Thánh Phaolô - Hộ Giáo

 

 

ĐTC Biển Đức XVI - Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 1/10/2008 – Loạt bài cho Năm Thánh Phaolô Bài Giáo Lý 6

 

 

Anh chị em thân mến,

 

Việc trọng kính và tôn kính 12 Vị được Thánh Phaolô luôn vun trồng đã không suy giảm khi ngài thẳng thắn bênh vực chân lý Phúc Âm, một chân lý không là gì khác ngoài Đức  Giêsu Kitô là Chúa. Hôm nay, chúng ta muốn dừng lại ở hai đoạn cho thấy lòng tôn kính này, đồng thời cũng cho thấy cái tự do được vị Tông Đồ này ngỏ cùng Thánh Phêrô cũng như các vị tông đồ khác: đó là đoạn về biến cố được gọi là Công Đồng Giêrusalem và đoạn về trường hợp bất ngờ xẩy ra ở Antioch xứ Syria, được thuật lại trong Thư gửi cho tín hữu Galata (cf. 2:1-10; 2:11-14).

 

Hết mọi công đồng và thượng nghị trong Giáo Hội đều là ‘một biến cố của Thần Linh’ và gom góp những mối quan tâm của toàn thể Dân Chúa lại với nhau. Những ai tham dự Công Đồng Chung Vaticanô II đã cảm thấy nơi bản thân mình điều này. Vì thế, Thánh Luca, theo chiều hướng ấy, khi cho chúng ta thấy về công đồng đầu tiên này của Giáo Hội, diễn ra ở Giêrusalem, đã nói đến bức thư của các vị tông đồ bấy giờ gửi cho các cộng đồng Kitô hữu thuộc cộng đồng Do Thái: ‘Đây là quyết định của Thánh Thần và của chúng tôi’ (Acts 15:28). Thần Linh, Đấng hoạt động trong toàn thể Giáo Hội, đã trực tiếp hướng dẫn các vị tông đồ trong giờ phút tiến bước trên một con đường mới hay hoàn thành những dự án của các vị. Ngài là thủ công viên chính xây đắp Giáo Hội.

 

Tuy nhiên, cuộc họp này ở Giêrusalem đã diễn ra vào thời điểm không phải là ít căng thẳng trong cộng đồng của những thuở ban đầu. Cuộc họp này đã cứu xét đến việc giải đáp cho vấn đề dân ngoại trở lại với Chúa Giêsu Kitô là có thích đáng chăng khi buộc họ phải chịu phép cắt bì, hay có hợp pháp chăng khi để họ không phải theo luật Moisen, tức là không phải tuân giữ những qui luật cần thiết để được trở nên một con người công chính, người tuân theo lề luật, nhất là không phải tuân giữ các qui luật liên quan tới những nghi thức thanh tẩy, những đồ ăn thức uống thanh sạch hay dơ bẩn, và liên quan tới Ngày Hưu Lễ.

 

Thánh Phaolô trong Thư gửi tín hữu Galata đoạn 2, từ câu 1 đến 10 cũng đã đề cập tới cuộc hội nghị này ở Giêrusalem: 14 năm sau khi ngài hội ngộ với Đấng Phục Sinh ở Damascus – chúng ta đang ở hậu bán thập niên 40 – Thánh Phaolô đến Antioch xứ Syria cùng với Barnabas, cũng được hộ tống bởi Titô là đồng nghiệp của ngài, nhân vật mặc dù là gốc Hy Lạp cũng đã buộc phải cắt bì khi gia nhập Giáo Hội. Thánh Phaolô đã trình bày về trường hợp này cùng 12 Vị, những vị được cho là có thế giá, về một thứ phúc âm không lệ thuộc vào lề luật (cf. Gal 2:6). 

