Thánh Phaolô về Việc Công Chính Hóa
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 19/11/2008 – Bài Giáo Lý 13 trong Loạt bài cho Năm Thánh Phaolô
Anh Chị Em thân mến,
Trong cuộc hành trình chúng ta thực hiện dưới sự hướng dẫn của Thánh Phaolô, giờ đây chúng ta muốn suy nghĩ về một đề tài đã từng là tâm điểm của các cuộc tranh luận vào thế kỷ của Cuộc Cải Cách, đó là vấn đề công chính hóa. Một người công chính trước nhan Thiên Chúa ra sao? Khi Thánh Phaolô gặp gỡ Đấng Phục Sinh trên đường đi Damascus thì ngài đã là một con người toàn vẹn, ở chỗ ngài ở trong tình trạng bất khả trách cứ về vấn đề công chính theo lề luật (cf. Phil 3:6); ngài đã trổi vượt hơn nhiều người đồng thời với ngài trong việc tuân giữ những qui định của Moisen và nhiệt thành tuân hành truyền thống của cha ông (cf. Gal 1:14).
Ánh sáng soi chiếu ở Damascus đã làm biến đổi hoàn toàn cuộc đời của ngài, ở chỗ, ngài bắt đầu coi tất cả mọi công nghiệp của mình, những thành đạt của một cuộc theo đuổi về tôn giáo trân quí nhất, như là “thua thiệt” trước tính cách cao sang của kiến thức về Chúa Giêsu Kitô (cf. Phil 3:8). Bức Thư gửi tín hữu giáo đoàn Philiphê đã cống hiến cho chúng ta một chứng từ cảm kích về việc ngài quay ngược lại từ sự công chính theo lề luật cùng với việc tuân giữ những việc làm ấn định, sang một thứ công chính dựa vào niềm tin tưởng nơi Chúa Kitô: Ở chỗ, ngài đã hiểu được rằng tất cả những gì cho tới bấy giờ đường như là một thứ chiếm đạt đối với ngài thì thực ra là mất mát trước nhan Thiên Chúa, và vì thế ngài đã quyết định hiến cả đời mình cho Chúa Giêsu Kitô (cf Phil 3:7). Kho tàng được giấu trong thửa ruộng và hạt ngọc quí báu được ngài đầu tư mọi sự để chiếm hữu đây không còn là các việc làm theo lề luật nữa mà là Đức Giêsu Kitô, Chúa của ngài.
Mối liên hệ giữa Thánh Phaolô và Đấng Phục Sinh sâu xa đến nỗi nó đã thôi thúc ngài phải khẳng định rằng Chúa Kitô không phải chỉ là sự sống của ngài mà còn là việc sinh động của ngài, tới độ để đạt tới Người thì dù chết cũng là một đạt thành (cf. Phil 1:21). Như thế không phải là vì ngài không biết trân quí sự sống, nhưng vì ngài hiểu được rằng, đối với ngài, việc sinh động klhông còn một mục tiêu nào khác nữa; bởi thế, ngài không còn một ước mong nào khác ngoài việc chiến đạt Chúa Kitô, như trong một cuộc đấu về thể thao, để được mãi mãi ở với Người. Đấng Phục Sinh đã trở thành khởi điểm và đích điểm cho cuộc sống của ngài, là nguyên do và là mục đích cho cuộc chạy đua của ngài. Chỉ duy có mối quan tâm đến tình trạng phát triển đức tin của những ai ngài đã truyền bá phúc âm hóa, cùng với mối quan tâm cho tất cả mọi Giáo Hội ngài đã thành lập (cf 2Cor 11:28), mới là những gì xui khiến ngài chạy chậm lại trong việc tiến đến với Vị Chúa duy nhất của ngài, trong việc chờ đợi thành phần các đồ đệ của ngài, hầu cả họ nữa cũng chạy tới đích điểm ấy với ngài. Nếu việc tuân giữ lề luật trước đó ngài đã không cảm thấy một cái gì đó đáng tự trách theo quan điểm đoan chính về luân lý, thì một khi được Chúa Kitô chiếm đoạt thì ngài đã không ưa thích việc phán quyết về bản thân mình nữa (cf 1Cor 4:3-4), mà chỉ chuyên chú vào việc chạy đua để chiến thắng Đấng đã thắng đoạt ngài (cf Phil 3:12).
