Thứ Tư 3/5/2006
Bài 6
Truyền Thống Tông Đồ
Anh Chị Em thân mến,
Trong bài giáo lý này, chúng ta muốn hiểu hơn chút nữa về bản chất của Giáo Hội. Lần vừa rồi chúng ta đã suy nghĩ về đề tài Truyền Thống tông đồ. Chúng ta đã thấy rằng truyền thống này không phải là một tổng hợp những điều hay những lời, như một cái hộp đựng các thứ vô hồn. Truyền thống là một con sông chảy sự sống mới xuất phát từ mạch nguồn, từ Chúa Kitô tới chúng ta, và làm cho chúng ta được tham dự vào lịch sử của Thiên Chúa đối với nhân loại. Đề tài về Truyền Thống quan trọng đến nỗi tôi muốn chia sẻ một lần nữa về vấn đề này hôm nay đây. Thật vậy, Truyền thống có một tầm vóc rất quan trọng đối với đời sống của Giáo Hội.
Công Đồng Chung Vaticanô II đã nói về vấn đề này rằng Truyền Thống tự nguồn gốc trước hết là những gì thuộc về tông đồ: ‘Theo lòng nhân lành ưu ái của mình, Thiên Chúa đã ân cần coi sóc để những gì Ngài đã mạc khải cho phần rỗi muôn dân được vĩnh viễn nguyên vẹn và truyền đạt cho mọi thế hệ. Bởi thế, Chúa Kitô, Đấng nơi Người tất cả mạc khải của Thiên Chúa tối cao được nên trọn (x 2Cor 1:20,3:13,4:6), đã sai các Tông Đồ đi rao giảng cho tất cả mọi người rằng Phúc Âm là nguồn mạch của tất cả sự thật cứu độ và giáo huấn luân lý, và truyền thụ cho họ các tặng ân thiên quốc’ (Hiến Chế Tín Lý ‘Dei Verbum’, đoạn 7).
Công Đồng tiếp tục cho thấy rằng ‘Việc ủy thác này được các vị Tông Đồ trung thành hoàn trọn, thành phần, nhờ việc giảng dạy bằng lời nói, nhờ gương sáng, và nhờ việc tuân giữ đã truyền đạt những gì các vị đã lãnh nhận từ môi miệng của Chúa Kitô, từ việc sống với Người, cũng như từ những gì Người làm, hay những gì các vị biết được bởi tác động của Thánh Linh. Việc ủy thác ấy cũng được hoàn thành bởi các Vị Tông Đồ và những con người thời tông đồ được linh ứng bởi cùng một Thánh Thần đã viết lại sứ điệp cứu độ’.
Các vị lãnh đạo của thành phần dân Yến Duyên cánh chung – họ cũng có 12, như các chi tộc của Dân Tuyển Chọn – các vị tông đồ đã tiếp tục ‘cuộc gặp gỡ’ được Chúa Kitô khởi đầu và trước hết các vị đã làm như thế bởi việc trung thành truyền đạt tặng ân được lãnh nhận là Tin Mừng của Nước Trời đến với con người qua Chúa Giêsu Kitô. Con số của họ chẳng những thể hiện việc liên tục với nguồn gốc thánh hảo là dân Yến Duyên 12 chi tộc, nhưng cũng có mục đích phổ quát nơi thừa tác vụ của họ, một thừa tác vụ mang ơn cứu độ đến tận cùng trái đất. Nó được thể hiện bằng một giá trị tiêu biểu nơi con số ở thế giới Semitic: 12 là tổng số từ việc nhân 3, một con số hoàn toàn, nhân cho 4, một con số ám chỉ tới 4 điểm chính, do đó bao gồm cả thế giới.
Cộng đồng này, xuất phát từ việc loan truyền Phúc Âm, cảm thấy được kêu gọi bởi lời của thành phần tiên khởi cảm nghiệm được Chúa Kitô và là thành phần được Người sai đi. Cộng đồng này biết rằng mình có thể tin cậy vào việc hướng dẫn của Nhóm 12, cũng như vào việc hướng dẫn của những ai sau đó liên kết với Nhóm này như là những người kế vị thi hành thừa tác vụ rao giảng Lời và thi hành việc phục vụ mối hiệp thông.
