Thánh Clêmentê Alexandria

 

 

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 18/4/2007

Bài Giáo Lý 36 trong loạt bài về Giáo Hội Hiệp Thông Tông Truyền

 

 

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Sau một thời gian của các ngày lễ, chúng ta trở lại với buổi giáo lý bình thường của chúng ta, cho dù quảng trường này vẫn còn được trưng bày mầu sắc của các ngày lễ ấy. Qua những buổi giáo lý này, như tôi nói, chúng ta trở lại đề tài được bắt đầu trước đây. Chún g ta đã nói về 12 Vị Tông Đồ, rồi tới thành phần môn sinh của các vị tông đồ, giờ đây chúng ta hướng tới những nhân vật quan trọng của Giáo Hội sơ sinh, của Giáo Hội cổ thời.

 

Lần vừa rồi chúng ta đã nói tới Thánh Irênê thành Lyon, và hôm  nay chúng ta sẽ nói về Thánh Clêmentê thành Alexandria, một đại thần học gia là vị có thể đã được sinh ra ở Nhã Điển, khoảng thời điểm bước sang thế kỷ thứ hai. Ở Nhã Điển, ngài đã chọn học triết lý là môn giúp ngài trở thành một trong những cổ động viên  quan trọng của việc đối thoại giữa đức tin và lý trí theo truyền thống Kitô Giáo.

 

Trong khi còn là một người trẻ, ngài đã di chuyển tới Alexandria, ‘thành phố tiêu biểu’ cho mối liên hệ tốt đẹp giữa các nền văn hóa đánh dấu thời đại văn hóa Hy Lạp. Ngài đã là môn sinh của Pantaenus và thậm chí thay thế ông trong việc dẫn dắt ngôi trường giáo lý này. Nhiều nguồn sử liệu cho rằng ngài đã được thụ phong linh mục. Trong cuộc bắt bớ trong thời khoảng 202-203, ngài lánh nạn tới Alexandria và trú ẩn ở Caesarea, ở Cappadocia, nơi ngài qua đời vào năm 215.

 

Những tác phẩm quan trọng nhất của ngài vẫn còn tồn tại đó là cuốn ‘Huấn Dụ’, ‘Hướng Viên’ và ‘Hợp Tuyển’. Mặc dù dường như tác giả không có chủ ý các tác phẩm này cũng làm thành một bộ ba thực sự, đủ để hiệu nghiệm dìu dắt việc trưởng thành thiêng liêng của người Kitô hữu.

 

‘Huấn Dụ’, như chính nhan đề bao hàm, là tác phẩm khuyến dụ ai bắt đầu và tìm kiếm con đường đức tin. Ngoài ra, ‘Huấn Dụ’ còn ăn khớp với một con người, đó là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô, Đấng là ‘Huấn Dụ Gia’ của những ai nhất quyết bắt đầu cuộc hành trình tiến tới Chân Lý.

 

Chính Chúa Kitô sau đó trở thành ‘Nhà Giáo Dục’, tức là ‘Vị Hướng Dẫn’ của những ai, nhờ Phép Rửa, trở nên con cái nam nữ của Thiên Chúa. Sau hết, chính Chúa Kitô, cũng là ‘Didascalo’, tức là ‘Thày’, vị đề ra những giáo huấn sâu xa nhất. Những giáo huấn này được thu thập lại thành tác phẩm thứ ba của Thánh Clêmentê, đó là cuốn ‘The Stromata’, một tiếng Hy Lạp có nghĩa là ‘Hợp Tuyển’. Nó là một hợp tuyển không theo hệ thống, song giải quyết một số biện luận khác nhau, và là hoa trái trực tiếp của việc Thánh Clêmentê thông thường giảng dạy.

