Giáo Phụ Origen Thành Alexandria

 

 

 

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 25/4+5/2/2007

Bài Giáo Lý 37-38 trong loạt bài về Giáo Hội Hiệp Thông Tông Truyền

 

 

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Trong loạt bài giáo lý của chúng ta về các đại nhân vật thuộc Giáo Hổi cổ thời, hôm nay chúng ta sẽ tiến đến chỗ tìm hiểu về một trong những nhân vật nổi bật. Ông Origen thành Alexandria là một trong những nhân vật chính đối với việc phát triển tư tưởng Kitô Giáo. Ông đã kín múc được từ các giáo huấn của Thánh Clêmentê thành Alexandria, vị chúng ta đã chia sẻ hôm Thứ Tư tuần trước, và khai triển những giáo huấn ấy một cách mới mẻ, kiến tạo nên một ngõ quanh bất khả vãn hồi nơi tư tưởng Kitô Giáo.

 

Ông là một bậc thày thực sự; đó là cách thức ông được học sinh của ông luyến nhớ: chẳng những như là một thần học gia mà còn như một chứng nhân mô phạm của tín lý ông dạy nữa. Giáo phụ Eusebius thành Caesarea, một tiểu sử gia nhiệt tình của ông,  đã viết rằng: ‘Ông đã dạy rằng việc làm của con người cần phải tương hợp với lời nói, chính vì thế mà hơn hết mọi sự, nhờ ơn Chúa giúp, họ mới khiến cho nhiều người noi gương bắt chước mình’ (Hist. Eccl. 6,3,7).

 

Toàn thể đời sống của ông được thấm đẫm ước muốn được chịu tử vì đạo. Lúc ông được 17 tuổi, tức vào năm thứ 10 triều đại của Septimius Severus, cuộc bách hại Kitô hữu bắt đầu bùng lên ở Alexandria.

 

Thày của ông là Clêmentê đã bỏ thành này, và cha của ông là Leonides đã bị tống ngục. Người con của ông bố này thiết tha mong được tử đạo, song không được toại nguyện. Bởi thế, ông đã viết cho cha của mình, xin người cha đừng chối bỏ việc làm chứng cho đức tin. Để rồi khi người cha Leonides bị lấy đầu thì người trẻ Origen cảm thấy rằng ông cần phải theo gương cha của mình.

 

Bốn mươi năm sai, trong lúc đang giảng dạy ở Caesarea, ông đã nói: ‘Tôi không thể hoan hỉ có một người cha trở thành vị tử đạo, nếu tôi không kiên trì sống tốt lành và tôi không tôn trọng tính chất cao quí chủng tộc của tôi, tức tôn kính cuộc tử đạo của cha tôi và việc cha tôi làm chứng cho Chúa Kitô’ (Hom. Ez 4,8).

 

Ở một bài giảng sau đó – khi mà, vì sự hết sức nhân nhượng của Hoàng Đế Philip người Ả Rập, mà cơ hội được trở thành một vị tử đạo dường như bị mai một đi – ông Origen đã than lên rằng: ‘Nếu Thiên Chúa muốn tôi được rửa bằng máu của tôi, được lãnh nhận phép rửa lần thứ hai bằng việc chấp nhận chết đi cho Chúa Kitô, thì tôi chắc chắn sẽ ra đi khỏi đời này… Thế nhưng, phúc cho những ai được hưởng những điều ấy’ (Hom. Lud. 7.12).

 

Những lời lẽ ấy cho thấy nỗi thiết tha mong muốn của ông Origen đối với phép rửa bằng máu, Sau hết, ước muốn bất khả chống cưỡng này đã được nên  trọn một phần nào đó. Vào năm 250, trong cuộc bách hại của  Decius, ông Origen đã bị bắt và bị hành hạ dã man. Bị đuối sức trầm trọng bởi những đau khổ chịu đựng, ông đã chết mấy năm sau đó. Bấy giờ chưa đầy 70 tuổi.

 

Chúng ta đã đề cập tới từ đầu về ‘khúc quanh bất khả vãn hồi’ gây nên bởi ông Origen trong lịch sử thần học và tư tưởng Kitô Giáo. Thế nhưng, ‘khúc quanh’ này là ở chỗ nào, một khúc quanh mang lại rất nhiều những thành quả?