 

Trong ánh sáng của cuộc ngài được gặp gỡ Chúa Kitô phục sinh, ngài đã hiểu rằng trong giây phút tiến tới với Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô thì dân ngoại không cần phải chịu cắt bì nữa, cũng không buộc phải giữ những luật lệ liên quan tới đồ ăn thức uống và tới Ngày Hưu Lễ nữa, như là một dấu hiệu về sự công chính: Chúa Kitô là sự công chính của chúng ta và ‘công chính’ chính là tất cả những gì thuận hợp với Người. Các dấu hiệu khác cũng không cần để được nên công chính nữa. Trong Thư gửi tín hữu Galata, bằng mấy lời vắn gọn, ngài đã đề cập tới vấn đề tiến triển của hội nghị này: Ngài hân hoan nhắc lại là thứ phúc âm không lệ thuộc lề luật này đã được chấp nhận bởi Thánh Giacôbê, Phêrô và Gioan, ‘những trụ cột của Giáo Hội’, những vị đã tích cực ủng hộ ngài và Thánh Barnabê như dấu hiệu của mối hiệp thông giáo hội trong Chúa Kitô (Gal 2:9).

 

Như chúng ta đã nhận định, nếu đối với Thánh Luca, Công Đồng Giêrusalem cho thấy tác động của Thánh Linh, thì đối với Thánh Phaolô, công đồng này nói lên việc nhìn nhận cái tự do nơi tất cả những ai tham phần vào đó: tự do thoát khỏi những bó buộc xuất phát từ việc cắt bì và lề luật; cái tự do mà ‘Chúa Kitô vì thế đã giải thoát chúng ta’ và chúng ta đừng bị tròng vào cổ cái ách nô lệ này một lần nữa (cf Gal 5:1). Hai hình thức được Thánh Phaolô và Luca diễn tả về Hội Nghị Giêrusalem này liên kết với nhau nơi tác động giải phóng của Thánh Linh, vì ‘đâu có Thần Linh Chúa thì ở đó có tự do’, ngài đã nói như thế trong Thư Thứ Hai gửi tín hữu Corintô (cf. 3:17).

 

Vì tất cả những sự ấy mà, như hiển nhiên thấy trong các thư của Thánh Phaolô, cái tự do của Kitô giáo không bao giờ được đồng hóa với quyền hạn hay với ý muốn làm những gì mình muốn. Nó là một thứ tự do được hành xử hợp với Chúa Kitô, và vì thế, hợp với  việc đích thực phuc vụ cho con người, nhất là thành phần thiếu thốn nhất. Đó là lý do, bản tường trình của Thánh Phaolô về công đồng này đã được kết thúc bằng việc nhắc lại lời khuyến nghị của các tông đồ giành cho ngài là: ‘Chúng ta cần phải nghĩ đến người nghèo, đó chính là điều duy nhất tôi đã hăm hở thực hiện’ (Gal 2:10).

 

Hết mọi công đồng đều được xuất phát từ Giáo Hội và qui về với Giáo Hội: Trong cơ hội này, công đồng để tâm lưu ý tới người nghèo, thành phần, theo các ghi nhận khác nhau trong những bức thư của Thánh Phaolô, trước hết là những người nghèo của Giáo Hội ở Giêrusalem. Trong việc quan tâm tới người nghèo, đặc biệt được chứng tỏ cho thấy trong Thư Thứ Hai gửi tín hữu Corintô (cf. 8-9), cũng như trong đoạn kết luận của Thư gửi tín hữu Rôma (cf. 15), Thánh Phaolô tỏ ra cho thấy lòng trung thành của mình với những quyết định chín chắn trong công đồng này.

