Thánh Gregory Cả - 2

 

 

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 4/6/2008

Bài Giáo Lý 74 trong Loạt bài về Giáo Hội Hiệp Thông Tông Truyền:

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Hôm nay, trong cuộc gặp gỡ Thứ Tư của chúng ta, tôi muốn trở lại với hình ảnh phi thường là Đức Giáo Hoàng Gregory Cả để nhận lãnh thêm ánh sáng từ giáo huấn phong phú của ngài. Bất kể nhiều nhiệm vụ liên quan tới vai trò làm Giám Mục Rôma của mình, ngài đã để lại cho chúng ta nhiều tác phẩm là những gì Giáo Hội qua các thế kỷ liên tục rút tỉa bằng cả hai bàn tay. Ngoài những thư tín quan trọng – trong buổi giáo lý tuần vừa rồi tôi đã kể tới Hồ Sơ có trên 800 bức – trước hết ngài đã để lại cho chúng ta những bản văn có tính chất luận giải, trong đó nổi bật là cuốn những Lời Răn, một dẫn giải về truyện O^NG Gióp (nhan đề bằng tiếng Latinh là Maralia in Iob), các Bài Giảng về Ezekiel và các Bài Giảng về Phúc Âm. Sau đó có một tác phẩm quan trọng có tính chất tiểu sử học, đó là cuốn Dialogues, được Thánh Gregory viết để soi sáng cho Nữ Hoàng dân Lombard là Theodolinda. Tác phẩm chính nổi tiếng nhất thật sự là cuốn Regular pastoralis (Qui Luật Mục Vụ), một tác phẩm được ngài phổ biến vào đầu giáo triều của ngài với những mục tiêu được ấn định rõ ràng.

 

Để ôn lại những tác phẩm này một cách mau chóng, trước hết chúng ta cần phải ghi nhận rằng, trong các bản văn của mình, Thánh Gregory không bao giờ tìm cách vẽ vời “giáo huấn “riêng của mình”, cái độc đáo riêng của ngài. Trái lại, ngài có ý làm âm vang giáo huấn truyền thống của Giáo Hội, ngài chỉ muốn là môi miệng của Chúa Kitô và Giáo Hội theo chiều hướng cần phải theo để đạt tới Thiên Chúa. Những dẫn giải luận bình của ngài là các mô thức cho đường hướng này của ngài.

 

Ngài là một độc giả tha thiết của Thánh Kinh, một Thánh Kinh ngài tiến đến không phải chỉ để tò mò tìm hiểu: Ngài đã nghĩ rằng Kitô hữu cần phải kín múc từ Thánh Kinh không phải thứ kiến thức về lý thuyết cha bằng dưỡng chất hằng ngày cho linh hồn của họ, cho đời sống của họ làm người trên thế gian này. Chẳng hạn, trong các Bài Giảng về Ezekiên, ngài đã nhấn mạnh đến phận vụ này của Sách Thánh: việc tiến đến với Thánh Kinh chỉ vì muốn thỏa mãn ước muốn về kiến thức nghĩa là chào thua trước khuynh hướng kiêu kỳ và vì thế có nguy cơ lọt vào một thứ lạc giáo. Bởi thế, lòng khiêm nhượng về tri thức là qui luật căn bản cho những ai tìm cách thấm nhập vào các thực tại siêu nhiên được bắt đầu từ Sách Thánh. Hiển nhiên, lòng khiêm nhượng không loại trừ việc nghiêm chỉnh học hỏi; thế nhưng để bảo đảm là những thành quả mang lại lợi ích thiêng liêng, làm dễ dàng hơn cho con người tiến sâu vào bản văn, lòng khiêm nhượng vẫn là yếu tố bất khả thiếu. Chỉ bằng thái độ nội tâm này người ta mới thực sự có thể lắng nghe và dần dần nhận thấy được tiếng Chúa. Đàng khác, khi nó là vấn đề Lời Chúa thì việc hiểu biết lời này chẳng là gì nếu không dẫn tới hành động. Trong những Bài Giảng về Êzekiên cũng được thấy việc thể hiện tuyệt vời này, theo đó, “nhà giảng thuyết cần phải nhúng ngòi bút của mình vào máu của tâm can mình; bấy giờ họ cũng mới có thể vươn tới tai của tha nhân mình”. Đọc những bài giảng của ngài, người ta thấy rằng Thánh Gregory thực sự viết bằng máu của ngài, và vì thế mà ngài vẫn nói với cả chúng ta ngày nay nữa.

