Thánh giáo phụ John Chrysostom
Thứ Tư 19/9/2007, Bài Giáo Lý 50 trong loạt bài về Giáo Hội Hiệp Thông Tông Truyền liên quan tới
Anh Chị Em thân mến,
Năm nay là năm kỷ niệm 16 thế kỷ qua đời của Thánh Gioan Kim Khẩu (407-2007). Có thể nói rằng Thánh Gioan Thành Antiôkia, biệt danh “Chrystostom” tức “kim khẩu – golden-mouthed”, vì sự lợi khẩu của ngài, cũng còn sống cho tới nay nhờ bởi các tác phẩm của ngài. Một sao chép viên ẩn danh đã ghi lại bằng giấy tờ rằng “những tác phẩm ấy lan khắp hoàn cầu như những tia chớp vậy”.
Các tác phẩm của Thánh Gioan Kim Khẩu cũng giúp cho chúng ta có thể, như chúng đã làm nơi tín hữu vào thời của ngài, thành phần trong những lần ngài thường bị phát lưu vắng bóng đã sống bằng sách vở của ngài. Đó là những gì chính ngài đã đề nghị trong một bức thư khi ngài đang bị lưu đầy (To Olympias, Letter 8, 45).
Ngài được sinh vào đời khoảng năm 349 ở Antiôkia xứ Syria (ngày nay là Antakya Nam Thổ Nhĩ Kỳ). Ngài đã thi hành thừa tác vụ linh mục của ngài ở đó 11 n ăm cho đến năm 379 là lúc ngài được bổ nhiệm làm Giám Mục thành Constantinople, ngài đã thi hành thừa tác vụ giáo phẩm của ngài ở thủ đô Đế Quốc ấy trước hai cuộc phát lưu của ngài, cuộc này gần sát với cuộc kia – vào năm 403 và 407. Chúng ta hôm nay chỉ nói tới những năm Thánh Gioan Kim Khẩu sống ở Antiôkia.
Ngài đã bị mất cha ở tuổi còn thơ và đã sống với mẹ ngài là bà Anthusa, một người đã làm thấm nhập nơi ngài cái cảm quan nhân bản cao quí và một niềm tin sâu xa Kitô Giáo.
Sau khi hoàn tất việc học vấn sơ đẳng và cao đẳng lên tới trình độ của các môn học về triết lý và văn chương, ngài đã theo học với bậc thày Libanius, một ngữ học gia ngoại giáo nổi tiếng nhất thời bấy giờ. Ở học đường, Thánh Gioan đã trở thành một diễn giảng viên lừng lẫy nhất thời hậu cổ Hy Lạp.
Ngài được rửa tội vào năm 368 và được huấn luyện sống đời giáo hội bởi Đức Giám Mục Meletius, vị đã chỉ định ngài làm phụ phó tế vào năm 371. Biến cố này đánh dấu việc Thánh Gioan Kim Khẩu gia nhập cursus- cuộc hành trình của Giáo Hội. Từ năm 367 đến 371, ngài đã tham dự Asceterius là một loại chủng viện ở Antioch, cùng với một nhóm người nam trẻ trung, trong đó có một số sau này làm Giám Mục, dưới sự dẫn dắt của nhà dẫn giải thánh kinh Diodore ở Tarsus, vị đã khơi động Thánh Gioan Kim Khẩu bắt tay vào việc dẫn giải văn chương và văn phạm mang đặc tính của truyền thống Antioch.
Bấy giờ, trong vòng 4 năm, ngài đã sống âm thầm với các vị ẩn tu ở Mount Silpius gần đó. Ngài đã kéo dài cuộc sống âm thầm này thêm hai năm nữa, sống một mình ở một cái động theo sự hướng dẫn của một “vị ẩn sĩ già”. Trong thời gian đó, ngài đã hoàn toàn giành giờ suy niệm về “những lề luật của Chúa Kitô”, các Phúc Âm và những Thư của Thánh Phaolô. Lâm bệnh, ngài cảm thấy không thể nào tự lo cho mình nếu không được giúp đỡ, nên ngài đã trở về với cộng đồng Kitô hữu ở Antioch (cf. Palladius, Dialogue on the Life of St John Chrysostom, 5).
Tiểu sử gia của ngài giải thích rằng Chúa đã ra tay can thiệp bằng một chứng bệnh đúng lúc để Thánh Gioan Kim Khẩu có thể theo đuổi ơn gọi thực sự của ngài. Thật vậy, chính ngài về sau đã viết rằng nếu ngài cần phải chọn lựa giữa những trục trặc rắc rối của việc quản trị Giáo Hội và viiệc tĩnh lặng của đời sống đan tu thì ngài thích việc mục vụ hơn cả ngàn lần (cf. On the Priesthood, 6, 7): Chính vì vậy mà Thánh Gioan Kim Khẩu đã cảm thấy ơn gọi của mình.
