Thứ Tư 24/5/2006
Bài 9
Phêrô Tông Đồ (tiếp)
Anh Chị Em thân mến,
Trong các buổi giáo lý này chúng ta đang suy niệm về Giáo Hội. Chúng ta đã nói rằng Giáo Hội sống trong dân và vì thế ở buổi giáo lý vừa rồi chúng ta đã bắt đầu suy niệm về hình ảnh của từng vị tông đồ, bắt đầu là Thánh Phêrô. Chúng ta đã thấy được hai giai đoạn quyết liệt nơi đời sống của ngài, đó là giai đoạn ngài được kêu gọi trên bờ Hồ Galilêa, sau đó là đoạn ngài tuyên xưng đức tin: ‘Thày là Đức Kitô, là Đấng Thiên Sai’. Một lời tuyên xưng, như chúng ta đã nói, vẫn còn thiếu, dù khai mở nhưng mới sơ khởi.
Thánh Phêrô đã thực hiện một cuộc hành trình theo đuổi. Bởi thế mà việc tuyên xưng sơ khởi này tự bản chất, giống như một hạt giống, chất chứa đức tin mai hậu của Giáo Hội. Hôm nay, chúng ta muốn xét tới hai biến cố khác nơi đời sống của Thánh Phêrô, đó là biến cố bánh hóa nhiều. Chúng ta vừa nghe trong đoạn về việc Chúa Kitô hỏi và Thánh Phêrô trả lời, rồi tới đoạn Chúa Kitô gọi Thánh Phêrô trở thành vị mục tử chăn dắt Giáo Hội hoàn vũ.
Chúng ta bắt đầu với biến cố hóa bánh ra nhiều. Anh chị em biết rằng dân chúng đã nghe Chúa giảng mấy tiếng đồng hồ. Cuối cùng Chúa Giêsu nói rằng họ meat rồi, họ đói rồi, chúng ta cần phải cho họ một cái gì đó bỏ bụng. Các vị tông đồ hỏi Người phải làm cách nào? Và Anrê là người anh em của Phêrô đã trình cho Chúa Giêsu biết có một bé trai mang theo năm ổ bánh và hai con cá. Thế nhưng, các tông đồ ngẫm nghĩ rằng bằng ấy thì có nghĩa gì đối với một con số quá đông dân chúng như vậy?
Bấy giờ Chúa Kitô đã bảo dân chúng ngồi xuống và cho phân phát năm ổ bánh và hai con cá. Và tất cả đều no nê. Chưa hết, Chúa Kitô đã yêu cầu các tông đồ, trong đó có Phêrô, hãy thu những mẩu bánh vụn còn dư, đó là 12 thúng bánh (x Jn 12-13). Sau đó, dân chúng, thấy được phép lạ này, một phép lạ như thể tái diễn thứ tân ‘manna’ rất được trông đợi, thứ bánh trời ban, muốn tôn Người làm vua.
Thế nhưng Chúa Giêsu đã không chấp nhận điều ấy và đã lên núi cầu nguyện một mình. Ngày hôm sau, ở bờ hồ bên kia, trong hội đường ở Capernaum, Chúa Giêsu đã giải thích phép lạ này – không theo chiều hướng vương quyền đối với dân Yến Duyên với một quyền lực của thế giới này như cách thức được dân chúng mong đợi, mà là theo ý nghĩa của việc ban tặng bản thân mình: ‘Bánh Tôi sẽ ban cho thế gian sự sống là thịt của Tôi’ (Jn 6:51). Chúa Giêsu đã loan báo thập giá và với thập giá việc thực sự hóa bánh ra nhiều, bánh Thánh Thể – đường lối làm vua hoàn toàn mới của Người, một đường lối hoàn toàn khác với những gì dân chúng mong đợi.
Chúng ta có thể hiểu rằng những lời này của Vị Sư Phụ ấy – vị không muốn thực hiện việc hóa bánh ra nhiều hằng ngày, vị không muốn cống hiến cho Yến Duyên một thứ quyền lực của thế giới này – thực sự là những gì khó nghe, thậm chí bất khả chấp nhận đối với dân chúng. ‘Ban thịt của Người’ – nghĩa là gì vậy? Thậm chí đối với cả các môn đệ thì những điều Chúa Giêsu nói vào lúc ấy đều là những gì bất khả chấp. Đối với lòng của chúng ta, với tâm thức của chúng ta, thì đó đã là và đang là những lời ‘khó nghe’ gây thử thách đức tin (x Jn 6:60). Nhiều môn đệ đã rút lui. Họ muốn người nào đó phải thực sự canh tân nước Yến Duyên, dân tộc Yến Duyên, chứ không phải là người nói rằng: ‘Tôi ban thịt Tôi’.
Chúng ta có thể nghĩ rằng những lời lẽ của Chúa Giêsu cũng khó nghe đối với cả Phêrô nữa, vị ở Caesarea Philiphi đã cự lại lời tiên báo về thập giá. Tuy nhiên, khi Chúa Giêsu hỏi 12 Vị: ‘Các con có muốn bỏ đi hay chăng?’, Phêrô liền bộc phát phản ứng theo lòng quảng đại của mình được tác động bởi Thánh Linh. Nhân danh tất cả mọi người, ngài đã đáp lại bằng những lời nói bất hủ, những lời lẽ cũng của cả chúng ta nữa: ‘Lạy Chúa, chúng con còn biết theo ai nữa đây? Thày có những lời ban sự sống đời đời; và chúng con tin tưởng và nhận biết rằng Thày là Đấng Thánh của Thiên Chúa’ (x Jn 6:66-69).
Ở đây, cũng như ở Caesarea, Phêrô đột khởi những lời lẽ tuyên xưng niềm tin Kitô học của Giáo Hội và cũng trở nên tiếng nói của các vị tông đồ khác cũng như của tín hữu qua mọi thời đại. Điều này không có nghĩa là ngài đã hiểu được mầu nhiệm của Chúa Kitô một cách sâu xa. Đức tin của ngài vẫn còn là một đức tin sơ khởi, một đức tin hành trình. Nó sẽ đi đến chỗ thực sự viên trọn chỉ nhờ cảm nghiệm các biến cố vượt qua mà thôi.
Thế nhưng, tuy đã là đức tin, cởi mở trước một thực tại cao cả hơn – cởi mở, trước hết là vì nó không phải là tin tưởng vào một điều gì đó mà là tin tưởng vào Một Đấng Nào Đó: vào Người là Đức Kitô. Bởi vậy mà đức tin của chúng ta cũng chỉ là một đức tin sơ khởi và chúng ta cần phải trải qua một cuộc hành trình dài. Tuy nhiên, vấn đề thiết yếu đó là một đức tin cởi mở để được Chúa Giêsu hướng dẫn, vì Người chẳng những biết đâu là dường lối mà chính Người còn là đường lối nữa.
Tuy nhiên, lòng hăng say quảng đại của Phêrô vẫn không phải là những gì bảo vệ ngài khỏi những hiểm nguy liên quan tới nỗi yếu hèn của con người. Đó là những gì chúng ta cũng cần phải nhận thấy nơi cuộc sống của chúng ta. Phêrô đã hăng say theo Chúa Giêsu; ngài đã vượt qua cuộc thử thách đức tin, bằng cách phó mình cho Người. Thế nhưng có lúc ngài cũng tỏ ra sợ hãi và sa ngã, ở chỗ ngài đã phản bội Thày (x Mk 14:66-72). Học đường của đức tin không phải là một cuộc diễn hành chiến thắng, mà là một cuộc hành trình rải rắc những khổ đau và yêu thương, những thử thách và lòng trung thành, là những gì được tái diễn hằng ngày.
Phêrô, người đã hứa tuyệt đối trung thành, đã cảm thấy sót xa và nhục nhã của việc chối Thày: Tính cao ngạo đã biết khiêm tốn trước cái giá phải trả của ngài. Cả Phêrô nữa cũng phải biết rằng ngài là một con người yếu đuối và cần được thứ tha. Khi chiếc mặt nạ cuối cùng bị rơi xuống, và ngài hiểu được sự thật về tấm lòng yếu hèn của một tội nhân tin tưởng như ngài thì ngài đã tuôn ra những giọt lệ giải thoát của lòng thống hối ăn năn. Sau việc than khóc này, bấy giờ ngài mời sẵn sàng thực hiện sứ mệnh của ngài.
Vào một buổi sáng mùa xuân, sứ mệnh này được Chúa Giêsu phục sinh ký thác cho ngài. Cuộc gặp gỡ xẩy ra trên bờ Hồ Tiberia. Chính Thánh Ký Gioan nhắc tới cuộc đối thoại xẩy ra trong hoàn cảnh đó giữa Chúa Giêsu và Phêrô. Người ta nhận thấy có một cái gì đó rất ư là ý nghĩa nơi vấn đề ngôn từ ở đây. Theo Hy Lạp thì chữ ‘filéo’ bày tỏ tình yêu thân hữu, dịu dàng nhưng không hoàn toàn, trong khi đó chữ ‘agapáo’ nghĩa là yêu thương không tiếc xót, trọn vẹn và vô tư.
