Thánh giáo phụ Ephrem người Syria
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 28/11/2007 – Bài Giáo Lý 60 trong loạt bài về Giáo Hội Hiệp Thông Tông Truyền
Anh Chị Em thân mến!
Theo ý nghĩ chung thì Kitô Giáo là một đạo giáo Âu Châu đã xuất cảng văn hóa của Châu Lục này đến các xứ sở khác. Thế nhưng, thực tế lại phức tạp hơn thế nhiều, vì cội gốc của Kitô giáo bắt nguồn từ Cựu Ước, và vì thế ở Gia Liêm và thế giới Semitic. Chính Kitô Giáo đã được luôn nuôi dưỡng từ những gốc gác của mình nơi Cựu Ước.
Cũng thế, việc lan rộng của Kitô Giáo trong các thế kỷ đầu cũng vừa hướng tới cả tây phương – tức tới thế giới Hy La, nơi Kitô Giáo bấy giờ đã tác động nền văn hóa Âu Châu – lẫn đông phương, tới Ba Tư và Ấn Độ, bởi đó góp phần vào việc khơi động một thứ văn hóa đặc biệt nơi các ngôn ngữ Semitic, bằng căn tính riêng của mình.
Để chứng tỏ cho thấy tính cách đa dạng về văn hóa của niềm tin Kitô Giáo sơ khai, trong các bài giáo lý cho Ngày Thứ Tư trước đây, tôi đã nói về một vị đại diện của Kitô Giáo này, đó là giáo phụ Aphraates nhà hiền triết Ba Tây, là vị hầu hết không được chúng ta biết tới. Theo chiều hướng ấy, hôm nay tôi muốn nói tới Thánh Ephrem người Syria, vị đã được sinh ra ở Nisibis khoảng năm 306 từ một gia đình Kitô Giáo.
Ngài là một vị đại diện đặc biệt nhất cho Kitô Giáo Syriac và đã thành công một cách đặc biệt trong việc dung hòa ơn gọi của thần học gia với vai trò của nhà thi sĩ. Ngài đã được vị giám mục ở Nisibis (303-338) là James giáo huấn, và cùng với vị giám mục này ngài đã thành lập một trường thần học ở tỉnh lỵ của ngài. Vừa trở thành phó tế, ngài hoàn toàn dấn thân cho sinh hoạt của cộng đồng Kitô Giáo địa phương cho tới năm 363, năm mà thành Nisibis bị lọt vào quyền cai trị của Ba Tư. Thánh Ephrem đã thoát thân tới Edessa là nơi ngài tiếp tục các hoạt động làm giảng viên của mình. Ngài đã qua đời ở đó vào năm 373, sau khi bị nhiễm bệnh dịch trong lúc chăm sóc cho bệnh nhân.
Không rõ lắm việc ngài có phải là một vị đan sĩ hay chăng, thế nhưng dù sao một điều chắc chắn là ngài giữ vai trò phó tế suốt đời và ngài sống độc thân và nghèo khó. Nhờ đó, theo đ85c tính đặc biệt nơi nền văn hóa của ngài, căn tính chung và nền tảng của Kitô Giáo mới được thể hiện, đó là đức tin, đức cậy – một đức cậy khiến cho các bạn có thể sống một cuộc đời thanh tịnh và giản dị với lòng tin tưởng nơi Chúa – và đức mến, cho tới độ hiến đời sống mình chăm sóc cho các nạn nhân bị dịch tễ.
Thánh Ephrem đã để lại cho chúng ta một gia sản dồi dào văn bản thần học. Các bản văn của ngài có thể được xếp thành 4 loại: các tác phẩm viết theo thể văn xuôi (đó là các tác phẩm luận chiến của ngài, hay các bài dẫn giải thánh kinh của ngài); các tác phẩm theo thể văn vần; các bài giảng được chia thành từng câu; và sau cùng là các bài thánh ca – đây thực sự là việc làm nhiều nhất của Thánh Ephrem.
Ngài là một tác giả phong phú và hăng say vì nhiều lý do, thế nhưng đặc biệt là vì nguồn thần học của ngài. Đặc tính đặc biệt nơi công cuộc của ngài đó là việc gặp gỡ giữa thần học và thi ca. Nếu chúng ta muốn hiểu kỹ hơn giáo huấn của ngài, chúng ta cần phải nhận ra rằng ngài đã học thần học qua thi ca. Thi ca đã giúp cho ngài đi sâu vào những suy tư thần học qua những thứ nghịch biện và hình ảnh. Thần học của ngài đã trở thành vừa phụng vụ vừa ca nhạc cùng một lúc: ngài thực sự là một đại sáng tác gia và nhạc sĩ vậy.
