Giáo Phụ Tertullian

 

Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 30/5/2007 – Bài Giáo Lý 39 trong loạt bài về Giáo Hội Hiệp Thông Tông Truyền

 

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Qua buổi giáo lý hôm nay, chúng ta trở về với loạt bài chúng ta đã ngưng lại cho chuyến tông du Ba Tây, và chúng ta tiếp tục nói về những nhân vật đặc biệt của Giáo Hội cổ thời: Các vị là thành phần bậc thày đức tin đối với chúng ta thậm chí cho tới ngày nay và là những chứng nhân về một thực tại trường tồn của đức tin Kitô Giáo.

 

Hôm nay, chúng ta nói về một người Phi Châu, đó là Tertullian, vị mà vào cuối thế kỷ thứ hai và đầu thế kỷ thứ ba đã mở màn cho văn chương Kitô giáo bằng tiếng Latinh. Nhờ ông, chúng ta thấy được khởi điểm của thần học về ngôn ngữ ấy.

 

Công cuộc của ngài đã mang lại những hoa trái quan trọng, và không thể nào thứ tha được nếu hạ giá những hoa trái ấy. Ảnh huởng của ngài đã diễn tiến ở nhiều lãnh vực: về ngôn ngữ học và về việc phục hồi văn hóa cổ điển, và việc làm nổi bật một thứ “hồn sống Kitô Giáo” chung trên thế giới cùng với việc hình thành những dự án mới cho vấn đề cùng nhau chung sống.

 

Chúng ta không biết đích xác ngày sinh hay tử của ông. Chúng ta biết rằng ngài xuất thân từ Carthage, ngài đã sống gần cuối thế kỷ thứ hai, và từ cha mẹ và những bậc thày ngoại đạo của mình, ông đã được giáo dục vững chắc về tu từ học, triết học, luật pháp và lịch sử. Ông đã trở lại Kitô Giáo, khi dường như  được thu hút bởi gương sáng của các vị tử đạo Kitô Giáo.

 

Ông đã bắt đầu xuất bản những bản văn nổi tiếng nhất của mình vào năm 197. Thế nhưng, vì nhiều vấn đề nghiên cứu quá cá nhân về sự thật cùng với tính khí bất nhẫn của mình – ông là một con người nghiêm ngặt – ông đã dần dần lìa xa mối hiệp thông với Giáo Hội và gia nhập giáo phái Montanism. Thế nhưng, tính chất khởi nguyên nơi tư tưởng của mình cùng với hiệu năng sắc bén về ngôn ngữ đã chiếm được cho ông một vị thế cao cả nơi văn chương cổ điển Kitô Giáo. 

 

Đáng chú ý nhất là những bản văn về hộ giáo của ông. Chúng cho thấy hai ý hướng chính: ý hướng bẻ lại những tố cáo nặng nề là thành phần dân ngoại bấy giờ đang làm tổn thương tới thứ tôn giáo mới này, và ý hướng có tính cách truyền giáo hơn trong việc truyền đạt sứ điệp Phúc Âm bằng việc đối thoại với văn hóa vào thời bấy giờ.

 

Tác phẩm thời danh nhất của ông là cuốn “Apologeticus” đã bài bác những hành động bất công của thành phẩn thẩm quyền về chính trị đối với Giáo Hội. Ông đã giải thích và bênh vực các giáo huấn và tục lệ của Kitô hữu; ngài liệt kê những sự khác biệt giữa tôn giáo mới này với những trường phái triết học chính của thời đó; ông cho thấy sự hiển thắng của Thần Linh là Đấng chôn vùi bạo lực của các kẻ bách hại bằng máu đổ, khổ đau và đức nhẫn nại của các vị tử đạo. Ông viết: “Như nó thực sự được tinh luyện,  việc hung ác của các người chẳng đạt được mục đích gì hết, trái lại, đối với cộng đồng của chúng tôi thì nó là một lời mời gọi. Chúng tôi gia tăng mỗi lần có một người nào trong chúng tôi bị cắt hái: Máu của Kitô hữu là một hạt giống vậy” ("Apologeticus" 50:13).