Có lẽ chúng ta chưa hoàn toàn hiểu hết ý nghĩa mà Thánh Phaolô và các cộng đồng của ngài đã thực hiện việc quyên góp cho người nghèo ở Giêrusalem. Đó là tất cả những gì khởi động mới mẻ trong toàn cục diện của các thứ hoạt động về tôn giáo. Nó không phải là những gì bó buộc, mà là tự do và tự phát. Tất cả mọi Giáo Hội được Thánh Phaolô thánh lập ở miền Tây cũng đã tham gia. Việc quyên góp này đã nói lên món nợ của những cộng đồng ấy đối với Giáo Hội mẹ ở Palestine, là nơi họ đã lãnh nhận được tặng ân Phúc Âm khôn tả. Giá trị mà Thánh Phaolô đã ghép cho cử chỉ được tham phần này cao cả đến nỗi ngài hiếm khi gọi nó là một thứ ‘quyên góp’, mà là ‘phục vụ’, là ‘phúc lành’, là ‘yêu thương, là ‘ân huệ, thậm chí là ‘phụng vụ’ nữa (2Cor 9).

 

Chữ cuối cùng này có cái lạ đăëc biệt; nó hiến cho việc quyên góp tiền bạc một thứ giá trị thậm chí đáng tôn kính, ở chỗ, một mặt nó là một cử chỉ phụng vụ hay ‘phục vụ’, được mỗi cộng đồng hiến dâng cho Thiên Chúa, mặt khác, nó là một tác động yêu thương được thi hành vì ưu ái con người. Tình yêu đối với người nghèo và phụng vụ thần linh là những gì đi với nhau; tình yêu đối với người nghèo là phụng vụ. Hai chân trời này đều hiện diện nơi hết mọi phụng vụ được cử hành cũng như được thi hành trong Giáo Hội, một Giáo Hội tự bản chất của mình chống lại một thứ phân chia giữa việc tôn thờ và đời sống, giữa đức tin và hoạt động, giữa nguyện cầu và bác ái đối với anh chị em mình. Như thế, Công Đồng Giêrusalem được xuất phát là để giải quyết vấn đề làm thế nào tác hành đối xử với dân ngoại là thành phần tiến đến với đức tin, muốn thoát khỏi phép cắt bì cùng với những thứ tuân giữ bị lề luật áp đặt, và công đồng này kết thúc bằng mối quan tâm mục vụ đặt trọng tâm nơi niềm tin tưởng vào Chúa Giêsu Kitô và tình yêu thương người nghèo ở Giêrusalem cũng như khắp Giáo Hội.

 

Biến cố thứ hai là vụ việc quá quen thuộc xẩy ra bất ngờ ở Antioch xứ Syria, một vụ việc khiến cho chúng ta có thể hiểu được cái tự do nội tâm nơi Thánh Phaolô. Làm thế nào người ta có thể tác hành ở những trường hợp hiệp thông nơi bàn ăn giữa thành phần tín hữu gốc Do Thái và những tín hữu gốc dân ngoại? Ở đây chúng ta thấy dược cái tâm chấn khác của việc tuân giữ lề luật Moisen, đó là việc phân biệt giữa những thứ thực phẩm sạch và dơ, những gì hết sức phân chia những người Do Thái giữ luật với thành phần dân ngoại. Thoạt tiên, Thánh Phêrô là Cephas cùng đồng bàn với cả hai, thế nhưng, khi thấy một số Kitô hữu có liên hệ với Thánh Giacôbê là ‘anh em của Chúa’ (Gal 1:19) đến, Thánh Phêrô bắt đầu tránh liên hệ ở bàn ăn với những người dân ngoại, hầu tránh gương mù cho những ai tiếp tục giữ các thứ qui lệ liên quan tới việc sạch sẽ của thức ăn. Và việc làm này cũng kéo theo cả Thánh Barnabê. Thái độ ấy hết sức gây chia rẽ giữa thành phần Kitô hữu chịu phép cắt bì và thành phần Kitô hữu xuất thân từ dân ngoại.  

