Thánh Phaolô: Kiến Thức Thần Linh
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 8/10/2008 – Loạt bài cho Năm Thánh Phaolô Bài Giáo Lý 7
Anh Chị Em thân mến,
Trong các bài giáo lý trước về Thánh Phaolô, tôi đã nói tới việc ngài gặp gỡ Chúa Kitô Phục Sinh, một cuộc gặp gỡ hoàn toàn biến đổi cuộc đời của ngài, và sau đó tới mối liên hệ của ngài với 12 Tông Đồ được Cúa Giêsu kêu gọi, nhất là với Thánh Giacôbê, Phêrô và Gioan, cũng như tới mối liên hệ của ngài với Giáo Hội ở Giêrusalem.
Đến đây vấn đề vẫn còn được đặt ra đó là Thánh Phaolô biết gì về Chúa Giêsu trần thế: về cuộc sống của Người, về giáo huấn của Người, về cuộc khổ nạn của Người. Trước khi đi sâu vào vấn nạn này, chúng ta hãy nhớ rằng chính thánh Phaolô đã tự phân biệt hai cách nhận biết Chúa Giêsu, và nói chung có hai cách để biết về một con người.
Ngài viết trong Thư Thứ Hai gửi tín hữu Côrintô rằng: ‘Bởi thế, từ nay trở đi chúng ta không coi một người nào theo xác thịt nữa; cho dù chúng ta đã từng nhận biết Chúa Kitô theo xác thịt, giờ đây chúng ta không còn nhận biết Người như thế nữa’ (5:16). Vấn đề ‘nhận biết theo xác thịt’, một cách thể lý, nghĩa là chỉ biết theo bề ngoài, bằng tiêu chuẩn ngoại tại: người ta có thể thấy một người nào đó nhiều lần, nhận ra những đặc tính dung diện của một cá nhân và nhiều chi tiết về cách thức tác hành của họ: họ nói năng ra sao, hành động thế nào v.v. Tuy nhiên, cho dù có biết người khác như thế chăng nữa, người ta cũng chưa thực sự biết người ấy, người ta không biết được cái cốt lõi của con người này. Người ta chỉ có thể biết được người khác chỉ bằng tấm lòng của mình mà thôi.
Thật vậy, những người Pharisiêu, những người Sadducee, đã biết Chúa Kitô ở bên ngoài, họ đã nghe giáo huấn của Người, và biết được nhiều chi tiết về Người, thế nhưng họ vẫn không thực sự biết được Người là ai. Chúa Giêsu đã có những lời lẽ cho thấy sự phân biệt tương tự này. Sau biến cố Biến Hình, Người đã hỏi các vị tông đồ rằng: ‘Dân chúng bảo Thày là ai?’. Và ‘Các con cho Thày là ai?’ Dân chúng biết Người đó nhưng một cách hời hợt bề ngoài; họ biết nhiều điều về Người, thế nhưng họ không thực sự biết Người. Trái lại, nhờ mối thân tình của mình, cùng với vai trò của tâm can họ, 12 Vị ít là đã hiểu được một cách thiết yếu và bắt đầu biết hơn về Chúa Kitô thực sự là ai.
Cách thức khác nhau về nhận biết này cũng xẩy ra cả ở ngày hôm nay nữa: có những cá nhân học thức biết rất nhiều chi tiết về Chúa Kitô, và thành phần bình dân không biết đến những chi tiết ấy, thế nhưng họ biết Chúa Kitô thực sự ra sao: ‘Lòng nói với lòng’. Thánh Phaolô thực sự nói rằng ngài biết Chúa Giêsu bằng cách ấy, bằng tấm lòng, và ngài thực sự biết con người này là ai; để rồi sau đó ngài biết được cả những chi tiết nữa.
Khi nói như thế, vấn đề vẫn còn được đặt ra là Thánh Phaolô đã biết những gì về đời sống, ngôn từ, khổ nạn và phép lạ của Chúa Giêsu? Ngài hình như chưa bao giờ được gặp Chúa Kitô trong cuộc sống rần gian của Người. Chắc chắn là ngài đã biết được những chi tiết về cuộc sống trần gian của Chúa Kitô từ các vị tông đồ và từ Giáo Hội sơ khai. Trong các bức thư của ngài chúng ta thấy 3 hình thức qui chiếu liên quan tới một Chúa Giêsu trước Phục Sinh. Hình thức thứ nhất là những chi tiết rõ ràng và trực tiếp. Thánh Phaolô nói về giòng dõi Đavít của Chúa Giêsu (cf. Rm 1:3), ngài đã biết về sự hiện hữu của ‘những người anh em’ của Người hay những người thân thuộc theo huyết thống của Người (1Cor 9:5; Gal 1:19), ngài đã biết về diễn tiến ở Bữa Tiệc Ly (cf 1Cor 11:23). Ngài biết những lời nói khác của Chúa Giêsu, chẳng hạn về tính cách bất khả phân ly của hôn nhân (cf. 1Cor 7:10 với Mk 10:11-12), về nhu cầu của những ai loan truyền Phúc Âm cần được cộng đồng nâng đỡ như những người thợ đáng ăn lương của họ (cf 1Cor 11:24-25) với Lk 22:19-20), và ngài cũng biết thập giá của Chúa Giêsu. Đó là những chi tiết trực tiếp liên quan tới lời nói và sự kiện về đời sống của Chúa Giêsu.
