Thứ Tư 6/6/2007

 

Thánh giáo phụ Cyprian

 

 

Bài Giáo Lý 40 trong loạt bài về Giáo Hội Hiệp Thông Tông Truyền

 

 

 

Anh chị em thân mến,

 

Tiếp tục loạt b ài giáo lý của chúng ta về những đại nhân vật thuộc Giáo Hội cổ thời, hôm nay chúng ta tới một vị giám mục người Phi Châu tuyệt vời ở thế kỷ thứ ba, đó là Thánh Cyprian, “vị giám mục đầu tiên ở Phi Châu chiếm được triều thiên tử đạo”. Danh tiếng của ngài, như tiểu sử gia đầu tiên của ngài là phó tế Pontius chứng thực được liên kết với việc  xuất bản về văn chương của ngài cũng như về hoạt động mục vụ của ngài trong 13 năm từ khi ngài trở lại cho tới khi ngài tử đạo (cf. "Vida" 19,1; 1,1).

 

Thánh Cyprian sinh vào đời ở Carthage trong một gia đình giầu có ngoại đạo. Sau cuộc đời trẻ trung lãng phí, Cyprian đã trở lại Kitô Giáo ở vào tuổi 35. Chính ngài đã nói với chúng ta về cuộc hành trình thiêng liêng của ngài: Ngài đã viết sau khi được rửa tôị một tháng thế này: “Khi tôi còn ở trong đêm tối tăm thì dường như tôi cảm thấy rất ư là khó khăn và đuối sức để làm những gì theo lòng thương xót Chúa kêu mời…. Tôi bị ràng buộc với nhiều lầm lỗi trong cuộc đời quá khứ của tôi và tôi đã nghĩ rằng tôi không thể nào thoát nổi, đến nỗi tôi chiều theo các tính mê nết xấu của mình và yêu chuộng các ước muốn tội lỗi của tôi…. Về sau, nhờ ơn trợ giúp của nước tái sinh, tình trạng khốn nạn nơi cuộc đời trước đây của tôi đã được rửa sạch; một thứ ánh sáng mãnh liệt đã chiếu soi tâm hồn của tôi; một cuộc sinh lại lần nữa đã đưa tôi đến một cuộc sống mới hoàn toàn. Tất cả mọi ngờ vực đã được sáng tỏ cách lạ lùng…. Tôi rõ ràng hiểu được rằng những gì thường sống trong tôi là những ước vọng trần gian của xác thịt, trái lại, những gì Thánh Linh làm xuất phát trong tôi đều là thần linh và thiên đình” ("A Donato," 3-4).

 

Ngay sau cuộc trở về của mình, Thánh Cyprian, bất chấp sự đố kỵ và chống đối, được chọn làm linh mục và được nâng lên phẩm chức giám mục. Trong giai đoạn ngắn ngủi làm giám mục của mình, ngài đã đương đầu với hai cuộc bách hại đầu tiên theo lệnh của hoàng đế, đó là sắc lệnh của hoàng đế Decius vào năm 250 và của Valerian vào năm 257-258. Sau cuộc bách hại hết sức dữ dội của Decius, vị giám mục này đã phải hoạt động nhiều hơn nữa để phục hồi trật tự nơi cộng đồng Kitô hữu. Thật vậy, nhiều tín hữu đã ruồng bỏ đức tin của họ hay đã không phản ứng cách thích đáng trước cơn thử thách như vậy. Những người này được gọi là thành phần lapsi, tức là “sa ngã”, thành phần tha thiết muốn tái nhập cộng đồng.

 

Cuộc tranh luận liên quan tới vấn đề tái gia nhập của họ đã phân rẽ Kitô hữu ở Carthage thành những người lỏng lẻo và những người nghiêm ngặt. Ngoài những khó khăn này còn xẩy ra một nạn dịch trầm trọng gây khốn đốn cho Phi Châu và làm nổi lên những vấn đề về thần học cho cả bên trong Giáo Hội lẫn tới thành phần dân ngoại. Sau hết, chúng ta cũng cần phải nhớ đến  cuộc tranh luận giữa Thánh Cyprian và Giám Mục Rôma là Stephen, liên quan tới tính chất hiệu thành của phép rửa được ban phát cho dân ngoại bởi những người Kitô hữu lạc đạo.