Bởi thế cộng đồng này cảm thấy được ủy thác cho việc truyền đạt cho những người khác ‘tin vui’ của việc thực sự hiện diện của Chúa cũng như của mầu nhiệm vượt qua của Người là mầu nhiệm được sinh động trong Thần Linh. Việc truyền đạt này được nhấn mạnh trong một số đoạn của các bức thư Thánh Phaolô: ‘Vì tôi truyền lại cho anh chị em thuộc những gì quan trọng nhất điều tôi cũng đã lãnh nhận’ (1Cor 15:3). Và đó là những gì hệ trọng.
Như đã rõ, Thánh Phaolô, nguyên thủy được Chúa Kitô kêu gọi bằng một ơn gọi cá biệt, là một vị tông đồ thực sự, tuy nhiên, cũng trong trường hợp của ngài, cái chính yếu đó là lòng trung thành với những gì ngài đã lãnh nhận. Ngài không muốn ‘sáng tạo’ ra một thứ, có thể nói là, Kitô Giáo kiểu ‘Phaolô’. Bởi thế, ngài nhấn mạnh là ‘Tôi truyền cho anh chị em những gì tôi cũng đã lãnh nhận’. Ngài đã truyền lại tặng ân nguyên thủy do Chúa Kitô ban, vì nó là sự thật cứu độ. Sau đó, vào cuối đời của mình, ngài đã viết cho Timothêu rằng: ‘Con hãy canh chừng sự thật đã được trao phó cho con bởi Vị Thánh Linh là Đấng ngự trong chúng ta’ (2Tim 1:14).
Vấn đề cũng được chứng tỏ cho thấy một cách hiệu nghiệm bởi chứng từ cổ thời của đức tin Kitô Giáo này, một chứng từ được Tertullian viết vào khoảng năm 200, đó là: ‘Sau khi thoạt tiên làm chứng cho đức tin vào Chúa Giêsu Kitô khắp Giuđêa, và tổ chức các giáo hội ở đấy, các vị đã đi vào thế giới và rao giảng cùng một tín lý của cùng một đức tin cho các dân nước. Các vị tông đồ bấy giờ thực hiện một cách tương tự việc thành lập các giáo hội ở mỗi thành phố, từ đó tất cả mọi giáo hội khác, theo nhau, đã được xuất phát từ truyền thống đức tin này, cũng như từ những hạt giống tín lý, và hằng ngày đang xuất phát từ chúng, để các giáo hội khác ấy cũng trở thành giáo hội. Thật vậy, chính vì điều này mà tự bản chất các giáo hội khác ấy được coi là có tông đồ tính, với tư cách như là con cái của các giáo hội thời tông đồ” ("De praescriptione Haereticorum," 20: PL: 2, 32).
Công Đồng Chung Vaticanô II nhận định rằng: ‘Vậy những gì đã được các Tông Đồ truyền đạt bao gồm hết những gì góp phần vào đời sống thánh thiện và làm gia tăng đức tin của dân Chúa; mà do đó Giáo Hội, nơi giáo huấn, đời sống và việc thờ phượng của mình, kéo dài và truyền đạt cho tất cả mọi thế hệ tất cả những gì là bản chất của Giáo Hội, tất cả những gì Giáo Hội tin tưởng’ (Dei Verbum, 8). Giáo Hội truyền đạt tất cả những gì Giáo Hội là và tất cả những gì Giáo Hội tin tưởng; Giáo Hội truyền đạt tất cả những điều ấy nơi việc thờ phượng, nơi đời sống, nơi tín lý.
Bởi thế mà Truyền Thống là Phúc Âm sống động, được các tông đồ trọn vẹn loan báo, với đầy những cảm nghiệm đặc thù và bất khả tái diễn của mình: Bằng việc làm của Giáo Hội, đức tin được truyền đạt đi, cho tới chúng ta, đến tận cùng trái đất. Vì vậy, Truyền Thống là lịch sử của Thần Linh là Đấng tác động trong lịch sử của Giáo Hội qua vai trò trung gian môi giới của các Tông Đồ cùng với thành phần thừa kế của các vị, một cách liên tục trung thành với cảm nghiệm từ ban đầu.