 

Trước hết, ông đã thực sự đặt nền tảng thần học trên những giải thích về Thánh Kinh; hay chúng ta cũng có thể nói rằng thần học của ông là một thứ cộng hợp giữa khoa thần học và khoa dẫn giải thánh kinh. Thật vậy, đặc tính nổi bật nơi giáo huấn của ông Origen dường như ở việc ông không ngừng mời gọi hãy vượt qua từ chữ nghĩa tới tinh thần của Thánh Kinh, trong việc tiến triển về nhận thức Thiên Chúa.

 

Và đường lối ‘có tính cách biểu hiệu’ này, theo thần học gia von Balthasar nhận định, trùng hợp chính xác ‘với việc phát triển của tín lý Kitô Giáo được thực hiện bởi các giáo huấn của những vị tiến sĩ Hội Thánh’, những vị – bằng cách này hay cách khác – đã chấp nhận ‘bài học’ của ông Origen. Bởi thế mà Truyền Thống và huấn quyền, nền tảng và là việc bảo đảm cho việc nghiên cứu thần học, mới tiến đến chỗ trở thành ‘Thánh Kinh trong trạng thái động’ (cf. "Origene: il mondo, Cristo e la Chiesa," tr. it., Milano 1972, p. 43).

 

Do đó, chúng ta có thể nói rằng cái nhân trung của những tác phẩm khổng lồ về văn chương của ông Origen là ở ‘việc đọc ba lần xuyên suốt’ Thánh Kinh. Thế nhưng, trước khi nói về ‘việc đọc’ ấy, chúng ta hãy để ý tới việc sản xuất văn chương của con người thành Alexandria này.

 

Thánh Giêrônimô, trong Bức Thư thứ 33, đã liệt kê những danh sách 320 cuốn sách và 310 bài giảng của ông Origen. Tiếc thay, hầu hết những tác phẩm ấy hiện nay đã bị thất lạc, thế nhưng một ít tác phẩm còn lưu tồn cũng đã làm cho 6ong trở thành tác giả sáng tác nhiều nhất trong 3 thế kỷ đầu tiên của Kitô Giáo. Lãnh vực hào hứng của ông bao gồm từ việc dẫn giải thánh kinh đến tín lý, triết lý, hộ giáo, khổ chế và thần bí. Nó là một nhãn quan quan trọng và toàn cầu của đời sống Kitô Giáo.

 

Cốt lõi hứng khởi của công cuộc này, như chúng ta đã đề cập tới trên đây, đó là ‘việc đọc ba lần xuyên suốt’ Thánh Kinh được ông Origen khai triển trong cuộc đời của ông, Bằng lời diễn tả ấy, chúng ta đang dẫn tới ba cách thức quan trọng nhất – không theo thứ tự quan trọng nào – được ông Origen sử dụng trong việc dấn thân học hỏi Thánh Kinh.

 

Họ đã đọc Thánh Kinh với ý định tìm hiểu bản văn bao nhiêu có thể và cống hiến việc trung thực dẫn giải. Đó là bước đầu tiên, chẳng hạn, biết những gì thực sự được viết cũng như biết những gì bản văn cố ý muốn nói từ đầu. Ông đã thực hiện việc đại nghiên cứu này theo chiều hướng ấy và đã tạo nên một ấn bản Thánh Kinh có 6 cọc so sánh với nhau, từ phải sang trái, với những bản văn Do Thái được viết bằng tiếng Do Thái – Origen đã liên lạc với những vị tôn sư Do Thái để hiểu rõ bản văn Thánh Kinh nguyên ngữ Do Thái.

 

Đoạn ông chuyển tự bản văn Do Thái sang Hy Lạp và rồi đã thực hiện 4 bản dịch khác nhau sang tiếng Hy Lạp, những bản dịch giúp cho ông có thể so sánh những khả thể khác nhau về việc dịch thuật. Việc tổng hợp này được gọi là ‘Hexapla’ (sáu cột). Đó là điểm thứ nhất, điểm muốn biết được xác thực những gì được viết, biết về chính bản văn.

 

‘Việc đọc’ thứ hai đó là việc đọc thánh kinh một cách có hệ thống của ông Origen kèm theo những dẫn giải nổi tiếng nhất của thánh kinh. Những lời dẫn giải này trung thành cung cấp những giải thích của ông Origen cho học sinh của ông, ở Alexandria và ở Caesarea. Ông đã tiến hành hầu như từng câu một, đào sâu một cách rộng rãi và sâu xa, bằng những ghi chú về triết lý và tín lý. Ông làm việc hết sức thận trọng đối với tính cách chính xác trong việc hiểu biết hơn những gì tác giả thánh kinh muốn nói.

