Thánh giáo phụ Cyril Thành Alexandria 

 

 

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 3/10/2007

Bài Giáo Lý 52 trong loạt bài về Giáo Hội Hiệp Thông Tông Truyền  

 

 

Anh chị em thân mến!

 

Hôm nay, để tiếp tục cuộc hành trình của chúng ta theo bước chân chư Vị Giáo Phụ của Hội Thánh, chúng ta gặp một đại nhân vật, đó là Thánh Cyril thành Alexandria. Có liên quan tới cuộc tranh luận về Kitô học đưa đến Công Đồng Chung Êphêsô năm 431, và là vị đại diện đáng kể cuối cùng thuộc truyền thống Alexandria, Thánh Cyril về sau ở Đông Phương được cho là “vị bảo quản của sự xác đáng” – tức là vị giám hộ của đức tin chân thực – thậm chí còn là “ấn tín của tất cả mọi vị Giáo Phụ”.

 

Những lời phát biểu cổ thời này cho thấy một cái gì đó thực sự là đặc tính của Thánh Cyril, tức là những qui chiếu liên tục được vị giám mục thành Alexandria này nêu lên đi trước cả các thẩm quyền của giáo hội – bao gồm trước hết là Thánh Athanasius – với mục đích chứng tỏ cho thấy tính cách liên tục nơi thần học riêng của ngài với truyền thống.

 

Thánh Cyril cố gắng bảo đảm rằng thần học của ngài được sâu xa định vị trong truyền thống của Giáo Hội, một Giáo Hội ngài thấy như là bảo đảm của tính cách liên tục với các Vị Tông Đồ cũng như với chính Chúa Kitô.

 

Được tôn kính như là một vị thánh của cả Đông phương lẫn Tây phương, vào năm 1882, Thánh Cyril đã được công bố là tiến sĩ của Giáo Hội bởi Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, vị giáo hoàng đồng thời cũng tặng cùng một danh hiệu tiến sĩ cho một vị đại diện quan trọng khác thuộc hàng giáo phụ Hy Lạp là Thánh Cyril thành Giêrusalem. Điều này chứng tỏ cho thấy vị Giáo Hoàng ấy chú trọng và mến yêu các truyền thống Kitô Giáo Đông phương; sau đó ngài còn công bố Thánh John Damascene là tiến sĩ của Hội Thánh, khi cho thấy các truyền thống Đông phương và Tây phương đều bày tỏ tín lý của một Giáo Hội Chúa Kitô duy nhất.

 

Tín liệu về đời sống của Thánh Cyril trước khi ngài được tuyển chọn vào Ngai Tòa quan trọng ở Alexandria thì hiếm hoi. Là cháu của  Theophilus – vị giám mục từ năm 385 đã cương quyết và thế giá nâng đỡ Giáo Phận Alexandria – Thánh Cyril hầu như chắc chắn được sinh ra ở cùng một thành phố Ai Cập này vào khoảng giữa năm 370-380. Ngài sớm được tham gia vào sinh hoạt giáo hội và nhận được một nền giáo dục tốt đẹp, cả về văn hóa lẫn thần học. Vào năm 403, ngài ở Constantinople khi đi theo người chú quyền thế của ngài, và ở đó, ngài đã tham dự vào một Hội Nghị được gọi là Synod of the Oak để truất phế vị giám mục của thành phố này – là Thánh Gioan, sau đó được gọi là Kim Khẩu. Điều này cho thấy cái vinh thắng của Giáo Hội Alexandria đối với đối thủ truyền thống của mình là Giáo Hội Constantinople, nơi hoàng đế ngự trị.

 

Trước cái chết của chú mình là Theophilus, mặc dù còn trẻ, Thánh Cyril cũng đã được tuyển chọn làm giám mục của Giáo Hội lừng lẫy Alexandria này vào năm 412, một giáo hội ngài đã năng nổ quản trị 32 năm, không ngừng hoạt động để khẳng định vị thế chính yếu của nó ở Đông phương, một vị thế đã được củng cố nhờ những liên hệ truyền thống của nó đối với Rôma.

 

Hai hay ba năm sau, vào năm 417 hay 418, vị giám mục ở Alexandria này đã chứng tỏ mình là một nhân vật hiện thực và đã chữa lành tình trạng rain nứt với Constantinople vốn diễn tiến từ năm 406 sau khi Thánh Gioan Kim Khẩu bị hất ra khỏi vị thế của ngài.

