Thánh Giáo Phụ Lêô Cả

 

 

Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 5/3/2008

Bài Giáo Lý 68 trong loạt bài về Giáo Hội Hiệp Thông Tông Truyền

 

Anh chị em thân mến,

 

Để tiếp tục cuộc hành trình của chúng ta với các vị Giáo Phụ của Giáo Hội, những luồng ánh sáng hướng dẫn thực sự từ xa, trong cuộc gặp gỡ của chúng ta hôm nay đây, chúng ta sẽ nhìn đến một vị giáo hoàng, vị mà vào năm 1754, đã được Đức Biển Đức XIV tuyên bố là tiến sĩ của Giáo Hội: hiển nhiên là tôi muốn nói về Đức Leô Cả. Như danh xưng của ngài được truyền thống gán cho, ngài thực sự là một trong những vị đại giáo hoàng làm vẻ vang cho Ngai Tòa Rôma. Ngài đã đóng góp rất lớn cho việc kiên cường quyền bính và thế giá của ngài tòa này. Ngài là vị Giám Mục Rôma đầu tiên lấy tên Lêô, một danh xưng sau đó được xưng nhận bởi 12 vị giáo hoàng nữa. Ngài cũng là vị giáo hoàng đầu tiên chúng ta thấy được việc ngài giảng dạy cho dân  chúng qui tụ lại bên ngài trong các cuộc mừng lễ. Điều này làm cho chúng ta tự nhiên nghĩ về ngài liên quan tới các buổi Triều Kiến chung Thứ Tư; một cuộc gặp gỡ trong các thập niên gần đây đã trở thành một cách thức gặp gỡ thông thường và cần thiết với tín hữu cũng như với nhiều khách thăm viếng khác trên khắp thế giới. 

 

Thánh Lêô vào đời ở Tuscia. Ngài đã trở thành một vị phó tế của Giáo Hội Rôma vào khoảng năm 430 và qua giòng thời gian ngài đã tiến lên vị trí cao cả. Ngài nổi bật trong vai trò phó tế này và vào năm 440 Galla Placidia đang cai quản Đế Quốc Rôma Tây Phương bấy giờ đã sai ngài tới Gallia để giúp giải quyết một tình trạng rất ư là khó khăn.

 

Tuy nhiên, vào mùa hè năm đó, Đức Giáo Hoàng Sisto III – một danh xưng liên quan tới những tấm vi thạch ghép uy linh ở Santa Maria Maggiore – qua đời. Chính Thánh Lêô là vị kế nhiệm ngài; ngài đã nghe tin này trong khi đang thực hiện sứ vụ hòa bình của ngài ở Gaul.

 

Khi trở về Rôma, vị tân Giáo Hoàng này đã đăng quang vào ngày 29/9/440. Giáo triều của ngài kéo dài 21 năm và phải công nhận là một trong những giáo triều quan trọng nhất trong lịch sử Giáo Hội. Khi qua đời vào ngày 10/11/461,  vị Giáo Hoàng này đã được mai táng gần một Thánh Phêrô. Thánh cốt của ngài vẫn còn được lưu giữ ở một trong những bàn thờ ở Vatican cho tới ngày nay.

 

Giáo Hoàng Lêô đã sống vào những thời buổi rất khó khăn: nào là những cuộc xâm chiếm của man dân cứ tái đi diễn lại, nào là tình trạng dần dần suy yếu về quyền lực đế quốc ở Tây phương cùng với một cuộc khủng hoảng lâu dài về xã hội là những gì buộc vị Giám Mục Rôma – như đã từng xẩy ra ở một mức độ trầm trọng hơn  nữa vào một thế kỷ rưỡi sau đó trong giáo triều của Đức Grêgôriô Cả – phải lãnh nhận vai trò ở những gì đang xẩy ra về dân sự lẫn chính trị thời bấy giờ. Điều này hiển nhiên đã giúp vào việc làm gia tăng tầm quan trọng và thế giá của Ngai Giáo Hoàng Rôma.

 

Thánh Lêô Cả được đặc biệt nhớ đến về một số những gì xẩy ra trong cuộc đời của ngài vào năm 452, khi ngài gặp Attila người Mông Cổ ở Matua và đã chinh phục được ông hủy bỏ cuộc xâm chiếm của ông là những gì đã tàn phá các miền đông bắc Ý quốc. Việc làm này của ngài đã cứu được cả phần đất còn lại của bán đảo Ý quốc.

