Thánh Phaolô - Đức Tin qua Đức Ái

 

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 26/11/2008 – Bài Giáo Lý 14 trong Loạt bài cho Năm Thánh Phaolô

 

 

Anh chị em thân mến,

 

Trong bài giáo lý Thứ Tư vừa rồi, tôi đã nói đến vấn đề con người được công chính hóa ra sao trước nhan Thiên Chúa. Căn cứ vào Thánh Phaolô, chúng ta đã thấy rằng con người không thể làm cho mình nên “công chính” bằng những hành động riêng của mình, mà họ chỉ có thể nên “công chính” trước nhan Thiên Chúa chỉ vì Thiên Chúa ban cho họ “đức công chính” của Ngài, khi liên kết họ cới Chúa Kitô, Con của Ngài. Và con người chiếm được mối hiệp nhất này với Chúa Kitô nhờ ở đức tin.

 

Chính vì thế Thánh Phaolô đã nói với chúng ta rằng: không phải là các việc làm của chúng ta mà là đức tin của chúng ta mới là cái làm cho chúng ta nên “công chính”. Tuy nhiên, đức tin này không phải là một tư tưởng, một ý nghĩ hay ý tưởng. Đức tin này là mối hiệp thông với Chúa Kitô, mối hiệp thông được Chúa trao phó cho chúng ta và bởi đó trở thành sự sống am hợp với Chúa Kitô. Hay nói cách khác, nếu chân thực và thực sự thì đức tin trở thành tình yêu, thành đức ái – được thể hiện nơi đứa ái. Đức tin thiếu đức ái, thiếu hoa trái này, sẽ không phải là đức tin chân thực. Nó sẽ là một đức tin chết.

 

Bởi thế chúng ta thấy được hai lãnh vực trong bài giáo lý vừa rồi: lãnh vực về tính chất thiếu sót không đủ của những việc làm của chúng ta để chiếm lấy ơn cứu độ, và lãnh vực về “việc công chính hóa” bởi đức tin phát sinh hoa trái của Thần Linh. Cái lẫn lộn giữa hai lãnh vực này qua các thế kỷ đã gây ra không ít hiểu lầm nơi Kitô giáo.

 

Theo chiều hướng ấy, trong Thư gửi tín hữu Galata của mình, Thánh Phaolô cần phải nhấn mạnh một đàng và một cách nghiêm trọng vế tính chất nhưng không của việc công chính hóa không do các nỗ lực của chúng ta, đồng thời ngài cũng nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa đức tin và đức ái, giữa đức tin và các việc làm. “Vì nơi Chúa Giêsu Kitô thì không phải vấn đề ở chỗ cắt bì hay không cắt bì mà là đức tin hoạt động bởi đức ái” (Gal 5:6). Do dó, một đàng là “các việc làm của xác thịt” bao gồm việc gian dâm, ô uế, trụy lạc, ngẫu tượng v.v. (5:19-21), tất cả những điều ấy đều tương phản với đức tin. Ngược lại là tác động của Thánh Linh, một tác động nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu làm phát sinh “yêu thương, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân ái, quảng đại, trung thành, dịu dàng, tự chủ” (5:22): Đó là những hoa trái của Thần Linh xuất phát từ đức tin.

 

Mở đầu cho danh sách những nhân đức này là ágape, yêu thương, và cuối cùng là tự chủ. Thực vậy, Thần Linh, Đấng là Tình Yêu giữa Cha và Con, đã làm thấm nhập vào tâm hồn chúng ta (cf Rm 5:5) tặng ân đầu tiên ágape này. Về vấn đề tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con, một tình yêu được ban cho chúng ta và sâu xa biến đổi cuộc sống của chúng ta, tôi đã giành hẳn bức thông điệp đầu tiên của tôi là “Deus Caritas Est”. Các tín hữu đều biết rằng trong tình yêu hỗ tương, tình yêu của Thiên Chúa và của Chúa Kitô được hiện thân nơi Thần Linh.

