Thiên Chúa, thành phần thẩm định viên và tôi tớ của Ngài. Hãy làm hài lòng Đấng với Ngài và vì Ngài mà anh chị em lãnh nhận ân sủng. Chớ gì không một ai trong anh chị em cảm thấy bị bỏ rơi. Chớ gì phép rửa của anh chị em vẫn là một chiếc thuẫn, đức tin vẫn là một noun sắt, đức ái vẫn là một lưỡi đòng, đức nhẫn nại vẫn là khí giới’ (6,1-2).
Nói chung, trong các bức thư của Thánh Ignatio, chúng ta có thể thấy một thứ biện chứng liên tục và hiệu quả giữa hai khía cạnh làm nên đặc tính của đời sống Kitô hữu: một đàng là cơ cấu phẩm trật của cộng đồng giáo hội, đàng khác là mối hiệp nhất trọng yếu của tín hữu với nhau cũng như với các vị chủ chăn của họ là những gì được liên tục hình thành qua các hình ảnh và sánh ví hùng hồn, như cây đàn, những hợp âm, cung điệu, hòa tấu, hòa nhạc. Trách nhiệm chuyên biệt của các vị giám mục, của hàng giáo sĩ và của các thày phó tế trong việc xây dựng cộng đồng này đều là những gì hiển nhiên. Lời mời gọi yêu thương và nên một trên hết giành cho họ.
Thánh Ignatio viết cho tín hữu thành Magnesia,sử dụng lời nguyện của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly: ‘Hãy là một. Một lời nguyện cầu, một tâm trí, một niềm hy vọng trong yêu thương…. Tất cả hãy đến với Chúa Giêsu Kitô như đền thờ duy nhất của Thiên Chúa, như mộït bàn thờ duy nhất; Người là một, xuất phát từ Cha duy nhất, Người vẫn hiệp nhất với Ngài, và trở về với Ngài trong sự hiệp nhất nên một’ (7,1-2).
Thánh Ignatio là vị đầu tiên trong văn chương Kitô Giáo cống hiến cho Giáo Hội tĩnh từ ‘Công Giáo’, tức là ‘đại đồng’. Ngài nói rằng ‘đâu có Chúa Giêsu Kitô thì đấy có Giáo Hội Công Giáo’ (Smyrnaeans 8,2).
Chính trong việc phục vụ mối hiệp nhất cho Giáo Hội Công Giáo mà cộng đồng Kitô hữu ở Rôma thực hành một loại thượng quyền trong yêu thương: ‘Ở Rôma, cộng đồng này ngự trị xứng với Thiên Chúa, đáng được gọi là có phúc…. Khi chủ sự trong đức ái, một đức ái mang lề luật của Chúa Kitô và danh xưng của Cha’ (Romans, prologue).
Như chúng ta thấy, Thánh Ignatio ‘thực sự là một vị tiến sĩ của mối hiệp nhất’: mối hiệp nhất của Thiên Chúa và mối hiệp nhất của Chúa Kitô (bất chấp những lạc thuyết khác nhau đã bắt đầu lan tràn và chia rẽ thần tính với nhân tính nơi Chúa Kitô), mối hiệp nhất của Giáo Hội, mối hiệp nhất của tín hữu “trong đức tin và đức ái, không còn gì tuyệt vời hơn’ (Smyrnaeans 6,1).
Tóm lại, chủ nghĩa hiện thực của Thánh Ignatio mời gọi tín hữu hôm qua và hôm nay, mời gọi tất cả chúng ta, tiến đến chỗ tổng hợp gia tăng giữa việc nên giống Chúa Kitô (việc hiệp nhất với Người, việc sống trong Người) với việc dấn thân cho Giáo Hội của Người (hiệp nhất với giám mục, quảng đại phục vụ cộng đồng và thế giới).
Nói cách khác, người ta cần phải chiếm đạt một tổng hợp giữa mối hiệp thông của Giáo Hội bề trong với sứ vụ loan báo Phúc Âm cho kẻ khác, cho đến khi một chiều kích duy nhất nói qua người khác, và tín hữu càng ‘chiếm hữu cái tính thần bất khả phân ly là chính Chúa Giêsu Kitô’ (Magnesians 15).
Trong việc van nài ‘ơn hiệp nhất’ này của Chúa, và bằng niềm xác tín vào việc đức ái chủ trì khắp Giáo Hội (x Romans , prologue), tôi muốn anh chị em có cùng một ước mong ở cuối Bức Thư Thánh Ignatio gửi cho các tín hữu Trallians: ‘Hãy yêu thương nhau bằng một con tim không phân chia. Tinh thần của tôi hy sinh hiến cho an h chị em chẳng những giờ đây mà c òn cả khi anh chị em đạt tới Thiên Chúa…. Trong Chúa Kitô chớ gì anh chị em được xét thấy vô tội’ (13). Và chúng ta hãy cầu xin để Chúa có thể giúp chúng ta chiếm được mối hiệp nhất này và trở thành vô tội, vì tình yêu thanh tẩy tâm linh.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 14/3/2007