Thánh Phaolô – Khoa Thần Học Thập Giá
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 29/10/2008 – Loạt bài cho Năm Thánh Phaolô Bài Giáo Lý 10
Anh chị em thân mến:
Nơi cảm nghiệm bản thân của Thánh Phaolô, có một sự kiện không thể chối cãi, đó là cho dù từ đầu ngài đã từng là một tên bách hại Kitô hữu và đã sử dụng võ lực để chống lại họ, nhưng từ lúc hoán cải trên đường đi Damascus, ngài đã chuyển sang phe của Chúa Kitô tử giá, biến Người thành lý do cho cuộc đời của ngài và là động lực cho việc ngài rao giảng.
Cuộc đời của ngài hoàn toàn sống cho các linh hồn (cf. 2Cor 12:15), không được một chút thảnh thơi và được bảo vệ cho khỏi những cạm bẫy và khó khăn. Trong cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu, ngài đã hiểu ý nghĩa chính yếu của thập tự giá: Ngài đã hiểu rằng Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại vì tất cả mọi người cũng như cho chính ngài. Cả hai yếu tố đều quan trọng – Tính cách hoàn vũ đó là Chúa Giêsu thực sự đã chết cho mọi người; và tính cách chủ thể ở chỗ Người đã chết cả cho tôi nữa.
Bởi thế, trên cây thập giá, tình yêu nhưng không và nhân hậu của Thiên Chúa đã được bộc lộ. Thánh Phaolô cảm nghiệm được tình yêu này trên hết nơi chính bản thân của ngài (cf Gal 2:20) cũng như từ tình trạng là tội nhân hoán cải thành một tín hữu, từ kẻ bách hại thành tông đồ. Từng ngày trong đời sống mới của mình, ngài đã cảm nghiệm được rằng ơn cứu độ là một “ân sủng”, rằng hết mọi sự được ban xuống từ tình yêu thương của Chúa Kitô chứ không phải vì công lênh của ngài là những gì thật ra cũng chẳng có nữa. “Phúc âm ân sủng” này nhờ dó đã trở nên đường lối duy nhất để hiểu được thập giá, một tiêu chuẩn chẳng những cho cuộc sống của ngài mà còn là giải đáp cho những ai chất vấn ngài. Trong số những người ấy, trước hết là những người Do Thái là thành phần đặt niềm hy vọng của mình vào các việc làm và hy vọng nhờ đó chiếm được ơn cứu độ; cả những người Hy Lạp nữa, thành phần theo khôn ngoan nhân loại chống lại cây thập tự giá; sau hết, còn một số nhóm lạc giáo đã chủ trương Kitô giáo theo lối sống riêng của họ.
Đối với Thánh Phaolô thì thập giá giữ một vai trò ưu thế trọng yếu trong lịch sử của nhân loại; nó là điểm tiêu biểu chính cho khoa thần học của ngài, vì nói đến thập giá là nói đến ơn cứu độ như ân sủng được ban cho hết mọi tạo vật. Đề tài thập giá của Chúa Kitô đã trở nên một yếu tố thiết yếu và nền tảng trong việc rao giảng của vị Tông Đồ này: điển hình nhất về vấn đề này liên quan tới cộng đoàn Côrintô.
Trước một Giáo Hội là nơi đang xẩy ra những lộn xộn và gương mù một cách đáng lo ngại, nơi mà mối hiệp thông đang bị đe dọa bởi những nhóm cùng những chia rẽ nội bộ gây tác hại cho mối hiệp nhất của Thân Mình Chúa Kitô, Thánh Phaolô không sử dụng những lời lẽ hay sự khôn ngoan cao vời, mà là việc loan báo Chúa Kitô, một Chúa Kitô tử giá. Mãnh lực của ngài không phải là một thứ ngôn từ chinh phục lòng người, trái lại, ngược đời thay, lại là cái yếu hèn và run sợ của Đấng chỉ biết tin tưởng vào “quyền năng của Thiên Chúa” (cf 1Cor 2:1-4). Đối với hết những gì nó là tiêu biểu cũng như đối với ý nghĩa về thần học của nó, thập giá là những gì ô nhục và ngu xuẩn. Vị Tông Đồ này đã mạnh mẽ khẳng định điều này, một khẳng định tốt nhất nên nghe lại chính lời lẽ của ngài: “thập giá là những gì ngu xuẩn đối với những ai đang hư vong, thế nhưng, đối với chúng ta, những người được cứu độ, thì nó lại là quyền năng của Thiên Chúa… Thiên Chúa muốn dùng cái ngu xuẩn của việc loan báo này để cứu độ những ai tin tưởng. Người Do Thái đòi hỏi dấu lạ và người Hy Lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn chúng tôi rao giảng Chúa Kitô tử giá, một cớ vấp phạm cho người Do Thái và là những gì ngu xuẩn đối với Dân Ngoại”.