 

Thánh Gregory cũng khai triển luận đề này trong Cuốn Các Lời Khuyên, một cuốn Dẫn Giải về Ông Gióp. Theo truyền thống Giáo Phụ, ngài đã khảo sát Sách Thánh theo 3 chiều kích về ý nghĩa của Sách Thánh: chiều kích văn chương chữ nghĩa, chiều kích nghĩa bóng và chiều kích luân lý. Tất cả đều là những chiều kích của một ý nghĩa đặc thù của Thánh Kinh. Tuy nhiên, Thánh Gregory đã rõ ràng nhấn mạnh đến ý nghĩa về luân lý. Theo quan điểm này, ngài nêu lên ý nghĩ của mình bằng một vài cặp ý nghĩa– biết-làm, nói-sống, biết-động to know-to do, to speak-to live, to know-to act - trong đó ngài gợi lên hai khía cạnh về đời sống con người cần phải bổ khuyết cho nhau, thế nhưng lại là hai khía cạnh thường đi đến chỗ kình chống nhau. Ngài nhận định rằng lý tưởng về luân lý này bao giờ cũng hệ tại việc hiện thực hóa một thứ hội nhập hòa hợp giữa lời nói và hành động, giữa tư tưởng và việc làm, giữa cầu nguyện và dấn thân cho các nhiệm vụ thuộc thân phận của con người: đó là cách thức để hiện thực cái tổng hợp mà nhờ đó thần linh đã hạ giáng với con người và con người được nâng lên cho tới khi họ trở nên một với Thiên Chúa. Bởi thế, vị Giáo Hoàng này đã vạch ra một chương trình sống hoàn toàn cho tín hữu đích thực; đó là lý do Cuốn Những Lời Khuyên, một cuốn dẫn giải về Ông Gióp, mới tạo nên trong giai đoạn Thời Trung Cổ một thứ summa tổng hợp nền luân lý Kitô giáo.

 

Cuốn Các Bài Giảng về Phúc Âm cũng có một tầm quan trọng và vẻ đẹp đáng kể. Bài giảng đầu tiên ở Đền Thờ Thánh Phêrô năm 590 trong Mùa Vọng, chỉ sau ít tháng Thánh Gregory được chọn làm Giáo Hoàng; bài giảng cuối cùng ở Đền Thờ Thánh Lawrence vào Chúa Nhật Thứ Hai sau Hiện Xuống năm 593. Vị Giáo Hoàng này đã giảng cho dân chúng ở những nhà thờ là nơi có “những trạm” được cử hành – tức những nghi thức cầu nguyện đặc biệt trong các mùa quan trọng trong phụng niên – hay các lễ của những vị tử đạo chức sắc. Nguyên tắc hướng dẫn, một nguyên tắc liên kết các bài giảng khác nhau, được tóm lại nơi chữ “giảng viên”: chẳng những là vị thừa tác viên của Thiên Chúa, mà còn là hết mọi Kitô hữu, đều phải có nhiệm vụ “giảng dạy” về những gì họ đã cảm nghiệm nơi tận thẳm cung tâm hồn họ, theo gương của Chúa Kitô, Đấng đã làm người để mang đến cho tất cả mọi người tin mừng cứu độ. Chân trời của việc dấn thân này có tính chất cánh chung, ở chỗ, niềm trông đợi của việc hoàn thành tất cả mọi sự trong Chúa Kitô là một ý nghĩ liên lỉ của vị đại Giáo Hoàng này và đã đi đến chỗ cách trở thành lý do hướng dẫn hết mọi ý nghĩ và hoạt động của ngài. Từ đó mới xuất phát những lời nhắc nhở không thôi của ngài trong việc hãy tỉnh thức và thi hành việc thiện.

