Thánh giáo phụ Chromatius  ở Aquileia

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 5/12/2007

Bài Giáo Lý 61 trong loạt bài về Giáo Hội Hiệp Thông Tông Truyền

 

Anh chị em thân mến!

Trong hai bài giáo lý vừa rồi, chúng ta đã thực hiện một cuộc hành trình qua các Giáo Hội Đông Phương Semitic, suy niệm về  giáo phụ Aphraates người Ba Tư và Thánh Ephrem người Syria; hôm nay chúng ta trở lại với thế giới Latinh, tới miền bắc của Đế Quốc Rôma, với Thánh Chromatius  ở Aquileia.

Vị giám mục này đã thi hành thừa tác vụ của mình ở Giáo Hội  Aquileia cổ kính, một trung tâm sốt sắng sống đời Kitô hữu thuộc miền thứ 10 của Đế Quốc Rôma là "Venetia et Histria."

 

Vào năm 388, lúc mà giáo phụ Chromatius trở thành giáo chủ ở tỉnh này thì cộng đồng Kitô Giáo địa phương đã có một lịch sử rạng ngời về niềm tin tưởng vào Phúc Âm rồi. Giữa trung tuần thế kỷ thứ ba và đầu thế kỷ thứ tư, những cuộc bách hại của Decius, Valerianus và Diocletian đã sát hại một số lớn các vị tử đạo. Ngoài ra, Giáo Hội ở Aquileia, như nhiều Giáo Hội khác thời bấy giờ, phải đương đầu với tình trạng đe dọa của lạc giáo Arian.

 

Ngay đến Thánh giáo phụ Athanasius – vị trung thành tiêu biểu cho tính cách chính thống của Công Đồng Chung Nicea, vị đã bị thành phần lạc giáo Arian tống đi lưu đầy – đã tìm nương trú ở Aquileia một thời gian. Theo sự dẫn dắt của các vị giám mục của mình, cộng đồng Kitô hữu này đã đứng vững trước những cạm bẫy của lạc thuyết, và kiên  cường mối liên kết của mình với niềm tin Công Giáo.

 

Vào Tháng 9 năm 381, thành Aquileia đã điều hành một cuộc hội nghị giám mục, một hội nghị qui tụ khoảng 35 vị giám mục từ những miền duyên hải Phi Châu, thung lũng Rhodes và toàn thể miền thứ 10 này. Dự thảo của cuộc hội nghị giám mục này là để hủy hoại đi những vết tích của lạc giáo Arian ở Tây phương.  Linh mục Chromatius đã tham dự hội nghị này như là một chuyên gia của vị giám mục thành Aquileia là Valeriano (370/1-387/8). Những năm chung quanh khoảng cuộc hội nghị năm 381 này cho thấy “thời vàng son” của cộng đồng Aquileia. Thánh Giêrônimô, người bản xứ Dalmatia, và Rufino ở Concordia đã nói một cách nhung nhớ tới thời các vị còn ở Aquileia (370-373) về một thứ phái thần học được Girolamo cho là “tamquam chorus beatorum - như một ca đoàn chư thánh” (Cronaca: PL XXVII, 697-698).

 

Từ ca đoàn này – mà ở một mức độ nào đó đã nhắc lại cảm nghiệm cộng thông của giáo phụ Eusebius ở Vercelli và của Thánh Âu Quốc Tinh – đã xuất phát ra những nhân vật thích đáng nhất của các Giáo Hội Thuộc Miền Bắc Adriatic.

 

Trong gia đình của mình, Thánh Chromatius đã học hỏi để nhận biết và yêu mến Chúa Kitô. Chính Thánh Giêrônimô đã cảm phục nói về điều này, khi so sánh mẹ của Thánh Chromatus với nữ tiên tri Anna, hai người chị của ngài với các vị trinh nữ trong dụ ngôn của Phúc Âm, và chính Thánh Chromatius cùng với người anh Eusebius của mình với trẻ Samuel (x. Ep VII: PL XXII, 341). Thánh Giêrônimô còn viết về Thánh Chromatius và giáo phụ Eusebius  như sau: “Chromatius phúc đức và Eusebius thánh thiện là những người anh em theo liên hệ huyết nhục cũng như theo căn tính về các thứ lý tưởng” (Ep VIII: PL XXII, 342).

 

Thánh Chromatius vào đời ở Aquileia khoảng năm 345. Ngài được lãnh chứ phó tế rồi linh mục và sau hết làm vị mục tử của Giáo Hội ở đó (388). Sau khi thụ phong giám mục bởi Giám Mục Ambrosiô, ngài đã dấn thân cho một công việc đang gây khó khăn bởi sự rộng lớn của vùng đất được ủy thác cho ngài chăm sóc mục vụ ấy: đó là phạm vi quyền hạn của giáo hội Aquileia thực sự được bao gồm từ những lãnh thổ hiện nay của Thụy Sĩ, Bavaria, Áo  quốc và  Tiệp Khắc, mãi tới biên giới của Hung Gia Lợi.

