Thánh Giáo Phụ Âu Quốc Tinh

 

Đức Tin và Lý Trí

 

Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 30/1/2008

Bài Giáo Lý 65 trong loạt bài về Giáo Hội Hiệp Thông Tông Truyền

 

 

Các bạn thân mến,

 

Sau Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Mối Hiệp Nhất Kitô Giáo, hôm nay chúng ta trở lại với hình ảnh cao cả của Thánh Âu Quốc Tinh. Vào năm 1986, nhân dịp kỷ niệm 1.600 năm ngài trở lại, vị tiền  nhiệm Gioan Phaolô II yêu dấu của tôi đã giành cả một văn kiện dài và chi tiết về Thánh Âu Quốc Tinh, bức tông thư "Augustinium Hipponensem." Chính vị Giáo Hoàng này đã muốn diễn tả văn kiện ấy như “việc tạ ơn Thiên Chúa về tặng ân Ngài đã ban cho Giáo Hội cũng như cho toàn thể nhân loại nơi cuộc trở lại tuyệt vời ấy” (AAS, 74, 1982, p. 802). Tôi sẽ trở lại với đề tài hoán cải vào một buổi Triều Kiến chung khác. Đây là một đề tài nống cốt chẳng những cho đời sống riêng tư của Thánh Âu Quốc Tinh mà còn cho cả đời sống của chúng ta nữa. Trong bài Phúc Âm Chúa Nhật vừa rồi chính Chúa đã tóm gọn việc giảng dạy của Người bằng lời: “Hãy thống hối”. Theo chân của Thánh Âu Quốc Tinh, chúng ta mới có thể về những gì liên quan tới việc hoán cải: nó là một cái gì đó dứt khoát, quyết liệt song là một quyết định trọng yếu cần phải phát triển, cần phải thực hiện suốt cuộc sống của chúng ta.

 

Sự thật cư ngụ ở trong con người nội tại

 

Tuy nhiên, bài giáo lý hôm nay nhắm đến chủ đề về đức tin và lý trí, một đề tài quan trọng, hay đúng hơn, là đề tài quan trọng đối với tiểu sử của Thánh Âu Quốc Tinh. Khi còn là một con trẻ, ngài đã học biết đức tin Kitô giáo từ Thánh Monica, mẹ của ngài. Thế nhưng, ngài đã bỏ đức tin này ở vào tuổi thanh thiếu niên, vì ngài không nhận ra được cái hợp lý của nó và đã tẩy chay một tôn giáo mà theo ý nghĩ của ngài không thể hiện lý trí, tức là không biểu lộ sự thật. Niềm khát khao chân lý của ngài là những gì sâu xa, bởi thế đã dẫn ngài đến chỗ lìa xa đức tin Công Giáo. Tuy nhiên, khuynh hướng mạnh mẽ muốn kiếm tìm chân lý này của ngài đã khiến ngài không thỏa mãn với những thứ triết lý không dẫn đến chính sự thật, không dẫn đến Thiên Chúa và đến một vị Thiên Chúa không chỉ là một giả thuyết tối hậu về vũ trụ mà còn là Vị Thiên Chúa chân thực, Vị Thiên Chúa ban sự sống và đi vào đời sống của chúng ta.

 

Như thế việc phát triển toàn diện về lý trí và tâm linh của Thánh Âu Quốc Tinh cũng là một kiểu mẫu hợp thời ngày nay đối với mối liên hệ giữa đức tin và lý trí, một chủ đề chẳng những giành cho thành phần tín hữu mà còn cho hết mọi người tìm kiếm chân lý nữa, một đề tài chính yếu cho tình trạng quân bình và định mệnh của hết mọi người. Hai chiều kích này, đức tin và lý trí, không được tách rời nhau hay trở thành tương phản; trái lại, chúng phải luôn cùng nhau sánh bước. Như chính Thánh Âu Quốc Tinh đã viết sau khi trở lại rằng “đức tin và lý trí là hai năng lực dẫn chúng ta đến chỗ hiểu biết (Contra Academicos, III, 20, 43). Về vấn đề này, nhờ hai công thức xác đáng nổi tiếng của Thánh Âu Quốc Tinh (cf. Sermones, 43, 9) cho thấy cái tổng hợp chặt chẽ của đức tin và lý trí: crede ut intelligas (“tin để hiểu biết”) – tin tưởng mở đường cho việc vượt qua ngưỡng cửa của sự thật – thế nhưng cũng không thể nào thiếu vấn đề intellige ut credas (“hiểu để tin hơn”), người tín hữu mới đào sâu vào sự thật để có thể thấy Thiên Chúa và để có thể tin tưởng.