Chính nơi ơn gọi này ngài đã tiến đến khúc quanh quan trọng trong vấn đề ơn gọi của ngài, đó là hoàn toàn trở thành một vị mục tử chăn dắt các linh hồn! Mối thân tình sâu xa với Lời Chúa được vun trồng ở những năm sống ẩn sĩ, đã phát triển nơi ngài một thôi thúc bất khả chống cưỡng trong việc rao giảng Phúc Âm, trong việc cống hiến cho người khác những gì chính ngài đã lãnh nhận trong những tháng năm suy niệm. Lý tưởng truyền giáo bởi thế đã đẩy ngài vào công cuộc mục vụ, đã nung nấu tâm can của ngài.
Giữa năm 378 và 379, ngài đã trở về với thành phố ấy. Ngài đã được thụ phong phó tế vào năm 381 và linh mục năm 386, rồi trở thành một nhà giảng thuyết danh tiếng ở các nhà thờ thuộc thành phố này. Ngài đã thực hiện những bài giảng chống lại những người theo bè rối Arian, sau đó là những bài giảng tưởng niệm các vị tử đạo thành Antioch và những lễ quan trọng khác: đó là một giáo huấn quan trọng về niềm tin tưởng nơi Chúa Kitô cũng như theo ánh sáng các vị Thánh nhân của ngài.
Năm 387 là “năm anh hùng” của ngài, năm được gọi là “khởi nghĩa chống các pho tượng”. Như một dấu hiệu tỏ ra chống lại việc thâu thuế má, dân chúng đã phá hủy các pho tượng Hoàng Đế. Chính vào những ngày của Mùa Chay này và vì sợ sự trả thù đang chờ đợi của vị Hoàng Đế mà Thánh Gioan Kim Khẩu đã tung ra 22 Bài Giảng nẩy lửa về Các Pho Tượng, với mục đích kêu gọi thống hối và hoán cải. Việc này đã được tiếp nối bằng một giai đoạn an lành chăm sóc mục vụ (387-397).
Thánh Gioan Kim Khẩu thuộc về thành phần các vị Giáo Phụ viết lách nhiều nhất: 17 luận thuyết, trên 700 bài giảng đích thực, những dẫn giải về Phúc Âm Thánh Mathêu và về Thánh Phaolô (những Thư gửi Giáo Đoàn Rôma, Epheso và Do Thái), và 241 bức thư hiện còn lưu giữ. Ngài không phải là một thần học gia loại suy tưởng vậy thôi.
Tuy nhiên, ngài đã truyền đạt truyền thống và giáo lý khả tín của Giáo Hội trong một thời đại của những cuộc tranh luận về thần học được làm bừng lên trước hết bởi bè rối Arian, nói cách khác, bởi việc chối bỏ thiên tính của Chúa Kitô. Bởi thế, ngài là chứng nhân trung thực của việc phát triển tín điều Giáo Hội đạt được từ thế kỷ thứ tư sang thế kỷ thứ năm.
Thần học của ngài hoàn toàn là một thứ thần học về mục vụ, một thứ thần học liên lỉ quan tâm tới việc nhất trí giữa tư tưởng được biểu lộ nơi ngôn từ với cảm nghiệm sống. Đặc biệt vì vậy mà nó đã trở thành đề tài chính cho những bài giáo lý rất hay được ngài dùng để dọn lòng cho thành phần dự tòng lãnh nhận Phép Rửa.
Gần đến lúc qua đời, ngài đã viết rằng giá trị của con người là ở chỗ “hiểu biết xác thực tín lý đích thật và ở cuộc sống trung trực” (Letter from Exile). Cả hai điều này, hiểu biết sự thật và đời sống trung thực, đi liền với nhau: ở chỗ, hiểu biết cần phải thể hiện trong đời sống. Tất cả những bài thuyết giảng của ngài nhắm đến việc phát triển nơi tín hữu việc sử dụng trí thông minh, sử dụng trí khôn thực sự, để hiểu biết và mang ra thực hành những đòi hỏi về luân lý và tu đức của đức tin.
Thánh Gioan Kim Khẩu tỏ ra ân cần kèm theo các bài viết của ngài cả việc phát triển trọn vẹn của con người nơi những khía cạnh về thể lý, lý trí và tôn giáo của họ. Những giai đoạn tăng trưởng khác nhau của họ được so sánh với nhiều biển cả trong một đại dương bao la: “Biển cả đầu tiên của các biển cả này là tầm mức trẻ con” (Homily, 81, 5 on Matthew's Gospel).
