Thánh Âu Quốc Tinh

"Vị Giáo Phụ cả thể nhất của Giáo Hội Latinh"

 

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 9/1/2008

Bài Giáo Lý 63 trong loạt bài về Giáo Hội Hiệp Thông Tông Truyền

 

Anh chị em thân mến,

 

Sau những ngày mừng Lễ Giáng Sinh tôi xin trở lại với những bài suy niệm về các Vị Giáo Phụ và hôm nay nói về vị Giáo Phụ cả thể nhất của Giáo Hội Latinh, đó là Thánh Âu Quốc Tinh: một con người hăng say và tin tưởng, một con người rất thông minh và đầy nhiệt tình mục vụ. Vị đại thánh và tiến  sĩ của Giáo Hội này thường nổi tiếng, ít là về tên tuổi, ngay cả bởi những người coi thường Kitô Giáo, hay bởi những người ít  quen  thuộc với Kitô Giáo, vì ngài đã sâu xa ảnh hưởng tới đời sống văn  hóa của thế giới Tây phương, và của thế giới nói chung.

 

Vì tầm quan trọng phi thường của mình, Thánh Âu Quốc Tinh đã gây một ảnh hưởng khổng lố, lớn lao đến nỗi có thể nói, một đàng, tất cả mọi đường nẻo văn chương Latinh Kitô Giáo đều dẫn tới Hippo (ngày nay là Annaba, ở miền duyên hải xứ Algeria), nơi ngài làm giám mục, đàng khác, từ tỉnh lỵ này của Phi Châu Rôma, nơi Thánh Âu Quốc Tinh làm giám mục từ năm 395 đến 430, đã tuôn ra nhiều nẻo đường của tương lai Kitô Giáo cũng như của chính văn hóa Tây Phương.

 

Ít khi nào thấy một nền văn hóa đã gặp gỡ một nhân vật quá vĩ đại đến nỗi có khả năng bao gồm những thứ giá trị của nó cũng như có khả năng truyền bá sự phong phú nội tại của nó, khi hình thành những ý nghĩ cùng với các phương pháp giúp vào việc dinh dưỡng các thế hệ mai hậu, như Đức Phaolô VI cũng đã nhấn mạnh: “Người ta có thể nói là tất cả mọi thứ triết lý cổ thời đều qui tụ lại nơi công cuộc của ngài, và từ đó xuất phát ra những luồng tư tưởng thấm đẫm truyền thống tín lý của các thế kỷ về sau” (AAS, 62, 1970, trang 426).

 

Ngoài ra, Thánh Âu Quốc Tinh là vị Giáo Phụ của Hội Thánh đã để lại số lượng tác phẩm nhiều nhất. Tiểu sử gia của ngài là Possidius nói rằng: hầu như không thể nào mà một người có thể viết quá nhiều trong đời sống của mình như thế. Chúng ta sẽ nói về các tác phẩm khác nhau của ngài trong một buổi khác sau này. Hôm nay, chúng ta tập trung vào đời sống của ngài, một đời sống chúng ta có thể tái cấu trúc theo các tác phẩm của ngài, nhất là từ cuốn  “Tự Thú”, một tác phẩm tự thuật về mặt thiêng liêng nổi bật của ngài được viết để chuúc tụng ngợi khen Thiên C húa và là tác phẩm phổ biến nhất của ngài.

 

Chính vì chú trọng tới tính chất nội tâm và tâm lý mà cuốn “Tự Thú” của Thánh Âu Quốc Tinh mới là một mô thức đặc thù n ơi văn chương Tây phương lẫn ngoài Tây phương, thậm chí bao gồm cả văn  chương vô đạo, ngay cả tới thời đại tân tiến ngày nay. Vấn đề tập trung vào đời sống thiêng liêng, vào mầu nhiệm về bản thân mình, vào mầu nhiệm của Thiên Chúa â 3n nấp trong bản thân  mình, là một điều phi thường vô tiền, và vẫn còn có thể nói là “tột đỉnh” về phương diện tâm linh.

