Thánh Giáo Phụ Âu Quốc Tinh: 3 Giai Đoạn Hoán Cải
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 26/2/2008
Bài Giáo Lý 67 trong loạt bài về Giáo Hội Hiệp Thông Tông Truyền
Anh chị em thân mến,
Hôm nay chúng ta kết thúc việc trình bày về Thánh Âu Quốc Tinh. Sau khi nói đến cuộc đời của ngài, đến các hoạt động của ngài, và đến một số khía cạnh trong các tác phẩm của ngài, hôm nay tôi muốn trở lại với tiến trình hoán cải nội tâm của ngài, một trong những cuộc hoán cải trọng đại nhất trong lịch sử Kitô giáo.
Chính vị cuộc hành trình đặc biệt này mà tôi đã cống hiến những cia sẻ của tôi trong cuộc viếng thăm Pavia năm ngoái, để kính viếng hài cốt của vị Giáo Phụ Giáo Hội này. Làm như vậy là tôi muốn biểu lộ việc ca ngợi và lòng trọng kính của toàn thể Giáo Hội Công Giáo đối với Thánh Âu Quốc Tinh, cũng như lòng mộ mến và việc biết ơn của riêng tôi đối với một nhân vật tôi cảm thấy rất gần gũi vì ngài đã đóng một vai trò trong đời sống thần học của tôi, trong đời sống làm linh mục và mục tử của tôi.
Thậm chí ngay cả cho đến ngày nay vẫn có thể tái cảm nhận thấy những cảm nghiệm của Thánh Âu Quốc Tinh; trước hết điều này có được là nhờ cuốn “Tự Thú” được viết để ca tụng Thiên Chúa và là tác phẩm nền tảng cho một hình thức văn chương Tây phương chuyên biệt – hình thức tự truyện. Đó là một bày tỏ riêng tư về việc hiểu biết bản thân mình.
Ai đọc kỹ cuốn sách ngoại thường và hấp dẫn này, một cuốn sách ngày nay còn được nhiều người đọc, sẽ sớm nhận thấy rằng cuộc trở lại của Thánh Âu Quốc Tinh không phải xẩy ra đùng một cái hay được hoàn tất cách mau chóng, đúng hơn là một cuộc hành trình vẫn còn nêu gương thực sự cho mỗi một người chúng ta.
Cuộc hành trình này đạt đến tột đỉnh của nó nơi việc ngài trở lại và sau đó lãnh nhận phép rửa, thế nhưng nó vẫn không được kết thúc vào lễ vọng Phục Sinh năm 387, khi nhà hùng biện người Phi Châu này được Giám Mục Thành Milan là Ambrose rửa tội cho.
Thật vậy, cuộc hành trình của Thánh Âu Quốc Tinh đã được tiếp tục với lòng khiêm nhượng cho đến cuối đời của ngài. Chúng ta có thể nói rằng tất cả mọi đoàn đời của ngài – và chúng ta có thể dễ dàng phân ra làm 3 giai đoạn – đều làm thành một cuộc hoán cải duy nhất kéo dài.
Từ đầu, Thánh Âu Quốc Tinh là một con người say mê tìm kiếm sự thật: Ngài vẫn cứ thế suốt cả cuộc sống của ngài. Giai đoạn hành trình đầu tiên của ngài hướng tới cuộc trở lại được thể hiện qua việc ngài từ từ tiến đến Kitô giáo.
Thật thế, ngài đã được mẹ ngài là Monica giáo dục về Kitô giáo, một người mẹ ngài rất thân thương. Cho dù ngài sống cuộc đời lạc loài vào thời trẻ trung, ngài vẫn sâu xa gắn bó với danh xưng của Chúa Kitô, như chính ngài đã nhấn mạnh (cfr. "Confessions," III, 4, 8).
Triết lý, đặc biệt là triết lý của Plato, đã dẫn ngài đến gần Chúa Kitô hơn khi cho ngài thấy được sự hiện hữu của Logos – Lời hay của lý trí sáng tạo. Các tác phẩm của những triết gia đã cho ngài thấy được sự hiện hữu của ‘lý trí’ làm xuất phát ra cả hoàn vũ này, thế nhưng những tác phẩm ấy không nói cho ngài biết cách làm thế nào để vươn tới Logos này, một Logos dường như bất khả đạt thấu.