 

Việc tử đạo và nỗi khổ đau vì chân lý là những gì cuối cùng vinh thắng và hiệu năng hơn là sự hung ác và bạo lực của các chế độ chuyên chế độc tài.

 

Thế nhưng, như tất cả mọi hộ giáo gia, ông Tertullian cũng nói về nhu cầu cần phải truyền đạt yếu tính của Kitô giáo một cách tích cực. Để làm điều này ngài đã theo kiểu suy luận để chứng tỏ cho thấy những nền tảng hợp lý của tín điều Kitô Giáo. Ông đã nghiên cứu chúng một cách có phương pháp, và bắt đầu bằng lời diễn tả về “Vị Thiên Chúa của Kitô hữu”. Ông viết: “Đấng chúng tôi tôn thờ là Thiên Chúa duy nhất”.

 

Ông tiếp tục nói khi sử dụng những phản đề và những mâu thuẫn làm nên đặc tính của những gì ông nói: “Ngài là Đấng vô hình, cho dù các người thấy Ngài, Ngài là Đấng bất khả chạm tới, cho dù Ngài hiện diện bằng ân sủng; Ngài là Đấng bất khả thấu, dù cảm quan của nhân loại có thể nhận được Ngài, bởi thế Ngài mới là Đấng chân thực và cao cả!” (ibid., 17:1-2).

 

Ông Tertullian cũng hoàn thành được một bước lớn trong việc khai triển tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi; ông đã cống hiến cho chún g ta, bằng tiếng La Tinh, những từ ngữ thích đáng để diễn tả mầu nhiệm cao cả này, đưa ra những từ ngữ “một bản thể duy nhất” và “b a Ngôi Vị”. Cũng tương tự như thế, ông đã khai triển rất nhiều thứ ngôn từ xác đáng để diễn tả mầu nhiệm về Chúa Kitô, Con Thiên Chúa và là Con Người thật.

 

Nhân vật Phi Châu này cũng nói về Chúa Thánh Thần nữa, khi chứng tỏ cho thấy tính chất riêng và thần linh của Ngài: “Chúng ta tin rằng, theo lời hứa của mình, Chúa Giêsu Kitô đã từ Cha sai Thánh Thần là Đấng An Ủi, Đấng Thánh Hóa theo đức tin của tất cả những ai tin kính Cha, Con và Thánh Thần” (ibid 2,1).

 

Trong các văn kiện của nhân vật Phi Châu đây, có nhiều bản văn về Giáo Hội được Tertullian bao giờ cũng nói đến như là “người mẹ”. Cho dù sau khi đã tham gia bè phái Montanism, ông vẫn không bao giờ quên  rằng Giáo Hội là Mẹ đối với niềm tin của chúng ta và đời sống Kitô Giáo của chúng ta.

 

Ông còn nói về hành động luân lý của Kitô hữu và đời sau nữa. Những bản văn của ông là những gì quan trọng vì chúng phản ảnh các khuynh hướng sống động của cộng đồng Kitô hữu về Mẹ Maria rất thánh, về Thánh Thể, về vấn đề hôn phối và về việc hòa giải, về quyền bính tối thượng của Thánh Phêrô, về việc cầu nguyện … Đặc biệt là trong những thời buổi bách hại khiến cho Kitô hữu dường như trở thành một thiểu số mất mát, thì vị hộ giáo này đã kêu gọi họ hãy hy vọng; nơi các bản văn của ông thì hy vọng không phải chỉ là một nhân đức mà là một cái gì đó bao gồm hết mọi khía cạnh hiện hữu của Kitô hữu. Chúng ta hy vọng rằng tương lai là của chúng ta vì tương lai là của Thiên Chúa.

 

Việc Chúa phục sinh được trình bày như là nền tảng cho việc sống lại sau này của chúng ta, và là tiêu biểu cho thấy đối tượng chính yếu của đức tin Kitô Giáo: “Vậy xác thịt sẽ sống lại, hoàn toàn nơi mọi người, nơi căn tính của nó, nơi tính chất hoàn toàn nguyên vẹn của nó. Dù nó ở đâu đi nữa thì nó vẫn an toàn trước nhan Thiên Chúa, nhờ Vị Trung Gian trung thực nhất giữa Thiên Chúa và loài người là Chúa Giêsu Kitô, Đấng sẽ hòa giải giữa Thiên Chúa với con người cũng như giữa con người với Thiên Chúa” (On the Resurrection of the Flesh, 63:1).