 

Từ một đoạn đời của Thánh Gioan Kim Khẩu, chúng ta có thể suy diễn là Thánh Chromatius đã được thật sự cảm mến trong Giáo Hội vào thời của ngài. Khi vị giám mục thành Constantinople bị phát lưu đi đầy thì ngài đã viết 3 lá thư cho những vị được ngài coi là thành phần giám mục quan trọng nhất ở Tây phương, để có thể chiếm được sự hỗ trợ của vị hoàng đế: bức thư thứ nhất được gửi cho vị Giám Mục ở Rôma, bức thư thứ hai gửi cho vị giám mục ở Milan, và bức thứ ba gửi cho vị giám mục thành Aquileia tức là cho Thánh Chromatius (Ep . CLV: PG LII, 702).

 

Vì tình hình chính trị bất ổn mà đó là những thời điểm khó khăn đối với cả ngài nữa. Hầu như Thánh Chromatius đã qua đời ở chốn lưu đầy, ở Grado, trong khi cố gắng thoát khỏi những cuộc cướp đoạt của thành phần man di vào năm 407, cùng năm qua đời với Thánh Gioan  Kim Khẩu.

 

Về thế giá và tầm quan trọng thì thành Aquileia là thành thứ tư của bán đảo Ý Đại Lợi, và là thứ chín của Đế Quốc Rôma: Đó cũng là lý do tại sao thành ấy rất lôi kéo đám dân Goths và Mông Cổ. Ngoài việc gây ra những cuộc chiến tranh và hủy hoại trầm trọng, những cuộc xâm chiếm của đám dân man rợ này cũng gây tổn hại trầm trọng đến việc giao lưu các tác phẩm của các vị Giáo Phụ được bảo tồn ở thư viện giám mục ấy, một thư viện dồi dào những bản chép tay.

 

Những bản văn của Thánh Chromatius đã bị tung tán, xuất hiện  đây đó, thường được gán cho các tác giả khác chẳng hạn như cho Thánh Gioan Kim Khẩu (hầu như là vì cả hai tên gọi này đều được mở đầu giống nhau, Chromatius và Chrytostom), cho Thánh Ambrose, Thánh Âu Quốc Tinh và thậm chí cho cả chính Thánh Giêrônimô nữa, vị đã được Thánh  Chromatius giúp rất nhiều trong việc chỉnh trang về bản văn và về bản dịch Thánh Kinh tiếng Latinh.

 

Hầu hết tác phẩm của Thánh Chromatius đã được tái khám phá thấy nhờ những biến cố may mắn trong những năm gần đây giúp có thể tái lập một bộ đồng loạt các bản văn: hơn 40 bài giảng (10 bài trong số này chưa hoàn tất), và trên 60 luận đề dẫn giải Phúc Âm Thánh Mathêu.

 

Thánh Chromatius là một bậc thày khôn ngoan và là một vị mục tử nhiệt thành. Quyết tâm đầu tiên và chính yếu của ngài là việc lắng nghe Lời Chúa, để loan báo Lời Chúa: nơi giáo huấn của mình, ngài luôn bắt đầu bằng Lời Chúa và trở về với Lời Chúa.

 

Có một số đề tài đặc biệt thân  thương với ngài, nhất là về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi,  một mầu nhiệm ngài đã chiêm ngắm như mầu nhiệm này được mạc khải qua lịch sử cứu độ.

 

Đề tài thứ hai là đề tài về Chúa Thánh Linh: Thánh Chromatius liên lỉ kéo chú ý của tín hữu tới sự hiện diện và hoạt động của Ngôi Ba trong Ba Ngôi Thiên Chúa nơi đời sống của Giáo Hội.

 

Đề tài thứ ba được vị giám mục thánh này đặc biệt nhấn mạnh đó là mầu nhiệm Chúa Kitô: Lời đã hóa thành nhục thể là Thiên Chúa thực sự và là người thực sự: Người đã hóa thân làm người để ban cho nhân loại tặng ân thần thánh. Năm mươi năm sau những sự thật ấy, được sử dụng cả vào việc chống lại bè rối Arian, đã góp phần vào việc định tín của Công Đồng Chalcedon.

 

Việc nhấn mạnh đến nhân tính của Chúa Kitô đã dẫn Thánh Chromatius nói về Đức Trinh Nữ Maria. Giáo huấn của ngài về Mẹ Maria thì rõ ràng và chính xác. Chúng ta mắc nợ ngài về một số lời diễn tả sống động về vị Trinh Nữ Thánh này: Mẹ Maria là “vị trinh nữ phúc âm đã được lãnh nhận Thiên Chúa”; Mẹ là “con chiên vô nhiễm và không bị xâm phạm” đã hạ sinh “con chiên được quấn bọc trong mầu tím” (cf. Sermo XXIII, 3: Writers of the Santambrosian area 3/1, p. 134).