 

Có lẽ bản văn kết cấu nhất của Thánh Gregorio Cả là cuốn Qui Luật Mục Vụ, được viết trong những năm đầu của giáo triều ngài. Trong cuốn sách này, Thánh Gregory soạn dọn để trình bày cho thấy hình ảnh về một vị Giám Mục lý tưởng là thày dạy và là hướng đạo viên chăn dắt đàn chiên của mình. Để đạt được mục đích này ngài đã cho thấy tính cách nghiêm trọng của vai rò làm Mục Tử trong Giáo Hội cùng với các nhiệm vụ kèm theo đó. Bởi thế, những ai không được kêu gọi đến chức vụ này không được tìm kiếm nó một cách hời hợt, trái lại, những ai lãnh nhận nhiệm vụ ấy mà không suy nghĩ thích đáng cần thiết sẽ cảm thấy những rung động nổi lên trong tâm hồn mình. Một lần nữa tiếp tục đề tài thuận lợi, ngài đã khẳng định rằng vị Giám Mục trước hết là “giảng viên” tuyệt hạng; vì lý do này vị giám mục trước hết phải nêu gương cho người khác, nhờ đó hành vi cử chỉ của ngài trở thành một điệm tựa cho tất cả mọi người. Hoạt động mục vụ hữu hiệu đòi hỏi là vị giám mục biết được thính giả của mình và thích ứng những lời lẽ của mình vào trường hợp của từng người: đến đây, Thánh Gregory dừng lại để trưng dẫn các loại hạng tín hữu khác nhau bằng những lời chú giải xác đáng, những lời chú giải có thể cho thấy việc thẩm định của những ai cũng thấy được nơi tác phẩm này cả một tiểu luận về tâm lý nữa. Từ đó người ta mới biết là ngài đã thực sự biết chiên của mình và nói về tất cả những gì với dân chúng trong thời đại của ngài và thành phố của ngài.

 

Tuy nhiên, vị đại Giáo Hoàng này nhấn mạnh đến nhiệm vụ của vị Chủ Chăn trong việc hằng ngày nhìn nhận cái bất xứng của mình trước con mắt của Vị Thẩm Phán Tối Cao, nhờ đó niềm kiêu hãnh không làm tiêu tán đi việc thiện cần phải hoàn thành. Đó là lý do chương cuối cùng giành để nói về lòng khiêm nhượng: “Khi người ta cảm thấy hớn hở đạt được nhiều nhân đức, thì cần phải suy nghĩ về những thiếu sót bất toàn của mình mà tự hạ, thay vì xem xét việc thiện đạt được, cần phải xem xét đến những gì sơ khuyết”. Tất cả những chi tiết xác đáng này cho thấy quan niệm cao quí Thánh Gregory có được đối với việc chăm sóc các linh hồn, một việc chăm sóc ngài định nghĩa là “ars atrium”, một thứ nghệ thuật của mọi nghệ thuật. Bản Qui Luật Mục Vụ này đã có được cái may mắn thường hiếm thấy là được mau chóng chuyển dịch sang tiếng Hy Lạp và Anh ngữ.

 

Một tác phẩm quan trọng khác nữa là cuốn Dialogues. Trong tác phẩm được ngỏ cùng Phêrô này, một phó tế, người cho là những tục lệ đã trở nên quá băng hoại đến độ ngăn trở cho việc làm nổi lên những vị thánh nhân như trong quá khứ, Thánh Gregory đã chứng minh cho thấy hoàn toàn ngược lại, ở chỗ, thánh dức bao giờ cũng là những gì khả dĩ, ngay cả trong những lúc khó khăn.

 

Ngài đã chứng minh bằng việc kể ra đời sống của những người đồng thời hay những người vừa qua đời, những người có thể được coi là thánh, cho dù chưa được tôn phong. Việc kể này được kết thúc bằng những ý nghĩ về thần học và thần bí học làm cho cuốn sách trở thành một bản văn tiểu sử đặc biệt, có khả năng bồi bổ tất cả mọi thế hệ độc giả. Tài liệu này được rút từ những truyền thống sống động của dân chúng và nhắm đến việc soi sáng và huấn luyện, những gì thu hút chú ý của độc giả đến một loạt những vấn đề liên quan tới ý nghĩa của các phép lạ, việc dẫn giải Thánh Kinh, tình trạng bất tử của linh hồn, việc hiện hữu của Hỏa Ngục, ý nghĩa về thế giới đời sau – tất cả mọi đề tài cần phải được làm sáng tỏ một cách thích hợp. Cuốn II hoàn toàn giành cho hình ảnh của Thánh Biển Đức thành Nursia và là chứng từ cổ xưa duy nhất về đời sống vị vị đan sĩ thánh thiện này, vị có một vẻ đẹp thiêng liêng được cuốn sách hết sức đề cao.