 

Hai khẳng định của Thánh Âu Quốc Tinh thực sự trực tiếp cho thấy hết sức tương ứng với cái tổng hợp về vấn đề được Giáo Hội Công Giáo cảm thấy biểu lộ trong cuộc hành trình của mình. Tổng hợp này đã được hình thành trong lịch sử thậm chí cả trước khi Chúa Kitô xuất hiện, ở nơi cuộc gặp gỡ giữa niềm tin Do Thái và tư tưởng Hy Lạp thuộc Do Thái Giáo theo văn hóa Hy Lạp. Ở giai đoạn sau đó, cái tổng hợp này đã được tiếp tục và khai triển bởi nhiều tư tưởng gia Kitô Giáo. Việc hòa hợp giữa đức tin và lý trí trước hết có nghĩa là Thiên Chúa không phải là những gì xa vời: Ngài không xa cách với lý trí của chúng ta và với đời sống của chúng ta; Ngài gần gũi với hết mọi con người, gần gũi với tâm can của chúng ta cũng như với lý trí của chúng ta, nếu chúng ta thực sự bắt đầu cuộc hành trình ấy.

 

Thánh Âu Quốc Tinh đã cảm thấy Thiên Chúa gần gũi con người một cách hết sức mãnh liệt. Sự hiện diện của Thiên Chúa nơi con người thì sâu xa và đồng thời cũng huyền nhiệm, song họ có thể nhận ra nó và khám phá thấy nó một cách sâu xa trong bản thân mình. Con người hoán cải này đã nói: “Đừng đi ra ngoài, hãy trở về nội tâm của bạn; sự thật cư ngụ ở trong con người nội tại; và nếu bạn thấy cái bản tính của mình là những gì đổi thay thì hãy siêu việt hóa bản thân mình. Thế nhưng, xin hãy nhớ rằng, khi bạn siêu việt hóa bản thân mình là bạn đang siêu việt hóa một linh hồn biết lý luận đó. Bởi thế, bạn hãy vươn tới chỗ nào mà lý trí của bạn được thắp sáng lên” (De vera religione, 39, 72). Điều này giống như những gì chính ngài đã nhấn mạnh bằng một câu nói rất thời danh ở đầu cuốn Tự Thú, một cuốn tự thuật về tâm linh được ngài viết để chúc tụng Thiên Chúa: “Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa nên lòng chúng con khắc khoải cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa” (I, 1,1).

 

Bởi vậy, việc xa vời của Thiên Chúa là những gì tương đương với việc xa vời của bản thân con người: Thánh Âu Quốc Tinh đã thú nhận (Confessions, III, 6, 11) khi trực tiếp thân thưa cùng Thiên Chúa rằng “thế nhưng Chúa còn sâu thẳm hơn tận thâm cung của con và cao vời hơn cái tột đỉnh trong con”, interior intimo meo et superior summo meo; để rồi, như ngài đã nói thêm ở một đoạn khác khi nhớ tới thời đoạn trước cuộc hoán cải của ngài, “Chúa ở đó trước cả con nữa, song con đã lìa bỏ bản thân con. Con thậm chí không thể thấy được chính bản thân mình, lại càng không thể thấy được Chúa” (Confessions, V, 2, 2). Chính vì Thánh Âu Quốc Tinh đã sống cuộc hành trình lý trí và tâm linh này bằng con người đầu tiên ấy mà ngài đã miêu tả nó ở những tác phẩm khác một cách mật thiết, sâu xa và khôn ngoan, khi nhìn nhận, ở hai đoạn nổi tiếng khác trong cuốn Tự Thú (IV, 4, 9 and 14, 22), rằng con người là “một bí ẩn vĩ đại” (magna quaestio) và là “một vực thẳm khổng lồ” (grande profundum), một bí ẩn và một vực thẳm chỉ duy một mình Chúa Kitô mới có thể soi chiếu và cứu vớt chúng ta mà thôi. Vấn đề quan trọng là ở chỗ con người nào xa lìa Thiên Chúa thì cũng xa lìa bản thân mình, xa lạ với bản thân mình, và chỉ có thể gặp được bản thân mình nhờ việc hội ngộ với Thiên Chúa. Nhờ đó, họ mới trở về với chính mình, với chính con người thực của họ, với căn tính đích thực của họ.