Các cộng đồng Kitô hữu tiên khởi, những cộng đồng được Thánh Phaolô ngỏ lời, đều biết rất rõ là Chúa Giêsu bấy giờ đã sống lại và sống động; vị Tông Đồ này muốn nhắc nhở chẳng những cho các tín hữu Corintô và Galata, mà còn cho tất cả chúng ta nữa, là Đấng Phục Sinh bao giờ cũng là Đấng đã tử giá. “Cái ô nhục” và “ngu xuẩn” của cậy thập giá chính là ở chỗ, trong khi nó có vẻ chỉ là những gì thất bại, sầu thương và thua thiệt thì nó lại thực sự là tất cả quyền năng của tình yêu Thiên Chúa vô biên, vì thập giá này là biểu hiệu của tình yêu, và tình yêu thực sự là một quyền năng được tỏ hiện ở nơi chính cái yếu hèn hiển nhiên này vậy.
Đối với người Do Thái thì thập giá là “skandalon”, tức là một cái bẫy hay một chướng vật: Nó có vẻ là một trở ngại cho niềm tin tưởng của người Do Thái đạo hạnh, thành phần không tìm thấy được một cái gì đó giống như ở trong Thánh Kinh. Thánh Phaolô, vị đã tỏ ra can đảm không ít, dường như muốn nói ở đây là cái giá phải trả rất cao, ở chỗ, đối với người Do Thái thì thập giá là những gì phản nghịch lại với chính yếu tính của Thiên Chúa, Đấng đã tỏ mình ra bằng những dấu hiệu diệu kỳ. Bởi thế, để chấp nhận thập giá của Chúa Kitô nghĩa là phải trải qua một cuộc hoán cải sâu xa theo đường lối của Thiên Chúa.
Nếu đối với người Do Thái lý do loại trừ thập giá được tìm thấy trong mạc khải, ở chỗ, họ tỏ rat rung thành với vị Thiên Chúa của cha ông họ, thì đối với người Hy Lạp, tức thành phần dân ngoại, thì cái tiêu chuẩn nhận định chống lại thập giá là lý trí. Thật vậy, đối với thành phần dân ngoại này thì thập giá là những gì tàn bại, ngu xuẩn, dại khờ theo nghĩa đen, tức như đồ ăn thiếu muối; bởi thế, thập giá chẳng những là những gì sai lầm mà còn là những gì phạm đến cảm quan lành mạnh nữa.
Chính Thánh Phaolô, hơn một lần, đã cảm thấy đắng cay khi việc rao giảng của Kitô Giáo bị loại trừ vì nó bị coi là những gì “chán ngán”, chẳng có liên hệ gì, thậm chí không đáng được lý lẽ của tâm trí chú ý tới. Đối với thành phần, như người Hy Lạp chẳng hạn, tìm kiếm sự trọn hảo nơi những gì tinh thần, nơi ý nghĩ thuần túy, thì không thể nào chấp nhận được việc Thiên Chúa làm người, dìm mình vào tất cả mọi giới hạn của không gian và thời gian. Bởi thế, họ dứt khoát không thể nào tin được rằng một vị Thiên Chúa lại có thể kết liễu ở trên cây thập tự giá! Chúng ta cũng thấy được cái lập luận này của người Hy Lạp cũng là cái lập luận chung của thời đại chúng ta.
Quan niệm về “apátheia”, về tính cách dửng dưng lạnh lùng, như không cảm thấy hào hứng gì về Thiên Chúa, đó là làm thế nào hiểu nổi một vị Thiên Chúa hóa thân làm người và bị thua bại, Đấng thậm chí sau đó sống lại nơi thân xác? “Chúng tôi chắc phải nghe anh nói về điều này vào một lần khác thôi” (Acts 17:32), dân chúng thành Nhã Điển đã châm biếm nói với Thánh Phaolô như thế khi họ nghe ngài nói về việc phục sinh từ trong cõi chết. Họ tin rằng cái hoàn hảo là ở chỗ giải thoát bản thân mình khỏi một thân xác được coi như một ngục tù: Làm sao mà lại không bị coi là mất trí khi tái tiếp tục với thân xác cơ chứ? Trong văn hóa cổ xưa, dường như không có chỗ đứng cho vấn đề Thiên Chúa nhập thể. Tất cả biến cố về “Giêsu Nazarét” dường như cho thấy những gì là ngu si đần độn nhất, và thập giá thật sự là điều tiểu biểu nhất cho cái ngu si đần độn này.