 

Theo dự án thần học được Thánh Gregory khai triển liên quan tới các tác phẩm của ngài, quá khứ, hiện tại và tương lai đều được so sánh. Điều đáng chú ý hơn bất cứ cái gì khác đó là tất cả lịch sử cứu độ, một lịch sử tiếp tục bày tỏ nơi tính cách lang thang mù mờ của thời gian. Theo chiều hướng này vấn đề quan trọng ở đây là ngài đã đưa vào việc hoán cải của các Thiên Thần ở giữa Cuốn Những Lời Khuyên Răn, một cuốn dẫn giải về Ông Gióp: đối với ngài thì biến cố ấy trở thành như một việc đẩy mạnh Vương Quốc của Thiên Chúa được Thánh Kinh nói tới. Bởi thế, nó đáng được đề cập tới trong cuốn dẫn giải về sách thánh này. Theo ngài thì các vị lãnh đạo cộng đồng Kitô hữu cần phải dấn thân đọc lại những biến cố theo chiều hướng Lời Chúa: về ý nghĩa này vị đại Giáo Hoàng này cảm thấy rằng ngài có nhiệm vụ hướng dẫn các vị mục tử và tín hữu trên hành trình thiêng liêng của một việc lectio divina một cách sáng suốt và xác đáng, một việc đọc thánh kinh theo bối cảnh của đời sống con người.

 

Trước khi kết thúc, cần nói đến mối liên hệ được Giáo Hoàng Gregory duy trì với các vị Thượng Phụ ở Antiokia, Alexandria và chính Constantinople. Ngài luôn chú ý tới việc nhìn nhyận và tôn trọng quyền lợi, bảo vệ các vị khỏi mọi thứ pha mình có thể giới hạn quyền tự lập hợp lý của các vị. Còn nữa, nếu Thánh Gregory, trong bối cảnh lịch sử bấy giờ, chống lại danh xưng “toàn cầu” nơi vị Thượng Phụ Constantinople, thì không phải là muốn giới hạn hay phủ nhận quyền bính hợp lý này cho bằng vì ngài quan tâm tới mối hiệp nhất huynh đệ của Giáo Hội hoàn vũ. Trước hết ngài hết sức thâm tín rằng lòng khiêm nhượng cần phải là nhân đức nền tảng cho hết mọi vị Giám Mục, càng hơn nữa cho vị Thượng Phụ. Thánh Gregory vẫn là một vị đan sĩ bình dị trong lòng của mình và vì thế cương quyết chống lại các danh xưng cao cả. Ngài đã muốn trở thành – và đây là lời diễn tả của ngài người tôi tớ của các tôi tớ Chúa / servus servorum Dei. Được ngài tạo ra, câu này không phải chỉ là một công thức đạo đức phát ra từ môi miệng của ngài mà thực sự được biểu lộ nơi cách sống và tác hành của ngài. Ngài đã hết sức cảm k1ich trước lòng khiêm nhượng của Thiên Chúa, Đấng trong Đức Kitô trở thành tôi tớ của chúng ta. Người đã rửa chân và đang rửa chân bẩn thỉu của chúng ta. Bởi thế, ngài tin rằng vị Giám Mục, trước hết, cần phải bắt chước lòng khiêm nhượng này của Chúa và theo Chúa Kitô sống theo đường lối ấy. Ước muốn của ngài là sống thực sự là một đan sĩ, thường xuyên liên hệ với Lời Chúa, thế nhưng vị yêu mến Chúa, ngài biết làm thế nào để làm cho mình thành tôi tớ của tất cả mọi người trong một thời điểm đầy những khổ ải và đau thương. Ngài đã biết làm cho mình trở thành “tôi tớ của các tôi tớ”. Chính vì ngài đã sống như vậy mà ngài trở thành cao cả và cũng tỏ cho chúng ta thấy làm sao để đo lường sự cao cả thực sự.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/audiences/2008/documents/hf_ben-xvi_aud_20080604_en.html