Thứ Tư 17/5/2006

 

Bài 8

 

 

Tông Đồ Phêrô

 

 

Anh Chị Em thân mến:

 

Trong loạt bài giáo lý mới, chúng ta đã cố gắng tìm hiểu, trước hết, về vấn đề Giáo Hội là gì, về ý nghĩ của Chúa Kitô ra sao về gia đình mới này. Đoạn chúng ta nói rằng Giáo Hội hiện diện nơi dân, và chúng ta thấy rằng Chúa Kitô đã trao phó thực thể mới là Giáo Hội này cho 12 Vị Tông Đồ. Giờ đây chúng ta muốn nhìn ngắm từng vị một, để qua các vị, chúng ta hiểu được ý nghĩa thế nào là việc sống trong Giáo Hội, thế nào là việc theo Chúa Kitô. Chúng ta bắt đầu từ Thánh Phêrô.

 

Sau Chúa Giêsu thì Thánh Phêrô là nhân vật được biết đến và được trích dẫn nhiều nhất trong Tân Ước, ở chỗ, ngài được nhắc đến 154 lần với tên hiệu là ‘Petros’, ‘viên đá’, ‘tảng đá’, những tên hiệu theo bản dịch Hy Lạp từ danh hiệu theo tiếng Aramaic được Chúa Giêsu đích thân goị ngài ‘Kefa’, một danh hiệu xuất hiện 9 lần, đặc biệt là trong các thư của Thánh Phaolô. Ngoài ra, còn có tên gọi ‘Simon’ cũng thường được sử dụng (75 lần), một danh xưng theo tiếng Hy Lạp từ danh xưng theo nguy6en gốc Do Thái của Người là Simeon (twice Acts 15:14; 2Pet 1:1).

 

Con của Gioan (x Jn 1:42), hay theo kiểu ngôn ngữ Aramaic là ‘Bar-Jona’, con của Jonas (x Mt 16:17), xuất thân từ Bethsaida (Jn 1:44), một tỉnh ở về phía đông Biển Galilêa, cũng là nơi xuất thân của Philiphê và dĩ nhiên của cả Anrê an hem của Simon. Giọng nói của ngài là người xứ Galilêa.

 

Như người an hem Anrê của mình, ngài cũng là một tay đánh cá: cùng với gia đình Giêbêđê, cha của Giacôbê và Gioan, ngài qui tụ làm nghề tiểu thương đánh cá ở Hồ Gênnêsaret (x Lk 5:10). Nhờ đó ngài chắc hẳn được hoan hưởng cái thoải mái về tài chính và sống theo lòng đạo đức chân tình là những gì khiến ngài cùng với người an hem của ngài tới Giuđêa lắng nghe lời giảng của Gioan Tẩy Giả (Jn 1:35-42).

 

Ngài là một người Do Thái thành tín, tin vào sự hiện diện chủ động của Thiên Chúa nơi lịch sử của dân Người, và đã cảm thấy khổ đau khi không thấy tác động quyền năng của Người tỏ ra nơi những biến cố mà ngài được chứng dự. Ngài là người có gia đình, và bà mẹ vợ của ngài một ngày nọ được Chúa Giêsu chữa lành bệnh, sống ở thành Capernaum, trong cùng một ngôi nhà với Simon khi ngài còn sống ở thành phố đó (x Mt 8-14ff; Mk 1-29ff; Lk 4:38ff).

 

Những cuộc khai quật khảo cổ gần đây đã làm sáng tỏ vấn đề là ở bên dưới sàn nhà bằng vị thạch ghép theo hình thù bát giác của một ngôi nhà thờ nhỏ thuộc nghi lễ Byzantine, những di tích của một ngôi nhà thờ cổ hơn, được xây cất trong ngôi nhà ấy, được chứng thực bởi những tấm bảng nguyện cầu cùng Thánh Phêrô. Phúc Âm cho chúng ta biết rằng Phêrô là một trong bốn vị môn đệ đầu tiên ở Nazarét (x Lk 5:1-11), thành phần cần có thêm một người thứ năm nữa theo đúng tục lệ của một vị tôn sư thu thập môn đệ (x Lk 5:27: đoạn Chúa gọi Mathêu). Việc Chúa Giêsu đi từ 5 đến 12 môn đệ cho thấy tính cách mới mẻ về sứ vụ của Người, ở chỗ Người chẳng những là một trong nhiều tôn sư, mà còn đến để qui tụ 1 dân Yến Duyên cánh chung, được tiêu biểu nơi con số 12 ám chỉ con số 12 chi tộc Do Thái.