Chính nhờ đọc được những thư của Thánh Phaolô, theo đức tin của Giáo Hội Công Giáo, mà ngài đã tiến đến chỗ hoàn toàn thấu hiểu. Kinh nghiệm này được Thánh Âu Quốc Tinh tóm gọn ở một trong những đoạn nổi tiếng nhất của cuốn “Tự Thú”. Ngài nói với chúng ta rằng trong cơn day dứt của những gì ngài suy niệm, ngài đã lui vào một khu vườn, lúc mà đột nhiên ngài nghe thấy tiếng của một em bé hát ru con mà ngài chưa hế nghe trước đó: "Tolle, lege, tolle, lege," – hãy cầm lấy mà đọc, hãy cầm lấy mà đọc (VIII, 12,29).
Lúc bấy giờ ngài nhớ đến cuộc trở lại của Thánh Antôn, tổ phụ của đời sống đan tu. Ngài đã vội vã trở về với những bản văn của Thánh Phaolô, những bản văn ngài đã tìm kiếm trước đó ít lâu. Đôi mắt của ngài đã đọc ngay phải đoạn Thư gửi giáo đoàn Rôma, trong đó, vị tông đồ này thôi thúc hãy vì Chúa Kitô mà từ bỏ những khoái lạc xác thịt (13:13-14).
Ngài đã hiểu rằng những lời ấy là những lời đặc biệt ám chỉ về ngài. Chúng đã từ Thiên Chúa mà đến, qua Vị Tông Đồ ấy, để tỏ cho ngài biết những gì ngài phải làm vào lúc bấy giờ. Thánh Âu Quốc Tinh đã cảm thấy một đám mây mù ngờ vực buông tỏa và đã hoàn toàn tự hiến mình cho Chúa Kitô: “Chúa đã hoán cải con người con cho Chúa”, ngài đã ghi nhận như thế (Tự Thú, VIII, 12,30). Đó là giai đoạn trở lại đầu tiên và quyết liệt.
Chính nhờ đam mê của ngài đối với con người cũng như đối với chân lý mà nhà hùng biện Phi Châu này đã tiến đến một giai đoạn rất quan trọng của cuộc hành trình lâu dài của mình; một đam mê đưa ngài đến chỗ tìm kiếm Thiên Chúa, Đấng cao cả và bất khả đạt thấu. Đức tin của ngài nơi Chúa Kitô làm cho ngài hiểu được rằng Thiên Chúa, Đấng dường như quá xa vời, thật sự lại chẳng xa vời gì hết. Đúng thế, Người đã đến gần với chúng ta, trở nên một người trong chúng ta. Theo chiều hướng ấy, đức tin vào Chúa Kitô đã giúp cho Thánh Âu Quốc Tinh hoàn thành cuộc lâu dài tìm kiếm chân lý. Chỉ có vị Thiên Chúa làm cho Người ‘có thể chạm tới được’, làm cho Người trở thành một người trong chúng ta, mới là vị Thiên Chúa chúng ta cầu nguyện với, mới là vị Thiên Chúa chúng ta sống cho và sống với.
Đó là con đường cần phải can đảm và khiêm nhượng tiến bước, con đường dẫn đến một cuộc thanh tẩy vĩnh viễn mà mọi người cần đến. Tuy nhiên, Lễ vọng Phục Sinh năm 387 ấy vẫn chưa phải là tận điểm của việc Thánh Âu Quốc Tinh hành trình. Ngài đã trở về Phi Châu và đã thành lập một đan viện nhỏ, nơi ngài sống tĩnh tâm với một số ít bạn bè, và dấn thân chiêm niệm cùng học hỏi. Đó là mơ ước của đời sống ngài. Ngài đã được kêu gọi hoàn toàn hiến đời mình cho chân lý, trong mối thân tình với Chúa Kitô, Đấng là sự thật. Ước mơ này đã kéo dài 3 năm, cho đến khi ngài được thụ phong linh mục ở Hippo và có ý muốn phục vụ tín hữu, tiếp tục sống với Chúa Kitô và cho Chúa Kitô, thế nhưng bằng việc phục vụ hết mọi người.