Chúa Giêsu hỏi Phêrô lần đầu tiên rằng: ‘Hỡi Simon… con có yêu mến Thày hay chăng (‘agapâs-me’)’ bằng tình yêu trọn vẹn và vô tư này (x Jn 21:15)? Trước cảm nghiệm của việc phản bội, vị tông đồ này đáng lẽ đã phải thưa rằng ‘Con yêu mến Thày (‘agapô-se’) một cách vô tư’. Thế mà ngài đã cảm thấy cái buồn đau của việc bất trung, cái thảm trạng của nỗi yếu hèn của mình, ngài đã khiêm nhượng thưa: ‘Lậy Thày, tôi yêu mến Thày (‘filô-se’)’, tức là ‘con yêu mến Thày bằng một tình yêu nhân loại yếu hèn’. Chúa Kitô nhấn mạnh: ‘Simon, con có yêu mến Thày với tất cả tình yêu mà Thày mong muốn hay chăng?’ Và Phêrô đã lập lại câu trả lời bằng tình yêu nhân loại hèn kém của mình rằng: ‘Kyrie, filô-se’ – ‘Lạy Thày, con yêu mến Thày như con biết làm thế nào để mến yêu’.
Lần thứ ba Chúa Giêsu chỉ nói với Phêrô rằng: ‘Filei^s-me?’ – ‘Con có yêu mến Thày hay chăng?’ Simon hiểu được rằng đối với Chúa Giêsu thì tình yêu hèn yếu của ngài, một tình yêu duy nhất ngài có thể thì vẫn không đủ, nên ngài đã cảm thấy buồn là Chúa Kitô đã phải nói tới tình yêu này với ngài như thế. Bởi vậy, ngài đã đáp rằng: ‘Lạy Chúa, Chúa biết hết mọi sự; Chúa biết rằng con yêu mến Chúa (‘filiô-se’)’.
Dường như Chúa Giêsu đã phải thích ứng mình với Phêrô hơn là Phêrô thích ứng ngài với Chúa Giêsu! Chính vì cuộc thích ứng thần linh này là những gì đã làm cho người môn đệ này cảm thấy hy vọng, người đã cảm thấy được nỗi khổ đau của sự bất trung. Từ đó đã xuất phát lòng tin tưởng làm cho ngài có thể theo đuổi cho tới cùng: ‘Người nói điều này để cho thấy rằng ngài sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Và sau khi nói như vậy thì Người nói cùng ngài rằng: Hãy theo Thày’ (Jn 21:19).
Từ lúc ấy, Phêrô ‘đã theo” Thày với một ý thức tỏ tường về nỗi yếu hèn của mình; thế nhưng cái nhận thức này không khiến cho ngài cảm thất thất đảm. Ngài thực sự biết rằng ngài có thể cậy dựa vào sự hiện diện của Đấng Phục Sinh ở bên ngài. Từ lòng nhiệt thành chân chất của việc gắn bó nguyên khởi này, nhờ cảm nghiệm đau thương của việc chối Thày và nước mắt của lòng thống hối, Phêrô đã đi đến chỗ phó mình cho Chúa Giêsu là Đấng đã thích ứng mình với khả năng yêu thương hèn kém của ngài. Nên Người cũng tỏ cho chúng ta thấy đường đi nước bước bất chấp tất cả những nỗi yếu hèn của chúng ta.
Chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã thích ứng bản thân Người với nỗi yếu hèn của chúng ta. Chúng ta theo Người, bằng khả năng thấp kém của chúng ta trong việc yêu mến và chúng ta biết rằng Chúa Giêsu là Đấng nhân lành và Người chấp nhận chúng ta. Cuộc hành trình dài này đối với Phêrô đã làm cho ngài trở thành một chứng nhân sáng giá, thành ‘tảng đá’ của Giáo Hội, liên lỉ cởi mở trước tác động của Thần Linh Chúa Giêsu. Phêrô cho thấy mình là ‘chứng nhân những khổ đau của Chúa Kitô và là tham dự viên với vinh quang tỏ hiện’ (1Pt 5:1).
Khi ngài viết những lời này thì ngài đã già, đã tiến đến giai đoạn cuối đời của ngài, một giai đoạn ngài được niêm ấn bằng cuộc tử đạo. Bấy giờ ngài mới có thể diễn tả niềm vui đích thực và cho thấy niềm vui này có thể chiếm được ở nơi đâu: Nguồn mạch của niềm tin này đó là Chúa Kitô được tin tưởng và yêu mến bằng niềm tin tưởng yếu kém song chân thành của chúng ta, cho dù nỗi mỏng dòn của chúng ta. Đó là lý do tại sao ngài viết cho các Kitô hữu của cộng đồng ngài, và ngài cũng nói như thế với cả chúng ta nữa: ‘Không thấy Người nhưng anh chị em vẫn yêu mến Người; cho dù anh chị em giờ đây không trông thấy Người anh chị em vẫn tin tưởng nơi Người và hân hoan bằng một niềm vui khôn tả hỉ hoan. Anh chị em đạt tới phần rỗi của linh hồn của mình như thành quả đức tin của anh chị em’ (1Pt 1:8-9).
Đaminh
Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày
24/5/2006