 

Chúng ta hãy trở lại với Thư gửi tín hữu Galata. Ở đây, Thánh Phaolô nói rằng các tín hữu hoàn tất giới răn yêu thương bằng việc gánh vác những gánh nặng của nhau (6:2). Được công chính hóa nhờ tặng ân đức tin trong Chúa Kitô, chúng ta được kêu gọi sống trong tình yêu của Chúa Kitô đối với người khác, vì căn cứ vào tiểu chuẩn này mà chúng ta sẽ được phán xét khi kết thúc cuộc đời. Thật thế, Thánh Phaolô chỉ lập lại những gì chính Chúa Giêsu đã phán, và là những gì chúng ta đã được nhắc nhở trong bài Phúc Âm Chúa Nhật vừa qua, nơi dụ ngôn về Cuộc Chung Thẩm.

 

Trong Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Corinto, Thánh Phaolô đã nói thêm bằng bài ca ngợi nổi tiếng về tình yêu. Nó được gọi là bài ca đức ái: “Nếu tôi nói được các thứ ngôn ngữ loài người và thiên thần nhưng không có yêu thương, tôi chỉ là tiếng chuông leng keng  hay não bạt phèng phèng…. Tình yêu thì kiên nhẫn, nhân từ, không ghen tương, không lên mặt, không huyênh hoang, không thô bạo, không tìm tư lợi…” (13:1,4-5).

 

Tình yêu của Kitô hữu là những gì rất ư là đòi hỏi vì nó xuất phát từ tình yêu trọn vẹn của Chúa Kitô đối với chúng ta: Tình yêu này đòi hỏi chúng ta, đón nhận chúng ta, ấp ủ chúng ta, nâng đỡ chúng ta, thậm chí hành khổ chúng ta, vì nó buộc chúng ta không được sống cho mình nữa, chỉ biết duy ngã độc tôn, mà là cho “Đấng đã chết đi và sống lại vì chúng ta” (cf. 2Cor 5:15). Tình yêu của Chúa Kitô làm cho chúng ta là một tạo vật mới trong Người (cf. 2Cor 5:17), thành phần làm nên nhiệm thể của Người là Giáo Hội. 

 

Theo chiều hướng ấy thì cái chính yếu của vấn đề công chính hóa không phi việc làm, mục tiêu chính của việc Thánh Phaolô rao giảng, không tương phản với đức tin hoạt động nơi yêu thương. Trái lại, nó đòi hỏi là chính đức tin của chúng ta cần phải được thể hiện nơi một đời sống theo Thần Linh. Thường thấy xẩy ra một chủ trương tương khắc thiếu cơ sở giữa thần học của Thánh Phaolô và của Thánh Giacôbê, vị đã viết trong bức thư của mình là: “Như một thân thể vô hồn là một thân thể chết thế nào thì đức tin không việc làm cũng là một đức tin chết như vậy” (2:26).

 

Thực ra, trong khi Thánh Phaolô trước hết bày tỏ cho thấy là đức tin nơi Chúa Kitô là những gì cần và đủ, thì Thánh Giacôbê lại nhấn mạnh đến mối liện hệ theo đó giữa đức tin và việc làm (cf. James 2:2-4). Bởi thế, đối với Thánh Phaolô cũng như với Thánh Giacôbê thì đức tin hoạt động qua yêu thương là những gì minh chứng thấy tặng ân nhưng không của việc công chính hóa nơi Chúa Kitô. Ơn cứu độ, được lãnh nhận nơi Chúa Kitô, cần phải được bảo vệ và làm chứng “một cách sợ hãi và rúng động. Vì Thiên Chúa là Đấng, vì chủ ý tốt lành của Ngài, làm việc nơi anh chị em về cả lòng mong ước lẫn các việc làm. Hãy làm hết mọi sự mà đừng có lèo nhèo hay thắc mắc… khi anh chị em trung thành tuân giữ lời sự sống”, Thánh Phaolô thậm chí nói với Tín hữu thành Philipi (cf Phil 2:12-14, 16).

 

Thường chúng ta có khuynh hướng rơi vào cũng những hiểu lầm của cộng đồng tín hữu Côrintô, ở chỗ, có những Kitô hữu đã nghĩ rằng một khi đã được công chính hóa cách nhưng không bởi đức tin thì “được phép làm hết mọi sự”. Thế rồi họ nghĩ, và thường  Kitô hữu ngày nay cũng đang nghĩ, là được phép tạo ra những phân rẽ trong Giáo Hội là thân mình của Chúa Kitô, ở chỗ cử hành Thánh Thể mà không cần quan tâm gì tới những người anh chị em đang thiếu thốn nhất, ở chỗ mong muốn có được những đặc sủng cao cả nhất mà không nhận thấy rằng họ là phần tử của nhau, v.v.

