Thánh giáo phụ Gregory Nazianzus
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 8+/8/2007
Bài Giáo Lý 46 trong loạt bài về Giáo Hội Hiệp Thông Tông Truyền
Anh Chị Em thân mến,
Thứ Tư vừa rồi tôi đã nói về Thánh Basil, một vị Giáo Phụ của Giáo Hội và là một bậc đại sư dạy đức tin.
Hôm nay, tôi xin nói về một người bạn của ngài là Thánh Gregory Nazianzus; như Thánh Basil, vị thánh này cũng là một người bản xứ Cappadocia. Là một thần học gia nổi nang, một vị giảng thuyết và là một vô địch thủ của đức tin Kitô Giáo thuộc thế kỷ thứ 4, ngài nổi tiếng về tài lợi khẩu, và là một thi sĩ, ngài cũng có một tâm hồn tao nhã và nhậy cảm nữa.
Thánh Gregory được sinh ra trong một gia đình danh giá khoảng năm 330 sau Chúa Kitô Giáng Sinh, và mẹ của ngài đã hiến dâng ngài cho Thiên Chúa ngày từ khi mới sinh. Sauk hi được giáo dục tại nhà, ngài đã học ở những trường danh tiếng thời ấy: trước hết ngài đến Caesarea ở Cappadocia, nơi ngài đã làm bạn với Thánh Basil, vị Giám Mục tương lai của thành ấy, sau đó tiếp tục sống ở các thủ đô khác thuộc thế giới cổ xưa, như Alexandria, Ai Cập, và nhất là Nhã Điển, nơi ngài lại gặp Thánh Basil một lần nữa (cf. Orationes 43: 14-24; SC 384: 146-180).
Khi nhớ lại tình bạn này, Thánh Gregorio sau đó đã viết: “Bấy giờ chẳng những tôi cảm thấy hết sức kính mến đại Basil của mình, vì tính cách nghiêm cẩn về luân lý của ngài cũng như về sự chín chắn cùng khôn ngoan nơi ngôn từ của ngài, mà ngài còn thu hút người khác chưa biết ngài để sống như ngài nữa… Lòng nhiệt thành giống nhau về kiến thức đã thúc đẩy chúng tôi… Đây là việc tranh hùng của chúng tôi, đó là không phải ai nhất mà là ai để cho kẻ khác nhất. Dường như chúng tôi chỉ có một linh hồn trong hai thể xác vậy” (Orationes 43: 16, 20; SC 384: 154-156, 164].
Những lời này không nhiều thì ít phác họa bức chân dung về con người của tâm hồn cao quí ấy. Tuy nhiên, người ta cũng có thể nghĩ rằng làm thế nào con người này, một con người mạnh mẽ bung ra khỏi những giá trị trần gian, cần phải chịu khổ sâu xa vì những sự thuộc trần gian ấy.
Trở về nhà, Thánh Gregory đã lãnh nhận Phép Rửa và đã phát triển một khuynh hướng sống đời đan viện, vì sự cô tịch cũng như việc suy niệm về triết lý lẫn tâm linh là những gì thu hút ngài.
Chính ngài đã viết: “Đối với tôi không có gì trọng đại hơn điều này, đó là câm nín các cảm quan, là vươn lên trên xác thịt của trần gian này, là thu mình lại, không còn quan tâm tới những gì là phàm nhân hơn là những gì triệt để cần thiết; là nói chuyện với bản thân và với Thiên Chúa, là sống một cuộc đời vượt lên trên những gì là hữu hình; là mang trong linh hồn mình các hình ảnh thần linh, nguyên tuyền, không pha trộn với những hình thái trần tuục hay lầm lẫn; thực sự trở thành tấm gương tuyệt hảo về Thiên Chúa và về những sự thần linh, và trở thành như vậy mỗi ngày một hơn, nhận lấy ánh sáng từ ánh sáng…; là hoan hưởng, trong niềm hy vọng hiện tại, sự thiện tương lai, và đàm đạo với các thiên thần; là thoát ly trần gian trong khi vẫn tiếp tục ở trong nó, trổi vượt về tinh thần” (Orationes 2: 7; SC 247: 96).
Như ngài đã bày tỏ trong cuốn tự thuật của ngài (cf. Carmina [historica] 2: 1, 11, De Vita Sua 340-349; PG 37: 1053), ngài đã thụ phong linh mục một cách lưỡng lự vì ngài biết rằng sau đó ngài cần phải làm Giám Mục, để coi sóc kẻ khác và những việc làm của họ, bởi thế, không thể nào chìm sâu vào việc hoàn toàn suy niệm được nữa.
Tuy nhiên, sau đó ngài đã chấp nhận ơn gọi này và hoàn toàn vâng phục chấp nhận thừa tác mục vụ, chấp nhận, như thường xẩy đến cho đời sống của ngài, được Đấng Quan Phòng mang đến những nơi ngài không muốn đến (x Jn 21:18).
Vào năm 371, người bạn Basil của ngài, Giám Mục Caesarea, ngược lại với ước muốn của Gregory, muốn tấn phong ngài làm Giám Mục ở Sasima, một địa phương quan trọng về chiến lược của Cappadocia. Tuy nhiên, vì những trục trặc khác nhau, ngài đã chẳng bao giờ thực hiện và vẫn ở trong thành Nazianzus.
Vào khoảng năm 379, Thánh Gregory được gọi đến Constantinople, thủ đô, để lãnh đạo một cộng đồng Công Giáo nhỏ trung thành với Công Đồng Nicea và tin tưởng vào Chúa Ba Ngôi. Trong khi đó đa số gắn bó với bè rối Arius, một bè rối được các vị hoàng đế cho là “đúng đắn về chính trị” và có lợi cho chính trị.