 

Thế nhưng, tình trạng xung khắc cũ kỹ này với Giáo Hội Constantinople đã được tái bùng lên khoảng 10 n ăm sau đó, khi Nestorius vào năm 428 được tuyển chọn, một đan sĩ có thanh thế nhưng nghiêm ngặt, được giáo dục ở Antioch. Vị tân giám mục Constantinople này chẳng bao lâu gây ra nhiều chống đối, vì ông thích tước hiệu “Mẹ Chúa Chúa Kitô” (Christotòkos) đối với Mẹ Maria, thay vì “Mẹ Thiên Chúa” (Theotòkos), một tước hiệu đã được yêu chuộng nơi lòng sùng mộ của dân chúng.

 

Lý do cho sự chọn lựa này của Giám Mục Nestorius đó là vì việc ông muốn gắn b ó với Kitô học theo truyền thống Antioch, một việc làm mà, để bảo toàn tầm quan trọng củ anhân tính Chúa Kitô, đã đi đến chỗ khẳng định việc tách lìa nhân tính này với thần tính của Người. Như thế, không còn tình trạng hiệp nhất chân thực giữa Thiên Chúa và con người Chúa Kitô, và vì vậy, người ta không còn nói về một “Người Mẹ Thiên Chúa” nữa. 

 

Thánh Cyril – nhân vật tiêu biểu dẫn đầu khoa Kitô Học ở Alexandria thời bấy giờ, một nhân vật mạnh mẽ đề cao mối hiệp nhất về ngôi vị của Chúa Kitô – đã phản ứng hầu như ngay lập tức, bằng việc sử dụng hết mọi phương tiện có thể bắt đầu từ năm  429, thậm chí ngài đã viết những bức thư gửi thẳng cho Nestorius.

 

Trong bức thư thứ hai (PG 77, 44-49) Thánh Cyril gửi cho vị giám mục này, vào Tháng Hai năm 430, chúng ta đọc thấy một khẳng định rõ ràng về công việc của vị mục tử cần phải bảo trì đức tin cho Dân Chúa. Đây là chuẩn mực của ngài, một chuẩn mực vẫn còn công hiệu tới ngày nay, đó là Đức tin của dân Chúa là một thể hiện của truyền thống, một bảo toàn cho tín lý lành mạnh. Ngài đã viết cho Nestorius rằng: “Cần phải cắt nghĩa giáo huấn và giải thích đức tin cho dân chúng một cách bất khả trách cứ, và cần phải nhắc lại rằng ai làm gương mù thậm chí cho một trong những kẻ nhỏ mọn đang tin vào Đức Kitô sẽ phải chịu một hình phạt khôn lường”.

 

Trong cùng một bức thư gửi cho Nestorius – một bức thư mà sau đó, vào năm 451, đã được Công Đồng Chung thứ tư Chalcedon chuẩn nhận – Thánh Cyril diễn tả niềm tin Kitô học của ngài một cách rành mạch như sau: “Những bản tính đã hiệp nhất nơi một mối hiệp nhất thực sự là những bản tính khác nhau, nhưng từ cả hai bản tính này chỉ có một Đức Kitô và Người Con duy nhất, không phải là vì, chính bởi mối hiệp nhất ấy mà những thứ khác biệt nơi bản tính nhân loại và bản tính thần linh đã bị loại trừ, trái lại, chính vì nhân tính và thần tính hiệp nhất một cách khôn tả đã xuất phát một Chúa duy nhất là Đức Kitô, Con Thiên Chúa”.

 

Và đây là điều quan trọng, đó là nhân tính đích thực và thần tính đích thực thật sự hiệp nhất với nhau nơi một ngôi vị là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Bởi thế, vị giám mục này tiếp tục viết: “chúng ta tuyên xưng chỉ có một Đức Kitô và Chúa duy nhất, không phải ở chỗ là chúng ta tôn thờ con người này cùng với Ngôi Lời, để không luồn lách ý tưởng phân biệt bằng kiểu nói ‘cùng nhau’, trái lại, ở chỗ chúng ta tôn thờ chỉ một Đấng duy nhất; thân thể của Người không phải là một cái gì đó tách khỏi Ngôi Lời, Đấng ngự bên Cha mình. Không có vấn đề là hai người con ở bên Cha mà chỉ có một người con hiệp nhất với xác thịt của riêng Người”.

 

Chẳng bao lâu, vị giám mục thành Alexandria, nhờ những liên minh lanh lợi, đã vận động nhiều lần lên án Nestorius: bởi Tòa Thánh Rôma với một chuỗi 12 vạ tuyệt thông do chính Thánh Cyril viết, và cuối cùng, bởi công đồng được triệu tập ở Ephesus vào năm 431, Công Đồng Chung Thứ Ba.