 

Theo quan điểm nhân loại thì người ta có thể nói về thảm kịch Tertullian. Qua giòng thời gian, ông đã tiến đến chỗ đòi hỏi nhiều hơn nơi Kitô hữu. Ông mong muốn họ, vào bất cứ lúc nào, nhất là trong thời bách hại, phải hành động một cách anh hùng. Ông đã cứng rắn theo chủ trương của ông, đã phê bình nhiều người và cảm thấy mình thực sự bị trở thành cô lập.

 

Vẫn còn nhiều vấn đề về tư tưởng thần học và triết học của Tertullian, mà còn cả về những cách thức ông giải quyết đối với các cơ cấu chính trị và xã hội dân ngoại vào thời ấy.

 

Đại nhân vật về luân lý và tri thức này, con người đã góp phần rất nhiều cho tư tưởng Kitô Giáo này, đã khiến cho tôi phải suy nghĩ. Hiển nhiên là vào lúc cuối đời, ông đã tỏ ra thiếu tính chất đơn sơ, thiếu lòng khiêm nhượng trong vấn đề thuộc về Giáo Hội, trong vấn đề chấp nhận nỗi yếu hèn của mình, trong vấn đề khoan nhượng kẻ khác và chính bản thân mình.

 

Khi anh chị em thẩm định tư tưởng của anh chị em liên quan tới sự cao cả của anh chị em thì cuối cùng cái cao cả này sẽ bị mất đi. Đặc tính thiết yếu của một đại thần học gia đó là lòng khiêm nhượng ở cùng Giáo Hội, là chấp nhận Giáo Hội và lỗi lầm riêng của mình, vì chỉ có một mình Thiên Chúa mới là Đấng toàn thiện. Trái lại, chúng ta bao giờ cũng cần đến ơn tha thứ.

 

Ông Tertullian vẫn là một nhân chứng đáng kể trong những năm đầu của Giáo Hội, khi mà Kitô hữu thấy mình trở thành những chủ thể thực sự của một “nền văn hóa mới” giữa di sản cổ điển và sứ điệp Phúc Âm. Câu nổi tiếng của ông nói rằng linh hồn của chúng ta “bẩm sinh là Kitô Giáo” (Apologeticus 17:6), một câu được Tertullian muốn dùng để khơi lên cái liên tục giữa các giá trị về nhân bản đích thực với những giá trị của Kitô Giáo. Và một ý tưởng khác của ông, được trích từ các Phúc Âm, nói rằng “Kitô hữu không thể hận ghét, không thể thậm chí đối với cả những kẻ thù của mình” (Apologeticus 37), một câu hàm ý về luân lý liên quan tới việc chọn lựa theo đức tin, cho rằng “vấn đề bất bạo động” là lề luật của cuộc sống: Ai lại không thấy được tính cách thích đáng của giáo huấn này ngày nay theo chiều hướng tranh luận sôi nổi về các tôn giáo.  

 

Trong các bản văn của Tertullian có nhiều đề tài mà chúng ta ngày nay vẫn còn được kêu gọi để đối diện. Chúng kêu gọi chúng ta hãy thực hiện một cuộc sát hạch nội tâm cách hiệu quả, một việc làm tôi muốn kêu gọi tất cả mọi tín hữu, để nhờ đó họ biết cách bày tỏ, một cách thuyết phục hơn bao giờ hết, “Qui Luật Đức Tin” là những gì – trở lại với Tertullian – “qui định niềm tin tưởng rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, và Ngài chính là Đấng Hóa Công của thế giới, Đấng đã dựng nên tất cả mọi sự từ hư không bằng Lời của Ngài là Lời được ban bố trước hết” (Prescription against Heretics 13:1).

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 30/5/2007