Thế là ngài đặt mình vào thân phận của thành phần thiểu số, bị bủa vây bởi hận thù. Ngài đã tung ra năm Bài Thuyết Giảng Thần Học (Orationes 27-31; SC 250: 70-343) trong ngôi Nhà Thờ nhỏ ở Anastasis chính là để bênh vực đức tin về Chúa Ba Ngôi và làm cho niềm tin này được sáng tỏ.
Những bài thuyết giảng này đã có tiếng vang vì tính cách vững vàng về tín lý của ngài và khả năng lập luận của ngài, những gì thực sự làm sáng tỏ là đây là một thứ lý lẽ thần linh. Và tính cách sáng ngời nơi hình thức của chúng cũng làm cho chúng trở thành hấp dẫn ngày nay nữa.
Chính vì những bài thuyết giảng này mà Thánh Gregory đã có được một biệt hiệu là “Thần Học Gia”.
Đó là những gì ngài được Giáo Hội Chính Thống gọi: “Nhà Thần Học”. Đó là vì theo cách thức suy nghĩ của ngài thì thần học không phải chỉ là suy tư thuần túy nhân loại, hay thậm chí không phải là như thế nữa, chỉ là hoa trái của suy đoán phức tạp, thế nhưng xuất phát từ một đời sống nguyện cầu và thánh đức, từ một cuộc đối thoại kiên trì với Thiên Chúa. Và nơi chính cách thức ấy mà ngài mới làm cho thực tại của Thiên Chúa, cho mầu nhiệm của Chúa Ba Ngôi, hiện tỏ trước lý trí của chúng ta.
Trong âm thầm chiêm niệm, được điểm bằng sự lạ lùng trước những kỳ công của mầu nhiệm hiện tỏ, linh hồn của ngài bị thu hút vào vẻ đẹp và vinh quang thần linh.
Trong khi Thánh Gregory tham dự Công Đồng Chung Thứ Hai năm 381, ngài được chọn làm Giám Mục thành Constantinople và chủ sự Công Đồng này; thế nhưng ngài đã bị đối đầu thẳng mặt bởi sự chống đối dữ dội, cho đến độ tình hình đã trở nên không thể chấp nhận được. Những thái độ thù nghịch này không thể nào chịu đựng nổi đối với một linh hồn tế nhị như thế.
Những gì Thánh Gregory trước đó đã than van bằng những lời lẽ chân thành đều được lập lại: “Chúng ta đã phân chia Chúa Ktiô, chúng ta là thành phần đã yêu mến Thiên Chúa và Chúa Kitô! Chúng ta đã lừa dối nhau vì Sự Thật, chúng ta đã nuôi dưỡng những cảm xúc hận thù vì Tình Yêu, chúng ta đã phân rẽ nhau” (Orationes 6: 3; SC 405: 128).
Bởi thế, trong một bầu không khí căng thẳng, ngài cảm thấy đã đến lúc từ nhiệm.
Trong một vương cung thánh đường đông nghẹt, Thánh Gregory đã giảng một bài từ biệt có một công dụng và giá trị lớn lao (cf. Orationes 42; SC 384: 48-114). Ngài đã chấm dứt bài nói đau lòng của ngài bằng những lời lẽ như sau: “Xin từ biệt, hỡi đại đô, được Chúa Kitô yêu dấu… Hỡi con cái yêu dấu của tôi, tôi van xin anh chị em, hãy nhiệt thành canh giữ kho tàng đức tin đã được ký thác cho anh chị em (x 1Tim 6:20), hãy nhớ đến nỗi đau khổ của tôi (x Col 4:18). Chớ gì ân sủng của Chúa Giêsu Kitô ở cùng tất cả anh chị em” (cf. Orationes 42: 27; SC 384: 112-114).
Thánh Gregory đã trở về Nazianzus và trong vòng 2 năm ngài đã dấn thân cho việc chăm sóc mục vụ của cộng đồng Kitô hữu này. Đoạn ngài vĩnh viễn rút lui vào nơi thanh tịnh gần Arianzo, nơi sinh trưởng của ngài, và đã hiến thân học hỏi và sống đời khổ hạnh.
Chính trong thời gian này ngài đã viết đa số các tác phẩm thi ca của mình và nhất là cuốn tự thuật của ngài: De Vita Sua, một cuộc tái giải thích từng hồi cuộc hành trình nhân bản và thiêng liêng của ngài, một cuộc hành trình gương mẫu của một người Kitô hữu khổ đau, của một con người sâu xa nội tâm trong một thế giới đầy những xung khắc.
Ngài là một con người làm cho chúng ta nhận thấy được thượng quyền của Thiên Chúa, bởi thế, ngài cũng nói cho chúng ta, cho thế giới của chúng ta rằng: không có Thiên Chúa, con người mất đi sự cao cả của mình; không có Thiên Chúa, không có nhân bản thực sự.
Tóm lại, chúng ta cũng hãy lắng nghe lời này và tìm cách nhận biết Dung Nhan Thiên Chúa.
Ở một trong những bài thơ ngài viết, ngài đã tự ngỏ lời với Thiên Chúa rằng: “Chớ gì Chúa nhân từ rộng lượng, Chúa là mai hậu của tất cả mọi sự” (Carmina [dogmatica] 1: 1, 29; PG 37: 508).
Thế rồi vào năm 390, Thiên Chúa đã đón nhận người tôi trung này, người đã bênh vực Ngài nơi các bản viết của mình một cách tinh tường và đã đầy kính mến chúc tụng Ngài nơi thi ca của mình.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh