Thứ Tư 5/4/2006

 

Bài 4

 

Phục Vụ Cho Mối Hiệp Thông

 

Anh Chị Em thân mến:

 

Trong loạt bài giáo lý mới được chúng ta bắt đầu mấy tuần trước, chúng ta muốn cứu xét tới nguồn gốc của Giáo Hội để hiểu được dự án nguyên thủy, nhờ đó hiểu được những gì là chính yếu nơi Giáo Hội, một Giáo Hội đang tồn tại qua giòng thời gian. Chúng ta cũng muốn hiểu được lý do tại sao chúng ta lại thuộc về Giáo Hội, nhờ đó chúng ta phải làm sao để dấn thân sống Giáo Hội vào lúc mở màn cho tân thiên kỷ Kitô Giáo này.

 

Suy nghĩ về Giáo Hội sơ khai, chúng ta khám phá thấy hai khía cạnh: Khía cạnh thứ nhất được mãnh liện đề cao bởi Thánh Irenaeus Thành Lyon, đại thần học gia tử đạo vào cuối thế kỷ thứ hai, vị đầu tiên lưu lại cho chúng ta một khoa thần học ở một nghĩa nào đó.

 

Thánh Irenaues viết: ‘Giáo Hội ở đâu thì Thần Linh Thiên Chúa ở đó; và Thần Linh Chúa ở đâu thì ở đó có Giáo Hội cùng với tất cả mọi ân sủng, vì Thần Linh là chân lý’ ("Adversus Haereses," III, 24, 1: PG 7, 966). Bởi thế, có một mối liên hệ sâu xa giữa Thánh Thần và Giáo Hội. Thánh Thần xây dựng Giáo Hội và ban cho Giáo Hội chân lý, và như Thánh Phaolô nói, tuôn đổ tình yêu vào lòng tín hữu (x Rm 5:5).

 

Thế nhưng, ngoài ra, còn có khía cạnh thứ hai nữa. Mối liên hệ sâu xa này với Thần Linh không loại trừ nhân tính của chúng ta, với tất cả nỗi yếu hèn của nó, bởi đó, ngay từ ban đầu, cộng đồng môn đệ chẳng những cảm nghiệm được niềm vui của Thánh Thần, ân sủng của chân lý và yêu thương, mà còn cả thử thách là những gì chính yếu bị gây ra bởi tình trạng tương phản giữa các chân lý đức tin với những rạn nứt xuất phát từ mối hiệp thông.

 

Như mối hiệp thông yêu thương đã hiện hữu ngay từ ban đầu và sẽ tiếp tục tồi tại cho tới cùng (x 1Jn1:1ff) thế nào, thì bất hạnh thay, cũng ngay từ ban đầu, chia rẽ đã xẩy ra. Chúng ta không lạ gì khi thấy nó vẫn còn hiện hữu tới ngày nay: Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan viết: ‘Chúng từ chúng ta mà ra, nhưng chúng không thuộc về chúng ta; vì nếu chúng từ chúng ta mà ra thì chúng sẽ tiếp tục ở với chúng ta; song chúng đã đi khỏi để có thể nói rằng tất cả chúng không thuộc về chúng ta’ (2:19).

 

Bởi thế, mối hiểm nguy bao giờ cũng vẫn có đó, nơi tình trạng thăng trầm của thế giới cũng như nơi nỗi yếu hèn của Giáo Hội, của việc mất niềm tin, từ đó, mất yêu thương và tình huynh đệ. Đó là lý do những ai tin vào Giáo Hội của yêu thương và muốn sống trong Giáo Hội phải có nhiệm vụ đặc biệt để cũng nhận ra mối nguy hiểm ấy và chấp nhận rằng mối hiệp thông bất khả dĩ với những ai không ở trong tín lý cứu độ (x 2Jn 9-11).

 

Những gì Giáo Hội sơ khai nhận thấy một cách rõ ràng về những căng thẳng khả dĩ này nơi việc sống hiệp thông được chứng tỏ rất rõ nơi Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan. Không có một tiếng nói mạnh mẽ nào khác trong Tân Ước nhấn mạnh tới thực tại về nhiệm vụ sống yêu thương huynh đệ nơi Kitô hữu, ngoài cũng cùng một tiếng nói ấy ngỏ một cách nghiêm nghị cùng thành phần đối phương, thành phần đã từng là phần tử của cộng đồng này song không còn thuộc về cộng đồng ấy nữa.