 

Thế nhưng, trở lại với đời sống của ngài, Thánh Âu Quốc Tinh được sinh ra tại Tagaste – tại một địa hạt thuộc đế quốc Rôma ở Phi Châu – vào ngày 13/11/354, con của ông Patrick, một người ngoại sau trở thành một người dự tòng, và bà Monica, một Kitô hữu nhiệt thành. Người phụ nữ nhiệt thành này, được tôn kính như một vị thánh, đã ảnh hưởng rất nhiều nơi người con trai của bà và đã giáo dục người con này theo niềm tin Kitô Giáo. Thánh Âu Quốc Tinh cũng đã lãnh nhận muối, như dấu hiệu đón nhận vào thành [hần dự tòng. Ngài bao giờ cũng cảm thấy bị thu hút bởi hình ảnh của Chúa Giêsu Kitô; ngài nói rằng ngài đã luôn luôn mến yêu Chúa Giêsu, thế nhưng càng lớn ngài càng xa lìa đức tin và việc thực hành của Giáo Hội, như vẫn thường xẩy ra cho nhiều giới trẻ ngày nay. 

 

Thánh Âu Quốc Tinh cũng có một người anh em là Navigius, và một người chị em mà chúng ta không biết tên, và là người khi góa bụa đã làm đầu của một nữ đan viện.

 

Thánh Âu Quốc Tinh có một trí thông minh sắc sảo và được giáo dục tốt đẹp, mặc dù ngài không phải lúc nào cũng là một học sinh gương mẫu. Ngài đã học văn phạm, đầu tiên ở tỉnh nhà của mình rồi ở Madaurus, và bắt đầu vào năm 370 ngài đã lấy môn ngữ học ở Carthage, thủ đô của đế quốc Rôma ở Phi Châu. Ngài đã thông thạo tiếng Latinh, nhưng không bằng tiếng Hy Lạp hay Punic, ngôn ngữ người đồng hương của ngài.

 

Chính ở Carthge ngài đã đọc cuốn “Hortesius” lần đầu tiên, một tác phẩm của Cicero – sau này bị thất lạc – và là cuốn sách khiến ngài bắt đầu con đường hoán cải. Cuốn sách này khơi lên trong ngài một lòng mến yêu sự khôn ngoan, như được ngài xác nhận trong các bản văn là giám mục của mình trong cuốn “Tự Thú”: “Cuốn sách này đã làm thay đổi cảm thức của tôi” sâu mạnh đến nỗi “đột nhiên, hết mọi thứ hy vọng hão huyền đều chẳng còn là gì đối với tôi nữa, và tôi ước mong được đức khôn ngoan bất tử bằng một nhiệt tình không thể nào tưởng tưởng nổi nơi tôi” (III, 4, 7).

 

Thế nhưng, vì ngài tin tưởng rằng nếu không có Chúa Giêsu thì cũng không thể nào thực sự tìm thấy được chân  lý, và vì trong cuốn sách đó thiếu mất tên tuổi của ngài nên  ngài liền tìm đọc Thánh Kinh, Sách Thánh. Song ngài đã cảm thấy chán nản. Chẳng những bản dịch Latinh Thánh Kinh không đầy đủ mà còn chính nội dung của Thánh Kinh cũng dường như không làm cho ngài được thỏa nguyện.

 

Trong các tường thuật về chiến  tranh cùng với những biến cố khác của con người, ngài không thể tìm thấy những gì tột đỉnh của triết học, tím thấy ánh rạng ngời của việc tìm kiếm sự thật của nó. Tuy nhiên,  ngài lại không muốn thiếu vắng Thiên Chúa, và vì thế ngài đã tìm kiếm một tôn giáo ăn khớp với ước muốn sự thật của ngài cũng như ước mong được sống gần gũi với Chúa Giêsu.

 

Ngài đã rơi vào màng lưới của những người theo phái Nhị Nguyên Thuyết, thành phần cho mình là Kitô hữu và hứa hẹn về một thứ tôn giáo hoàn toàn theo lý trí. Họ khẳng định rằng thế giới này được chia làm hai nguyên  lý: nguyên lý thiện và nguyên lý ác. Đó là những gì giải thích cho thấy tính cách phức tạp rắc rối của lịch sử loài người. Thánh Âu Quốc Tinh cũng thích thứ luân lý lưỡng diện này, vì nó bao gồm một thứ luân lý rất cao đối với những kẻ được tuyển chọn: và đối với những người, như ngài, những người thiết tha với nó, có thể sống một đời sống xứng hợp với các thời điểm, nhất là đối với một con người trẻ. Bởi thế ngài đã thành một thành viên của phái Nhị Nguyên Thuyết, tin tưởng rằng ngài đã tìm thấy được sự tổng hợp giữa lý trí, việc tìm kiếm chân lý và tình yêu mến Chúa Giêsu Kitô.