 

Cùng nhau, các bài giáo lý của Thánh Clêmentê giúp cho thành phần dự tòng cũng như những người lãnh nhận phép rửa từng bước một, vì, bằng đôi ‘cánh’ đức tin và lý trí, chún g dẫn tới chỗ nhận biết Chân Lý là Chúa Kitô, Lời Thiên Chúa. ‘Kiến thức đích thực’ – lời phát biểu Hy Lạp này có nghĩa là ‘kiến thức’ hay ‘tri thức’ – chỉ có thể thấy được nơi ngôi vị sự thật ấy. Đó là lâu đài được lý trí xây dựng theo tác động của nguyên lý siêu nhiên này. Bởi thế, ‘kiến thức’ đích thực là một thứ phát triển của đức tin xuất phát từ Chúa Kitô trong các linh hồn liên kết với Người. Thánh Clêmêntê sau đó đã xác định hai trình độ của đời sống Kitô hữu.

 

Trình độ thứ nhất: thành phần Kitô hữu tin tưởng sống đức tin một cách bình thường, mặc dù chân  trời của họ luôn hướng tới sự thánh đức. Trình độ thứ hai là ‘thành phần hiểu biết - gnostics’, tức là những ai sống cuộc đời trọn lành thiêng liêng. Ở bất cứ trường hợp nào, Kitô hữu cũng phải bắt đầu ở cùng một nền tảng đức tin và bằng đường lối tìm kiếm, họ cần phải để mình được Chúa Kitô dẫn dắt, nhờ đó mới đạt tới kiến thức Sự Thật cùng với những sự thật làm nên nội dung của đức tin.

 

Kiến thức này, Thánh Clêmentê nói với chúng ta rằng, đối với linh hồn, trở thành một thực tại được sống: nó không phải chỉ là một lý thuyết. Trái lại, nó là một năng lực sự sống, một hiệp nhất với tình yêu biến đổi. Kiến  thức về Chúa Kitô này không phải chỉ là một tư tưởng, mà là một tình yêu mở mắt, một tình yêu biến đổi con người và là một tình yêu tạo nên  mối hiệp thông với ‘Logos’, Lời thần linh là sự thật và sự sống. Trong mối hiệp thông này, mối hiệp thông là kiến thức trọn hảo và là tình yêu, người Kitô hữu trọn lành tiến đến chỗ chiêm ngưỡng và hiệp nhất với Thiên Chúa. 

 

Sau hết, Thánh Clêmentê tiếp tục giáo huấn mà theo đó đích điểm cuối cùng của con  người là ở chỗ nên giống Thiên Chúa. Chúng ta đã được dựng nên  theo hình ảnh và tương tự như Thiên  Chúa, thế nhưng đó cũng là một thử thách, là một hành trình; thật vậy, mục tiêu của đời sống, mục đích tối hậu của con người là ở chỗ làm cho mình nên giống Thiên Chúa. Điều này trở thành khả dĩ nhờ tính chất tương đồng với Ngài mà con người đã lãnh nhận vào lúc được tạo thành là những gì nhờ đó họ đã là hình ảnh của Thiên Chúa. Tính chất tương đồng này giúp họ có thể biết được các thực tại thần linh là những thực tại con người gắn liền trước hết nhờ đức tin, và bằng việc sống đức tin, thực hành các nhân đức, họ có thể tăng trưởng cho tới khi họ tiến tới chỗ chiêm ngưỡng Thiên Chúa.

 

Theo chiều hướng ấy, trong cuộc hành trình nên trọn lành, Thánh Clêmentê cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những đòi hỏi về luân lý như là đối với những đòi hỏi về tri thức. Cả hai đi liền với nhau, vì không thể nào biết được sự thật mà lại không sống sự thật, hay không thể nào sống sự thật mà lại không biết sự thật. Không thể nào làm cho mình giống như Thiên Chúa và chiêm ngưỡng Ngài chỉ bằng một thứ kiến thức hữu lý: để đạt được mục tiêu này, cần phải sống theo ‘Logos’, một đời sống theo chân lý. Bởi thế, các việc thiện cần phải kèm theo kiến thức về lý trí nữa, như bóng đi kèm với thân thể vậy.