 

Simon xuất hiện trong các Phúc Âm như là một nhân vật có cá tính hăng máu và linh hoạt; ngài lúc nào cũng bộc trực, thậm chí bằng cả võ lực nữa (ngài đã sử dụng gươm trong vườn Oliu – x. Jn 18:10ff). Ngài đồng thời đôi khi lại có vẻ như ngây ngô và tỏ ra khiếp sợ, song chân tình và biết thành tâm hối cải (x Mt 26:75). Các Phúc Âm giúp chúng ta có thể theo dõi từng bước cuộc hành trình thiêng liêng của ngài.

 

Khởi điềm là lời mời gọi của Chúa Giêsu đã đến với ngài vào một ngày như mọi ngày, khi Phêrô đang bận bịu với công việc chài lưới của ngài. Chúa Giêsu bấy giờ đang ở Hồ Gennesarét, và đoàn lũ dân chúng vây quanh nghe Người giảng dạy. Con số những người tuốn đến nghe Người đã gây khó khăn cho Người. Vị Sư Phụ ấy bấy giờ thấy có hai chiếc thuyền ở bờ Hồ. Các tay chài lưới đã lên bờ giặt lưới. Người xin họ cho Người lên 1 trong 2 chiếc thuyền ấy, chiếc thuyền của Phêrô, và xin ngài chéo ra xa bở một chút. Người đã ngồi trên ngai tòa bất ngờ ấy mà giảng dạy dân chúng từ trên chiếc thuyền này (x Lk 5:1-3).

 

Như thế, chiếc thuyền của Phêrô đã trở thành ngai toà của Chúa Giêsu. Khi giảng dạy xong, Người đã bảo Simon rằng: ‘Hãy ra chỗ nước sâu để thả lưới bắt cá’. Và Simon thưa với Người rằng: ‘Lạy Thày, chúng tôi đã vất vả thâu đêm mà chẳng bắt được gì hết! Song vâng lời Thày chúng tôi thả lưới’ (Lk 5:5). Chúa Giêsu, một con người làm thợ mộc, không phải là một tay chuyên nghiệp đánh cá, song Phêrô là tay đánh cá đã tin tưởng nơi vị tôn sư ấy, vị tôn sư đã chẳng đáp ứng ngài gì cả ngoài việc đòi hỏi lòng tin tưởng nơi ngài.

 

Phản ứng của ngài trước mẻ cá lạ là một phản ứng bàng hoàng ngỡ ngàng và run sợ: ‘Lạy Chúa, xin hãy xa tôi ra vì tôi là một con người tội lỗi’ (Lk 5:8). Chúa Giêsu đã đáp lại bằng việc mời gọi ngài hãy tin tưởng và cởi mở trước một dự án vượt quá tất cả mọi mong đợi, đó là ‘Đừng sợ, từ đây, con sẽ trở thành tay chài lưới người’ (Lk 5:10). Phêrô không thể nghĩ được rằng một ngày kia ngài sẽ đến thành Rôma và ở đó ngài sẽ trở thành ‘tay chài lưới người’ cho Chúa. Ngài đã chấp nhận lời mời gọi ngỡ ngàng này để dấn thân vào cuộc phiêu lưu mạo hiểm ấy: ngài là một con người quảng đại; ngài nhận thấy những hạn hữu của ngài nhưng tin tưởng vào Đấng đã kêu gọi ngài để đáp ứng tấm lòng của Người. Ngài đã xin vâng và trở thành một người môn đệ của Chúa Kitô.

 

Phêrô đã trải qua một thời điểm quan trọng khác nơi cuộc hành trình thiêng liêng của ngài ở gần Cesarê Philiphê, khi Chúa Giêsu đặt câu hỏi đặc biệt với các môn đệ của Người, đó là ‘Người ta bảo Thày là ai?’ (Mk 8:27). Đối với Chúa Giêsu, câu trả lời theo lời đồn đại cũng chưa đủ. Người muốn ai đã chấp nhận dấn thân theo Người phải có một chủ trương riêng. Đó là lý do Người8 đã nhấn mạnh rằng: ‘Song các con cho Thày là ai?’ (Mk 8:29). Thánh Phêrô đã trả lời thay cho các người khác rằng: ‘Thày là Đức Kitô’ (ibid), tức Thày là Đấng Thiên Sai.