 

Biến cố quan trọng đáng ghi nhớ này đã trở thành biểu hiệu cho những nỗ lực hòa bình của vị Giáo Hoàng ấy. Tiếc thay, một sáng kiến khác của vị giáo hoàng này xẩy ra sau đó 3 năm không được thành công cho lắm. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy lòng can đảm kinh khủng. Vào mùa xuân năm 455, Đức Lêô đã không thể ngăn chặn được các nhóm quân Geiseric Vandals xâm chiếm và tàn phá Rôma hai tuần lễ. Dầu sao cử chỉ do vị Giáo Hoàng này thực hiện – vị đã đi tay không cùng với hàng giáo sĩ của ngài đến gặp kẻ xâm lược trong nỗ lực thuyêá phục ông ta dừng tay – đã tránh cho Rôma khỏi bị thiêu rụi và cứu được Đền Thờ Thánh Phêrô, Thánh Phaolô và Thánh Gioan là những nơi dân chúng Rôma đang khiếp sợ ẩn náu.

 

Chúng ta đã biết rõ những hành động của Giáo Hoàng Lêô, nhờ những bài giảng tuyệt hay của ngài – khoảng gần 100 trong số những bài giảng của ngài đã được bảo trì bằng tiếng Latinh xuất sắc và rõ ràng – cũng như nhờ ở các bức thư của ngài, khoảng ở con cố 150. Trong các bản văn của mình, vị Giáo Hoàng này đã cho thấy tất cả những gì là cao cả của mình, trong việc phục vụ cho chân lý bằng bác ái yêu thương, bằng việc thực hiện không mỏi mệt một thứ ngôn từ chứng tỏ ngài vừa là một thần học gia vừa là vị chủ chiên. 

 

Đức Lêô Cả, vị luôn nhận biết các tín hữu của mình và dân chúng Rôma, song cũng biết được cả mối hiệp thông giữa các Giáo Hội khác nhau cùng những nhu cầu của chư giáo hội này, đã là một vị củng cố và không ngừng phát động vai trò chính yếu của Rôma, cho ngài là vị thừa kế đích thực của Thánh Phêrô Tông Đồ: nhiều vị giám mục tham dự Công Đồng Chung Chalcedon – hầu hết là đông phương – đã hoàn toàn thấy được điều ấy.

 

Diễn ra vào năm 451, với 350 vị giám mục, công đồng này là một cuộc tụ họp quan trọng nhất chưa hề thấy được cử hành trong lịch sử Giáo Hội. Chalcedon đã tiêu biểu cho mục tiêu cuối cùng về Kitô học của ba công đồng chung trước đó: Công Đồng Chung Nicea năm 325, Constantinople năm 381 và Êphêsô năm 431. Ngay vào thế kỷ thứ 6, 4 công đồng này, những công đồng đã tổng hợp đức tin của Giáo Hội sơ khai, được so sánh với 4 cuốn Phúc Âm, như Thánh Grêgôriô Cả khẳng định trong một bức thư nổi tiếng của ngài (I,24), trong đó ngài đã tuyên bố rằng chúng ta cần phải “chấp nhận và tôn kính, như bốn cuốn Phúc Âm Thánh, 4 Công Đồng ấy”, vì, như ngài giải thích thêm, nhờ những công đồng ấy mới có “cấu trúc của đức tin thánh hảo được dựng nên như trên một nền đá”.

 

Khi bác bỏ lạc thuyết của Eutiche, một lạc thuyết chối bỏ nhân tính thực sử của Con Thiên Chúa, Công Đồng Chalcedon đã khẳng định mối hiệp nhất nơi một Ngôi Vị duy nhất, không lẫn lộn và không phân chia, của hai bản tính nhân loại và thần linh.

 

Vị Giáo Hoàng này đã khẳng định niềm tin tưởng vào Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật trong một bản văn tín lý quan trọng gửi cho vị giám mục ở Constantinople, được gọi là  “Tom to Flavianus”, một bức thư được đọc ở Công Đồng Chung Chalcedon và được hoan hô bởi các vị giám mục tham dự, được ghi vào văn bản của Công Đồng với những lời này: “Phêrô đã nói qua miệng của Lêô”, các vị nghị phụ đã cùng nhau kêu lên như thế.