 

Và đời sống riêng tư của ngài cũng có lợi nữa, ở chỗ, đóng vai trò một người Nhị Nguyên Thuyết thì dễ có những cơ hội về nghề nghiệp. Việc gắn bó với thứ đạo giáo này, một đạo giáo bao gồm nhiều nhân vật tiếng tăm, đã khiến ngài bắt đầu theo đuổi mối liên hệ với một người nữ, và tiếp tục nghề nghiệp của ngài. Ngài đã có một người con trai tên là Adeodatus với người đàn bà ấy, nó rất thân thương đối với ngài, rất ư là thông minh, và là người sau đó hiện diện trong cuộc dọn mình lãnh nhận Phép Rửa của Thánh Âu Quốc Tinh ở Lake Como, trở thành yếu tố cho “những Cuộc Đối Thoại” được Thánh Âu Quốc Tinh lưu lại cho chúng ta. Tiếc thay, người con trai này đã bị chết yểu.

 

Sau khi dạy văn phạm ở tỉnh nhà của mình vao tuổi 20, ngài đã sớm trở lại Carthage là nơi ngài đã trở thành một bậc thày khôn ngoan và nổi danh về ngôn ngữ học. Tuy nhiên, qua giòng thời gian, Thánh Âu Quốc Tinh đã xa rời niềm tin tưởng của phái Nhị Nguyên Thuyết. Nó làm cho ngài không được thỏa mãn về lý trí vì nó thực sự không giải quyết được những ngờ vực của ngài. Ngài đã di chuyển tới Rôma, rồi tới Milan, nơi ngài đã chiếm được vị trí thế giá trong triều đình của hoàng đế, nhờ những lời khuyên dụ của vị thống đốc Rôma là một con người ngoại đạo tên là Symmachus, nhân vật hận thù vị giám mục ở Milan là Thánh Ambrôsiô.

 

Thoạt tiên, vì muốn trau dồi thêm khả năng vốn liếng về ngữ từ học của mình, Thánh Âu Quốc Tinh đã bắt đầu tham dự các bài diễn thuyết hùng hồn của Giám Mục Ambrose, vị đã từng là đại diện của hoàng đế ở miền Bắc Ý quốc; ngài đã cảm thấy bị thu hút bởi những lời lẽ của thánh nhân, chẳng những vì tính cách lợi khẩu của chúng, mà còn vì nó đánh động lòng của ngài nữa. Vấn đề chính yếu của Cựu Ước – ở chỗ thiếu tính cách hùng biện và cao độ triết học – đã tự giải tỏa nơi các bài nói của Thánh Ambrôsiô nhờ những dẫn giải theo khoa biểu tượng học của Cựu Ước, ở chỗ Thánh Âu Quốc Tinh đã hiểu được rằng Cựu Ước là một cuộc hành trình tiến đến với Chúa Giêsu Kitô. Bởi thế ngài đã thấy được cái then chốt để hiểu vẻ đẹp, chiều sâu triết lý nơi Cựu Ước, và ngài đã hiểu được mối hiệp nhất về mầu nhiệm của Chúa Kitô trong lịch sử, cùng với sự tổng hợp giữa triết học, lý trí và đức tin nơi LỜi, nơi Chúa Kitô, Lời hằng hữu đã hóa thành nhục thể.

 

Thánh Âu Quốc Tinh đã mau chóng nhận ra được cách đọc Thánh Kinh theo kiểu ẩn dụ và triết lý tân Plato như  cách của vị giám mục thành Milan đã giúp ngài giải quyết được những khó khăn về trí óc ngài gặp phải vào thời còn trẻ khi ngài mới chạm tới các bản văn thánh kinh mà ngài cho rằng bất khả khắc phục.