 

Câu trả lời này, câu trả lời ‘không do bởi huyết nhục’ mà là Cha trên trời (x Mt 16:17), chất chứa mầm mống lời tuyên xưng đức tin của Giáo Hội sau này. Tuy nhiên, Phêrô đã chưa hiểu được bản chất sâu xa nơi sứ vụ thiên sai của Chúa Giêsu, như rõ ràng thấy được là, sau đó chút xíu, khi ngài tỏ ra rằng Đấng Thiên Sai được ngài tìm kiếm theo mộng ước của ngài rất khác với dự định của Thiên Chúa. Trước lời loan báo về cuộc khổ nạn, ngài đã kêu lên và tỏ phản ứng khiến Chúa Giêsu phải tỏ thái độ nghiêm thẳng (x Mk 8:32-33).

 

Phêrô muốn Đấng Thiên Sai là một ‘con người thần linh’ làm thỏa mãn những niềm trông đợi của con người, bằng việc áp đặt võ lực trên mọi người: chúng ta cũng muốn Chúa Kitô ra tay quyền phép và lập tức biến đổi thế giới; nhưng Chúa Giêsu lại tỏ ra mình là một vị ‘Thiên Chúa phàm nhân’, Đấng đảo ngược những trông đợi của quần chúng, bằng việc đi theo con đường khiêm tốn và khổ đau. Đó là một việc chuyển thay lớn lao mà chúng ta cần phải học biết một lần nữa, ở chỗ, thiên về những niềm mong đợi của chúng ta mà loại bỏ Chúa Giêsu, hay là chấp nhận Chúa Giêsu theo đúng sự thật về sứ vụ của Người mà loại bỏ đi tất cả mọi trông đợi theo kiểu trần gian nữa.

 

Phêrô, con người bốc đồng, không ngần ngại kéo Người sang một bên mà trách cứ Người. Phản ứng của Chúa Giêsu đã hủy hoại đi tất cả mọi trông đợi sai lầm, kêu gọi ngài hãy hoán cải và theo Người: ‘Đồ Satan, hãy xéo đi! Vì ngươi không thuộc về Thiên Chúa mà thuộc về con người’ (Mk 8:33). Đừng có mà chỉ cho Thày đường đi nước bước, Thày theo đường lối của Thày và con hãy bước đi theo Thày.

 

Thế là Thánh Phêrô đã biết được thế nào là thực sự theo Chúa Giêsu. Đó là lời kêu gọi thứ hai, như Abraham trong Sáng Thế Ký, Đoạn 22, sau Sáng Thế Ký, Đoạn 12. ‘Nếu ai muốn theo Thày thì hãy từ bỏ chính bản thân mình và hãy vác thập tự giá mà theo Thày. Vì ai mất sự sống mình vì Thày và vì Phúc Âm sẽ giữa được nó’ (Mk 8:34-35). Đó là qui luật đòi hỏi trong việc theo Người: cần phải từ bỏ chính bản thân mình, nếu cần, cả thế gian nữa để giữ lấy những giá trị chân thực, để cứu lấy linh hồn, để giữ được sự hiện diện của Thiên Chúa trên thế gian (x Mk 8:36-37). Và bất chấp khó khăn, Thánh Phêrô đã chấp nhận lời mời gọi ấy và đã tiếp tục con đường theo bước chân Thày của ngài.

 

Tôi nghĩ rằng những cuộc hoán cải khác nhau ấy của Thánh Phêrô và toàn thể việc tính toán của ngài là một động lực an ủi lớn lao mà là một bài học quan trọng cho chúng ta. Chúng ta cũng ước mong Thiên Chúa, chúng ta cũng muốn sống quảng đại, thế nhưng chúng ta mong Thiên Chúa trở nên oai hùng trên thế gian này và muốn rằng Người biến đổi thế gian ngay tức khắc, theo ý nghĩ của chúng ta cũng như theo nhu cầu chúng ta cảm thấy cần thiết.

 

Thiên Chúa đã chọn lựa đường lối khác. Thiên Chúa đã chọn đường lối biến đổi tâm can bằng khổ đau và khiêm tốn. Và chúng ta, như Thánh Phêrô, hằng phải hoán cải. Chúng ta cần phải theo Chúa Giêsu chứ đừng đi trước Người. Người tỏ cho chúng ta đường đi nước bước. Thánh Phêrô đã nói với chúng ta rằng: Anh chị em nghĩ rằng anh chị em có phương cách và anh chị em cần phải biến đổi Kitô Giáo, thế nhưng Chúa Kitô là Đấng biết đâu là đường lối. Chính Người nói với tôi, Đấng nói cùng anh chị em đây rằng ‘Hãy theo Thày!’ Và chúng ta cần phải can đảm và khiêm tốn theo Chúa Giêsu, vì Người là đường, là sự thật và là sự sống.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 17/5/2006