Điều này rất khó đối với ngài, thế nhưng, từ ban đầu ngài đã hiểu rằng chỉ khi nào sống cho người khác, chứ không phải chỉ biết chiêm niệm tư riêng, ngài mới có thể sống với Chúa Kitô và cho Chúa Kitô. Bởi thế, nhờ việc từ bỏ một cuộc đời chỉ biết suy niệm, Thánh Âu Quốc Tinh đã không khó khăn gì trong việc lấy kiến thức của mình để phục vụ người khác. Ngài đã biết truyền đạt đức tin của ngài cho thành phần bình thường, và sống cho họ nơi những gì trở thành bản phố của ngài. Ngài đã không ngừng mang vác một gánh nặng và quảng đại hoạt động như được ngài diễn tả ở một trong những bài giảng tuyệt vời của ngài: “Liên tục giảng dạy, bàn luận, lập lại, khai tâm, phục vụ mọi người – đó là một trách nhiệm cả thể, một gánh nặng lớn lao, một nỗ lực muôn vàn” (Bài Giảng 339,4). Thế nhưng ngài đã chấp nhận gánh nặng này, biết rằng nhờ cách đó ngài có thể gần gũi Chúa Kitô hơn. Cuộc trở lại thực sự thứ hai của ngài là việc hiểu được rằng người ta vươn đến với người khác bằng lòng chân tình và khiêm tốn.
Còn một giai đoạn cuối cùng – một cuộc trở lại thứ ba – nơi cuộc hành trình của Thánh Âu Quốc Tinh: Cuộc trở lại dẫn ngài đến chỗ xin Thiên Chúa thứ tha cho hết mọi ngày trong đời sống của ngài. Thoạt tiên ngài tưởng rằng một khi đã trở thành Kitô hữu, bằng một đời sống hiệp thông với Chúa Kitô, bằng các bí tích và bằng việc cử hành Thánh Thể, thì ngài sẽ đạt được một đời sống được đề ra ở Bài Giản g Trên Núi, một đời sống trọn lành nhờ phép rửa và được vững mạnh nhờ Thánh Thể.
Vào giai đoại đời sau đó, ngài đã hiểu rằng những gì ngài đã nói trong các bài giảng đầu tiên của ngài về Bài Giảng Trên Núi – mà Kitô hữu chúng ta vĩnh viễn sống cuộc đời lý tưởng ấy – đều sai lầm. Chỉ có một mình Chúa Kitô mới là Đấng thực sự và hoàn toàn hiện thực Bài Giảng Trên Núi mà thôi. Chúng ta liên lỉ cần được Chúa Kitô thanh tẩy, Đấng rửa chân cho chúng ta, và được Người canh tân. Chúng ta cần phải mãi mãi hoán cải. Để đạt được mục đích này, chúng ta cần tỏ một lòng khiêm nhượng nhìn nhận rằng chúng ta là những tội nhân đang hành trình cho tới khi Chúa giơ tay của Người ra dẫn chúng ta tới sự sống đời đời. Với thái độ khiêm nhượng này Thánh Âu Quốc Tinh đã sống những ngày cuối cùng của mình cho tới khi qua đời.
Lòng khiêm nhượng sâu xa này trước nhan một Chúa Giêsu duy nhất này đã dẫn ngài tới một thứ khiêm nhượng về tri thức nữa. Vào những ngày cuối cùng của mình, Thánh Âu Quốc Tinh, vị thực sự là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trong lịch sử triết học, đã muốn kiểm điểm số tác phẩm rất nhiều của ngài một cách nghiêm chỉnh. Đó là nguyên do xuất hiện cuốn “Retractationes” – Duyệt Lại – một tác phẩm đặt ý nghĩ thần học của ngài, thực sự là cao cả, trong đức tin khiêm nhượng và thánh đức của những gì được ngài nói đến như thuần túy Công Giáo tức là Giáo Hội.
