Thánh giáo phụ Giêrôme

 

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 7/11/2007 – Bài Giáo Lý 57 trong loạt bài về Giáo Hội Hiệp Thông Tông Truyền

 

 

Anh chị em thân mến!

 

Hôm nay chúng ta chú ý tới Thánh Giêrôme, một Giáo Phụ của Hội Thánh, vị đã lấy Thánh Kinh làm tâm điểm của đời sống của mình; Ngài đã chuyển  dịch Thánh Kinh sang tiếng La Tinh, ngài đã dẫn giải Thánh Kinh bằng những văn bản của ngài, và nhất là ngài đã quyết tâm sống Thánh Kinh một cách cụ thể bằng cuộc sống trần gian lâu dài của ngài, bất kể tính nết tự nhiên ngài cảm thấy khó khăn và nóng nẩy của ngài.

 

Thánh Giêrôme vào đời ở Stridon khoảng năm 347 trong một gia đình Kitô giáo là nơi đã giáo dục ngài cách tốt đẹp và gửi ngài đến Rôma để hoàn thành công việc học hành của ngài. Khi còn  trẻ trung, ngài cảm thấy bị lôi cuốn theo đời sống trần gian (x Ep. 22,7), nhưng lòng mong ước và chú trọng của ngài vào Kitô giáo vẫn là những gì trổi vượt.

 

Sauk hi được rửa tội vào khoảng năm 366, ngài cảm thấy thích sống cuộc đời khổ chế, và di chuyển tới Aguileia, ngài đã hợp với một nhóm Kitô hữu nhiệt thành, thành phần được ngài diễn tả như là một loại “ca đoàn chân phước” (Chron. Ad ann., 374), liên kết nhau quanh vị giám mục Valerian.

 

Thế rồi ngài rời bỏ nhóm này đến miền Đông và sống như một ẩn sĩ ở sa mạc  Calcide, miền nam Aleppo (cf Ep 14, 10), dấn thân cho việc nghiêm chỉnh nghiên cứu học hỏi. Ngài thông suốt kiến thức Hy Lạp, bắt đầu học tiếng Do Thái (cf Ep. 125, 12), sao chép các bản viếc và tác phẩm giáo phụ (cf Ep. 5,2). Việc suy niệm, sống cô quạnh, sự liên hệ vơi lời Chúa là những gì đã làm chín mùi cảm quan Kitô Giáo của ngài.

 

Ngài sâu xa cảm thấy được gánh nặng về cái quá khứ trẻ trung của mình (cf Ep. 22,7), và rõ ràng thấy được cái tương phản giữa những tâm thức ngoại giáo và Kitô Giáo: một thứ tương phản được sáng tỏ nơi cái “thị kiến” thảm thiết và sống động mà ngài để lại cho chúng ta. Trong thị kiến này, ngài đã thấy bản thân ngài bị quằn quại trước nhan Thiên Chúa vì ngài đã là “một Ciceronian chứ không phải là một Kitô hữu” (cf Ep. 22, 30). (Biệt chú của người dịch bản Việt ngữ ở đây về chữ Ciceronian: chữ này có nghĩa là hùng biện gia theo lối của Cicero).

 

Vào năm 382, ngài di chuyển tới Rôma là nơi Đức Giáo Hoàng Damasus, nhận thấy tiếng tăm của ngài như là một thần bí gia cùng với khả năng như là một học giả của ngài, đã n hận ngài làm bí thư và là cố vấn. Vị giáo hoàng này đã khuyến khích ngài thực hiện một bản dịch mới bằng tiếng Latinh các bản văn thánh kinh cho mục đích mục vụ và văn hóa.

 

Một số phần tử thuộc tầng lớp quí tộc Rôma, nhất là những nữ giới danh giá như Paola, Marcella, Asella, Lea cũng như những bà khác, muốn dấn thân sống theo đường lối trọn lành Kitô Giáo và đi sâu vào kiến thức Lời Chúa, và họ đã chọn ngài làm hướng dẫn viên thiêng liêng và là thày của họ về phương pháp đọc các sách thánh. Những người phụ nữ này cũng tự học tiếng Hy Lạp và Do Thái.

 

Sau cái chết của Đức Giáo Hoàng Damasus, Thánh Giêrome đã rời Rôma vào năm 385 và thực hiện một cuộc hành hương, trước hết tới Thánh Địa, âm  thầm chứng kiến đời sống trần gian của Chúa Kitô, rồi tới Ai Cập, mục tiêu được nhiều đan sĩ tuyển chọn để đi tới (cf. “Contra Rufinum”, 3,22; Ep. 108,6-14).

 

Vào năm 386, ngài đã quyết định ở lại Bêlem là nơi, nhờ lòng quảng đại của người nữ danh giá Paola, một đan viện cho nam giới đã được xây cất lên, và một đan viện khác cho nữ giới nữa, và một tiếp đón viện cho khách hành hương tới Thánh Địa “để tưởng nhớ đến Mẹ Maria và Thánh Giuse là những đấng đã không tìm thấy nơi nương trú” (Ep. 108, 14).

 

Ngài đã ở lại Bêlem cho tới khi qua đời, thực hiện hoạt động bận bịu của mình. Ngài đã dẫn giải các Phúc Âm; ngài đã bênh vực đức tin, mạnh mẽ chống lại các bè rối khác nhau; ngài đã huấn dụ các đan sĩ sống trọn lành; ngài đã dạy văn  hóa cổ điển và Kitô giáo cho thành phần môn sinh trẻ tuổi; ngài đã đón tiếp khách hành hương tới Thánh Địa như một vị mục tử. Ngài đã chết ở trong xà lim của ngài gần Hang Giáng Sinh vào ngày 30/9 năm 419 hay 420.

 

Khả năng về văn chương và học thức uyên bác của ngài đã giúp cho ngài có thể duyệt lại và chuyển dịch nhiều bản văn thánh kinh: một việc làm vô giá cho Giáo Hội La Tinh cũng như cho văn hóa Tây phương. Bắt đầu từ các bản văn gốc theo tiếng Hy Lạp và Do Thái, và so sánh chúng với những bản dịch trước đó, ngài đã duyệt lại bản dịch 4 Phúc Âm bằng tiếng La Tinh, rồi tới các Thánh Vịnh và một phần  khá Cựu Ước.

 

Căn cứ vào các bản văn nguyên ngữ Hy Lạp và Do Thái của Bản 70, một ấn bản Hy Lạp cổ điển Cựu Ước có trước cả thời điểm Kitô Giáo, và vào những bản dịch La Tinh trước, Thánh Giêrome cùng với thành phần cộng sự viên của ngài đã có thể cống hiến một bản dịch hay hơn. Đó là những gì được chúng ta gọi là “Vulgate”, được coi là bản “chính thức” của Giáo Hội Latinh, một bản dịch được công nhận như thê bởi Công Đồng Chung Triđentinô. Cho dù có những điều chỉnh mới đây cho bản dịch, nó vẫn tiếp tục là bản dịch “chính thức” của Giáo Hội về tiếng Latinh.

 

Cái hay cần phải đề cao ở đây đó là những tiêu chuẩn được vị đại học giả thánh kinh này sử dụng ở ngay nơi việc là một dịch giả của mình. Chính ngài tỏ cho thấy những tiêu chuẩn ấy khi ngài nói rằng ngài tôn trọng thậm chí trật tự của các lời lẽ trong Sách thánh, vì “ngay cả thứ tự của những lời lẽ này cũng là một mầu nhiệm”,  tức là, mạc khải vậy.

 

Ngài cũng nhắc lại nhu cầu cần phải trở về với các bản gốc: “Bất cứ khi nào nơi ngôn ngữ Latinh có vấn đề gì liên quan tới Tân Ước, ở chỗ, khi đọc lên thấy ngang ngang với các bản văn, thì chúng ta cần phải trở về với bản gốc, tức là với bản văn  Hy Lạp là bản văn đầu tiên Tân Ước được viết ra. Cũng thế đối với cả Cựu Ước, nếu xẩy ra những bất đồng giữa các bản văn Hy Lạp và Latinh, chúng ta hãy trở về với bản gốc Do Thái. Nhờ đó, ‘chúng ta mới có thể thấy được mọi sự ở những gì khác nhau được bắt nguồn ra sao” (Ep. 106,2).

 

Thánh Giêrome cũng dẫn giải các bản văn thánh kinh khác nhau, Ngài nói rằng những lời dẫn giải cần phải cống hiến nhiều ý nghĩ để “thành phần độc giả sành sõi, sau khi đọc thấy những giải thíh khác nhau và thấy được những ý nghĩ khác nhau – chấp nhận hay phủ nhận – có thể phán đoán lời dẫn giải nào đáng tin cậy nhất, và như một chuyên viên về tiền tệ, có thể loại trừ những gì là giả tạo” ("Contra Rufinum" 1,16).