Thần học, việc suy tư về đức tin, thi ca, việc ca hát và chúc tụng Thiên Chúa, cả hai b ổ khuyết cho nhau. Thực sự từ đặc tính phụng vụ này mà sự thật thần linh mới hiện lên một cách rạng ngời nơi thần học của Thánh Ephrem. Trong việc ngài tìm kiếm Thiên Chúa cũng như nơi thần học của mình, ngài đã theo đường lối đối nghịch và biểu hiệu. Ngài thích sử dụng những hình ản h đối ngược nhau, vì chúng làm nổi bật mầu nhiệm về Thiên Chúa.
Tôi không thể trích dẫn nhiều về tác phẩm của ngài, một phần vì thi ca khó chuyển dịch, mà chỉ để cho thấy tư tưởng thần học thi ca của ngài, tôi xin trích những phần của hai bài thánh ca khác nhau. Trước hết, vì Mùa Vọng sắp đến nơi rồi, tôi muốn cho anh chị em thấy một vài hình ảnh tuyệt vời từ các bài thánh ca “Về Chúa Kitô Giáng Sinh” (11,6-8). Bằng một giọng điệu phấn khởi, Thánh Ephrem đã bày tỏ niềm chất ngất cũa mình về hình ảnh của Trinh Nữ Maria như sau:
“Chúa đã đến với Mẹ
Để biến mình thành người tôi tớ
Lời đã đến với Mẹ
Để thầm lặng trong lòng Mẹ.
Tia chớp đến với Mẹ
Không gây ra động đạc gì.
“Mục tử đến với Mẹ
Và Con Chiên được sinh ta, nhẹ nhàng kêu la.
Vì lòng của Mẹ Maria
Đã làm đảo lộn các vị thế:
Đấng đã tạo dựng nên tất cả mọi sự
Không được sinh ra sang giầu mà là nghèo khổ.
“Đấng Toàn Năng đã đến với Mẹ (Maria),
Thế nhưng Người đã đến một cách thấp hèn.
Ánh rạng ngời đã đến với Mẹ,
Song đã phục sức bằng những quần áo thô sơ.
Đấng ban cho chúng ta tất cả mọi sự
Lại bị đói khổ.
“Đấng ban nước cho mọi người
Lại bị khát khao.
Người trần truồng trơ trụi từ Mẹ mà đến
Người là Đấng mặc cho tất cả mọi sự (vẻ mỹ miều).
Để diễn tả mầu nhiệm về Chúa Kitô, Thánh Ephrem đã sử dụng nhiều đề tài khác nhau, những biểu hiệu và hình ảnh khác nhau. Ở một trong những bài thánh ca của mình, ngài đã liên kết Adong (trong vườn địa đường) với Chúa Kitô (trong Bí Tích Thánh Thể) một cách dễ thương như sau:
“Chính lưỡi gươm của thần cherub
Đã đóng lối
Vào cây sự sống.
“Thế nhưng đối với con người,
Thì vị Chúa của cây sự sống này
Đã ban chính mình như lương thực
Qua việc hiến dâng (Thánh Thể).
“Các cây trong vườn Eden
Được ban làm của dinh dưỡng
Cho Adong đầu tiên.
“Đối với chúng ta thì người canh tác
Khu vườn này
Lại đã ban chính mình làm lương thực
Cho linh hồn chúng ta.
“Thật vậy, tất cả chúng ta đã lìa bỏ
Địa Đàng cùng với Adong,
Vị đã bỏ tất cả lại sau lưng.
“Giờ đây thanh gươm ấy đã được cất đi,
Từ đó (từ trên cây thập tự giá) nhờ lưỡi đòng
Chúng ta đã có thể trở lại.
(Bài Thánh Ca 49, 9-11).
Thánh Ephrem sử dụng hai hình ảnh nói về Thánh Thể đó là than hồng và ngọc châu. Đề tài về than hồng được lấy từ tiên tri Isaia (x 6:6). Nó là hình ảnh về thần seraphim gắp cục than hồng chạm sơ vào đôi của vị tiên tri này để thanh tẩy chúng; còn Kitô hữu thì lại nhận lãnh và tiêu hóa than hồng là chính Chúa Kitô:
“Nơi bánh của Người ẩn náu Thần Linh
Không thể tiêu hao;
Nơi rượu của Người có ngọn lửa không thể say sưa.
“Vị Thần Linh trong bánh của Người, ngọn lửa nơi rượu của Người:
Đây là một điều diệu kỳ mà môi miệng chúng tôi hoan nghênh.
“Vị thần seraphim không thể đưa ngón tay của ngài gần cục than hồng,
Cục than hồng chỉ tiến tới với miệng lưỡi của Isaia;
Những ngón tay không chạm tới nó, những đôi môi không nuốt được nó;
Thế nhưng Chúa ban cho chúng ta khả năng để làm được cả hai điều này.