Chính vì cảm nghiệm bản thân ấy về mối liên hệ với Chúa Giêsu mà Thánh Phaolô đã lấy Phúc Âm của Người làm trọng tâm cho một cuộc phản chống bất khả giảm thiểu giữa hai con đường phải chọn lựa để tiến đến với sự công chính, một là con đường căn cứ vào các việc làm theo lề luật, hai là con đường dựa vào ân huệ của niềm tin tưởng vào Chúa Kitô. Bởi thế, việc chọn lựa giữa sự công chính nhờ các việc làm theo lề luật và sự công chính nhờ niềm tin tưởng vào Chúa Kitô trở nên một trong những đề tài nổi bật nơi các bức thư của ngài: “Chính chúng ta, thành phần Do Thái bẩm sinh chứ không phải thành phần tội nhân Dân Ngoại, nhưng chúng ta đều biết rằng con người không được công chính hóa nhờ các việc làm theo lề luật mà là nhờ ở niềm tin tưởng nơi Chúa Giêsu Kitô, thậm chí chúng ta đã tin vào Chúa Giêsu Kitô, để được công chính hóa bởi niềm tin vào Chúa Kitô, chứ không phải bởi các việc làm theo lề luật, vì không ai được công chính hóa bởi các việc làm theo lề luật hết” (Gal 2:15-16).
Và ngài tái khẳng định với thành phần Kitô hữu Rôma là: “tất cả đều đã phạm tội và bị hụt hẫng vinh quang của Thiên Chúa, họ được công chính hóa là nhờ ân sủng như là một tặng ban qua việc được cứu chuộc trong Chúa Giêsu Kitô” (Rm 3:23-24). Rồi ngài thêm: “Vì chúng ta tin rằng con người được công chính hóa nhờ đức tin chứ không phải việc làm theo lề luật” (cùng nguồn, câu 28). Luthêrô đã dịch chỗ này là “được công chính hóa bởi đức tin mà thôi”. Tôi sẽ trở lại vấn đề ấy vào cuối bài giáo lý này.
Trước hết, chúng ta cần phải làm sáng tỏ những gì là “lề luật” mà chúng ta đã được tự do và những gì là “các việc làm theo lề luật” không làm cho con người nên công chính. Ngay trong cộng đồng Côrintô bấy giờ đã có ý tưởng, một ý tưởng đã tái diễn nhiều lần trong giòng lịch sử, một ý tưởng được liên tục nghĩ rằng đó là một vấn đề về luật luân lý, và sự tự do của Kitô hữu bởi thế là ở chỗ được tự do không bị ràng buộc gì tới đạo lý nữa. Bởi thế câu “panta mou estin – đối với tôi mọi sự đều được phép” mới được chuyền miệng ở Corintô. Hiển nhiên việc giải thích này là điều sai lầm, ở chỗ, tự do của Kitô hữu không phải là một thứ libertinism – thả lỏng; tự do được Thánh Phaolô nói tới không phải là thứ tự do khỏi phải hành thiện nữa.
Bởi thế, đâu là ý nghĩa của lề luật là những gì chúng ta được thoát khỏi và là những gì không cứu độ chúng ta? Đối với Thánh Phaolô, cũng như đối với tất cả mọi con người đồng thời với ngài thì chữ lề luật hoàn toàn có nghĩa là Ngũ Kinh, tức là 5 cuốn sách của Moisen. Theo sự dẫn giải của phái Pharisiêu thì Ngũ Kinh đã bao hàm những gì Thánh Phaolô đã học hỏi và tuân thủ, một loạt tác hành bao gồm cả nền tảng về đạo lý cho đến những việc tuân giữ về nghi thức và văn hóa, những gì chính yếu khẳng định căn tính của con người công chính – đặc biệt là việc cắt bì, việc tuân giữ liên quan tới đồ ăn tinh tuyền và việc thanh tẩy theo nghi thức nói chung. Những luật lệ liên quan tới việc tuân giữ Ngày Hưu Lễ v.v. Những tác hành này thường xuất hiện trong những cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và các người đồng thời với Người. Tất cả mọi điều tuân giữ ấy cho thấy một thứ căn tính về xã hội, văn hóa và tôn giáo đã từng trở thành quan trọng đặc biệt vào thời văn hóa Hy Lạp, bắt đầu vào thế kỷ thứ 3 trước Chúa Kitô Giáng Sinh.
Thứ văn hóa Hy Lạp này, một thứ văn hóa đã trở thành văn hóa phổ quát của thời ấy, đã là một thứ văn hóa dường như có lý, một thứ văn hóa rõ ràng chấp nhận đa thần, thứ văn hóa tạo nên một áp lực mãnh liệt đối với tính cách đồng nhất về văn hóa và vì thế đe dọa tới căn tính của Yến Duyên, một dân tộc về chính trị buộc phải dính dáng tới cái căn tính chung này của văn hóa Hy Lạp mà hậu quả là bị mất đi căn tính của mình, bởi đó cũng bị mất luôn cả gia sản đức tin quí báu của Cha Ông họ, mất đức tin vào vị Thiên Chúa duy nhất cũng như vào những lời hứa của ngài.
