Thánh Đại Giáo Phụ Âu Quốc Tinh: Những Ngày Cuối Đời
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 16/1/2008
Bài Giáo Lý 64 trong loạt bài về Giáo Hội Hiệp Thông Tông Truyền
Anh chị em thân mến,
Hôm nay, như Thứ Tư tuần vừa rồi, tôi muốn bàn về vị đại giám mục thành Hippo đó là Thánh Âu Quốc Tinh. Bốn năm trước khi qua đời, ngài đã muốn bổ nhiệm vị thừa kế của ngài. Để làm điều ấy, ngài đã tập trung dân chúng lại tại Đền Thờ Hòa Bình ở Hippo để ngài có thể trình bày cùng họ việc chọn lựa của ngài vào nhiệm vụ ấy.
Ngài đã nói rằng: “Tất cả chúng ta đều phải chết, song chẳng ai có thể biết chắc được ngày cuối cùng của cuộc đời mình. Dù sao đi nữa, vào thời còn thơ ấu, chúng ta hy vọng tiến đến tuổi thanh thiếu niên, ở tuổi thanh thiếu niên, chúng ta mong tới tuổi thành nhân, ở tuổi thành nhân chúng ta hướng tới tuổi trung niên, và ở tuổi trung niên chúng ta tiến tới tuổi già. Chúng ta không bao giờ chắc chắc được rằng chúng ta sẽ tiến tới chỗ đó, song đó là niềm hy vọng của chúng ta.
“Tuy nhiên, tuổi già không còn được tiếp nối bởi một đoạn đời khác như chúng ta có thể trông mong; tình trạng kéo dài của nó là những gì không biết được. Tôi đã đến với thành phố này khi cuộc đời còn sung sức, thế nhưn g giờ đây tuổi trẻ của tôi chẳng còn và tôi đã là một con người già cả” (Ep 213, 1).
Tới đây, Thánh Âu Quốc Tinh đã nói với họ về tên của vị thừa kế do ngài chọn lựa, đó là linh mục Heracles. Dân chúng vang lên tiếng hoan hô chấp nhận và lập lại 23 lần rằng: “Tạ ơn Thiên Chúa! Chúc tụng Chúa Kitô!” Họ tiếp tục hô lên việc chấp thuận của mình khi Thánh Âu Quốc Tinh nói với họ về những dự địn h của ngài cho tương lai. Ngài muốn giành những năm còn lại của cuộc đời mình vào việc học hỏi sâu xa hơn Thánh Kinh (Ep 213, 6).
Thật vậy, 4 năm sau đó là một thời gian hoạt động đặc biệt về trí năng: Thánh Âu Quốc Tinh đã thực hiện những hoạt động quan trọng của ngài, ngài đã thực hiện những hoạt động mới nhưng không kém phần gay gay đòi hỏi, ngài đã tổ chức những cuộc bàn luận với thành phần lạc giáo – ngài luôn tìm cách đối thoại – và ngài đã can thiệp vào việc cổ võ hòa bình ở các địa hạt Phi Châu bấy giờ đang bị quay nhiễu bởi những bộ lạc man rợ miền nam.
Đó là lý do ngài đã viết cho Bá Tước Darius, vị đã đến Phi Châu để chấm dứt mối bất đồng giữa Bá Tước Boniface và Đế Triều, một tình trạng bất hòa đang bị các bộ lạc Mauri lạm dụng cho những cuộc cướp chiếm của họ. Ngài đã khẳng định trong bức thư của mình rằng: “Một danh xưng vinh quang cao cả hơn đó là triệt hạ chiến tranh bằng ngôn từ, hơn là sát nhân bằng gươm kiếm, và đạt được hoặc gìn giữ hòa bình bằng hòa bình chứ không phải bằng chiến tranh. Thực sự những thành phần chiến đấu, nếu họ tốt lành, cũng là những người tìm kiếm hòa bình, thế nhưng phải trả giá bằng máu đổ. Ngược lại, ngài đã được sai đến để ngăn ngừa đổ máu ở cả đôi bên” (Ep 229, 2).