Hình thức thứ hai chúng ta có thể thấy, ở một số câu trong các thư của Thánh Phaolô, những nghĩa bóng khác với truyền thống được công nhận trong các Phúc Âm Nhất Lãm. Chẳng hạn những lời chúng ta đọc trong Thư Thứ Nhất Thessalonica là ‘ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm về đêm’ (5:2), không thể giải thích được nếu chỉ căn cứ vào các lời tiên tri trong Cựu Ước, vì ẩn dụ về kẻ trộm ban đêm này chỉ có thể tìm thấy trong Phúc Âm Thánh Mathêu và Luca mà thôi, tức là được trích từ truyền thống nhất lãm. Và khi người ta đọc thấy rằng Thiên Chúa ‘đã chọn thành phần ngu dại nhất thế gian’ (1Cor 1:27-28), thì người ta thấy được cái âm vang trung thực từ giáo huấn của Chúa Giêsu về thành phần hèn mọn và nghèo khó (cf. Mt 5:3, 11:25, 19:30). Chúa Giêsu cũng nói những lời như thế trong niềm Hoan Hỉ thiên sai nữa: ‘Con chúc tụng Cha là Chúa trời đất, vì những gì Cha dấu những kẻ khôn ngoan thông thái thì Cha lại tỏ cho những ai giống như rẻ nhỏ’. Thánh Phaolô biết rằng – theo cảm nghiệm truyền giáo của mình – những lời ấy là những gì chân thực, những ai giống như trẻ nhỏ là những ai có một tấm lòng cởi mở trước kiến thức về Chúa Kitô. Cũng thế, việc đề cập tới đức tuân phục của Chúa Giêsu ‘đến chết’ trong Thư ửi tín hữu Philipphê đoạn 2 câu 8 chính là những gì ám cỉ việc hoàn toàn tự nguyện của Chúa Kitô rần thế muốn làm trọn ý muốn của Cha (cf. Mk 3:35; Jn 4:34).
Bởi thế, Thánh Phaolô đã biết được cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, biết đến thập giá của Người, và cách thức Người sống những giây phút cuối cùng cuộc đời trần thế của Người. Thập giá của Chúa Giêsu cũng như đến truyền thống liên quan tới sự kiện về thập giá là tâm điểm của Lời Rao Giảng Tiên Khởi của Thánh Phaolô. Thánh Phaolô còn biết đến một cái mốc chính khác trong đời sống trần gian của Chúa Giêsu nữa, đó là Bài Giảng Trên Núi, một bài giảng đã được ngài trích dẫn hầu như nguyên văn một số yếu tố khi ngài viết cho tín hữu giáo đoàn Rôma: Anh em hãy yêu thương nhau… Hãy chúc phúc cho kẻ bách hại … Hãy sống an lành với tất cả mọi người… Hãy lấy lành mà thắng dữ’. Trong những bức thư của ngài người ta thấy được một thể hiện trung thực Bài Giảng Trên Núi (cf. Mt 5-7).
Hình thức thứ ba, người ta sau hết có thể biết được những lời lẽ của Chúa Giêsu trong những bức thư của Thánh Phaolo, đó là khi ngài chuyển truyền thống tiền Phục Sinh sang giai đoạn hậu Phục Sinh. Một thí dụ điển hình là đề tài về Vương Quốc của Thiên Chúa. Đề tài này thật sự là tâm điểm của việc Chúa Kitô lịch sử giảng dạy (cf. Mt 3:2; Mk 1:15; Lk 4:43). Nơi Thánh Phaolô, việc chuyển đổi về đề tài này đã được tỏ hiện, vì sau phục sinh thì hiển nhiên Chúa Giêsu, Đấng Phục Sinh, là Vương Quốc của Thiên Chúa. Bởi thế, Chúa Giêsu ở đâu thì Vương Quốc này ở đó. Để rồi đề tài về Vương Quốc của Thiên Chúa chất chứa mầu nhiệm về Chúa Kitô này cần phải được biến thành khoa Kitô học.
