Thánh Phaolô - Khoa Kitô Học
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ
Tư 22/10/2008 – Loạt bài cho Năm Thánh Phaolô Bài Giáo Lý 9
Anh chị em thân mến:
Trong các bài giáo lý ở những tuần trước đây, chúng ta đã suy
niệm về ‘cuộc trở lại’ của Thánh Phaolô, hoa trái của việc bản
thân ngài được gặp gỡ Chúa Giêsu tử giá và phục sinh, và chúng
ta đã tự hỏi về phản ứng của vị Tông Đồ Dân Ngoại này đối với
Chúa Giêsu trần thế ấy. Hôm nay, tôi muốn nói về giáo huấn được
Thánh Phaolô lưu truyền lại cho chúng ta về tâm điểm của Chúa
Kitô phục sinh trong mầu nhiệm cứu độ, về khoa Kitô học của ngài.
Thật thế, Chúa Giêsu Kitô phục sinh, ‘được tôn vinh hơn mọi danh
hiệu’, là tâm điểm của tất cả mọi tâm tưởng của ngài. Đối với vị
Tông Đồ này Chúa Kitô là qui chuẩn để thẩm định các biến cố và
sự vật, là mục đích của hết mọi nỗ lực ngài thực hiện để loan
ruyền Phúc Âm, là một niềm say mê nâng đỡ những bước chân của
ngài trên các nẻo đường thế giới. Và ngài là một Đức Kitô sống
động, cụ thể: Chúa Kitô, như Thánh Phaolô nói, là ‘Đấng đã yêu
thương tôi và hiến mình vì tôi’ (Gal 2:20). Con người này yêu
thương tôi, Đấng tôi có thể đàm đạo, Đấng lắng nghe và đáp ứng
tôi, đó thực sự là nguyên tắc để hiểu biết thế giới này cũng như
để thấy được đường đi nước bước trong lịch sử.
Ai đã từng đọc các bản văn của Thánh Phaolô đều rõ là ngài không
quan tâm tới bản thân ngài khi thuật lại những biến cố làm nên
đời sống của Chúa Kitô, dù chúng ta có thể nghĩ rằng trong các
bài giáo lý của mình, ngài đã thuật lại nhiều về Chúa Giêsu tiền
Phục Sinh, hơn những gì ngài đã viết trong các bức thư được ngài
viết bao gồm những lời khuyên răn cho các trường hợp cụ thể.
Công việc mục vụ và thần học của ngài hướng về việc xây dựng các
cộng đồng sơ khai, đến nỗi theo tự nhiên ngài tập trung mọi sự
vào việc loan báo Chúa Giêsu Kitô là ‘Chúa’, Đấng ngày nay đang
sống và hiện diện giữa dân của Người.
Đến đây chúng ta thấy được tính chất thiết yếu là đặc điểm cho
khoa Kitô học của Thánh Phaolô, một khoa học khai triển những gì
sâu xa của mầu nhiệm này bằng một mối quan tâm liên lỉ và xác
đáng, đó là tin tưởng loan truyền Chúa Giêsu và giáo huấn của
Người, nhưng trước hết loan truyền thực tại chính yếu về cái
chết và phục sinh của Người như là tột đỉnh đời sống trần gian
của Người và như là cội nguồn cho việc liên tục tiến triển của
tất cả niềm tin Kitô giáo, của toàn thể thực tại về Giáo Hội.
Đối với vị Tông Đồ này thì Phục Sinh tự nó không phải là một
biến cố tách biệt khỏi cuộc Tử Nạn. Đấng phục sinh cũng chính là
Đấng tử giá. Đấng phục sinh cũng có các dấu tích của Người: Cuộc
Khổ Nạn hiện diện nơi Người, và có thể nói rằng nơi mầu nhiệm
Vượt Qua Người đang chịu khổ đau cho dean tận thế, cho dù là
Đấng phục sinh và đang sống với chúng ta và cho chúng ta. Trên
đường đi Damascus, Thánh Phaolô đã hiểu được cái đồng hóa của
Đấng phục sinh với Chúa Kitô tử giá: Vào lúc ấy ngài được tỏ cho
thấy rõ ràng Đấng Tử Giá là Đấng phục sinh và Đấng phục sinh là
Đấng Tử Giá, Đấng nói cùng Phaolô rằng ‘Tại sao ngươi bắt bớ
Ta?’ (Acts 9:4). Thánh Phaolô đang bắt bớ Chúa Kitô trong Giáo
Hội và từ đó hiểu rằng thập giá là ‘cái nguyền rủa của Thiên
Chúa’ (Deut 21:23), nhưng lại là hy tế cho phần rỗi của chúng ta.