Trước sức ép của nền văn hóa này, một sức ép chẳng những đe dọa tới căn tính của người Do Thái mà còn đến niềm tin vào Vị Thiên Chúa duy nhất cùng với các lời hứa của Ngài nữa, thì cần phải tạo nên một bức tường ngăn cách, một chiếc thuẫn bênh đỡ để bảo vệ cái gia sản quí báu của đức tin; bức tường này thực sự bao gồm những việc tuân giữ và qui luật của người Do Thái. Thánh Phaolô, vị đã biết những điều tuân giữ ấy chính yếu ở nơi phận sự bênh vực tặng ân này của Thiên Chúa, bênh vực gia sản đức tin nơi Vị Thiên Chúa duy nhất, đã thấy cái căn tính này bị đe dọa bởi niềm tự do của Kitô hữu: Đó là lý do tại sao ngài đã bách hại họ. Vào lúc ngài hội ngộ với Đấng Phục Sinh ngài đã hiểu rằng nhờ việc phục sinh của Chúa Kitô thì tình trạng này đã hoàn toàn thay đổi. Với Chúa Kitô, Vị Thiên Chúa của Yến Duyên, Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất đã trở thành Vị Thiên Chúa của tất cả mọi dân tộc.
Bức tường này – Thư gửi tín hữu Êphêsô đã nói như thế – giữa Yến Duyên và dân ngoại không còn cần thiết nữa: Chính Chúa Kitô là Đấng bảo vệ chúng ta trước chủ nghĩa đa thần cùng với tất cả những gì là lệch lạc của chủ nghĩa này; chính Chúa Kitô là Đấng liên hiệp chúng ta với và trong vị Thiên Chúa duy nhất; chính Chúa Kitô là Đấng bảo đảm căn tính thực sự của chúng ta nơi tính cách đa dạng của các nền văn hóa; và chính Người là Đấng làm cho chúng ta nên công chính. Nên công chính chỉ có nghĩa là được ở với Chúa Kitô và ở trong Chúa Kitô. Và như thế đã đủ rồi. Những việc tuân giữ khác không còn cần thiết nữa.
Đó là lý do tại sao câu phát biểu “chỉ có đức tin” đúng nếu đức tin không chống lại đức ái, không phản lại yêu thương. Tin tưởng là nhìn vào Chúa Kitô, là ký thác bản thân cho Chúa Kitô, là hiệp nhất với Chúa Kitô, là nên giống Chúa Kitô, giống đời sống của Người. Và hình thức này, sự sống Chúa Kitô này, là yêu thương; thế nên, tin tưởng là nên giống Chúa Kitô và dự phần vào tình yêu của Người. Đó là lý do tại sao, trong Thư gửi tín đồ Galata, Thánh Phaolô trước hết khai triển tín lý của mình về việc công chính hóa; ngài nói về đức tin hoạt động qua đức ái (cf. Gal 5:14).
Thánh Phaolô biết rằng toàn thể lề luật được viên trọn nơi tình yêu lưỡng diện mến Chúa thương người này. Bởi thế, toàn thể lề luật được tuân giữ trong mối hiệp thông với Chúa Kitô, trong niềm tin kiến tạo đức ái. Chúng ta công chính khi chúng ta được hiệp thông với Chúa Kitô, Đấng là tình yêu. Chúng ta sẽ thấy như thế trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần tới Lễ trọng Chúa Kitô Vua. Chính bài Phúc Âm về việc phán xét này lấy tiêu chuẩn phát xét duy nhất là tình yêu. Những gì Ta hỏi chỉ là việc các người có đến viếng thăm Ta khi ta yếu đau? Khi Ta ngục tù? Các người có cho Ta ăn khi Ta đói khổ, có mặc cho Ta khi Ta trần trụi? Vậy công chính là những gì được quyết định nơi bác ái. Thế nên, vào cuối bài Phúc Âm ấy chúng ta có thể nói chỉ duy tình yêu, chỉ duy đức ái mà thôi. Tuy nhiên, không có vấn đề mâu thuẫn giữa bài Phúc Âm này và Thánh Phaolô. Vấn đề ở đây là cả hai có cùng một quan điểm giống nhau, quan điểm hiệp thông với Chúa Kitô, tin tưởng vào Chúa Kitô, là những gì kiến tạo nên đức bác ái. Và đức bác ái là những gì hiện thực mối hiệp thông với Chúa Kitô. Như thế, hiệp nhất với Người chúng ta được nên công chính, ngoài ra không còn cách nào khác.
Sau cùng, chúng ta chỉ có thể cầu cùng Chúa để Người giúp chúng ta tin tưởng. Tin tưởng thực sự; một niềm tin nhớ đó trở thành sự sống, trở nên mối hiệp nhất với Chúa Kitô, biến đổi cuộc sống của chúng ta. Nhờ đó, nhờ được tình yêu Người biến đổi, tình yêu Chúa và tha nhân biến đổi, chúng ta mới có thể thực sự công chính trước nhan Thiên Chúa.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 19/11/2008
(những chỗ được in đậm lên là do tự ý của người dịch trong việc làm nổi bật những điểm chính yếu quan trọng)