Trong cuốn sách rất độc đáo này ngài đã viết: “Tôi đã hiểu rằng chỉ có một vị duy nhất thực sự là trọn lành, và những lời của Bài Giảng Trên Núi hoàn toàn được hiện thực nơi một vị duy nhất – nơi chính Chúa Giêsu Kitô. Trái lại, toàn thể Giáo Hội – tất cả chúng ta, bao gồm cả các vị Tông Đồ – cần phải cầu nguyện hằng ngày là xin tha cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (I, 19, 1-3).
Hoán cải trở về với Chúa Kitô, Đấng là sự thật và là tình yêu, Thánh Âu Quốc Tinh đã theo Người suốt cuộc đời của ngài và đã trở thành một mẫu gương cho hết mọi người, vì tất cả mọi người chúng ta đang tìm kiếm Thiên Chúa.
Đó là lý do tại sao tôi muốn kết thúc cuộc hành trình của tôi đến Pavia bằng việc cống hiến cho Giáo Hội và thế giới, trước mộ của vị đại tình nhân của Thiên Chúa này, bức thông điệp đầu tiên của tôi – “Deus Caritas Est”. Bức thông điệp này nặng nợ tư tưởng của Thánh Âu Quốc Tinh, nhất là ở phần thứ nhất.
Ngày nay, cũng như bấy giờ, nhân loại đang cần nhận biết và sống thực tại nền tảng này: Thiên Chúa là tình yêu và việc gặp gỡ Người là giải đáp duy nhất cho những nỗi lo sợ của tâm can con người. Một trái tim chất chứa niềm hy vọng, có thể vẫn còn tăm tối và không minh thức gì đối với nhiều người đương thời của chúng ta, nhưng đối với Kitô hữu chúng ta nó lại là những gì mở lối vào tương lai, đến nỗi Thánh Phaolô đã viết “chúng ta được cứu độ bằng niềm hy vọng” (Rm 8:24). Tôi muốn giành bức thông điệp thứ hai của tôi cho niềm hy vọng – “Spe Salvi” – bức thông điệp này cũng nặng nợ Thánh Âu Quốc Tinh và cuộc gặp gỡ của ngài với Thiên Chúa nữa.
Trong một bản văn tuyệt vời, Thánh Âu Quốc Tinh đã định nghĩa cầu nguyện như là một bày tỏ lòng ước mong, và khẳng định rằng Thiên Chúa đáp ứng bằng việc tác động lòng chúng ta đến gần Người hơn. Về phần mình, chúng ta cần phải thanh tẩy những ước muốn của mình và các niềm ước vọng của chúng ta để lãnh nhận lòng nhân lành của Thiên Chúa (cfr. "In I Ioannis," 4, 6). Thật vậy, chỉ có điều này – cởi mở bản thân mình cho người khác – mới có thể cứu chúng ta.
Bởi thế chúng ta hãy cầu nguyện để chúng ta có thể theo gương của con người cao cả này mỗi ngày trong đời sống của chúng ta, cũng như mỗi giây phút chúng ta sống trong việc gặp gỡ Chúa Giêsu – Đấng duy nhất có thể cứu độ chúng ta, thanh tẩy chúng ta, và là Đấng b an cho chúng ta niềm vui chân thực và sự sống đích thực.
(Sau bài giáo lý, trong phần tóm tắt bằng Anh ngữ, ở cầu áp cuối, Đức Thánh Cha còn khẳng định rằng:)
Thánh Âu Quốc Tinh đã có một ảnh hưởng sâu xa nơi cuộc đời và thừa tác vụ của tôi. Tôi hy vọng rằng tất cả chúng ta có thể học được từ con người hoán cải cao cả và khiêm tốn này, vị đã thấy được rõ ràng Chúa Kitô là chân lý và là tình yêu!
Đaminh Maria
Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 26/2/2008
(những chỗ được in đậm lên là do tự ý của người dịch trong việc làm nổi bật
những điểm chính yếu quan trọng)