 

Giữa những hoàn cảnh thực sự khó khăn như thế, Thánh Cyprian đã chứng tỏ ngài có biệt tài quản trị, ở chỗ, ngài ngặt nghèo nhưng không phải là không uyển chuyển với thành phần “sa ngã”, khi cho họ cơ hội thứ tha sau một giai đoạn thống hối gương mẫu; liên quan tới vấn đề Rôma, ngài tỏ ra cương quyết trong việc bên h vực các truyền thống của Giáo Hội ở Phi Châu; ngài hết sức hiểu biết và đầy tinh thần truyền bá phúc âm hóa thực sự chân chính khi kêu gọi Kitô hữu thực hiện việc hỗ trợ huynh đệ cho thành phần dân ngoại trong cơn dịch tễ; ngài biết cách bảo trì mức quân bình thích đáng khi nhắc nhở tín hữu, thành phần lo sợ vừa mất mạng sống vừa mất cả sản nghiệp, rằng sự sống đích thực của họ và các sự thiện chân thực của họ không thuộc về thế gian này; ngài không nhượng bộ trong cuộc chiến đấu với những việc thực hành băng hoại và các thứ tội lỗi làm hủy hoại đời sống luân lý, nhất là tính tham lam lợi lộc.

 

Phó Tế Pontius kể rằng: “Những ngày sống của ngài là như thế, khi mà, theo lệnh của quan thống đốc, bất ngờ cảnh sát đã tới với ngôi nhà này” (“Vida”, 15,1). Hôm đó, vị giám mục thánh thiện đã bị bắt giữ, và sau cuộc chất vấn ngắn, ngài đã can đảm lãnh nhận cuộc tử đạo giữa dân của mình.

 

Thánh Cyprian đã viết nhiều luận án và thư từ, những văn kiện bao giờ cũng gắn liền với thừa tác mục vụ của ngài.  Ít khi bàn tới vấn đề suy luận về thần học, ngài hầu hết viết để củng cố cộng đồng và khuyến khích hành vi tất lành của tín hữu. Thật vậy, Giáo Hội là đề tài ngài yêu chuộng. Ngài phân biệt giữa “Giáo Hội hữu hình” theo phẩm trật với “Giáo Hội vô hình” có tính cách huyền nhiệm, song ngài mạnh mẽ khẳng định Giáo Hội là một, được xây dựng trên Phêrô.

 

Ngài không bao giờ thôi lập đi lập lại rằng “ai từ bỏ Ngai Tòa Phêrô là nền tảng của Giáo Hội, thì sống trong ảo tưởng là họ vẫn còn thuộc về Giáo Hội” (“Mối Hiệp Nhất của Giáo Hội Công Giáo”, 4).

 

Thánh Cyprian biết rõ ràng và mạnh mẽ nói rằng “không có ơn cứu độ ngoài Giáo Hội” (Thư 4,4 và 73,21), và “ai không có Giáo Hội làm mẹ của mình thì cũng không thể nào có Thiên Chúa làm Cha của họ” (“Mối Hiệp Nhất của Giáo Hội Công Giáo”, 4).

 

Mối hiệp nhất là một đặc tính b ất khả vãn hồi của Giáo Hội, được biểu hiệu nơi tấm áo không vết nối của Chúa Kitô (ibid, 7): một mối hiệp nhất, như ngài nói, tìm thấy nền tảng của mình nơi Thánh Phêrô (ibid. 4) và được hoàn toàn nên trọn nơi Thánh Thể (Thư 63,13).

 

Thánh Cyprian kêu gọi: “Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, một Đức Kitô duy nhất, một Giáo Hội duy nhất, một đức tin duy nhất, một dân Kitô Giáo duy nhất được liên kết mạnh mẽ bởi chất xi-m ăng hòa hợp; và là những gì tự bản chất không thể bị phân chia” ("The Unity of the Catholic Church," 23).

 

Chúng ta đã nói tới những tư tưởng của ngài về Giáo Hội, nhưng chúng ta đừng quên, cuối cùng, những giáo huấn của ngài về cầu nguyện nữa. Tôi đặc biệt thích cuốn sách “Kinh Lạy Cha” của ngài, một cuốn sách đã giúp tôi hiểu biết hơn và cầu nguyện “Kinh Chúa Dạy” tốt đẹp hơn. Thánh Cyprian dạy rằng chính nơi Kinh Lạy Cha này mà Kitô hữu được cống hiến cách thức nguyện cầu đúng đắn; và ngài nhấn mạnh rằng kinh nguyện này được đọa ở thể số nhiều “để ai nguyện cầu kinh này thì không chỉ nguyện cầu một mình”.