 

Cuối cùng, ngay trước khi thụ phong linh mục, ông Origen đã hết sức dấn thân rao giảng Thánh Kinh, thích ứng mình với các thành phần thính giả khác nhau. Dù sao, như chúng ta thấy nơi các Bài Giảng của ông, bậc thày này, một vị đã dấn thân giải thích một cách hệ thống các câu thánh kinh, phân tán mỏng các câu ấy thành các câu nhỏ hơn.

 

Cũng trong các Bài Giảng này, ông Origen đã lợi dụng hết mọi cơ hội để đề cập tới những ý nghĩa khác nhau của Thánh Kinh là những gì có thể trợ giúp hay diễn đạt đường lối tăng trưởng nơi đức tin: Thánh Kinh có nghĩa ‘đen’, thế nhưng ý nghĩa này lại che dấu cái sâu xa không hiển hiện khi mới đọc lần đầu; chiều kích thứ hai là ý nghĩa về ‘luân lý’, đó là những gì chúng ta cần phải làm khi chúng ta sống Lời Chúa; và sau cùng chúng ta có ý nghĩa ‘thiêng liêng’, mối hiệp nhất của Thánh Kinh nơi tính cách đa dạng của Thánh Kinh.

 

Thật là hay khi chứng tỏ cho thấy được như thế. Trong tác phẩm ‘Giêsu Nazarét’ của mình, tôi đã cố gắng một cách nào đó để chứng tỏ cho thấy những chiều kích dồi dào của Lời Chúa trong thế giới hôm nay, của Thánh Kinh, là những gì trước hết cần phải được tôn trọng theo ý nghĩa lịch sử. Thế nhưng  cái ý nghĩa này chỉ mang chúng ta đến với Chúa Kitô, trong ánh sáng soi của Thánh Linh, và tỏ cho chúng ta thấy đường đi nước bước, cho chúng ta biết làm sao để sống.

 

Chúng ta thấy được những dấu vết về điều này, chẳng hạn, nơi Bài Giảng thứ chín về Sách Dân Số, là cuốn sách được ông Origen so sánh Thánh Kinh với những hạt đậu phộng. Ngài cho rằng: ‘Giáo huấn của Sách Luật và các Sách Tiên Tri theo chiều hướng về Chúa Kitô có một ý nghĩa khó nuốt hơn, như là việc bóc võ, sau đó quí vị mới tới cái võ là giáo huấn về luân lý, rồi thứ ba quí vị mới thấy được cái ý nghĩa của các mầu nhiệm, nơi mà linh hồn của các vị thánh được nuôi dưỡng cả ở đời này lẫn đời sau’ (Hom. Num. 9,7).

 

Theo đường lối ấy, ông Origen đã bắt đầu phát động ‘việc đọc theo Kitô Giáo’ Cựu Ước, sáng suốt thắng vượt cái thách đố khó khăn của thành phần lạc giáo – nhất là thành phần Bất Khả Thần Tri và Marcionites – những người cuối cùng đã đi đến chỗ loại bỏ Cựu Ước.

 

Tác giả thành Alexandria này đã viết về điều ấy trong cùng Bài Giảng về Sách dân Số: ‘Tôi không gọi Sách Luật này là một thứ ‘Cựu Ước’, nếu tôi hiểu sách ấy theo Thần Linh. Sách Luật này trở nên một thứ ‘Cựu Ước’ chỉ đối với những ai hiểu sách này theo nghĩa đen’, tức là, dừng lại ở việc thuần túy đọc bản văn mà thôi. Thế nhưng, ‘đối với chúng ta, thành phần hiểu biết và áp dụng Sách Luật này theo Thần Linh và theo ý nghĩa Phúc Âm, thì Sách Luật này trở thành mới mẻ và cả hai Giao Ước đều là một thứ Giao Ước mới đối với chúng ta, không phải vì ngày tháng trần gian mà là vì tính cách mới mẻ của ý nghĩa… Đối với thành phần tội nhân, trái lại, cũng như đối với thành phần không tôn trọng giao ước đức ái, thì thậm chí Phúc Âm cũng trở thành cổ hủ’ (Hom. Num. 9,4).

 

Tôi mời gọi anh chị em hãy mở lòng đón nhận những giáo huấn của bậc đại sư đức tin này. Ông nhắc nhở chúng ta rằng trong việc đọc Thánh Kinh một cách nguyện cầu cũng như nơi đường lối sống gắn bó, Giáo Hội được canh tân và trẻ trung.

