Thánh Gregory Cả - 1
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 28/5/2008
Bài Giáo Lý 73 trong Loạt bài về Giáo Hội Hiệp Thông Tông Truyền
Anh Chị Em thân mến,
Thứ Tư vừa rồi tôi đã nói về một vị Giáo Phụ của Hội Thánh ít được biết đến ở Tây phương là Thánh Romanus the Melodist. Hôm nay tôi muốn trình bày về một trong những đại Giáo Phụ trong Giáo Hội, một trong 4 vị Tiến Sĩ của Tây phương là Thánh Giáo Hoàng Gregory, vị là Giám Mục Rôma từ năm 590 đến 604, và là vị đã chiếm được tước hiệu Magnus / Cả. Thánh Gregory quả là một vị đại Giáo Hoàng và là một vị đại Tiến Sĩ của Giáo Hội! Ngài được sinh ra ở Rôma vào khoảng năm 540 trong một gia đình quí phái giầu có thuộc giòng dõi gens Anicia, những người nổi nang không phải vì huyết tộc cao sang mà còn vì lòng gắn bó của họ với đức tin Kitô giáo cũng như với việc phục vụ Tòa Thánh nữa. Hai vị Giáo Hoàng đã xuất thân từ gia đình này, đó là Đức Felix III (483-492), cụ tổ của Thánh Gregory và Agapetus (535-536). Ngôi nhà là nơi Thánh Gregory lớn lên tọa lạc trên Clivus Scauri, chung quanh là các dinh thự uy nghi là những gì chứng tỏ cho cái vĩ đại của Rôma xưa và sức mạnh thiêng liêng của Kitô giáo. Gương của cha mẹ ngài là Gordian và Sylvia, cả hai đều được tôn kính như những vị Thánh, và những gương của chị em bên cha của ngài, Aemiliana và Tharsilla, những vị đã sống tại gia như những trinh nữ thánh hiến sống đường lối cầu nguyện và bỏ mình, đều đã tác động nơi ngài những cảm thức cao cả về Kitô giáo.
Theo bước chân cha của mình, Thánh Grêgôriô sớm tham gia vào một nghề quản trị và đã lên tới đỉnh của nó vào năm 572 khi ngài trở thành Tỉnh trưởng của thành phố. Vai trò này, một vai trò rắc rối trước những thời điểm xót xa, đã giúp ngài có thể sống với một loạt đầy những thứ vấn đề về quản trị, rút tỉa được những gì là khôn ngoan từ đó cho những nhiệm vụ tương lai. Ngài đặc biệt giữ được một cảm quan sâu xa về trật tự và kỷ luật: khi trở thành Giáo Hoàng, ngài đã khuyên các vị Giám Mục hãy lấy làm mô phạm cho việc quản trị giáo hội vụ tính cách chuyên cần và tôn trọng luật pháp như những hành sự viên dân sự. Tuy nhiên, cuộc sống ấy không thể thỏa đáng ngài vì sau đó ít lâu, ngài đã quyết định rời bỏ hết mọi bổ nhiệm dân sự để lui về nhà bắt đầu cuộc sống đan tu, biến ngôi nhà của gia đình mình thành đan viện Thánh Anrê trên Đồi Coelian. Diai đoạn sống đời đan tu này, một đời sống thường xuyên đối thoại với Chúa bằng việc lắng nghe lời Chúa, đã tạo nên một nỗi nhung nhớ miên trường được ngài luôn mãi nhắc đến trong các bài giảng của ngài. Giữa áp lực của các lo toan về mục vụ, ngài thường nhắc lại giai đoạn ấy trong các bản văn của ngài như là một thời gian trầm tư trong Chúa, hiếm mình cầu nguyện và trầm lặng học hỏi. Bởi thế, ngài đã có thể có được một kiến thức sâu xa về Thánh Kinh và các vị Giáo Phụ của Hội Thánh là những gì giúp ngài thực thi công việc của ngài.
Thế nhưng, việc rút lui sống đời đan tu của Thánh Gregory đã kéo dài không bao lâu. Kinh nghiệm quí báu ngài đã có được nơi việc quản trị về dân sự trong giai đoạn xẩy ra đầy những vấn đề trầm trọng, những liên hệ ngài đã có được ở vai trò này với Đế Quốc Byzantine và sự trân trọng chung đối với ngài đã khiến Đức Giáo Hoàng Pelagius bổ nhiệm ngài làm phó tế và sai ngài đến Constantinople như là vị “apocrisarius” của ngài – ngày nay người ta nói là “Vị Khâm Sứ Tòa Thánh”, để giúp khắn phục những dấu vết tồn tại của cuộc tranh luận Monophysite và nhất là để làm sao được Hoàng Đế nâng đỡ trong nỗ lực chặn đứng cuộc xâm lược của dân Lombard. Việc sống ở Constantinople là nơi ngài sống lại đời đan tu với một nhóm đan sĩ là giai đoạn rất quan trọng đối với Thánh Gregory, vì nó giúp ngài có được cảm nghiệm trực tiếp về thế giới Byzantine, cũng như cách thức giải quyết vấn đề dân Lombard, thành phần sau này đã thử thách khả năng và nghị lực của ngài dưới giáo triều của ngài. Sau vài năm ngài được Đức Giáo Hoàng gọi về Rôma, chỉ định làm thư ký cho ngài. Đó là những năm khốn khó, ở chỗ mưa liên tục, ngập lụt các sông ngòi, đói khát xẩy ra ở nhiều miền Ý quốc cũng như ở Rôma. Sau hết là nạn dịch tễ xẩy ra cho rất nhiều nạn nhân, trong đó có cả Đức Pelagius II. Hàng giáo sĩ, dân chúng và hội đồng nhà nước đồng thanh chọn Thánh Gregory làm vị thừa kế Ngai Tòa Phêrô. Ngài đã cố gắng chống trả, thậm chí đến độ muốn tẩu thoát, nhưng không thành công, cuối cùng ngài đã đành phải nhượng bộ. Đó là năm 590.