 

Hội nghị này, một hội nghị diễn ra giữa những biến động hỗn độn và luân chuyển, đã kết luận bằng một cuộc đại thắng của lòng tôn sùng Mẹ Maria và cuộc lưu đầy của vị giám mục Constantinople, người từ chối nhìn nhận Mẹ Maria dưới tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa”, vì một lầm lẫn về Kitô học cho rằng Đức Kitô bị phân chia nơi chính bản thân mình.

 

Sau khi thắng thế một cách oanh liệt như thế đối với đối thủ của mình và tín lý của mình, Thánh Cyril đã có thể tiến đến chỗ, ngay vào năm 433, một công thức thần học dung hòa và hòa giải với dân chúng ở Antioch. Và đó cũng là một điều đầy ý nghĩa: Một đàng là vấn đề minh bạch về tín lý đức tin, đàng khác là vấn đề thiết tha tìm cầu hiệp nhất và hòa giải. Vào những năm sau đó, ngài đã dấn thân bằng mọi cách để bênh vực và làm sáng tỏ chủ trương thần học của mình cho tới khi ngài qua đời vào ngày 27/6/444.

 

Các bản viết của Thánh Cyril – vô khối và tràn lan ở các tuyền thống Latinh và Đông phương khác nhau ngay khi ngài còn sống, một đời sống là chứng từ cho việc thành công tức thời của các bản viết ấy – có một tầm tối quan trọng đối với lịch sử Kitô Giáo. Những lời dẫn giải của ngài về nhiều sách Cựu Ước và Tân Ước, bao gồm cả Sách Ngũ Kinh, Tiên  Tri Isaia, Thánh Vịnh và các Phúc Âm Thánh Gioan và Luca, cũng là những gì quan trọng. Nhiều tác phẩm về tín lý của ngài cũng rất quan trọng, trong đó, ngài tiếp tục bênh vực đức tin vào Chúa Ba Ngôi để chống lại các luận đề của Arian và Nestorius.

 

Nền tảng giáo huấn của Thánh Cyril là truyền thống của Giáo Hội, và đặc biệt, như tôi đã đề cập, là các bản văn của Thánh Athanasius, vị đại tiền nhiệm của ngài ở Giáo Hội Alexandria. Trong số các bản văn khác của Thánh Cyril, chún g ta cần phải nhắc lại những cuốn “Chống Lại Julian”, câu trả lời quan trọng cuối cùng đối với những cuộc luận chiến chống Kitô Giáo, một câu trả lời được đọc để viết ra bởi vị giám mục Alexandria này rất có thể vào những năm cuối đời của ngài, như một đáp ứng “Chống lại Galileans” là những gì được viết nhiều năm trước đó, năm 363, bởi vị hoàng đế được gọi là kẻ bội giáo vì đã từ bỏ Kitô Giáo là tôn giáo ông đã được giáo dục.

 

Đức tin  Kitô giáo trước hết là một cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu, “một con người đã làm sinh động chân  trời mới” (Thông Điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu”, 1). Thánh Cyril thành Alexandria là một chứng nhân không biết mệt mỏi và mạnh mẽ của Chúa Giêsu Kitô, Lời nhậpo thể của Thiên Chúa, trước hết đề cao mối hiệp nhất của Người, khi ngài lập lại trong bức  thư đầu tiên ngài gửi cho Giám Mục Succens vào năm 433: “Chỉ có một Người Con duy nhất, chỉ có một Chúa Giêsu Kitô duy nhất, trước nhập thể và sau nhập thể. Thật vậy, đây không phải là vấn đề về một Người Con, về Ngôi Lời, Đấng được hạ sinh bởi Thiên Chúa Cha, và một Người Con khác, được hạ sinh bởi vị Trinh Nữ thánh; thế nhưng chúng ta tin rằng Người là Đấng có trước thời gian đã được hạ sinh theo xác thịt bởi một người nữ”. 

 

Điều khẳng định này, không kể đến ý nghĩa về tín lý của nó, còn cho thấy niềm tin tưởng nơi Chúa Giêsu, “Ngôi Lời”, được hạ sinh bởi Cha, cũng được sâu xa bắt nguồn từ lịch sử nữa, vì, như Thánh Cyril nói, cũng Chúa Giêsu đã đến trong thời gian được hạ sinh bởi Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa này, sẽ là Đấng hằng ở cùng chúng ta theo lời Người hứa. Và đó là điều hệ trọng, ở chỗ, Thiên Chúa là Đấng hằng hữu, Đấng được hạ sinh bởi một người nữ và vẫn ở với chúng ta hằng ngày. Chúng ta sống theo lòng tin tưởng này, một lòng tin tưởng chúng ta thấy được con đường  sống của chúng ta.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 3/10/2007