 

“Con đã muộn màng yêu mến Chúa”

 

Sau này, trong cuốn Thành Đô của Thiên Chúa – De Civitate Dei (Xii, 27), Thánh Âu Quốc Tinh đã nhấn mạnh rằng con người tự bản chất có xã hội tính, thế nhưng lại sống phản lại với xã hội bởi tình trạng bại hoại của mình và đã được Chúa Kitô cứu, Đấng là Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại và là “đường lối phổ quát của tự do và ơn cứu độ”, như Vị Tiền Nhiệm Gioan Phaolô II của tôi đã nói (Augustinum Hipponensem, n. 3). Ngoài con đường này, Thánh Âu Quốc Tinh còn nói, “một con đường không bao giờ thiếu vắng đối với con người, không ai đã từng được giải phóng, không ai sẽ được giải phóng” (De Civitate Dei, X, 32, 2). Là Vị Trung Gian duy nhất của ơn cứu độ, Chúa Kitô là Đầu của Giáo Hội và mầu nhiệm liên kết với Giáo Hội cho đến độ Thánh Âu Quốc Tinh có thể nói: “Chúng ta đã trở nên Chúa Kitô. Vì, nếu Người là Đầu, thì chúng ta là chi thể; Người và chúng ta cùng nhau là một con người hoàn toàn” (In Iohannis evangelium tractatus, 21, 8).

 

Dân Chúa và nhà Chúa: Giáo Hội, theo quan điểm của Thánh Âu Quốc Tinh, bởi thế gắn liền với quan niệm về Thân Mình Chúa Kitô, một quan niệm được căn cứ vào việc tái giải thích Cựu Ước về Kitô học cũng như vào đời sống bí tích được tập trung nơi Thánh Thể là bí tích Chúa ban cho chúng ta Thân Mình của Người và biến đổi chúng ta thành Thân Mình Người. Bởi vậy, vấn đề trọng yếu đó là Giáo Hội, Dân Chúa theo nghĩa Kitô học chứ không phải xã hội học, thực sự được tháp nhập vào Chúa Kitô, Đấng mà, như Thánh Âu Quốc Tinh nói ở một đoạn văn tuyệt vời là “cầu cho chúng ta, cầu trong chúng ta và cầu bởi chúng ta; Người cầu cho chúng ta như là vị tư tế của chúng ta, Người cầu trong chúng ta như là vị thủ lãnh của chúng ta, và Người cầu bởi chúng ta như là vị Thiên Chúa của chúng ta: bởi thế chúng ta hãy công nhận Người là tiếng nói của chúng ta và công nhận bản thân của chúng ta là bản thân của Người” (Enarrationes in Psalmos, 85, 1).

 

Cuối bức Tông Thư Augustinum Hipponensem, Đức Gioan Phaolô II muốn xin chính Vị Thánh này những gì thánh nhân cần phải nói với con người ngày nay, và những câu trả lời, trước hết, là những lời Thánh Âu Quốc Tinh nói trong một bức thư được đọc cho viết sau cuộc hoán cải của ngài: “Đối với tôi thì dường như cần phải lấy lại cho nhân  loại niềm hy vọng tìm kiếm sự thật” (Epistulae, 1, 1); sự thật là chính Chúa Kitô, Đấng là Thiên Chúa thật, Đấng đã được dâng lên một trong những lời nguyện cầu tuyệt vời nhất và lừng danh nhất trong cuốn Tự Thật (X, 27, 38): “Con đã muộn màng mến yêu Chúa, vẻ đẹp rất cổ mà lại rất tân: con đã muộn màng yêu mến Chúa. Này nhé, Chúa đã ở trong con mà con lại ở với thế giới ngoài kia để tìm kiếm Chúa nơi đó, để rồi trong tình trạng vô duyên con đã chìm đắm vào những tạo vật dễ thương do Chúa dựng nên. Chúa ở trong con song con lại không ở với Chúa. Những thứ dễ thương đã cầm chân con sống xa cách Chúa, mặc dù là nếu chúng không hiện hữu trong Chúa thì chúng chẳng hiện hữu gì cả”. “Chúa đã kêu gọi, đã lên giọng và đã phá vỡ cái điếc lác của con. Chúa là quang sáng rạng ngời làm tan biến đi cái mù lòa của con. Chúa là hương thơm làm cho con hít thở và giờ đây cảm thấy ham muốn Chúa. Con đã được nếm hưởng Chúa nên con chỉ cảm thấy đói khát Chúa. Chúa đã chạm đến con nên con nóng lòng chiếm được thứ an bình của Chúa”.

 

Thế là, ở đây, Thánh Âu Quốc Tinh đã gặp gỡ Thiên Chúa và suốt cuộc đời của mình ngài đã cảm thấy Chúa cho đến độ thực tại này – chính yếu là việc ngài gặp gỡ với một Con Người là Chúa Giêsu – đã làm thay đổi cuộc sống của ngài, như nó thay đổi cuộc sống của mọi con người nam nữ, thành phần ở mọi thời đại đã được ơn gặp gỡ Chúa. Chúng ta hãy nguyện cầu để Chúa ban cho chúng ta ơn này, nhờ đó chúng ta có thể tìm thấy bình an của Người.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/audiences/2008/documents/hf_ben-xvi_aud_20080130_en.html
(những chỗ được in đậm lên và tiểu đề là do tự ý của người dịch trong việc làm nổi bật những điểm chính yếu quan trọng)