Nhận biết ý muốn của Thiên Chúa nơi những gì xẩy ra, vị tân Giáo Hoàng lập tức hăng say bắt tay làm việc. Ngay từ đầu ngài đã chứng tỏ cho thấy một thực tại quan khôn ngoan đặc biệt mà ngài phải nhắm tới, một khả năng phi thường hoạt động để đương đầu với cả giáo vụ và dân vụ, một tình trạng cân bằng liên lỉ và gẫy gọn trong việc đi đến những quyết định có những lúcdũng cảm áp đặt lên ngài ở vị thế của ngài.
Văn kiện dồi dào đã được văn phòng quản trị của ngài bảo trì nhờ Sổ Bộ Các Bức Thư của ngài (khoảng 800 bức), cho thấy những vấn đề phức tạp được chuyển đến bàn làm việc của ngài hằng ngày. Chúng là những vấn đề đến từ các Vị Giám Mục, các Đan Viện Phụ, hàng giáo sĩ và thậm chí từ cả các vị thẩm quyền dân sự thuộc mọi cấp hạng. Trong số những vấn đề gây rắc rối cho Ý quốc và Rôma vào lúc bấy giờ là một trong vấn đề quan trọng đặc biệt cả về lãnh vực dân sự lẫn giáo hội, đó là vấn đề dân Lombard. Vị giáo hoàng này đã dốc toàn lực của mình vào đó để làm sao giải quyết một cách thật là yên ổn. Trái với Hoàng Đế Byzantine là vị cho rằng dân Lombard chỉ là những con người và thành phần lợi dụng thô bạo cần phải đánh bại hay tiêu diệt, Thánh Gregory đã nhìn thành phần dân này bằng con mắt của một vị mục tử nhân lành, và lo đến việc rao giảng lời cứu rỗi cho họ, thiết lập những mối liên hệ huynh đệ đối với họ theo chiều hướng một tương lai hòa bình theo lòng tương kính và chung sống hòa bình giữa người Ý, Hoàng triều và dân Lombard. Ngài đã quan tâm tới việc hoán cải của giới trẻ và cấu trúc mới về dân sự của Âu Châu: ở chỗ, Dân Visigoths ở Tây Ban Nha, dân Franks, dân Saxons, thành phần di dân ở Hiệp Vương quốc và dân Lombard, đều là những tiếp nhận viên của sứ vụ truyền bá phúc âm hóa ngài thực hiện. Hôm qua, chúng ta đã cử hành lễ nhớ Thánh Âu Quốc Tinh thành Canterbury, vị lãnh đạo của một nhóm đan sĩ được Thánh Giáo Hoàng Gregory sai đến Hiệp Vương Quốc để truyền bá phúc âm hóa cho Anh quốc.
