Thứ Tư 20/6/2007
Thánh giáo phụ Athanasius
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI
Bài Giáo Lý 42 trong loạt bài về Giáo Hội Hiệp Thông Tông Truyền
Anh Chị Em thân mến,
Tiếp tục loạt bài giáo lý của chúng ta về các vị đại sư phụ thời Giáo Hội cổ xưa, hôm nay chúng ta chú ý tới Thánh Athanasius thành Alxandria. Nhân vật thực sự đóng vai chính của truyền thống Kitô Giáo này, sau khi ngài qua đời mấy năm, đã được đại thần học gia kiêm giám mục Gregory Nazianzen coi là “trụ cột của Giáo Hội” (Discourses 26:26). Ngài luôn được trọng kính như là mô phạm chính thống, cả ở Đông phương lẫn Tây phương.
Vị đại tiến sĩ về Lời Nhập Thể
Thật không sai lầm khi Gian Lorenzo Bernini đã đặt một bức tượng của ngài trong số 4 vị thánh tiến sĩ thuộc Giáo Hội Đồng phương và Tây phương – Thánh Ambrose, John Chrysostom và Augustine – vây quanh ngai tòa Thánh Phêrô ở hậu cung Đền Thờ Vatican.
Thánh Athanasius thật sự là một trong những vị Giáo Phụ quan trọng nhất và khả kính nhất của Giáo Hội xưa kia. Thế nhưng, trước hết, vị đại thánh này là một thần học gia say sưa với việc nhập thể của “logos”, Lời Chúa, một Lời – trong đoạn mở của Phúc Âm thứ bốn – “đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta” (Jn 1:14).
Đó là lý do Thánh Athanasius cũng là một tay đối thủ quan trọng nhất và ngoan cố nhất của bè rối Arian, một bè rối bấy giờ đang đe dọa đức tin vào Chúa Kitô bằng việc biến Người thành một tạo vật giữa Thiên Chúa và con người, theo chiều hướng cứ luân lưu tái diễn trong lịch sử mà chúng ta vẫn còn thấy ở các thể thức khác nhau ngày nay.
Thánh Athanasius rất có thể đã được sinh ra ở Alexandria Ai Cập, khoảng năm 300, và đã hấp thụ một nền giáo dục tốt đẹp trước khi trở thành một vị phó tế và bí thư của Đức Giám Mục Alexander thành Alexandria. Vị giáo sĩ trẻ này đã làm việc chặt chẽ với vị giám mục của mình, và đã hộ tống vị giám mục n ày đến Công Đồng Chung Nicaea cũng như đã tham dự vào công đồng này, công đồng chung tiên khởi của Giáo Hội, được triệu tập bởi Hoàng Đế Constantine vào tháng 5 năm 325 để bảo toàn mối hiệp nhất của Giáo Hội. Các vị nghị phụ của Công Đồng Chung Nicaea đã bàn đến nhiều vấn đề, quan trọng nhất là những vấn đề hệ trọng đượcf xuất phát mấy năm trước gây ra bởi lời giảng dạy của phó tế Arius.
Đệ nhất đối thủ của bè rối Arius
Lý thuyết của phó tế Arius đã đe dọa đến niềm tin tưởng vào Chúa Kitô, khi cho rằng “logos” không phải là Thiên Chúa thật mà là một vị Thụ Chúa, một hữu thể không hoàn toàn là Thiên Chúa cũng không hoàn toàn là con người, song ở lưng chừng vậy thôi. Và bởi thế vị Thiên Chúa chân thực vẫn là Đấng chúng ta không thể vươn tới nổi. Các vị giám mục trong Công Đồng Chung Nicaea đã phản ứng lại bằng việc nhấn mạnh và hình thành “Mẫu Tuyên Xưng Đức Tin” mà sau này được hoàn thành bởi Công Đồng Chung Constantinople thứ nhất, một mẫu tuyên xưng vẫn được tồn tại trong truyền thống của các hệ phái Kitô Giáo khác nhau cũng như trong phụng vụ như là Kinh Tin Kính của Công Đồng Chung Nicaea và Constantinople.
Trong bản văn cốt yếu này – một bản văn bày tỏ niềm tin của một Giáo Hội bất phân chia – và là bản văn ngày nay chúng ta vẫn còn đọc vào mỗi Chúa Nhật khi cử hành Thánh Thể – chúng ta thấy từ ngữ Hy Lạp “homooúsios”, theo tiếng Latinh là “consubstantialis”, tức Chúa Con, Lời Chúa, “đồng bản thể” như Chúa Cha, là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, là bản thể của Ngài. Bởi vậy mới thấy được trọn vẹn thần tính của Chúa Con là những gì bị bè rối Arius phủ nhận.