Thật vậy, “chính ở lứa tuổi ban đầu này mà các hướng chiều về tính mê nết xấu hay nhân đức đạo hạnh bày tỏ”. Bởi thế, lề luật của Thiên Chúa cần phải được in ấn trên linh hồn từ ban đầu “như trên một cái bàn bằng sáp ong” (Homily 3, 1 on John's Gospel): Thực sự thì đây là một thời tuổi rất quan trọng. Chúng ta cần phải nhớ rằng những sự hướng dẫn cao quí cống hiến cho con người một nhãn quan xứng hợp về đời sống thực sự thấm nhập vào con người trong giai đoạn đầu đời này thật là quan trọng biết bao.
Bởi thế, Thánh Gioan Kim Khẩu đã khuyên bảo rằng: “Từ tuổi thơ ấu nhất, hãy trang bị cho trẻ em những thứ khí giới thiêng liêng và dạy cho chúng làm Dấu Thánh Giá trên trán bằng bàn tay của chúng” (Homily, 12, 7 on First Corinthians).
Thế rồi tới giai đoạn dạy thì và thanh niên: “Sau thời thơ ấu là biển cả dạy thì, thời xẩy ra những cơn gió mạnh …, vì đam mê nhục dục … lớn lên trong chúng ta” (Homily 81, 5 on Matthew's Gospel).
Sau cùng tới việc đính hôn và thành hôn: “Tuổi trẻ được tiếp nối với tuổi con người chín chắn chấp nhận những dấn thân cho gia đình: đó là thời tìm kiếm một người vợ” (ibid).
Ngài đã nhắc lại các m ục đích của hôn nhân, làm cho chúng phong phú – đề cập tới nhân đức và tính chất ôn hòa – bằng một thứ kết cấu phong phú về những liên hệ cá thể. Bởi thế, những đôi phối ngẫu được sửa soạn thích đáng ngăn chặn đường tiến tới chỗ ly dị: hết mọi sự xẩy ra trong hân hoan và con cái được giáo dục sống đức hạnh. Bởi vậy, khi đứa con đầu tiên được sinh ra thì em “giống như là một chiếc cầu; cả ba trở nên một xương thịt, vì đứa con liên kết hai phần lại” (Homily 12, 5 on the Letter to the Colossians), và cả 3 tạo nên “một gia đình, một Giáo Hội thu nhỏ” (Homily 20, 6 on the Letter to the Ephesians).
Việc giảng dạy của Thánh Gioan Kim Khẩu t hường xẩy ra trong phụng vụ, “nơi” cộng đồng được xây dựng bằng Lời Chúa và Thánh Thể. Việc tụ họp ở đó cho thấy một Giáo Hội duy nhất (Homily 8, 7 on the Letter to the Romans), cùng Lời Chúa được ngỏ cho tất cả mọi đời ở khắp mọi nơi (Homily 24, 2 on First Corinthians), và việc Hiệp Lễ trở thành một dấu hiệu hiệp nhất hiệu nghiệm (Homily 32, 7 on Matthew's Gospel).
Dự án mục vụ của ngài được liên kết với đời sống của Giáo Hội, trong đó, thành phần tín hữu giáo dân nhờ Phép Rửa lãnh nhận sứ vụ tư tế, vương giả và ngôn sứ. Ngài đã nói với thành phần tín hữu giáo dân rằng: “Phép Rửa cũng sẽ làm cho anh chị em trở thành vua chúc, tư tế và ngôn sứ” (Homily 3, 5 on Second Corinthians).
Từ đó đã xuất phát nhiệm vụ truyền giáo nồng cốt, vì mỗi một người có trách nhiệm ở một mức độ nào đó đối với phần rỗi của kẻ khác: “Đó là nguyên tắc cho đời sống xã hội của chúng ta… không phải chỉ liên quan tới bản thân chúng ta mà thôi” (Homily 9, 2 on Genesis). Điều này xẩy ra giữa hai cực, đó là Giáo Hội lớn lao và “Giáo Hội thu nhỏ” là gia đình, trong một mối liên hệ hỗ tương.
Anh chị em thân mến, như anh chị em có thể thấy được bài học của Thánh Gioan Kim Khẩu về sự hiện diện Kitô giáo chân thực của thành phần tín hữu giáo dân trong gia đình cũng như xã hội vẫn còn là những gì hợp thời cả cho đến ngày nay. Chúng ta hãy cầu xin Chúa hãy làm cho chúng ta dễ dạy trước những giáo huấn của bậc đại Sư của đức tin này.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh
http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/audiences/2007/documents/hf_ben-xvi_aud_20070919_en.html