Những lời chỉ dẫn riêng của Chúa Giêsu về việc vào Vương Quốc của Thiên Chúa là những gì giá trị đối với Thánh Phaolô liên quan tới việc công chính hóa bởi đức tin, ở chỗ, cả hai đều đòi hỏi một thái độ hết sức khiêm nhượng và sẵn sàng, không cao ngạo, trong việc lãnh nhận ân sủng của Thiên Chúa. Chẳng hạn, dụ ngôn về người Pharisiêu và người thu thuế (cf. Lk 18:9-14) dạy đúng như những gì Thánh Phaolô nói khi ngài nhấn mạnh rằng không ai được vênh vang trước Thiên Chúa. Cũng thế, giáo huấn của Chúa Giêsu về thành phần thu thuế và gái điếm, những thành phần sẵn sàng hơn những người Pharisiêu trong việc lãnh nhận Phúc Âm (cf. Mt 21:31; Lk 7:36-50), và những việc Người muốn ngồi cùng bàn với họ (cf Mt 9:10-13; Lk 15:1-2) cũng được tìm thấy nơi giáo huấn của Thánh Phaolô về tình yêu nhiệm mầu của Thiên Chúa đối với thành phần tội nhân (cf. Rm 5:8-10; Eph 2:3-5). Như thế, đề tài về Vương Quốc của Thiên Chúa đã được tỏ bày một cách mới mẻ, nhưng luôn trung thành với truyền thống của Chúa Giêsu lịch sử.
Một thí dụ khác của việc chuyển đổi trung thực cho cái cốt lõi tín lý về Chúa Giêsu được thấy nơi các ‘dang xưng’ chỉ về Người. Trước Phục Sinh, Chúa Kitô đã xưng mình là ‘Con Người’; sau Phục Sinh, hiển nhiên Con Người này là Con Thiên Chúa. Bởi thế, danh xưng ưa chuộng của Thánh Phaolô về Chúa Giêsu đó là ‘Kyrios – Chúa’ (cf Phil 9:11) – một danh xưng cho thấy thần tính của Chúa Giêsu. Qua danh xưng này, Chúa Giêsu hiện ra trong ánh sáng rạng ngời của việc Người phục sinh.
Trên Núi Cây Dầu, ở vào lúc Chúa Giêsu cực kỳ buồn khổ (cf Mk 14:36), các môn đệ, trước khi thiếp ngủ, đã nghe Chúa Giêsu nói với Cha ra sao và đã gọi Ngài là ‘Abba – Cha ơi’. Đây là một lời rất bình dân, tương đương với chữ ‘ba’, được con cái dùng để gọi cha của chúng. Cho đến giây phút ấy người ta không thể nào nghĩ rằng một tiếng Do Thái như thế lại được ngỏ cùng Thiên Chúa; nhưng, vì thực sự là một người con, đã thân thưa ‘Abba – Cha Ơi’ như thế trong giờ khắc thân mật ấy.
Trong những bức thư Thánh Phaolô gửi cho tín hữu Rôma và Galata, lạ lùng thay, tiếng ‘Abba’ này, một từ ngữ bày tỏ tính cách chuyên nhất về vai trò làm con của Chúa Giêsu, lại phát ra từ môi miệng của thành phần lãnh nhận phép rửa (cf Rm 8:15; Gal 4:6). Họ đã lãnh nhận ‘Thần Linh của Con’ và giờ đây mang trong mình Vị Thần Linh này, và họ có thể nói như Chúa Giêsu và với Chúa Giêsu như là những người con cái thực sự của Cha. Họ có thể thưa ‘Abba’ vì họ được biến đổi thành những người con trai con gái trong Người Con.
Sau hết, tôi muốn nói đến chiều kích cứu độ nơi cái chết của Chúa Giêsu, như chúng ta thấy trong Phúc Âm, ở đó, ‘Con Người đến không phải để được phục vụ mà là phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người’ (Mk 10:45; Mt 20:28). Việc trung thành bày tỏ về câu nói này của Chúa Giêsu xuất hiện trong tín lý của Thánh Phaolô về cái chết của Chúa Giêsu như là một thứ giải cứu (cf 1Cor 6:20), như là một sự cứu chuộc (x Rm 3:24), như là một thứ giải phóng (x Gal 5:1) và như là việc hòa giải (cf Rm 5:10; 2Cor 5:18-20). Đó là tâm điểm thần học của Thánh Phaolô, một khoa thần học được căn cứ vào câu nói ấy của Chúa Giêsu.
Tóm lại, Thánh Phaolô không nghĩ Chúa Giêsu là một cái gì đó về lịch sử, như một con người thuộc quá khứ. Ngài thực sự biết được truyền thống cao cả về đời sống của Người, về những lời Người nói, về cuộc tử nạn và phục sinh của Người, thế nhưng ngài đã không coi chúng như là một cái gì đó thuộc quá khứ; ngài nói về chúng như thực tại của Chúa Giêsu sống động. Đối với Thánh Phaolô, những lời nói và hành động của Chúa Giêsu không liên quan tới một thứ thời gian về lịch sử, tới quá khứ. Chúa Giêsu hiện sống và nói với chúng ta hiện nay và sống cho chúng ta. Đó là cách thức thực sự để nhận biết Chúa Giêsu, không theo thể lý, như là một con người thuộc quá khứ, mà là như Chúa và anh em của chúng ta, vị ngày nay đang ở với chúng ta và tỏ cho chúng ta biết sống ra sao và chết thế nào.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 8/10/2008
(những chỗ được in đậm lên là do tự ý của người dịch trong việc làm nổi bật những điểm chính yếu quan trọng)