Trước cái chết của Đức Giám Mục Alexander, Thánh Athanasius, vào năm 328, trở thành vị thừa kế làm giám mục Alexandria. Ngài lập tức quyết chiến đấu chống lại tất cả những gì gây tổn hại bởi các lý thuyết bè rối Arian đã bị Công Đồng Chung Nicaea bài bác lên án. Quyết tâm của ngài – một quyết tâm kiên cường và có những lúc nếu cần tỏ ra rất cứng cát – với những ai chống lại việc ngài được tuyển chọn làm giám mục, nhất là với thành phần đối phương của Kinh Tin Kính Công Đồng Nicaea, đã khiến ngài chịu đựng mối hận thù hung hãn của thành phần bè rối Arian và những kẻ ủng hộ bè rối này.
Bất chấp thành quả nhất trí của Công Đồng này, một công đồng đã minh nhiên khẳng định rằng Chúa Con đồng bản thể như Chúa Cha, những tư tưởng lầm lạc ấy một lần nữa vẫn chi phối ý nghĩ chung – nhờ đó, ngay cả bản thân của Arius cũng được nổi tiếng và được ủng hộ vì lý do chính trị của Hoàng Đế Constantine cũng như sau đó bởi con của ông là Constantine II. Vị hoàng đế con này không hào hứng với sự thật về thần học cho bằng việc hiệp nhất đế quốc và những vấn đề về chính trị của đế quốc này; ông muốn chính trị hóa vấn đề đức tin, làm cho nó trở thành dễ hiểu hơn – theo quan điểm của ông – đối với tất cả mọi thần dân trong đế quốc.
Cuộc khủng hoảng Arian, một cuộc khủng hoảng tưởng rằng đã được giải quyết ở Công Đồng Chung Nicaea, cứ tiếp tục như thế đến mấy thập niên, với những bất trắc khó khăn và chia rẽ đau thương trong Giáo Hội. Để rồi, sau 5 lần – trong thời đoạn 30 năm giữa năm 336 và 366 – Thánh Athanasius đã bị buộc phải lìa bỏ thành Alexandria, sống 17 năm lưu đầy và chịu khổ vì đức tin.
Thế nhưng, trong những lần bị ép buộc phải vắng mặt ở Alexandria, vị giám mục này đã có thể bảo trì và truyền bá – ở Tây phương, trước hết ở Trier rồi ở Rôma – niềm tin của Công Đồng Chung Nicene và những lý tưởng về đan viện tu, những lý tưởng được vị đại ẩn sĩ Anthony ở Ai Cập theo đuổi, vị có một chọn lựa sống đã được Thánh Athanasius theo dõi khít khao. Thánh Anthony, bằng sức mạnh tinh thần của mình, là con người quan trọng nhất trong việc bảo trì niềm tin của Thánh Athanasius.
Sau khi được trở về lần cuối cùng với giáo phận của mình, vị giám mục thành Alexandria đã dấn thân cho việc ổn định đạo giáo và tái tổ chức lại cộng đồng Kitô hữu. Ngài đã chết vào ngày 2/5/ năm 373, ngày chúng ta cử hành lễ kính ngài.
Tác phẩm nổi tiếng nhất
Tác phẩm danh tiếng nhất của vị giám mục Alexandria này là luận đề về “Việc Nhập Thể của Lời”, “logos” thần linh hóa thành nhục thể, như chúng ta, vì phần rỗi của chúng ta.
Trong tác phẩm này, Thánh Athanasius đã nói, bằng một câu đã trở thành nổi tiếng, đó là Lời Chúa “đã trở nên con người để chúng ta trở thành Thiên Chúa. Người đã tự tỏ mình ra bằng một thân thể để chúng ta thấy được Chúa Cha vô hình. Người đã chịu đựng tủi nhục bởi con người ta để chúng ta được hưởng tình trạng bất tử” (54:3).
Thật vậy, bằng việc phục sinh của mình, Chúa Kitô đã làm cho cái chết biến mất như “rơm trong lửa” (8:4). Ý tưởng nồng cốt trong toàn trận chiến thần học của Thánh Athanasius đó là Thiên Chúa là Đấng khả đạt. Người không phải là một vị Thiên Chúa phụ thuộc, Người là Thiên Chúa thực sự, và nhờ việc chúng ta hiệp thông với Chúa Kitô, chúng ta có thể thực sự hiệp nhất mình với Thiên Chúa. Người thực sự trở thành vị “Thiên Chúa ở với chúng ta”.