Vị Giáo Hoàng này – vị thực sự là người xây dựng hòa bình – sâu xa dấn thân vào việc thiết lập một nền hòa bình hiệu nghiệm ở Rôma và Ý quốc bằng việc thực hiện những cuộc thương thảo nghiêm chỉnh với Vua dân Lombard là Agilulf. Cuộc thương thảo này đã dẫn đến một giai đoạn đình chiến kéo dài khoảng 3 năm (598-601), sau đó, vào năm 603, qui định đình chiến trở thành vững chắc hơn. Thành quả tích cực này có được cũng là nhờ ở việc liên hệ song song trong cùng thời gian vị Giáo Hoàng này thực hiện với Nữ Hoàng Theodolinda, vị công chúa xứ Bavarian, một người không giống như các dân tộc Đức quốc khác, là một người Công giáo hết sức Công giáo. Một chuỗi Thư Từ của Giáo Hoàng Gregory gửi cho vị Nữ Hoàng này còn được bảo trì trong đó ngài cho thấy việc ngài tôn trọng và thân hữu giành cho bà. Nữ hoàng Theodolinda, từ từ đã có thể hướng dẫn Vua về với Công giáo, nhờ đó mở đường cho hòa bình. Vị Giáo Hoàng này cũng ân cần gửi cho bà các hài cốt để ở Đền Thờ Thánh Gioan Tẩy Giả được bà xây cất ở Monza, và cũng không quên gửi lời chúc mừng và các quà tặng quí báu của ngài cho cùng Vương Cung Thánh Đường ở Monza này vào dịp chào đời và rửa tội của con trai bà là Adaloald. Một chuỗi những biến cố liên quan tới vị Nữ Hoàng này cấu tạo nên một chứng từ tuyệt vời cho thấy tầm quan trọng của nữ giới trong lịch sử của Giáo Hội. Thánh Gregory liên tục tập trung vào 3 mục tiêu căn bản, đó là hạn chế việc bành trướng của dân Lombard ở Ý quốc; gìn giữ Nữ Hoàng Theodolinda khỏi bị ảnh hưởng của thành phần ly giáo và củng cố đức tin công giáo; và làm môi giới giữa dân Lombard và Byzantine để thiết lập một thỏa ước bảo đảm hòa bình ở bán đảo này và đồng thời cho phép việc truyền bá phúc âm hóa cho chính dân Lombard. Bởi thế, trong một tình trạng phức tạp ấy mục tiêu nhắm tới của ngài bao giờ cũng lưỡng diện: đó là việc cổ võ kiến thức về lãnh vực ngoại giao chính trị và truyền bá việc loan báo đức tin chân thực giữa chư dân.
Song song với hoạt động thuần thiêng liêng và mục vụ của mình, Giáo Hoàng Gregory cũng trở thành một vai chính trong các hoạt động muôn mặt của xã hội nữa. Với những thu nhập từ gia sản chính yếu của Tòa Thánh Rôma ở Ý, nhất là ở Sicily, ngài đã mua và phân phát hạt giống, nâng đỡ những ai thiếu thốn, giúp các linh mục, đan sĩ nam nữ sống khó nghèo, trả tiền chuộc cho thành phần công dân bị dân Lombard giam giữ và mua lấy những cuộc đình chiến. Ngoài ra, ở Rôma hay ở các nơi khác thuộc Ý quốc, ngài cẩn thận thi hành việc tái tổ chức về quản trị, cooing hiến những hướng dẫn chính xác nhờ đó các thiện ích của Giáo Hội, có lợi cho việc tồn tại của Giáo Hội và hoạt động truyền bá phúc âm hóa trên thế giới, được quản trị một cách hết sức ngay chính và theo các qui tắc công bằng và nhân ái. Ngài đã truyền lệnh là nhữngiên ở các lãnh thổ của Giáo Hội cần phải được bảo vệ cho khỏi những tác nhân thiếu lương thiện, và trong trường hợp xẩy ra chuyện gian lận, cần phải được mau chóng đền bù, nhờ đó dung nhan của Hiền Thê Chúa Kitô không bị bôi bẩn bởi những lợi lộc bất lương.
Thánh Gregory đã thi hành hoạt động hăng say này không màng chi tới sức khỏe yếu kém của ngài, một sức khỏe thường buộc ngài có những ngày bị giới hạn nằm ở trên giường. Những việc chay tịnh thực hành trong năm theo cuộc sống đan tu đã làm cho ngài bị trục trặc trầm trọng về vấn đề tiêu hóa. Chưa hết, giọng nói của ngài yếu ớt đến độ buộc lòng phải giao phó việc đọc các bài giảng của ngài cho vị phó tế, nhờ đó tín hữu hiện diện ở các Đền Thờ Rôma có thể nghe thấy ngài. Vào các ngày lễ ngài đã cố gắng hết sức để cử hành Missarum sollemnia, Lễ trọng, sau đó ngài đích thân gặp gỡ dân Chúa, thành phần rất yêu mến ngài, vì họ thấy nơi ngài một điểm tựa thẩm quyền mang lại an ninh: không phải tình cờ danh hiệu consul Dei được mau chóng qui cho ngài. Bất chấp những điều kiện rất khó khăn ngài hoạt động, ngài đã chiếm được lòng tin tưởng của tín hữu, nhờ đời sống thánh thiện của ngài và giầu nhân bản của ngài, thực sự là chiếm được những thành quả rực rỡ cho thời đại của ngài và cho cả tương lai nữa. Ngài là một con người trầm lắng trong Chúa: lòng ước mong của ngài đối với Chúa bao giờ cũng sống động một cách sâu xa trong hồn của ngài và chính vì thế ngài bao giờ cũng gần gũi với tha nhân của mình, với thành phần dân chúng mới mẻ của thời ngài. Thật vật, trong một giai đoạn hủy hoại đầy những thất vọng ngài đã có thể kiến tạo hòa bình và mang lại niềm hy vọng. Con người của Thiên Chúa đây đã cho chúng ta thấy những nguồn mạch hòa bình làm phát sinh ra niềm hy vọng chân thực. Nhờ đó ngài cũng trở thành hướng đạo viên cho cả chúng ta ngày nay nữa.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh