Thứ Tư 13/6/2007
Giáo phụ Eusebius of Caesarea
Bài Giáo Lý 41 trong loạt bài về Giáo Hội Hiệp Thông Tông Truyền
Anh Chị Em thân mến,
Trong lịch sử của Kitô Giáo sơ khai có một sự khác biệt sâu xa giữa ba thế kỷ đầu tiên với những thế kỷ sau Công Đồng Chung Nicea năm 325, đệ nhất Công Đồng Chung. Như một “cái khớp” giữa hai giai đoạn này là biến cố được gọi là “cuộc hoán cải của Constantine” và tình trạng hòa bình trong Giáo Hội, cũng như nhân vật Eusebius, Giám Mục Caesarea ở Palestine. Ngài là nhân vật dẫn giải xứng đáng nhất về văn hóa Kitô Giáo vào thời của ngài ở những môi trường rất khác nhau, từ thần học đến việc diễn giải Thánh Kinh, từ lịch sử đến học thức uyên thâm. Giáo phụ Eusebius trước hết được biết đến như là một sử gia của Kitô Giáo, thế nhưng ngài cũng là một đệ nhất ngữ học gia của Giáo Hội cổ thời.
Giáo phụ Origen đã thoát thân từ Alexandria đến Caesarea là nơi giáo phụ Eusebius được sinh ra vào khoảng năm 260. Và ở Caesarea, giáo phụ Origen đã thành lập một trường học và một thư viện khổng lồ. Một ít thập niên sau đó, con người trẻ Eusebius đã tự học từ những cuốn sách ấy. Vào năm 325, là Giám Mục Caesarea, ngài đã đóng một vai trò quan trọng ở Công Đồng Nicea. Ngài đã ký nhận Kinh Tin Kính và xác tín thần tính trọn vẹn của Con Thiên Chúa, Đấng được định nghĩa là “một bản thể với Chúa Cha” (homooúsios tõ Patrí). Chúng ta đọc cùng một Kinh Tin Kính này vào mỗi Chúa Nhật trong Phụng Vụ Thánh.
Là người ca ngợi Constantine là vị hoàng đế đã mang lại bình an cho Giáo Hội, giáo phụ Eusebius được hoàng đế Constantine này quí mến và trọng kính. Với các tác phẩm của mình, giáo phụ Eusebius cũng lên tiếng tán tụng vị Hoàng Đế này vào dịp kỷ niệm 20 và 30 năm lên ngôi của ông, cũng như trước cái chết của ông vào năm 337. Hai hay ba năm sai, giáo phụ Eusebius cũng qua đời.
Giáo phụ Eusebius là một học giả không biết mệt mỏi. Trong vô số bản văn của mình, ngài cương quyết phản ảnh và thực hiện một bản tường trình cập nhật hóa về ba thế kỷ của Kitô Giáo, ba thế kỷ sống dưới tình trạng bị bách hại, căn cứ vào các nguồn liệu dồi dào của Kitô giáo và dân ngoại được bảo trì đặc biệt ở đại thư viện Caesarea.
Bởi vậy, cho dù tầm quan trọng khách quan nơi các tác phẩm về hộ giáo, diễn giải thánh kinh và tín lý của ngài, tiếng tăm bất khả xóa mờ về giáo phụ Eusebius vẫn liên hệ tới 10 cuốn sách về Lịch Sử Giáo Hội. Ngài là người đầu tiên viết về lịch sử Giáo Hội là những gì tiếp tục mang một tầm quan trọng cốt yếu, nhờ các nguồn liệu được giáo phụ Eusebius biến thành những gì mãi mãi thuận lợi cho chúng ta.
Với bản Niên kỷ ấy, ngài đã thành công trong việc giữ cho khỏi tính cách mập mờ quên lãng của nhiều biến cố, nhiều nhân vật quan trọng và nhiều tác phẩm văn chương của Giáo Hội cổ thời. Bởi vậy, công việc của ngài là nguồn chính yếu để hiểu biết những thế kỷ sơ khai của Kitô Giáo.