 

Những hậu quả của một đức tin không hiện thực trong yêu thương là những gì tàn hại, vì nó bị biến thành một thứ lạm dụng nguy hiểm và thành một thứ chủ quan đối với chúng ta cũng như đối với anh chị em chúng ta. Ngược lại, căn cứ vào Thánh Phaolô, chúng ta cần phải ý thức lại sự kiện là, chính vì chúng ta đã được công chính hóa trong Chúa Kitô mà chúng ta không còn thuộc về mình nữa nhưng đã được biến thành đền thờ của Thần Linh và do đó được kêu gọi tôn vinh Thiên Chúa nơi thân thể của chúng ta cũng như bằng cả cuộc đời của chúng ta (cf. 1Cor 6:19). Giá trị khôn lường của việc được công chính hóa sẽ bị coi thường nếu, một khi được chuộc bằng giá máu cao cả của Chúa Kitô, chúng ta không tôn vinh Người nơi thân thể của chúng ta. Thật thế, đó vừa là việc tôn thờ “hữu lý” vừa đồng thời “linh thiêng” được Thánh Phaolô huấn dụ chúng ta trong việc “hãy hiến thân thể mình làm hy tế sống động, thánh thiện hài lòng Thiên Chúa” (Rm 12:1).

 

Một đức tin không thể hiện nơi đức ái ở chỗ nào khi cử hành phụng vụ chỉ hướng về Chúa mà lại không đồng thời phục vụ anh chị em mình? Vị Tông Đồ này thường đặt các cộng đồng của ngài trước Cuộc Phán Xét Cuối Cùng, một cuộc phán xét mà “chúng tất cả đều phải xuất hiện trước tòa phán xét của Chúa Kitô, để mỗi người lãnh nhận thưởng phạt tùy theo những gì họ làm tốt xấu trong thân xác” (2Cor 5:10; cf. Rm 2:16).

 

Nếu đạo lý được Thánh Phaolô đề ra cho các tín hữu không bị rơi vào những hình thức duy răn bảo, và nếu nó còn cho chúng ta thấy được tính cách hiện đại của nó, là bởi vì, bao giờ nó cũng được bắt đầu từ mối liên hệ cá nhân và cộng thông với Chúa Kitô nhờ đó nó chứng thực mình nơi sự sống theo Thần Linh. Đó là những gì thiết yếu, ở chỗ, đạo lý Kitô giáo không xuất phát từ một hệ thống giáo điều mà là thành quả của mối thân tình với Chúa Kitô. Mối thân tình này chi phối đời sống, ở chỗ, nếu nó là những gì đích thực, nó sẽ hiện thực và nên trọn nơi tình yêu thương tha nhân. Bởi thế, bất cứ một suy giảm nào về luân thường đạo lý đều không chỉ giới hạn nơi lãnh vực cá nhân mà còn đồng thời làm mất đi giá trị của niềm tin tưởng cá nhân và cộng thông nữa, một tình trạng suy giảm xuất phát từ niềm tin bị mất giá này và là một suy giảm gây ra một thứ phản tác dụng trên niềm tin bị mất giá ấy. 

 

Bởi vậy, chúng ta hãy ôm ấp mối hòa giải được tặng ban cho chúng ta trong Chúa Kitô bởi Thiên Chúa, bởi tình yêu “điên khùng” của Thiên Chúa đối với chúng ta: đến độ không một ai và không một sự gì có thể tách chúng ta khỏi tình yêu của Ngài (cf. Rm 8:39). Chúng ta hãy sống bằng niềm tin tưởng này. Và niềm tin tưởng ấy là những gì cống hiến cho chúng ta sức mạnh để sống một cách cụ thể đức tin hoạt động qua đức ái. 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 26/11/2008

(những chỗ được in đậm lên là do tự ý của người dịch trong việc làm nổi bật những điểm chính yếu quan trọng)