“Lửa giận dữ tuôn xuống để hủy hoại thành phần tội nhân.
Thế nhưng lửa ân sủng xuống trên bánh thì vẫn còn đó.
Thay vì là lửa hủy diệt con người,
Thì chúng ta lại ăn lửa trong tấm bánh ấy
Và chúng ta được tái sinh”
(Hymn "De Fide" 10,8-10).
Đây là một mẫu khác của những bài thánh ca của Thánh Ephrem, nơi ngài viết về châu ngọc như là tiêu biểu của sự phong phú và mỹ lệ của đức tin:
“Anh em ơi, tôi đặt viên châu ngọc vào bàn tay của tôi
Để có thể nhìn hạt châu ngọc này kỹ hơn.
“Tôi đã quan sát viên châu ngọc này tứ phía:
Nó chỉ có một dạng thể duy nhất từ mọi phía.
“Đó là việc tìm kiếm Người Con, Đấng khôn thấu,
Vì Người rạng ngời.
“Nơi cái sáng ngời của nó, tôi đã thấy viên châu ngọc rõ ràng,
Một viên châu ngọc không bị mờ đục;
Và trong cái tinh tuyền của nó,
Tôi đã thấy được cái tiêu biểu cao cả của thân mình Chúa Kitô,
Một thân thể tinh tuyền.
“Nơi cái bất khả phân c hia của nó, tôi đã thấy được sự thật,
Một sự thật bất khả phân chia”.
(Hymn "On The Pearl" 1, 2-3).
Hình ảnh về Thánh Ephrem vẫn còn rất liên quan tới đời sống của các Giáo Hội Kitô Giáo khác nhau. Trước hết, chúng ta khám phá ra nơi ngài như là một thần học gia, vị đã bắt đầu từ thánh kinh và đã suy niệm một cách thi ca về mầu nhiệm Chúa Kitô cứu chuộc con người, biểu hiện của Lời Chúa.
Việc suy tư thần học của ngài được diễn tả bằng những hình ảnh và những biểu hiệu từ thiên nhiên, từ cuộc sống hằng ngày và từ Thánh Kinh. Thánh Ephrem đã truyền đạt tính chất giáo dục và giáo lý vào thi ca của ngài cũng như vào các bài thánh ca cho phụng vụ; những bài thánh ca thần học này xứng hợp với việc cử hành hay với những bài phụng ca. Thánh Ephrem sử dụng những bài thánh ca này để lan truyền giáo huấn của Giáo Hội nơi các phụng lễ. Qua giòng thời gian, những bài thánh ca này đã trở thành một dụng cụ giáo lý hết sức hiệu nghiệm cho cộng đồng Kitô Giáo.
Cần phải nhấn mạnh tới việc Thánh Ephrem suy niệm về vị Thiên Chúa của việc tạo thành: Không gì nơi việc tạo thành lại bị cô lập, và thế giới này, với Thánh Kinh, là Kinh Thánh của Thiên Chúa. Vì sử dụng tự do cách sai lầm mà con người đã làm đảo lộn vũ trụ này.
Với Thánh Ephrem thì vai trò của nữ giới là một vai trò thích đáng. Cách thức ngài đã viết về nữ giới bao giờ cũng được thúc đẩy bởi tính cách tính tế và trân trọng: Sự kiện Chúa Giêsu đã ngự trong lòng Mẹ Maria đã thăng hóa phẩm vị của nữ giới một cách khủng khiếp. Đối với Thánh Ephrem thì không có vấn đề cứu chuộc ngoài Chúa Giêsu, như không có vấn đề nhập thể mà lại thiếu Mẹ Maria vậy. Những chiều kích thần linh và nhân loại nơi mầu nhiệm cứu chuộc của chúng ta có thể được tìm thấy nơi các bản văn của Thánh Ephrem; ngài đã dự phóng một cách thi ca và qua những hình ảnh thánh kinh, cái bối cảnh thần học, và một cách nào đó cả ngôn ngữ của những định tín quan trọng về Kitô học ở các công đồng thuộc thế kỷ thứ năm.
Được tôn kính bởi truyền thống Kitô giáo như là “vương trượng của Thánh Linh”,
Thánh Ephrem đã chọn làm một phó tế của Giáo Hội của mình suốt cả cuộc đời. Đó
là một chọn lựa quyết liệt và tiêu biểu: Ngài là một phó tế, tức là một người
tôi tớ, nơi thừa tác vụ của phụng vụ, nơi tình yêu của ngài đối với Chúa Kitô –
một tình yêu sâu xa – được ngài hát lên một cách khôn sánh, cũng như nơi đức bác
ái đối với anh chị em của ngài, thành phần ngài đã dạy một cách thông thạo hiếm
quí về kiến thức mạc khải thần linh.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến
ngày 28/11/2007