 

Vị giám mục thành Aquileia này thường liên kết Đức Trinh Nữ với Giáo Hội: Thật vậy, cả hai đều là “trinh nữ” và là “mẹ”. Khoa giáo hội học của Thánh Chromatius được khai triển đặc biệt từ những lời ngài dẫn giải về Phúc Âm Thánh Mathêu.

 

Một số tư tưởng được lập đi lập lại đó là Giáo Hội chỉ là một; Giáo Hội đã được hạ sinh bởi máu của Chúa Kitô; Giáo Hội là bộ y phục quí giá được Thánh Linh thêu may; Giáo Hội là nơi loan báo rằng Chúa Kitô được hạ sinh bởi Vị Trinh Nữ, và là nơi triển  nở tình huynh đệ và sự hòa hợp.

 

Thánh Chromatius đặc biệt ưu ái hình ảnh con tầu trên biển cả bão tố – thời điểm của ngài cũng là thời điểm bão tố nữa, như chúng ta đã nghe. Vị giám mục thánh thiện này đã khẳng định là “con tầu này chắc chắn là tiêu biểu cho Giáo Hội” (cf. Tract. XLII, 5: Writers of the Santambrosian area 3/2, p. 260).

 

Là một vị mục tử nhiệt thành, Thánh Chromatius đã biết cách nói năng với dân của ngài bằng một thứ ngôn ngữ tươi trẻ, khởi sắc và đanh thép. Dù cho ngài có hoàn  toàn thông thạo tiếng Latinh, ngài cũng thích sử dụng ngôn ngữ thông dụng là ngôn ngữ phong phú về những hình ảnh có thể hiểu được một cách dễ dàng.

 

Chẳng hạn, hứng khởi bởi biển cả, ngài đã so sánh tác động đánh cá là tác động một khi được kéo lên bờ thì cá đã chết với việc rao giảng Phúc Âm là việc con người được cứu khỏi những thứ nước bùn lầy của chết chóc và được dẫn đưa tới sự sống chân thực (cf. Tract. XVI, 3: Writers of the Santambrosian area 3/2, p. 106).

 

Như một vị mục tử nhân lành, trong một thời điễm hỗn loạn nhiễu nhương như thời của ngài, khi mà những cuộc cướp phá của thành phần man di đe dọa thế giới, ngài đứng về bên tín hữu để an ủi họ và hướng hồn họ về với Chúa là Đấng không bao giờ bỏ rơi con cái của Ngài.

 

Để kết thúc những suy tư này, chúng ta hãy suy niệm về một trong những lời huấn dụ của Thánh Chromatius là lời vẫn còn hiệu năng cho tới ngày nay. Vị giám mục thành Aquileia này trong một bài giảng đã khuyên dụ rằng: “Chúng ta hãy nguyện cầu để Ngài giải thoát chúng ta khỏi bất cứ một cuộc tấn công nào của kẻ thù, khỏi bất cứ nỗi hãi sợ nào trước những kẻ đối phương.

 

“Xin Ngài đừng nhìn đến các công lênh sự nghiệp của chúng ta mà đến  tình thương của Ngài, Ngài là Đấng trong quá khứ đã giải phóng con ái Yến Duyên không phải vì công nghiệp của họ mà vì tình thương của Ngài. Xin Ngài bảo vệ chúng ta bằng tình yêu nhân hậu của Ngài, và xin Ngài những gì ông Moisen Thánh Đức đã nói với con cái Yến Duyên rằng: Chúa sẽ chiến đấu bênh vực các người và các người sẽ vẫn nín lặng. Chính Người là Đấng chiến đấu, chính Ngài là Đấng mang lại chiến thắng. […]

 

“Để Ngài có thể làm như thế, chúng ta cần  phải nguyện  cầu nhiều bao nhiêu có thể. Chính Ngài phán qua cửa miệng của vị tiên tri là hãy kêu cầu danh Ta v ào ngày hoạn nạn; Ta sẽ giải phóng các người, và các người sẽ tôn vinh Ta”  (Sermo XVI, 4: Writers of the Santambrosian area 3/1, pp. 100-102).

 

Vào lúc mở màn cho Mùa Vọng đây, Thánh Chromatius nhắc nhở chúng ta rằng Mùa Vọng là thời gian nguyện cầu, và cần phải giao tiếp với Thiên Chúa. Thiên Chúa biết chúng ta, Ngài biết tôi, Ngài biết tất cả chúng ta, Ngài yêu thương tôi, Ngài sẽ không lìa bỏ tôi. Chúng ta hãy mang lấy niềm tin tưởng này trong thời điểm phụng vụ vừa được bắt đầu.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 5/12/2007