 

Giáo Hội của yêu thương cũng là Giáo Hội của chân lý, trước hết được hiểu là Giáo Hội trung thành với Phúc Âm được Chúa Giêsu ký thác cho Giáo Hội riêng của Người. Tình huynh đệ Kitô hữu được xuất phát từ sự kiện là con cái của cùng một Cha bởi Thần Chân Lý: ‘Vì tất cả những ai được Thần Chúa dẫn dắt đều là con cái Thiên Chúa’ (Rm 8:14). Thế nhưng, sống trong hiệp nhất và an bình, gia đình con cái Chúa cần một người giữ họ trong chân lý và dẫn dắt họ một cách khôn ngoan sáng suốt có thẩm quyền: Đó là những gì thừa tác vụ của các vị tông đồ được kêu gọi thực hiện.

 

Đến đây chúng ta tiến tới một điểm quan trọng. Giáo Hội hoàn toàn bởi Thần Linh, thế nhưng Giáo Hội có một cấu trúc, đó là việc thừa kế tông đồ, một việc thừa kế có trách nhiệm để làm sao có thể bảo đảm được tính cách vĩnh viễn của Giáo Hội trong chân lý do Chúa Kitô ban bố, từ đó cũng xuất phát cả khả năng yêu thương. Câu tóm tắt đầu tiên của Sách Tông Vụ cho thấy tính cách hết sức hiệu nghiệm về việc đồng qui các thứ giá trị này nơi đời sống Giáo Hội sơ khai: ‘Họ chuyên tâm vào giáo huấn của các Tông Đồ và việc hiệp thông (‘koinonia’), vào việc bẻ bánh và cầu nguyện’ (Acts 2:42).

 

Mối hiệp thông được phát xuất từ niềm tin do việc rao giảng tông truyền, nó được nuôi dưỡng bằng việc bẻ bánh và nguyện cầu, và được thể hiện trong đức ái huynh đệ và phục vụ. Chúng ta đang ở trước hình ảnh của mối hiệp thông thuộc Giáo Hội sơ khai trong sự phong phú của những thứ năng động nội tại cùng với những thể hiện hữu hình: Tặng ân hiệp thông được gìn giữ và phát triển đặc biệt bởi thừa tác vụ tông đồ, một thừa tác vụ trở thành tặng ân cho toàn thể cộng đồng.

 

Bởi vậy, các vị tông đồ và những vị thừa kế các ngài là thành phần bảo hộ và là những nhân chứng có thẩm quyền về kho tàng đức tin của Giáo Hội, và họ cũng là những thừa tác viên đức ái: hai khía cạnh đi với nhau. Họ bao giờ cũng phải nghĩ đến tính cách bất khả phân ly của việc phục vụ lưỡng đôi ấy, một việc phục vụ thật sự như nhau: chân lý và đức ái là những gì được Chúa Giêsu tỏ bày và ban tặng. Bởi thế, trước hết các vị thi hành việc phục vụ yêu thương: đức ái họ phải sống và cổ võ không thể nào được tách khỏi sự thật họ gìn giữ và truyền đạt.

 

Chân lý và yêu thương là hai mặt của cùng một tặng ân, một tặng ân xuất phát từ Thiên Chúa và là một tặng ân, nhờ thừa tác vụ tông đồ, được Giáo Hội bảo tồn và truyền đạt cho chúng ta tới ngày nay! Qua việc phục vụ của các tông đồ và thành phần thừa kế của các vị, chúng ta cũng nhận được tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi trong việc truyền đạt sự thật giải thoát chúng ta (x Jn 8:32)! Tất cả những điều chúng ta thấy nơi Giáo Hội sơ khai dẫn chúng ta tới chỗ nguyện cầu cho thành phần thừa kế các vị tông đồ, cho tất cả các vị giám mục, cũng như cho các vị Thừa Nhiệm Thánh Phêrô, để các vị thực sự là những người bảo quản cho chân lý đồng thời cho cả đức ái nữa, để các vị thật sự là những tông đồ của Chúa Kitô, dể ánh sáng của các vị, ánh sáng chân lý và đức ái không bao giờ bị lịm tắt trong Giáo Hội và trên thế giới.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 5/4/2006