 

Thánh Âu Quốc Tinh đã tiếp tục đọc các tác phẩm của những vị triết gia cùng với Thánh Kinh, nhất là những thư của Thánh Phaolô. Việc trở lại với Kitô Giáo của ngài, ngày 15/8/386, bởi thế xẩy ra ở tột đỉnh của một cuộc hành trình nội tâm lâu dài và trăn trở sẽ được chúng ta nói tới ở một bài giáo lý khác; con người Phi Châu này đã di chuyển tới xứ sở ở phía bắc Thành Milan gần Lake Como – với người mẹ của ngài là Monica, với người con trai của ngài là Adeodatus, và một nhóm nhỏ bạn hữu – để sửa soạn lãnh nhận phép rửa. Vào năm 32 tuổi, Thánh Âu Quốc Tinh đã trở thành Kitô hữu bởi Thánh Ambrose ngày 24/4/387, trong thánh lễ vọng Phục Sinh ở Vương Cung Thánh Đường thành Milan.

 

Sau biến cố rửa tội của mình, Thánh Âu Quốc Tinh quyết định trở về Phi Châu với bạn bè của ngài, với ý định là sẽ thực hành một đời sống đan tu chung để phục vụ Thiên Chúa. Thế nhưng, ở Ostia, trong khi chờ đợi lên đường thì mẹ của ngài đột nhiên lâm trọng bệnh và qua đời ít lâu sau, làm cho tâm can của người con trai của bà quằn quại nhức nhối.

 

Trở về quê hương xứ sở của mình, ngài đã lưu ngụ ở Hippo để lập một đan viện. Ở tỉnh lỵ miền duyên hải Phi Châu này ngài đã được thụ phong linh mục vào năm 391, bất chấp việc chối từ của ngài, và bắt đầu một đời sống đan tu với một số bạn hữu, chia giờ giấc của mình ra để nguyện cầu, học hỏi và giảng dạy. Ngài chỉ muốn phục vụ chân lý mà thôi, chứ ngài không cảm thấy được kêu gọi sống đời mục vụ; thế rồi ngài đã hiểu rằng ơn gọi của Thiên Chúa đó là trở thành một vị mục tử giữa con người và cống hiến cho họ tặng ân chân lý.

 

Bốn  năm sau, vào năm 395, ngài được tấn phong giám mục ở Hippo. Sâu xa học hỏi Thánh Kinh và các bản văn của truyền thống Kitô Giáo, Thánh Âu Quốc Tinh đã là một vị giám mục gương mẫu trong việc dấn thân mục vụ không ngừng của ngài: Ngài đã giảng dạy tín hữu mấy lần một tuần, ngài đã giúp kẻ nghèo khổ và mồ côi, ngài đã theo dõi việc giáo huấn hàng giáo sĩ và tổ chức các đan viện nữ giới cũng như nam giới.

 

Tóm lại, ngài quyết tâm trở thành một trong con người đại diện quan trọng nhất của Kitô Giáo trong thời của ngài, ở chỗ, khi tỏ ra rất năng động trong việc cai quản giáo phận của ngài – với những thành quả đáng kể cả về dân sự nữa – trên 30 năm thuộc hàng giáo phẩm, vị giám mục thành Hippo này đã gây được một ảnh hưởng lớn lao to tát trong vai trò lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo ở Phi Châu Rôma, nói chung ở Kitô Giáo vào thời của ngài, đối đầu với Manichaeism, Donatism và Pelagianism, là những bè rối đang tác hại đức tin Kitô Giáo cũng như đến Vị Thiên Chúa duy nhất đầy ân sủng. Thánh Âu Quốc Tinh đã phó thác bản thân kình cho Thiên Chúa hằng ngày, cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời ngài. Ngài đã bị lên cơn sốt, trong khi thành Hippo đang bị các kẻ xâm chiếm công hãm. Vị giám mục này – như người bạn của ngài là Possidius cho chúng ta biết ở cuốn “Cuộc Đời Âu Quốc Tinh – Vita Augustini” – đã xin sao chép thành những chữ lớn các bài thánh vịnh thống hối, “và ngài đã cắm những tờ giấy ấy lên tường, để trong khi bị bệnh, ngài có thể đọc chúng đang khi nằm trên giường, và ngài đã không ngừng kêu khóc bằng những giọt lệ nồng” (31,2); đó là cách Thánh Âu Quốc Tinh đã sống những ngày cuối đời của ngài. Ngài đã chết vào ngày 28/8/430, hưởng thọ 75 tuổi. Chúng ta sẽ giành các buổi tới để chia sẻ về những tác phẩm của ngài, sứ điệp của ngài và cảm nghiệm nội tâm của ngài.

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 9/1/2008