Tiếc thay, niềm hy vọng hòa bình này ở các lãnh thổ Phi Châu đã không được nên trọn: Vào tháng năm 429, đám Vandals, được mời đến Phi Châu bởi chính Boniface vì giận tức, đã vượt qua giải Gibraltar để tiến vào Mauritania. Cuộc xâm chiếm nhanh chóng làn tràn tới các địa hạt giầu có khác ở Phi Châu. Vào Tháng Năm hay Sáu năm 430, “đám quân hủy hoại Đế Quốc Rôma ấy”, như Possidius đã gọi đám dân man rợ này như vậy (“Vita”, 30, 1), đã vây chiếm thành Hippo, Boniface cũng phải tìm nơi ẩn náu trong thành; ông ta đã làm hòa quá trễ với Triều Đình và bấy giờ đang cố gắng để ngăn chặn đám quân xâm lược, thế nhưng không thành. Tiểu sử gia Possidius đã diễn tả nỗi đớn đau của Thánh Âu Quốc Tinh như sau: “Nước mắt của ngài đã trở nên bánh ăn ngày đểm của ngài một cách ngoại thường, và khi tiến gần tới tận cùng của cuộc đời mình, hơn ai hết, ngài đã lê lết tuổi già của mình trong cay đắng và khóc than” (“Vita”, 28, 6). Vị tiểu sử gia này giải thích rằng: “Con người của Thiên Chúa ấy thực sự chứng kiến thấy cảnh tàn sát và hủy hoại các phố thị; những nhà cửa ở miền quê bị hủy hoại và các dân cư bị đám quân thù này sát hại, hoặc buộc phải tẩu thoát; các nhà thờ thiếu linh mục và các thừa tác viên; những người trinh nữ và đan sĩ thánh đức bị tản mát; trong số họ có một số bị tra tấn hành hạ và giết chết, những người khác thì bị gươm đao sát hại, những kẻ khác nữa bị cầm tù; họ mất niềm tin và tính chất nguyên vẹn nơi linh hồn và thể xác của họ, bị đám quân thù của mình bắt làm tôi mọi một cách thê thảm và lâu dài” (ibid. 28, 8).
Bất chấp tuổi già và mệt mỏi, Thánh Âu Quốc Tinh vẫn kiên cường, an ủi mình cũng như người khác bằng nguyện cầu và suy niệm về mầu nhiệm ý muốn của Thiên Chúa. Ngài đã nói về “tuổi già của thế giới” – và thế giới Rôma này thực sự là già nua. Ngài đã nói về tuổi già này như ngài đã nói vào những năm trước kia để an ủi thành phần tị nạn Ý quốc khi đám rợ Goths từ Alaric xâm chiếm thành Rôma. Ở tuổi già thì mắc đầy những bệnh nạn, nào ho hen, nào viêm chảy, nào lo âu, nào bạc nhược. Cho dù thế giới có thành già nua Chúa Kitô vẫn muôn đời trẻ trung.
Bởi vậy ngài đã mời gọi họ rằng: “Đừng từ chối việc lại trở thành trẻ trung liên kết với Chúa Kitô, cho dù trong một thế giới già lão. Người nói cùng các bạn rằng: Đừng sợ, tuổi trẻ của các bạn sẽ được đổi mới như tuổi trẻ của chim phượng hoàng” (cf. Serm. 81, 8). Bởi thế, Kitô hữu không được chán nản ngay cả trong những trường hợp khó khăn, thế nhưng họ cần phải giúp đỡ những ai cần thiết. Đó là những gì vị đại tiến sĩ này khuyên bảo, khi trả lời cho vị giám mục thành Tiabe là Honoratus, vị đã hỏi ngài rằng một vị giám mục, linh mục hay bất cứ con người nào của Giáo Hội có thể tẩu thoát để cứu mạng sống của mình hay chăng khi bị quân man di xâm chiếm: “Khi tất cả mọi người đang gặp nguy hiểm – giám mục, giáo sĩ và giáo dân - thì không thể bỏ mặc những ai đang cần thiết. Trong trường hợp ấy, tất cả những người này cần phải chuyển đến những nơi an toàn; thế nhưng một số vẫn cần phải ở lại; những người có nhiệm vụ trợ giúp họ bằng thừa tác vụ thánh không được bỏ họ một mình, như thế tất cả một là cứu lấy nhau, hay cùng nhau chịu thảm họa Cha trên trời muốn họ phải chịu đựng” (Ep 228, 2).
Và ngài kết luận rằng: “Đó là cái thử thách cao cả của đức bác ái” (ibid. 3). Nơi những lời này, làm sao chúng ta lại không nhận thấy một sứ điệp hào hùng mà nhiều vị linh mục đã ôm ấp và sống động qua các thế kỷ chứ?