 

Từ việc can thiệp này cũng như những cuộc can thiệp khác trong vấn đề tranh luận về Kitô học trong những năm ấy, rõ ràng là vị Giáo Hoàng này cảm thấy trách nhiệm khẩn trương của vị Thừa Kế Thánh Phêrô, vị có vai trò đặc thù chuyên nhất trong Giáo Hội, vì “chỉ có một vị Tông Đồ duy nhất được lý thác cho những gì được truyền đạt cho tất cả mọi vị tông đồ”, Đức Lêô đã khẳng định như thế trong một những bài giảng về Thánh Phêrô và Phaolô (83,2).

 

Vị giáo hoàng này đã thực thi những trách nhiệm như thế, ở Tâp phương cũng như Đông phương, bằng việc  can thiệp vào những trường hợp khác nhau cách khôn ngoan, cương quyết và minh tường qua các bản văn của ngài cũng như qua những bản viết thảo của ngài. Làm như thế là ngài đã chứng tỏ cho thấy tầm quan trọng của thượng quyền Rôma bấy giờ, cũng như ngày nay, để hiệu nghiệm giúp vào mối hiệp thông là một đặc tính của Giáo Hội Chúa Kitô duy nhất.

 

Ý thức được tầm quan trọng về lịch sử của những thời buổi ngài đã sống và tình trạng đổi thay đang diễn ra – một thời điểm khủng hoảng trầm trọng – từ dân ngoại tới thành Rôma Kitô Giáo, bằng việc giảng dạy và chăm sóc mục vụ, Đức Lêô Cả đã có thể sống gần gũi với dân chúng và tín hữu. Ngài đã phấn khích việc bác ái ở một thành Rôma đang chịu tình trạng đói kém, tị nạn, bất công và nghèo khổ. Ngài đã ngăn cản những thứ mê tín dị đoan của dân ngoại và các hoạt động của những nhóm Nhị Nguyên Thuyết. Ngài đã liên kết phụng vụ với đời sống hằng ngày của Kitô hữu bằng việc liên kết, chẳng hạn, việc chay tịnh với đức bác ái và bố thí, nhất là trong 4 “tempora” là những gì đánh dấu những thay đổi theo mùa trong năm. Da985c biệt là Đức Lêô Cả giảng dạy tín hữu – thậm chí ngày nay các lời của ngài vẫn còn áp dụng cho cả chúng ta nữa – rằng phụng vụ Kitô giáo không phải chỉ là một cách thức để tưởng nhớ những biến cố trong quá khứ mà là những gì chú trọng tới những sự thật vô hình đang sinh động nơi đời sống của hết mọi người. Ngài nhấn mạnh trong một bài giảng (64,1-2) là chúng ta cần phải cử hành Phục Sinh bất cứ lúc nào trong năm “chứ không phải là một cái gì đó trong quá khứ, mà là một biến cố của hiện tại”.

 

Vị Giáo Hoàng Thánh này nhấn mạnh rằng điều này là toàn phần của một biến cố được hòa tấu: Như vị Hóa Công thở sự sống vào con người được nặn lên từ bùn đất thế nào thì sau nguyên tội Ngài đã sai Con Ngài vào thế gian để trả lại cho con người phẩm vị của họ và hủy diệt triều đại của ma quỉ bằng sự sống mới của ân sủng như thế.

 

Đó là mầu nhiệm về Kitô học được Đức Leô Cả góp phần  trọng yếu và hiệu nghiệm bằng bức thư của ngài cho Công Đồng Chung Êphêsô, khẳng định trong công đồng này những gì Thánh Phêrô đã nói ở Caesarea-Philippi.

 

Với Thánh Phêrô và như Thánh Phêrô, ngài đã tuyên xưng  rằng: “Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Thiên Chúa cùng với con người, “không xa lạ với nhân loại nhưng xa lạ với tội lỗi” (cf. Serm. 64).

 

Bằng sức mạnh của niềm tin Kitô học này của mình, ngài đã là một con người cao cả rao giảng an bình và yêu thương. Bởi thế, ngài tỏ cho chúng ta thấy đường lối là trong tin tưởng chúng ta biết sống bác ái. Nhờ Thánh Lêô Cả, chúng ta học biết tin tưởng vào Chúa Kitô, Thiên Chúa thật và là người thật, và hiện  thực đức tin của chúng ta hằng ngày qua các hoạt động cho hòa bình cũng như qua tình yêu thương tha nhân.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 5/3/2008

(những chỗ được in đậm lên là do tự ý của người dịch trong việc làm nổi bật những điểm chính yếu quan trọng)