Vị Tông Đồ này ngất ngây chiêm ngưỡng cái bí mật tàng ẩn của
Đấng phục sinh tử giá, và qua những khổ đau Chúa Kitô chịu đựng
nơi nhân tính của Người (theo chiều kích trần gian), Người đã
đạt đến tình trạng hiện hữu vĩnh hằng là tình trạng Người là một
với Cha (theo chiều kích tiền thời gian): Ngài viết ‘nhưng đến
thời gian viên trọn, Thiên Chúa đã sai Con của Ngài, hạ sinh bởi
một người nữ, hạ sinh theo lề luật, để cứu chuộc những ai ở dưới
lề luật, nhờ đó chúng ta được làm thành phần thừa nhận’ (Gal
4:4-5).
Hai chiều kích này – chiều kích tiền hiện hữu vĩnh hằng với Cha
và chiều kích hạ giáng nhập thể của Chúa – là những gì đã được
loan báo trong Cựu Ước, nơi hình ảnh của Đức Khôn Ngoan. Chúng
ta thấy được nơi thứ văn chương khôn ngoan ở Cựu Ước này một số
bản văn đề cao vai trò của Khôn Ngoan hiện diện trước việc tạo
dựng thế giới. Theo chiều hướng ấy anh chị em có thể thấy các
đoạn như Thánh Vịnh 90: ‘Trước khi núi non xuất hiện, trái đất
và thế giới hình thành, thì từ đời đời kiếp kiếp Ngài đã là
Thiên Chúa’ (câu 2). Hay những đoạn nói về Đức Khôn Ngoan sáng
tạo: ‘Chúa đã hạ sinh tôi, đầu não cho các đường lối của Ngài,
tiền hô cho những việc diệu kỳ ccủa Ngài từ lâu trước; Từ xa xưa
tôi đã được tuôn ra đầu tiên, trước trái đất’ (Proverbs
8:22-23). Việc ca ngợi Đức Khôn Ngoan cũng được biệu lộ nơi cuốn
sách mang tên Khôn Ngoan: ‘Thật vậy, nàng đã mãnh liệt bao trùm
đến cùng tận và cai trị tất cả mọi sự nữa’ (Wisdom 8:1).
Những bản văn khôn ngoan tương tự nói về sự tiền hiện hữu vĩnh
hằng của Đức Khôn Ngoan cũng nói về việc hạ giáng của đức này,
về việc hạ cấp của Đức Khôn Ngoan này, một đức đã cắm lều ở giữa
loài người. Như thế chúng ta có thể cảm thấy vang vọng những lời
từ Phúc Âm Thánh Gioan nói về cái lều xác thịt của Chúa. Một cái
lều đã được thiết lập trong Cựu Ước: Cái lầu này được ấn định là
đền thờ, thờ phượng theo bộ ‘Ngũ Kinh’; thế nhưng theo quan điểm
Tân Ước, chúng ta có thể hiểu rằng đó chỉ là tiền thân của một
cái lều thật sự và ý nghĩa hơn nhiều, đó là cái lều xác thịt của
Chúa Kitô.