 

Lời Thiên Chúa, những gì không bao giờ lão hay cạn kiệt ý nghĩa, là cách đặc biệt để làm điều ấy. Chính Lời Chúa, qua hoạt động của Thánh Linh, là những gì dẫn chúng ta vào tất cả sự thật (cf. Benedict XVI, international congress for the 40th anniversary of the dogmatic constitution "Dei Verbum," in Insegnamenti, vol. I, 2005, pp. 552-553).

 

Chúng ta hãy xin Chúa giúp thành phần tư tưởng gia, thần học gia và thánh kinh diễn giải gia chúng ta ngày nay có thể tìm thấy bản chất đa chiều kích này, tính cách vĩnh viễn tác hiệu này của Thánh Kinh.

 

Chúng ta hãy nguyện cầu xin Chúa giúp chúng ta đọc Thánh Kinh một cách nguyện cầu, để thực sự nuôi dưỡng mình bằng bánh sự sống đích thực là Lời của Người.


 

Anh Chị Em thân mến,

 

Bài giáo lý Thứ Tư tuần vừa rồi nhắm đến nhân vật Origen quan trọng, một vị tiến sĩ thành Alexandria thuộc thế kỷ thứ hai và thứ ba. Trong bài giáo lý ấy, chúng ta để ý tới đời sống và các tác phẩm của vị sư phụ thành Alxandria này, chú trọng tới ‘ba việc đọc xuyên suốt’ Thánh Kinh là tâm điểm làm sinh động tất cả mọi tác phẩm của ông.

 

Tôi đã tạm gác 2 khía cạnh nơi giáo huấn của ông Origen mà tôi coi là thuộc những gì quan trọng nhất và hợp thời nhất, nên tôi muốn nói về chúng hôm nay đây. Tôi muốn nói tới giáo huấn của ông về việc cầu nguyện và về Giáo Hội.

 

Thật vậy, ông Origen – vị tác giả “Về Cầu Nguyện” là một vấn đề trình bày quan trọng và hằng thích hợp – luôn pha trộn những tác phẩm dẫn giải thánh kinh và thần học với những cảm nghiệm và gợi ý liên quan tới việc cầu nguyện. Mặc dù tư tưởng của ông phong phú về thần học, nhưng không bao giờ chỉ thuần túy tính cách hàn lâm; trái lại, bao giờ cũng được dựa vào cảm nghiệm nguyện cầu, vào mối liên hệ với Thiên Chúa.

 

Theo quan niệm của ông, việc hiểu biết Thánh Kinh không phải chỉ đòi phải thực hiện việc nghiên cứu học hỏi. Nó đòi phải sống thân tình với Chúa Kitô và nguyện cầu. Ông tin rằng đường lối đặc biệt để nhận biết Thiên Chúa là tình yêu và người ta không thể cống hiến một ‘khoa học về Chúa Kitô – scientia Christi’ chân thực mà không say yêu Người.

 

Trong ‘Thư gửi Gregory’ của mình, ngài đã viết rằn g: “Hãy chú trọng tới ‘việc đọc’ Thánh Kinh; hãy kiên tâm thực hành điều ấy. Hãy thực hiện ‘việc đọc – lectio’ này với ý định tin tưởng và làm hài lòng Thiên Chúa.

 

‘Nếu trong khi thực hiện ‘việc đọc’ như thế, anh cảm thấy khó hiểu thì hãy gõ cửa thì vị quản thủ sẽ mở ra cho anh, vị quản thủ được Chúa Giêsu nói tới đó là ‘Đấng An Ủi sẽ dạy dỗ các con mọi sự’. Hãy áp dụng như thế vào ‘việc đọc sách thánh – lectio divina’ – hãy tìm kiếm, bằng một đức tin bất khả lay chuyển nơi Thiên Chúa, ý nghĩa của Thánh Kinh là những gì được mạc khải rất nhiều.

 

‘Anh không được mãn nguyện với việc gõ và tìm kiếm mà thôi: Để hiểu được những điều về Thiên Chúa, điều chắc chắn cần đó là ‘cầu nguyện – oratio’. Để khuyến khích làm điều ấy, Đấng Cứu Thế không chỉ nói: ‘Hãy tìm thì các con sẽ thấy’, và ‘hãy gõ thì các con sẽ được mở ra cho’, thế nhưng Người còn thêm: ‘Hãy xin, các con sẽ lãnh nhận’ (Ep. Gr. 4).