Chúng ta có thể lấy làm lạ là làm sao ngài có thể cấu trúc công việc làm mới mẻ ấy và đâu là ý hướng của ngài trong việc thu góp ấy. Mở đầu cuốn sách đầu tiên của mình, vị sử gia này đã liệt kê chi tiết những đề tài ngài có ý bàn đến trong tác phẩm của mình: “Mục đích tôi viết đó là thực hiện một trình thuật về sự thừa kế của các thánh Tông Đồ, cũng như về các thời gian trải qua từ ngày của Đấng Cứu Thế chúng ta cho tới thời của chúng ta; và để liên kết nhiều biến cố quan trọng được cho rằng đã xẩy ra trong lịch sử của Giáo Hội; cũng như để đề cập tới những vị đã cai quản và chủ trì Giáo Hội nơi các giáo phận quan trọng, cùng với những người thuộc mỗi thế hệ đã loan báo Lời thần linh bằng lời nói hay bằng văn chương.
“Mục đích tôi viết cũng là để cung cấp tên tuổi, con số và thời điểm của những ai vì yêu thích canh tân đổi mới đã vấp phạm những lỗi lầm cả thể, và khi cho rằng mình là thành phần dẫn giải và cổ võ một thứ giáo huấn sai lầm, đã như những con sói hung dữ tàn phá đàn chiên của Chúa Kitô một cách ác tâm… cũng như để ghi lại những cách thức cùng các thời điểm lời thần linh bị tấn công bởi Dân Ngoại, và để diễn tả tính chất của những con người cao cả thuộc các giai đoạn khác nhau đã ra mặt bênh vực lời thần linh này khi phải đương đầu bằng máu huyết và bị hành hạ…. nhưng sau cùng thì tình thương và lòng lành của Chúa Cứu Thể chúng ta đã nâng đỡ tất cả mọi người trong họ” (I,1,1-3).
Bởi thế, giáo phụ Eusebius kiêm nhiều lãnh vực khác nhau: lãnh vực thừa kế của các vị Tông Đồ như là trụ cột của Giáo Hội, việc truyền bá Sứ Điệp, những lỗi lầm rồi tới những cuộc bách hại về phía dân ngoại, và những chứng từ quan trọng sáng tỏ trong việc Ký Sự này.
Trong tất cả mọi sự, vị giáo phụ Eusebius này đều thấy được tình thương và lòng lành của Đấng Cứu Thế. Bởi vậy chính ngài đã thực sự mở màn cho khoa sử học về Giáo Hội, kéo dài cho tới năm 324, năm Constantine, sau khi hạ được Licinius, tuyên bố là Hoàng Đế Rôma. Đó là năm trước Công Đồng Chung Nicaea, m ột công đồng sau này đã cống hiến “một tổng luận” về tất cả những gì Giáo Hội đã học biết trong 300 năm trước đó về tín lý, luân lý cũng như pháp lý.
Lời trích chúng ta vữa dẫn từ cuốn Sách Thứ Nhất của cuốn Lịch Sử Giáo Hội chất chứa một lời có ý được lập lại. Nhan đề Đấng Cứu Thế có tính cách Kitô học tái diễn 3 lần chỉ trong vòng có mấy hàng ngắn minh nhiên liên quan tới “tình thương của Người” và “lòng lành của Người”.
Như thế, chúng ta có thể nắm được viễn ảnh nồng cốt c ủa khoa sự học Eusebius, khoa sử học của ngài là một lịch sử “Kitô nhân trung”, trong đó, mầu nhiệm về tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người được từ từ tỏ hiện.
Giáo phụ Eusebius đã thật sự ngỡ ngàng nhìn nhận rằng: “Chỉ có một mình Chúa Giêsu của tất cả những ai đã từng hiện hữu ngay cả cho tới ngày nay được gọi là Đức Kitô (tức là Đấng Thiên Sai và là Đấng Cứu Thế) bởi tất cả mọi người trên khắp thế giới, và được tuyên xưng và làm chứng dưới danh xưng ấy, cũng như được tưởng niệm bởi cá người Hy Lạp lẫn thành phần Dã Man, thậm chí cho tới hôm nay được tôn kính như Vua bởi thành phần môn đệ của Người trên khắp thế giới, cùng được ca ngợi còn hơn là một vị tiên tri, được hiển vinh như vị Thượng Tế đích thực và duy nhất của Thiên Chúa. Ngoài ra, là Lời Chúa hiện diện từ muôn thuở, hiện hữu ngay từ ban đầu trước tất cả mọi thế hệ, Người đã lãnh nhận vinh dự c ao cả từ Cha, và được thờ phượng cùng tôn thờ như Thiên Chúa. Thế nhưng, tuyệt vời nhất đó là sự kiện chúng ta là thành phần hiến mình cho Người, tôn vinh Người chẳng những bằng lời nói của mình cũng như bằng âm thanh của lời nói, mà còn bằng việc hoàn toàn nâng hồn lên, nhờ đó chúng ta muốn làm chứng cho Người hơn là bảo trì sự sống của mình” (cf I,3,19-20).