 

Tác hành ấy, một tác hành thật sự đe dọa tới mối hiệp nhất và sự tự do của Giáo Hội, gây nên một phản ứng dữ dội từ Thánh Phaolô, người đã tiến tới chỗ cáo giác Thánh Phêrô và những kẻ còn lại là giả hình. ‘Nếu anh em, mặc dù là một người Do Thái, lại đang sống như một người Dân Ngoại chứ không như một người Do Thái, thì làm sao anh em có thể bắt buộc Dân Ngoại sống như người Do Thái được chứ?’ (Gal 2:14). Thật thế, những mối quan tâm một bên là của Thánh Phaolô, còn bên kia là của Thánh Phêrô và Barnabas, thì khác nhau: Đối với hai vị sau thì việc phân ra khỏi thành phần dân ngoại là những gì cho thấy cách thức để dạy và tránh gương mù cho thành phần tín hữu xuất thân từ Do Thái giáo. Thế nhưng, đối với Thánh Phaolô, nó lại tạo nên một mối nguy hại về một thứ hiểu lầm ơn cứu độ phổ quát nơi Chúa Kitô được cống hiến cho dân ngoại cũng như dân Do Thái. Nếu việc công chính hóa được thể hiện chỉ ở niềm tin tưởng vào Chúa Kitô, vào sự tuân hợp với Người, không cần đến bất cứ công việc nào của lề luật, thì còn nghĩa lý gì nơi việc vẫn cứ giữ các qui lệ về việc tinh sạch của thức ăn khi tham dự vào bàn tiệc chứ? Rất có thể quan điểm của Thánh Phêrô và Phaolô khác nhau: đối với Thánh Phêrô thì không muốn mất đi thành phần dân Do Thái đã chấp nhận Phúc Âm, còn đối với Thánh Phaolô thì không muốn làm suy giảm giá trị cứu độ của cuộc Chúa Kitô tử nạn cho tất cả mọi tín hữu.

 

Thế nhưng vấn đề đáng ghi nhận ở đây là, khi viết cho tín hữu Rôma sau đó mấy năm, (khoảng giữa thập niên 50), Thánh Phaolô lại chạm trán với một trường hợp tương tự, và ngài xin thành phần mạnh khỏe rằng họ đừng nên dùng thứ thức ăn dơ bẩn để không tác hãi tới người yếu hay gây gương mù cho họ. ‘Tốt hơn thì đừng ăn thịt hay uống rượu hoặc làm bất cứ điều gì có thể khiến cho anh chị em của mình vấp phạm’ (Rm 14:21). Vụ việc bất ngờ xẩy ra ở Antioch tự nó là một bài học cho cả Thánh Phêrô lẫn Phaolô. Chỉ khi nào chân thành đối thoại, cởi mở trước chân lý của Phúc Âm, mới có thể hướng dẫn đường lối của Giáo Hội mà thôi: ‘Vì vương quốc của Thiên Chúa không phải là vấn đề ăn uống, mà là sự công chính, bình an, và niềm vui trong Thánh Thần’ (Rm 14:17).

 

Đó là những gì cả chúng ta cũng cần phải học nữa: bằng những đặc sủng khác biệt được ủy thác cho Thánh Phêrô và Phaolô, tất cả chúng ta đều được hướng dẫn bởi Thần Linh, cố gắng sống trong sự tự do theo chiều hướng tin tưởng vào Chúa Kitô và trở nên cụ thể nơi việc phục vụ anh chị em của chúng ta. Vấn đề thiết yếu đó là vấn đề làm sao để càng ngày càng nên giống Chúa Kitô hơn. Có thế người ta mới thực sự tự do, có thế cái hạch nhân sâu xa nhất của lề luật mới được thể hiện nơi chúng ta: đó là tình yêu Thiên Chúa và tha nhân. Chúng ta hãy xin Chúa dạy cho chúng ta có được những cảm thức của Người, biết học từ Người sự tự do đích thực và tình yêu thương của phúc âm bao gồm hết mọi người.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 1/10/2008

(những chỗ được in đậm lên là do tự ý của người dịch trong việc làm nổi bật những điểm chính yếu quan trọng)