Và trong các cuốn sách Cựu Ước chúng ta đã thấy rằng việc hạ bệ
này của Đức Khôn Ngoan, việc đức này hạ giáng thành xác thịt,
cũng bao hàm cả những gì khả hữu bị loại trừ. Trong việc khai
triển khoa Kitô học của mình, Thánh Phaolô thật sự đã đề cập tới
chiều hướng khôn ngoan này: Ngài đã nhìn nhận nơi Chúa Giêsu một
Đức Khôn Ngoan vĩnh hằng hiện hữu từ đời đời, một Đức Khôn Ngoan
hạ giáng và cắm lều giữa chúng ta, nhờ đó ngài đã có thể diễn tả
Chúa Giêsu như là ‘quyền năng của Thiên Chúa và là đức khôn
ngoan của Thiên Chúa’. Ngài có thể nói rằng đối với chúng ta thì
Chúa Kitô đã trở nên “đức khôn ngoan bởi Thiên Chúa, cũng như sự
chân chính, sự thánh hóa và việc cứu chuộc’ (1Cor 1:24,30). Cũng
thế, Thánh Phaolô đã làm sáng tỏ là Chúa Kitô, như Đức Khôn
Ngoan, có thể bị loại trừ, trước hết, bởi thành phần thống trị
của thời đại này (cf. 1Cor 2:6-9), đến độ, theo dự án của Thiên
Chúa, đã xuất hiện một trường hợp ngược đời đó là thập giá, một
thập giá đã trở thành đường lối cứu độ cho toàn thể loài người.
Việc khai triển sau này đối với chu kỳ của đức khôn ngoan ấy,
một khai triển thấy Đức Khôn Ngoan hạ bệ để sau đó được tôn vinh
bất chấp bị loại trừ, là những gì hiện lên ở bài thánh ca nổi
tiếng trong Thư gửi tín hữu Philiphê (cf 2:6-11). Việc khai
triển này liên quan tới một trong những bản văn sáng giá nhất
của Tân Ước. Các nhà chú giải Thánh Kinh nói chung tán thành
việc cho rằng đoạn thánh kinh này được viết trước bản văn của
Thư gửi cho tín hữu Philiphê. Đây là một chi tiết rất quan trọng,
vì nó nói lên cho thấy rằng Kitô-Do Thái Giáo, trước Thánh
Phaolô, đã tin tưởng vào thần tính của Chúa Giêsu. Nói cách khác,
niềm tin tưởng vào thần tính của Chúa Giêsu không phải là một
thứ sáng chế của nền văn hóa Hy Lạp, xuất phát sau cuộc sống rần
gian của Chúa Giêsu, một sáng chế đã thần linh hóa Người mà
không màng gì tới nhân tính của Người. Thực sự chúng ta thấy
rằng Kitô Do Thái Giáo thuở ban đầu đã tin vào thần tính của
Chúa Giêsu. Ngoài ra, chúng ta có thể nói rằng chính các vị tông
đồ, trong những giây phút trọng đại của Thày mình, đã hiểu được
rằng Người là Con Thiên Chúa, như tông đồ Phêrô đã tuyên xưng ở
Caesarea Philippi: ‘Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống’
(Mt 16:16).
Thế nhưng, chúng ta hãy trở lại với bài thánh ca của Thư gửi tín
hữu Philiphê. Cấu trúc của bản văn này có thể được ghép lại
thành ba đoạn, những đoạn cho thấy các giây phút chính yếu của
cuộc hành trình Chúa Kitô đã thực hiện. Việc tiền hiện hữu của
Người được diễn tả qua những lời này: ‘Mặc dù thân phận là Thiên
Chúa, Người đã không coi mình cứ phải ngang hàng với Thiên Chúa
mới được’ (câu 6). Sau đó là việc tự nguyện hạ giáng của Người
Con này ở trong đoạn thứ hai như sau: ‘Người đã tự hủy ra như
không, mặc lấy thân phận tôi đòi’ (câu 7), ‘Người đã tự hạ, tỏ
ra vâng lời cho dean chết dù có phải chết trên cây thập giá’ (câu
8). Đoạn thứ ba của bài thánh ca này loan báo việc đáp ứng của
Cha đối với việc hạ mình của Con: ‘Vì thế, Thiên Chúa đã hết sức
tôn vinh Người và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh
hiệu’ (câu 9).
Cái nổi bật ở đây là sự tương phản giữa việc thẳm sâu hạ mình
với việc nhờ đó được hiển linh trong vinh quang của Thiên Chúa.