Trong lúc đó thì thành Hippo giữ chay tịnh. Căn nhà đan viện của Thánh Âu Quốc Tinh đã mở cửa cho các vị đồng bạn trong hàng giáo phẩm bấy giờ đang tìm nơi trú ẩn. Trong số đó có Possidius, vị đã là môn đệ của ngài, người đã cố gắng để lại cho chúng ta một trình thuật trực tiếp về những ngày cuối cùng thê thảm ấy. Vị này nói với chúng ta rằng: “Vào tháng thứ ba của cuộc công hãm ấy, ngài đã lên cơn sốt: Đó là cơn bệnh cuối cùng của ngài” (“Vita”, 29, 3). Con người thánh thiện khả kính lão thành này đã quyết định giành thời gian còn lại của mình để thiết tha nguyện cầu. Ngài thường khẳng định rằng cho dù không một ai, giám mục, đan sĩ, hay giáo dân không chê trách được gì về đức hạnh của ngài đi nữa, thì khi chạm trán với sự chết lại không thể nào không thực hiện thích đáng việc ăn năn thống hối. Đó là lý do tại sao theo giòng nước mắt ngài đã liên tục đọc lại những bài thánh vịnh thống hối mà ngài đã rất thường đọc với dân chúng của ngài (cf ibid 31, 2).
Khi bệnh tình trở nặng, vị giám mục hấp hối này càng cảm thấy cần sống thanh vắng và nguyện cầu: “Khoảng 10 ngày trước khi lìa bỏ xác thân, để khỏi bị phân tâm, ngài đã van xin chúng tôi đừng để ai vào phòng của ngài ngoài những giờ viếng thăm chữa trị bệnh nạn hay giờ ấn định ăn uống. Những gì ngài mong muốn đã được tuân thủ và trong suốt thời gian đó ngài đã cầu nguyện” (ibid 31, 3). Ngài đã chết vào ngày 28/8/430: Trái tim to tát của ngài cuối cùng đã được nghỉ yên trong Chúa.
Possidius đã cho chúng ta biết rằng: “Chúng tôi đã giúp vào việc di chuyển thân thể của ngài, một thân thể đã được hiến dâng cho Thiên Chúa, và rồi ngài đã được mai táng” (Life, 31, 5). Vào một thời điểm nào đó – ngày tháng không rõ – xác của ngài đã được chuyển tới Sardinia, và từ đó tới Pavia khoảng năm 725, đến Đền Thờ San Pietro ở Ciel d’oro, nơi ngài yên nghỉ hôm nay đây.
Vị tiểu sử gia tiên khởi này đã phát biểu nhận định kết thúc sau đây về ngài: “Ngài đã để lại một hàng giáo sĩ đông đảo cho Giáo Hội, cùng với các đan viện nam giới và nữ giới với những con người hiến mình tuân phục các bề trên của mình. Ngài đã để lại cho chúng ta những thư viện với những sách vở và bài nói của ngài cũng như của những con người thánh thiện khác, từ đó, nhờ ơn Chúa, chúng ta có thể suy ra công nghiệp và tầm vóc của ngài trong Giáo Hội, và từ đó tín hữu luôn tái nhận thức được ngài” (Possidius, “Vita”, 31, 8).
Chúng ta có thể chú ý tới nhận định này, đó là nơi các văn bản của ngài chúng ta cũng “tái khám phá ra ngài”. Khi tôi đọc những tác phẩm của Thánh Âu Quốc Tinh, tôi không tưởng rằng ngài đã qua đi cách đây trên dưới 1600 năm trước, tôi cảm thấy ngài là một con người hiện đại: một người bạn, một người đồng thời đang nói với tôi, ngài nói với chúng ta bằng xác thịt của ngài và bằng niềm tin tân tiến.
Nơi Thánh Âu Quốc Tinh, vị đang nói với chúng ta – vị nói với tôi ở chỗ chúng ta qua các bản văn của ngài – chúng ta thấy được tính chất hiện thực vĩnh viễn niềm tin tưởng của ngài; về một đức tin bắt nguồn từ Chúa Kitô, lời hằng hữu đã hóa thành nhục thể, Con Thiên Chúa và con loài người. Niềm tin này không thuộc về ngày hôm qua, cho dù nó được giảng dạy hôm qua. Nó mãi mãi là hôm nay, vì Chúa Kitô thực sự là hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Người là đường, là sự thật và là sự sống. Thánh Âu Quốc Tinh khuyến khích hãy phó thác bản thân chúng ta cho Chúa Kitô hằng sống và nhờ Người tìm thấy được con đường dẫn đến sự sống.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 16/1/2008