 

Người ta có thể thấy một cách rõ ràng ‘vai trò nguyên khởi’ của ông Origen trong lịch sử của ‘việc đọc sách thánh – lectio divina’. Vị giám mục Ambrose thành Milan – vị đã học đọc Thánh Kinh từ các tác phẩm của Origen – đã đưa nó vào Tây phương, truyền đạt nó cho Âu Quốc Tinh cũng như cho truyền thống đan viện nối tiếp nhau.

Như chúng ta đã đề cập đến trước đây, trình độ cao nhất trong việc nhận biết Thiên Chúa, theo ông Origen, xuất phát từ việc yêu mến Ngài. Đối với các mối liên hệ của con người cũng thế: Người ta chỉ thực sự biết nhau nếu yêu thương, nếu họ cởi mở tâm can của họ ra. Để chứng tỏ điều này, ông đã diễn giải ý nghĩa vào lúc ấy được gán cho động từ Do Thái ‘nhận biết’, một động từ được sử dụng để cho thấy tác động yêu thương của con người: ‘Adong biết Evà, vợ của mình và bà đã thụ thai’ (Gen 4:1).

 

Điều này cho thấy rằng mối hiệp nhất trong yêu thương ấy là những gì đạt tới kiến thức chân thực nhất. Như người nam và nữ là ‘hai trở thành về xác thịt’ thế nào, cũng vậy, Thiên Chúa và người tín hữu là ‘hai trở thành một về tinh thần’.

 

Bởi thế mà việc cầu nguyện của nhân vật thành Alexandria này tiến tới những mức độ cao nhất về thần bí, như được thấy nơi ‘Những Bài Giảng về Sách Diễm Tình Ca’ của ông. 

 

Ở một đoạn của bài giảng thứ nhất, ông Origen tuyên xưng rằng: ‘Có Thiên Chúa làm chứng cho điều này, đó là tôi thường cảm thấy rằng vị Hôn Phu này đã tiến đến rất gần với tôi; sau đó Người đột nhiên rời xa tôi, và tôi không thể nào tìm được những gì tôi đã kiếm tìm. Tôi lại mong ước có được sự hiện diện của Ngài, và Người trở lại, để rồi khi Người xuất hiện, lúc tôi lấy tay ôm lấy Người thì Người lại bỏ đi nữa, va một khi Người ra đi, tôi lại bắt đầu tìm kiếm Người’ (Hom. Cant. 1:7). 

 

Tôi nhớ lại những gì vị tiền nhiệm khả kính của tôi đã viết, như là một chứng nhân chân thực, trong Tông Thư ‘Novo Millennio Ineunte’, nơi ngài tỏ cho tín hữu thấy “cách thức việc nguyện cầu phát triển, như là một cuộc đối thoại yêu thương chân thực, cho đến độ phó mình cho Tình Nhân thần linh hoàn toàn chiếm hữu, sinh động bởi tác động của Thần Linh, ngoan ngoãn nghỉ ngơi trong lòng Chúa Cha… trở nên”, Đức Gioan Phaolô II tiếp, “một cuộc hành trình hoàn toàn được ân sủng hỗ trợ, một ân sủng lại đòi phải thực hiện việc dấn thân thiêng liêng tha thiết và không nản chí trước những cuộc thanh tẩy đau thương. Thế nhưng, qua những cách thức khác nhau khả dĩ, nó lại dẫn tới một niềm vui khôn tả vốn được các thần bí gia cảm nghiệm thấy như là ‘cuộc hiệp hôn’ vậy” (số 33).

 

Chúng ta tiến sang phần giáo huấn của ông Origen về Giáo Hội, và chính là về thiên chức linh mục của người giáo dân trong giáo huấn này. Như nhân vật thành Alexandria này khẳng định trong bài Giảng thứ chín của mình về Sách Lêvi, ‘đây là diễn từ quan trọng cho tất cả chúng ta’ (Hom. Lev. 9:1).

 

Trong cùng bài giảng, ông Origen – khi đề cập tới việc Aaron, sau cái chết của hai người con mình, cấm không cho tiến vào nơi Cựu Thánh ‘bất cứ lúc nào’ (Lev. 16:2) – ông đã cảnh giác thành phần tín hữu rằng: ‘Theo đó chúng ta có thể thấy rằng nếu con người tiến vào cung thánh mà không được sửa soạn thích đáng, không mặc áo tư tế, không sẵn sàng những lễ vật được qui định để hiến dâng cho Thiên Chúa, thì họ sẽ phải chết… Lời ấy có ý nhắm tới hết mọi người. Nó bảo đảm là chúng ta biết làm thế nào để tiến tới bàn thờ của Thiên Chúa.