Đoạn thứ hai này rõ ràng tương phản với cái tự phụ của Adong,
một con người muốn biến mình thành chính Thiên Chúa, và nó cũng
tương phản với những hành động của thành phần xây Tháp Babel,
những kẻ muốn dựng nên cho mình một chiếc cầu bác lên tới trời
và biến mình thành thần linh. Thế nhưng cái khởi động kiêu kỳ
này đã bị kết thúc ở chỗ tự hủy: ở chỗ, người ta không đạt tới
thiên đàng, tới hạnh phúc thật, tới Thiên Chúa. Cử chỉ của Con
Thiên Chúa thực sự là những gì tương phản: không kiêu căng nhưng
hạ mình, một thứ hạ mình làm trọn tình yêu thương, và tình yêu
là thần linh. Việc khởi động cho sự hạ mình này, cho sự thẳm sâu
khiêm tốn của Chúa Kitô ấy, những gì tương phản với cái kiêu
căng của loài người, thực sự là những gì biểu hiện của tình yêu
thần linh; từ đó mới đưa tới việc nâng lên tới trời ấy, nơi
Thiên Chúa thu hút chúng ta tới bằng tình yêu thương của Ngài.
Ngoài Thư gửi cho tín hữu Philiphê, còn có những nơi khác trong
các bản văn của Thánh Phaolô cho thấy mối liên kết giữa việc
Người Con Thiên Chúa tiền hiện hữu cùng với việc hạ giáng xuống
trần thế của Người. Ở trong Thư Thứ Nhất gửi cho Timôthêu người
ta thấy được việc tái khẳng định về sự đồng hóa giữa Đức Khôn
Ngoan và Chúa Kitô, kèm theo tất cả những gì là thành quả về vũ
trụ học cùng nhân loại học như sau: ‘Người đã được tỏ hiện nơi
xác thịt, được chứng thực nơi thần linh, được chiêm ngưỡng bởi
các thần trời, được loan báo cho dân ngoại, được tin tưởng trên
khắp thế giới, được về trời trong vinh quang’ (3:16). Trước hết,
căn cứ vào những toát lược này mà phận vụ của Chúa Kitô như vị
trung gian môi giới có thể được xác định một cách tốt đẹp hơn,
theo chiều hướng của một vị Thiên Chúa duy nhất trong Cựu Ước (cf
1Tim 2:5 liên quan tới Is 43:10-11,44:6). Chúa Kitô thực sự là
chiếc cầu đưa chúng ta về trời, hiệp thông với Thiên Chúa.
Sau hết, còn một điểm nữa liên quan tới những tiến triển cuối
cùng nơi khoa Kitô học của Thánh Phaolô trong các Thư gửi cho
tín hữu Côlôsê và Êphêsô. Trong thư gửi tín hữu Côlôsê, Chúa
Kitô đã được nhận định như là ‘trưởng tử của toàn thể tạo vật’
(1:15-20). Chữ ‘trưởng tử’ này bao hàm ý nghĩa là người con đầu
tiên trong nhiều người con, người anh cả trong nhiều anh chị em,
đã hạ mình để lôi kéo chúng ta và làm cho chúng ta thành những
người anh chị em của Người. Trong Thư gửi tín hữu Êphêsô, chúng
ta thấy một bộc lộ tuyệt vời của dự án cứu độ thần linh, khi
Thánh Phaolô nói rằng trong Chúa Kitô, Thiên Chúa muốn qui tụ
lại hết mọi sự (x Eph 1:23). Chúa Kitô là việc qui tụ lại hết
mọi sự, Người tiếp nhận hết mọi sự và dẫn chúng ta đến cùng
Thiên Chúa. Và như thế bao hàm một thứ vận chuyển hạ giáng và
thượng thăng, mời gọi chúng ta tham dự vào sự khiêm nhượng của
Người, tức là vào tình yêu thương của Người đối với tha nhân, để
nhờ đó được tham dự vào vinh quang của Người, biến chúng ta ở
nơi Người thành con cái trong Người Con. Chúng ta hãy xin Chúa
giúp chúng ta tuân hợp bản thân mình với sự khiêm nhượng của
Người, với tình yêu của Người, nhờ đó được tham dự vào việc thần
linh hóa của Người.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được
Zenit phổ biến ngày 22/10/2008
(những
chỗ được in đậm lên là do tự ý của người dịch trong việc làm nổi
bật những điểm chính yếu quan trọng)
|