Đó là những gì Thánh Giáo Hoàng Clementê ở Rôma đã giải thích vào cuối thế kỷ thứ nhất. Ngài viết: ‘Các Tông Đồ đã loan báo Phúc Âm cho chúng ta, những vị được Chúa Giêsu Kitô sai; Chúa Giêsu Kitô được Thiên Chúa sai. Bởi thế, Chúa Kitô từ Thiên Chúa mà đến, và các Tông Đồ từ Chúa Kitô mà đến: Cả hai đều xuất phát một cách thứ tự từ ý muốn của Thiên Chúa. Các vị Tông Đồ của chúng ta được biết qua Chúa Giêsu Kitô của chúng ta rằng sẽ xẩy ra những tranh luận về vai trò giáo phẩm. Thế nên, thấy được đích xác tương lai như vậy, các vị đã thiết lập thành phần được chọn lựa và truyền chức cho họ để khi các vị qua đi thì những người khác có năng quyền đảm nhận việc phục vụ của các vị’ [Ad Corinthios," 42.44: PG 1, 292.296].
Sợi giây xích phục vụ này tiếp tục diễn tiến cho tới thời đại của chúng ta đây; nó sẽ tiếp tục cho tới tận thế. Thật vậy, sứ vụ Chúa Giêsu trao phó cho các tông đồ đã được các vị truyền đạt cho thành phần thừa kế của các vị. Ngoài cảm nghiệm được giao tiếp riêng tư với Chúa Kitô, một cảm nghiệm chuyên biệt và bất khả tái diễn, các vị tông đồ đã truyền đạt cho thành phần thừa kế của các vị việc các vị được Thày mình long trọng sai vào thế giới nữa. Chữ tông đồ thực sự xuất phát từ chữ Hy Lạp ‘apostellein’ nghĩa là được sai đi.
Việc sai đi của các vị tông đồ này – như câu Phúc Âm 28:19 và sau đó của Thánh Mathêu cho thấy – ‘bao gồm việc mục vụ (‘kết nạp các môn đồ từ tất cả mọi dân nước’), phụng vụ (‘rửa tội cho họ’), và ngôn sứ (‘giảng dạy cho họ tuân giữ tất cả những gì Thày đã truyền cho các con’), bảo đảm tính cách gần gũi với Chúa Kitô cho tới tận cùng thời gian (Thày mãi mãi ở cùng các con cho tới tận thế’)”.
(Trong cuốn Giáo Lý Chỉ Nam của người dịch bài này, xuất bản năm 1998, trang 218, cũng đã cảm nghiệm về câu Phúc Âm của Thánh Mathêu 28:19 như được Đức Thánh Cha phân tích trên đây. Nguyên văn như sau: ‘Các con hãy đi tuyển mộ môn đồ nơi mọi dân nước và rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, và dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con’ (Mt.28:18-19). Căn cứ vào thứ tự của lệnh truyền phục sinh của Chúa Kitô trên đây, việc truyền bá Phúc Aâm được chia ra làm ba giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là việc ‘đi tuyển mộ môn đồ’; giai đoạn thứ hai là việc ‘rửa tội cho họ’; giai đoạn thứ ba là việc ‘dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy truyền’).
Bởi vậy, mặc dù cách thức được các vị tông đồ truyền đạt khác nhau, chúng ta cũng có một cảm nghiệm chân thực và riêng tư về việc hiện diện của Chúa Kitô Phục Sinh. Nhờ thừa tác vụ tông đồ, chính Chúa Kitô đến với con người được kêu gọi chấp nhận đức tin, thắng vượt khoảng cách các thế hệ và hiến mình, qua việc sống động và hoạt động, cho đến ngày nay trong Giáo Hội và trên thế giới.
Đó là niềm vui lớn lao của chúng ta. Trong giòng sông sống động Truyền Thống, Chúa Kitô vẫn không tách biệt chúng ta bằng một khoảng cách 2 ngàn năm, nhưng thực sự hiện diện giữa chúng ta và ban cho chúng ta Chân Lý, ban cho chúng ta Ánh Sáng, khiến chúng ta sống và tìm thấy Đường Lối tiến tới tương lai.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 3/5/2006