Một đặc tính khác xuất hiện nổi nang liên tục trong khoa sử giáo hội cổ thời, đó là “ý hướng luân lý” chi phối trình thuật. Việc phân tích về sử không bao giờ kết thúc ở chính nó; nó không phải viết ra chỉ theo chiều hướng muốn biết về quá khứ; trái lại, nó tập trung một cách quyết liệt vào vấn đề hoán cải cũng như vào việc làm chứng đích thực của đời sống Kitô Giáo nơi tín hữu. Nó còn là một bản hướng dẫn cho chúng ta nữa.
Bởi thế, giáo phụ Eusabius đã mạnh mẽ thách đố tín hữu thuộc mọi thời đại liên quan tới việc họ tiến tới các biến cố của lịch sử và cách riêng của Giáo Hội. Ngài cũn g thách đố chúng ta rằng thái độ của chúng tar a sao đối với những cảm nghiệm của Giáo Hội? Phải chăng nó là thái độ của những ai hào hứng về nó chỉ vì tò mò, hay thậm chí tìm kiếm một cái gì đó cảm kích hoặc hết sức kích động? Hoặc nó là một thái độ đầy yêu thương và hướng về mầu nhiệm của những ai biết – nhờ đức tin – rằng họ có thể truy tầm nơi lịch sử của Giáo Hội những dấu chỉ yêu thương của Thiên Chúa và những công việc cứu độ cao cả Ngài thực hiện?
Nếu đó là thái độ của chúng ta, chúng ta chỉ có thể cảm thấy được phấn chấn đáp ứng gắn bó và quảng đại hơn, sống chứng nhân Kitô Giáo hơn, để truyền lại những dấu hiệu về tình yêu Thiên Chúa cho cả các thế hệ mai hậu nữa.
Đức Hồng Y Jean Daniélou, một học giả tiếng tăm về khoa Giáo Phụ Học, không ngừng nói rằng. “Có một mầu nhiệm. Lịch sử có một nội dung sâu nhiệm… Mầu nhiệm đó là mầu nhiệm về các việc làm của Thiên Chúa trong thời gian làm nên thực tại đích thực được ẩn dấu đằng sau những dáng vẻ bề ngoài…. Tuy nhiên, lịch sử được Ngài thực hiện cho loài người này, Thiên Chúa đã không hiện thực mà lại thiếu họ.
“Việc dừng lại để chiêm ngưỡng ‘những sự cao trọng’ do Thiên Chúa thực hiện có nghĩa là chỉ thấy một chiều kích duy nhất của sự việc. Việc con người đáp ứng trước những sự việc này” (Saggio sul mistero della storia, Italian edition, Brescia, 1963, p. 182).
Cả ngày nay nữa, rất ư là nhiều thế kỷ mai hậu, giáo phụ Eusebius thành Caesarea vẫn kêu gọi các tín hữu, kêu gọi chúng ta, hãy ngẫm nghĩ, hãy chiêm ngưỡng nơi lịch sử các việc cả thể của Thiên Chúa về phần rỗi của nhân loại. Và ngài năng nổ kêu gọi chúng ta hãy hoán cải cuộc đời. Thật vậy, chúng ta không thể nào ì ra đó trước một vị Thiên Chúa đã quá yêu thương chúng ta. Trường hợp thích đáng về tình yêu thương này đó là cả cuộc đời của chúng ta cần phải hướng về việc bắt chước Người Yêu của mình. Bởi thế, chúng ta đừng bỏ qua một nỗ lực nào trong việc lơ là với dấu vết tinh tường của tình yêu Thiên Chúa nơi đời sống của chúng ta.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh
http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/audiences/2007/documents/hf_ben-xvi_aud_20070613_en.html