Thế nhưng, tại sao Thánh Phaolô đã lại thực hiện chính cái ngu si đần độn này, đã nói đến chữ thập giá là điểm chính yếu nơi việc rao giảng của ngài? Câu trả lời không có gì là khó cả, ở chỗ thập giá là những gì tỏ ra “quyền năng của Thiên Chúa” (cf 1Cor 1:24), khác với quyền năng của loài người. Nó thực sự mạc khải cho thấy tình yêu của Ngài: “Vì cái ngu xuẩn của Thiên Chúa còn khôn ngoan hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu hèn của Thiên Chúa còn mạnh mẽ hơn cả sức mạnh của con người” (ibid., 1:25).
Những thế kỷ sau Thánh Phaolô, chúng ta thấy rằng thập giá, chứ không phải sự khôn ngoan phản nghịch với thập giá, là những gì chiến thắng. Đấng Tử Giá là đức khôn ngoan, vì Người thực sự tỏ cho thấy Thiên Chúa là ai, tức là một quyền lực yêu thương đến chết trên thập giá để cứu độ con người. Thiên Chúa cống hiến những đường lối và những dụng cụ mà chúng ta thoạt tiên thấy như là những gì yếu hèn. Đấng Tử Giá, một đàng tỏ ra cái hèn yếu của con người, một đàng quyền năng thực sự của Thiên Chúa, tức là của cái chưng không của tình yêu: chính cái nhưng không của tình yêu này là sự khôn ngoan thực sự.
Thánh Phaolô đã cảm nghiệm đươc điều này ngay nơi xác thịt của ngài, và ngài đã cho chúng ta chứng từ về điều ấy ở những đoạn văn khác nhau về cuộc hành trình thiêng liêng của ngài, những đoạn văn đã trở thành những điểm đối chiếu thiết yếu cho hết mọi người môn đệ của Chúa Giêsu: “Người nói cùng tôi rằng: ‘ơn của Ta đủ cho con, vì quyền năng được nên hoàn hảo nơi những gì hèn yếu’” (2Cor 12:9); thậm chí “Thiên Chúa đã chọn thành phần thấp hèn và bị khinh khi trên thế gian, những người chẳng là gì, để làm cho thành phần có gì chẳng còn gì” (1Cor 1:28). Vị Tông Đồ này đồng hóa mình với Chúa Kitô tới độ ngay giữa biết bao nhiêu là thử thách mà ngài vẫn sống niềm tin tưởng vào Con Thiên Chúa là Đấng đã yêu thương ngài và hiến mình cho tội lỗi của ngài cũng như tội lỗi của mọi người (x Gal 1:4, 2:20). Chi tiết tự chuyện này của vị Tông Đồ đây là những gì mẫu mực cho tất cả chúng ta.
Thánh Phaolô đã cống hiến một tổng luận tuyệt vời cho khoa thần học về thập giá ở bức Thư Thứ Hai gửi cho tín hữu Corintô (4:4-21), bức thư chất chứa hai khẳng định nồng cốt, đó là, một đàng, Chúa Kitô là Đấng bị Thiên Chúa đối xử như tội lỗi vì chúng ta (câu 21), đã chết cho chúng ta (câu 14); đàng khác, Thiên Chúa lại đã nhờ Người mà giải hòa với chúng ta, không qui tội lỗi của chúng ta cho chúng ta nữa (câu 18-20). Nhờ “thừa tác vụ hòa giải” này mà tất cả tình trạng nô lệ đã được mua chuộc (cf 1Cor 6:20, 7:23).
Đến đây chúng ta thấy được tất cả những điều này liên quan tới cuộc sống của chúng tar a sao. Chúng ta cũng cần phải tham gia vào “thừa tác vụ hòa giải’ này, một thừa tác vụ bao giờ cũng bao hàm việc từ bỏ tính cách oai vệ bề thế của mình và chọn lấy những gì là ngu xuẩn của tình yêu. Thánh Phaolô đã từ bỏ đời sống của ngài, hoàn toàn hiến mình cho thừa tác vụ hòa giải ấy, thừa tác vụ của một thập giá là ơn cứu độ cho tất cả chúng ta. Và đây là những gì chúng ta cũng cần phải biết cách để làm: đó là chúng ta có thể tìm thấy sức mạnh của chúng ta chính ở nơi sự khiêm hạ của tình yêu và tìn thấy sự khôn ngoan của chúng ta nơi cái yếu hèn của việc từ bỏ để nhờ đó được thông phần vào sức mạnh của Thiên Chúa. Chúng ta cần phải xây dựng đời sống của chúng ta trên sự khôn ngoan chân thực này, đó là đừng sống cho chính mình mà là sống tin tưởng vào vị Thiên Chúa ấy, Đấng mà tất cả chúng ta có thể nói rằng: “Người đã yêu thương tôi và phó mình vì tôi”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 29/10/2008
(những chỗ được in đậm lên là do tự ý của người dịch trong việc làm nổi bật những điểm chính yếu quan trọng)