 

Ngài viết rằng: “Kinh nguyện này của chúng ta là một kinh nguyện công khai và cộng đồng, và khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta nguyện cầu chẳng những cho chính chúng ta mà còn cho toàn thể dân chúng nữa, vì chúng ta là một với dân chúng” (“Kinh Nguyện Của Chúa”, 8).

 

Nhờ đó, kinh nguyện cá nhân và phụng vụ được trình bày một cách liên kết chặt chẽ với nhau. Mối hiệp nhất này được dựa vào sự kiện là cả hai đều đáp ứng cùng Lời Chúa. Kitô hữu không nói “Lạy Cha của con” mà là “Lạy Cha chúng con”, cho dù ở ngay nơi thầm kín trong phòng riêng của họ, vì họ biết rằng họ là phần tử của một Thân Thể duy nhất ở trong tất cả mọi nơi và tất cả mọi hoàn cảnh.

 

Vị giám mục Carthage viết: “Vậy hỡi những người huynh đệ yêu dấu nhất của tôi, chúng ta hãy cầu nguyện, như Thiên Chúa là sư phụ đã dạy chúng ta. Nó là một kinh nguyện thân tình và tin tưởng để nguyện cầu cùng Thiên Chúa bằng những gì Ngài dạy, dâng lên tai của Ngài lời nguyện cầu của Chúa Kitô. Chớ gì Cha nhận ra những lời lẽ Con của mình khi chúng ta dâng lời nguyện lên Ngài: để Đấng ẩn ngự trong tâm linh cũng hiện diện cả ở nơi tiếng nói… Ngoài ra, khi chúng ta nguyện cầu, chúng ta cần phải thực hiện đường lối nói và cầu, một cách triệt để, giữ thinh lặng và tỏ ra sẵn sàng. Chúng ta hãy nghĩ rằng chúng ta đang ở trước ánh mắt của Thiên Chúa.

 

“Cần làm hài lòng ánh mắt thần linh bằng cả nơi thái độ bầ ngoài lẫn cung điệu của tiếng nói…. Và khi chúng ta qui tụ lại với anh chị em để cử hành hy tế thần linh với một vị linh mục của Thiên Chúa, chúng ta cần phải làm như thế bằng một niềm kính sợ tôn nghiêm và nghiêm chỉnh, không tung kinh nguyện của mình ra theo chiều gió, cũng không dài dòng dâng lời thỉnh nguyện lên Thiên Chúa cần phải được trình bày một cách điều độ, vì Thiên Chúa không lắng nghe tiếng nói mà là con tim (‘non vocis sed cordis auditor est’)” (3-4).

 

Những lời này vẫn còn hiệu lực cho cả ngày nay cũng như thời ấy, và chúng giúp chúng ta cử hành tốt đẹp phụng vụ thánh.

 

Không thể phủ nhận được là Thánh Cyprian thuộc về nguồn mạch của truyền thống phong phú thần học tu đức là khoa thần học coi “con tim” là nơi đặc biệt của việc nguyện cầu. Theo Thánh Kinh và Các Vị Giáo Phụ thì con tim thực sự là cốt lõi của con người, nơi Thiên Chúa ngự. Cuộc hội ngộ xẩy ra ở đó là nơi Thiên Chúa nói với con người và con người lắng nghe Thiên Chúa; ở đó con người nói với Thiên Chúa và Thiên Chúa lắng nghe con người; tất cả những điều này xẩy ra nhờ Lời Thần Linh duy nhất. Chính theo chiều hướng này mà, âm vang Thánh Cyprian, Smaragdus, đan viện phụ đan viện Thánh Michael, vào đầu thế kỷ thứ chín, đã chủ trương rằng cầu nguyện “là công việc của con tim, chứ không phải của môi miệng, vì Thiên Chúa không nhìn đến lời nói mà là con tim  của kẻ nguyện cầu” (Diadem of the Monks, 1.)

 

Chúng ta hãy có “con tim lắng nghe” được Thánh Kinh và các Giáo Phụ nói tới này (x 1Kgs 3:9): Chúng ta cần đến  nó biết bao! Chỉ cho tới lúc ấy chúng ta mới có thể hoàn toàn cảm nghiệm được Thiên Chúa là Cha của chúng ta và Giáo Hội, Người Hiền Thê của Chúa Kitô, thuưc sự là Mẹ của chúng ta.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 6/6/2007