Trong số các tác phẩm khác của vị đại Giáo Phụ này – những tác phẩm chính yếu bàn tới những biến cố của cuộc khủng hoảng Arian – chúng ta nhớ tới 4 bức thư ngài ngỏ cùng người bạn của ngài là Serapion, giám mục ở Thmius, về bản tính thần linh của Thánh Thần, một bản tính đã được minh nhiên khẳng định.
Và có khoảng 30 bức thư “về lễ lậy”, được viết vào đầu mỗi năm, cho các Giáo Hội và các đan viện ở Ai Cập để nói đến ngày Phục Sinh, thế nhưng nhất là để củng cố những liên hệ giữa thành phần tín hữu, kiên cường niềm tin của họ và sửa soạn cho họ long trọng cử hành lễ này.
Thánh Athanasius cũng là tác giả của những bản văn suy niệm về các bài Thánh Vịnh, những bản văn được phổ biến sâu rộng, và một bản văn trở thành “bán chạy nhất” của văn chương Kitô Giáo cổ thời đó là “Đời Sống của Anthony”, tiểu sử về Thánh Antôn Đan Viện Phụ, được viết sau khi vị thánh này chết ít lâu, trong khi đó vị giám mục thành Alexandria đang bị lưu đầy, sống với những đan sĩ trong sa mạc Ai Cập. Thánh Athanasius là một người bạn của vị đại ẩn sĩ ấy, và thậm chí còn được coi là một trong hai thứ tùy thân do Thánh Antôn để lại như gia sản của thánh nhân, cùng với cái mặt lò sưởi đích thân thánh nhân đã tặng cho ngài.
Tiểu sử của nhân vật yêu dấu này trong truyền thống Kitô Giáo đã góp phần rất nhiều vào việc lan truyền chiều hướng đan viện tu ở Đông phương và Tây phương, khi nó trở thành rất thông dụng và sớm được chuyển dịch lần hai sang tiếng Latinh và rồi sang ac1c ngôn ngữ Đông phương khác.
Bức thư của bản văn gửi cho Trier là tâm điểm của việc cảm kích thuật lại biến cố trở lại của hai vị bộ trưởng của hoàng đế, cuộc trở lại được Thánh Augustine đề cập tới trong cuốn “Tự Thú” (VIII, 6:15) như là một trích yếu cho cuộc trở lại của riêng thánh nhân.
Thánh Athanasius đã chứng tỏ rằng ngài đã có một nhận thức rõ ràng về ảnh hưỡng của Thánh Antôn trên dân Kitô Giáo.
Thật vậy, ngài đã viết trong đoạn kết tác phẩm này rằng: “Sự kiện đó là danh tiếng của ngài đã được lan truyền đi khắp nơi; tất cả mọi người đều cảm phục ngài, và những ai chưa từng thấy ngài đều mong muốn thấy ngài, là chứng từ rõ ràng về nhân đức của ngài và về tình yêu của Thiên Chúa nơi linh hồn của ngài. Vì không phải bởi các văn từ, hay bởi khôn ngoan thế gian, hoặc bởi bất cứ nghệ thuật nào, mà Thánh Antôn được nổi tiếng, song chỉ vì lòng đạo hạnh của ngài đối với Thiên Chúa thôi.
“Đó là quà tặng của Thiên Chúa không ai phủ nhận được. Vì từ đâu mà ở Tây Ban Nha và Gaul, Rôma và Phi Châu, đã nghe về con người sống ẩn dật ở một ngọn núi, trừ phi chính Thiên Chúa là Đấng làm cho ngài được khắp nơi biết tới, Đấng cũng đã hứa điều này với Thánh Antôn ngay từ đầu? Vì cho dù họ hoạt động âm thầm kín đáo, cho dù họ có muốn ẩn khuất đi, Chúa lại tỏ họ ra như những ngọn đèn soi sáng cho tất cả mọi người, để những ai nghe thấy nhờ đó biết rằng các chỉ thị của Thiên Chúa có thể làm cho con người thăng hoa và nhờ đó nhiệt thành hăng say tiến đức” (“Đời Sống của Thánh Antôn”, 93,5-6).
Phải, thưa anh chị em! Chúng ta có nhiều lý do để cám ơn Thánh Athanasius. Đời sống của ngài, như đời sống của Thánh Antôn và vô vàn vị thánh khác, chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng “những ai đến gần Thiên Chúa thì không rút lui khỏi con người ta, song thực sự trở nên gần gũi với họ” (Thông Điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu”, 42).
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 20/6/2007