 

‘Hay anh chị em không biết rằng thiên chức linh mục được ban tặng cho Giáo Hội của Chúa cũng như cho tất cả mọi tín hữu hay chăng? Hãy lắng nghe Thánh Phêrô nói với thành phần tín hữu. Ngài nói: ‘Giòng giống được tuyển chọn, chức linh mục vương giả, quốc gia thánh hảo, một dân tộc được Thiên Chúa thiết lập’. Anh chị em có thiên chức linh mục vì anh chị em là một ‘dân tư tế’, và vì thế anh chị em cần phải dâng hy tế lên Thiên Chúa…. Thế nhưng, để anh chị em có thể dâng tế cách xứng đáng, anh chị em cần phần có những lễ phục tinh tuyền, khác hẳn với những y phục thông thường của người khác, và anh chị em cần ngọn lửa thần linh’ (ibid.).

 

Một đàng là ‘giây thắt lưng’ và ‘lễ phục tư tế’, những thứ tiêu biểu cho sự tinh tuyền và đời sống chân thành, đàng khác ‘ngọn đèn luôn cháy sáng’, tiêu biểu cho đức tin  và khoa Thánh Kinh – tất cả những điều đó là điều kiện cần thiết để thực thi thừa tác vụ linh mục. Những điều kiện này – việc làm chính đáng, nhất là việc đón nhận và học hỏi Lời Chúa – là những gì thiết lập nên một ‘phẩm trật thánh thiện’ nơi thiên chức linh mục phổ quát của tất cả mọi Kitô hữu.    

 

Ông Origen đặt việc tử đạo lên tột đỉnh của con đường nên  trọn lành. Ở bài Giảng thứ chín về Sách Lêvi, ông đã mở đầu về ‘ngọn lửa cho hy tế’, tức là, đức tin và kiến thức Thánh Kinh, là những gì không bao giờ được tắt lịm trên bàn thờ của những ai thi hành thiên chức linh mục.

 

Rồi ông thêm rằng: ‘Mỗi một người chúng ta đều có trong mình’ không phải chỉ lửa mà ‘còn cả hy tế nữa, và từ hy tế này mà họ thắp sáng bàn thờ để nó vĩnh viễn bừng cháy. Nếu tôi từ bỏ hết mọi sự tôi có để vác thập giá mà theo Chúa Kitô là tôi hiến dâng hy tế của tôi trên bàn  thờ Chúa; và nếu tôi hiến thân xác tôi cho nó bị thiêu đốt đi, vì đức ái và chiếm được vinh quang phúc tử đạo, là tôi dâng hiến hy tế của tôi trên bàn thờ C húa’ (Hom  Lev. 9:9).

 

Con đường nên trọn lành này ‘giành cho hết mọi người’, nhờ đó, ‘ánh mắt của tâm can chúng ta’ sẽ chiêm ngưỡng thấy đức khôn ngoan và sự thật là Chúa Giêsu Kitô. Khi giảng dạy về bài giảng của Chúa Giêsu Nazarét – khi ‘ánh mắt của tất cả mọi người trong hội đường đổ dồn về Người’ (Lk 4:16-30) – ông Origen dường như muốn nói với chúng ta rằng: ‘Thậm chí cho tới ngày nay, nếu anh chị em muốn, trong cuộc qui tụ này, ánh mắt của anh chị em vẫn có thể ngước lên nhìn Đấng Cứu Thế.

 

‘Khi anh chị em hướng ánh mắt tâm can của mình chiêm ngưỡng đực khôn ngoan và chân lý cùng Người Con duy nhất của Thiên Chúa, thì ánh mắt của anh chị em sẽ được thấy Thiên Chúa. Ôi một cuộc qui tụ hồng phúc, một cuộc qui tụ của thành phần nghe Thánh Linh khi mắt họ gắn chặt lấy Người! Tôi mong muốn cuộc qui tụ này nhận được cùng một chứng từ tương tự, đó là ánh mắt của tất cả mọi người, của thành phần chưa được rửa tội cũng như của thành phần tín hữu, của người nữ và người nam cùng trẻ em, không phải là ánh mắt của thân thể mà là của linh hồn nhìn vào Chúa Giêsu!... Ôi Chúa, Đấng được tôn vinh và quyền năng muôn đời muôn kiếp, xin ánh sáng dung nhan Chúa chiếu tỏa trên chúng con. Amen!’ (Hom. Lc 32:6).