 

Ngài đã nhiệt tình và hăng hái bài bác thành phần lạc giáo chống lại truyền thống và đức tin của Giáo Hội. Ngài cũng tỏ cho thấy được tầm quan trọng và trị giá của văn chương Kitô Giáo, một thứ văn  chương vào thời bấy giờ có một đường lối riêng và được cho rằng đối đầu với thứ văn chương cổ điển. Ngài đã làm điều này trong cuốn "De viris illustribus," một tác phẩm được ngài trình bày thân thế của hơn 100 tác giả Kitô Giáo.

 

Ngài cũng đã viết về thân  thế của các vị đan sĩ, dẫn giải lý tưởng đan tu cùng với những hành trình thiêng liêng khác, và đã chuyển dịch các tác phẩm khác nhau của những tác giả Hy Lạp. Sau cùng, qua một dạng Thư Tín quan trọng, một kiệt tác của văn chương La Tinh, Thánh Giêrome đã tỏ ra mình là một con người của văn hóa, một thần bí gia và là một vị linh hướng.

Chúng ta học được nơi Thánh Giêrome những gì? Trước hết, tôi nghĩ rằng đó là lòng yêu chuộng lời Chúa trong Thánh Kinh. Thánh Giêrome nói: “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô”. Đó là lý do tại sao vấn đề quan trọng ở đây là hết mọi Kitô hữu hãy sống liên  hệ với và đối thoại âm thầm với lời Chúa được ban cho chúng ta  trong Thánh Kinh.

 

Việc đối thoại trao đổi này cần phải theo hai chiều kích. Một đàng, nó cần phải thực sự là riêng tư, vì Thiên Chúa nói với mỗi một người trong chúng ta qua Thánh Kinh và muốn  nói một điều gì đó với từng người chúng ta. Chúng ta không được đọc Thánh Kinh như là một lời lẽ thuộc về quá khứ mà như lời Chúa được ngỏ cùng cho cả chúng ta nữa, và chúng ta cần phải cố gắng hiểu những gì Chúa đang muốn nói với chúng ta.

 

Và để cho mình khỏi rơi vào chủ nghĩa cá nhân, chúng ta cũng cần phải nhớ rằng lời Chúa được ban cho chúng ta để xây dựng mối hiệp thông, để liên kết chúng ta lại trong sự thật nơi việc chúng ta tiến tới với Chúa. Bởi thế, bất kể sự kiện là lời Chúa bao giờ cũng là một lời lẽ riêng tư, lời Chúa cũng còn là một lời để dựng xây cộng đồng nữa, và xây dựng chính Giáo Hội. Thế nên, chúng ta cần đọc lời Chúa trong sự hiệp thông với Giáo Hội nữa.

 

Nơi chốn đặc biệt để đọc và lắng nghe lời Chúa đó là nơi phụng vụ. Bằng việc cử hành lời Chúa và hiến dâng Mình Thánh Chúa Kitô hiện diện nơi phép bí tích, chúng ta đem lời Chúa vào đời sống của chúng ta và làm cho lời Chúa sống động cùng hiện diện giữa chúng ta.

 

Chúng ta không bao giờ được quên rằng lời Chúa là những gì vượt thời gian. Những ý nghĩ của con người là những gì đổi thay; những gì được coi là rất tân tiến hôm nay sẽ trở thành cổ hũ ngày mai. Thế nhưng, lời Chúa là lời hằng sống, lời Chúa tự chất chứa nơi mình sự vĩnh hằng, bao giờ cũng có giá trị. Ôm ấp lời Chúa trong mình, chún g ta cũng ấp ôm sự sống trường sinh nữa.

 

Tôi kết lại bằng lời Thánh Giêrome đã nói với Thánh Paulinus thành Nola, những lời được vị đại dẫn giải Thánh Kinh này đã cho thấy sự thật là nơi lời Chúa chúng ta lãnh nhận được sự vĩnh hằng, được sự sống trường sinh. Thánh Giêrome nói: “Chúng ta hãy tìm cách học hỏi trên trái đất này những sự thật sẽ mãi mãi sáng giá trên trời” (Ep 53,10). 


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 7/11/2007