 

Có hai nhân đức đặc biệt trang điểm cho linh hồn của ‘thành phần thực sự hiểu biết’. Nhân đức thứ nhất là tự do không bị đam mê chi phối (‘apátheia’); nhân đức thứ hai là yêu thương, đam mê đích thực, một đam mê bảo đảm mối hiệp nhất thân mật với Thiên Chúa. Tình yêu làm phát sinh niềm an bình trọn vẹn, và giúp cho ‘thành phần hiểu biết thực sự’ có thể đương đầu với những hy sinh lớn lao nhất, bao gồm cả việc hy sinh tận cùng để theo Chúa Kitô, và làm họ tới vươn lên tới trình độ nhân đức sống động. Nhờ thế, lý tưởng về đạo đức của khoa triết học cổ xưa, tức là tình trạng tự do không bị ràng buộc bởi các đam mê, được Thánh Clêmentê tái xác định và được tình yêu bổ khuyết, trong tiến trình khôn cùng dẫn đến chỗ nên giống như Thiên Chúa.

 

Theo đó, tư tưởng gia thành Alexandria đã nuôi dưỡng cơ hội cả thể thứ hai trong việc đối thoại giữa sứ điệp Kitô Giáo với triết lý Hy Lạp. Chúng ta biết rằng Thánh Phaolô, ở Công Đường Nhã Điển, nơi Thánh Clêmentê vào đời, đã thực hiện nỗ lực lần đầu đối thoại vớio khoa triết lý Hy Lạp, và hầu như đã bị thất bại, vì thính giả của ngài đã nói: ‘Chúng tôi sẽ nghe ngài vào một lần khác’. Giờ đây, Thánh Clêmentê lại tiếp tục cuộc đối thoại ấy, và làm cho nó trở thành hết sức sang quí theo truyền thống triết lý Hy Lạp.

 

Như vị tiền nhiệm khả kính của tôi là Đức Gioan Phaolô II đã viết trong thông điệp ‘Đức Tin và Lý Trí’, Thánh Clêmentê thành Alaxandria đã tiến đến chỗ giải thích về triết lý như là ‘việc hướng dẫn dọn đường cho đức tin Kitô Giáo’ (số 38). Thật vậy, Thánh Clêmentê thậm chí còn khẳng định rằng Thiên Chúa đã ban cho người Hy Lạp triết lý ‘như Giao Ước riêng của họ’ (Stramata, 6,8,67,1).

 

Đối với ngài, truyền thống triết lý Hy Lạp, hầu như là Lề Luật đối với dân Do Thái, là một môi trường cho ‘mạc khải’. Cả hai đều là những luồng cuối cùng hướng tới chính ‘Logos’. Thánh Clêmentê cương quyết tiếp tục theo con đường của những ai muốn ‘hữu lý hóa’ niềm tin của mình nơi Chúa Giêsu Kitô.

 

Ngài có thể trở thành một mẫu gương cho Kitô hữu, cho thành phần giáo lý viên và cho các thần học gia của thời đại chúng ta, thành phần được Đức Gioan Phaolô II huấn dụ trong cùng một bức thông điệp là hãy ‘phục hồi và thể hiện một cách trọn vẹn chiều kích siêu hình của chân lý để có thể tiến tới một cuộc đối thoại nhận thức cần thiết với […] tư tưởng triết lý hiện  đại’.

 

Chúng ta kết luận bằng một trong những lời bày tỏ từ ‘Lời Cầu cùng Chúa Kitô là Logos’ nổi tiếng được Thánh Clêmentê dùng để đúc kết cuốn ‘Hướng Viên’ của ngài. Lời cầu của ngài như sau: ‘Xin hãy chiếu cố đến con cái của Chúa… xin hãy cho chúng con sống trong an bình, tiến tới thành đô của Chúa, băng ngang qua những giòng cuồng lưu tội lỗi mà không bị chìm đắm trong đó, được chuyển đưa cách thanh thản trong Thánh Linh, trong Đức Khôn Ngoan khôn tả: chúng con, cho tới giây phút cuối cùng, ngày đêm dâng lên Chúa bài thánh ca tạ ơn một Chúa Cha duy nhất … Chúa Con, Đấng Hướng Dẫn  và là Thày, cùng với Chúa Thánh Thần, Amen!’ ("Instructor," 3, 12, 101).

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 18/4/2007