Thánh Phaolô về Một Chúa Kitô Tân Adong

 

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 3/12/2008 – Bài Giáo Lý 15 trong Loạt bài cho Năm Thánh Phaolô

 

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Trong bài giáo lý hôm nay, chúng ta chia sẻ về mối liên hệ giữa Adong và Chúa Kitô, một mối liên hệ đã được Thánh Phaolô phác họa trong một đoạn nổi tiếng ở Thư gửi Tín Hữu Rôma (5:12-21), một đoạn ngài hướng dẫn Giáo Hội này về những vấn đề thiết yếu nơi tín điều liên quan tới nguyên tội. Thật vậy, ngay trong Thư Thứ Nhất gửi Tín Hữu Côrintô, khi nói về niềm tin tưởng vào sự phục sinh, Thánh Phaolô đã mở màn cho thấy cuộc gặp gỡ giữa cha ông của chúng ta với Chúa Kitô rồi: “Vì như nơi Adong tất cả đều đã chết đi thế nào thì cũng thế, nơi Chúa Kitô, tất cả cũng sẽ được làm cho sống động như vậy… Con người đầu tiên là Adong đã trở thành một hữu thể sống động; Adong sau đã trở thành một thần linh ban sự sống” (22:45). Ở đoạn Thư Rôma 5:12-21, cuộc gặp gỡ này giữa Chúa Kitô và Adong lại còn được nói rõ ràng hơn nữa và sáng tỏ hơn nữa, ở chỗ, Thánh Phaolô ôn lại lịch sử cứu độ từ Adong cho tới Lề Luật và từ Lề Luật cho tới Chúa Kitô. Adong không phải là tâm điểm của cảnh huống với những hậu quả tội lỗi nơi nhân loại, mà là Chúa Giêsu Kitô cùng với ân sủng nhờ Người được tuôn đổ dồi dào xuống rên nhân loại. Việc lập lại “càng hơn thế nữa” liên quan tới Chúa Kitô là những gì nhấn mạnh đến cách thức tặng ân này được lãnh nhận nơi Người vượt quá tội lỗi do Adong gây ra cùng với những hậu quả nhân loại phải chịu, bởi đó ở phần cuối Thánh Phaolô đã có thể thêm rằng: “Thế nhưng ở đâu tội lỗi gia tăng thì ở đó ân sủng lại càng dồi dào hơn thế nữa” (Rm 5:20). (Câu nói của Thánh Phaolô này có thể tóm lại thành “tội tràn lan – phúc ngập lụt”, nhan đề của bộ sách về những tâm tình yêu thương Chúa Giêsu tỏ ra với một số tâm hồn, được người dịch này tuyển hợp, chuyển dịch và xuất bản năm 1995). Thế nên, cuộc gặp gỡ được Thánh Phaolô phác tả giữa Adong và Chúa Kitô làm sáng tỏ tính chất thấp kém hơn của con người thứ nhất so với ưu thế của con người thứ hai.

 

Ngoài ra, cũng cần phải làm sáng tỏ vấn đề tặng ân ơn sủng khôn sánh này nơi Chúa Kitô được Thánh Phaolô qui cho tội lỗi của Adong, đó là, ở chỗ có thể nói rằng nếu vấn đề này không cho thấy được trọng tâm của ân sủng, thì ngài đã không ngần ngại nói về tội lỗi là những gì “đến trong thế gian qua một người và sự chết qua tội lỗi” (Rm 5:12), Bởi thế, theo niềm tin tưởng của Giáo Hội, nếu nhận thức này đã được chín mùi thành tín điều về nguyên tội là bởi vì nó có liên hệ bất khả phân ly với một tín điều khác, tín điều về ơn cứu độ và niềm tự do nơi Chúa Kitô. Hệ quả của vấn đề này đó là chúng ta không bao giờ được nghĩ đến vấn đề tách biệt tội lỗi của Adong và của nhân loại khỏi mối liên hệ cứu độ, tức là không được hiểu nó tách biệt khỏi chân trời con người được công chính hóa trong Chúa Kitô.

 

Tuy nhiên, là con người ngày nay, chúng ta cần phải hỏi mình rằng: nguyên tội là gì? Thánh Phaolô đã dạy ra sao, Giáo Hội đã dạy thế nào? Phải chăng tín lý này vẫn còn là những gì khả chấp ngày nay? Nhiều người nghĩ rằng, theo chiều hướng của lịch sử tiến hóa thì không còn chỗ cho tín lý của một thứ tội đầu tiên nữa, một thứ tội từ đó đã lan tràn cho toàn thể lịch sử loài người. Do đó, vấn đề Phục Sinh và vấn đề về Đấng Cứu Thế cũng sẽ mất đi nền tảng của mình. Vậy có vấn đề nguyên tội hay chăng? Để có thể giải đáp vấn đề này, chúng ta cần phải phân biệt hai khía cạnh của tín lý về nguyên tội. Có cả chiều kích kinh nghiệm, tức là chiều kích cụ thể, khả thị, tôi có thể nói là những gì thực tại hiển nhiên đối với tất cả mọi người, và chiều kích mầu nhiệm, liên quan tới nền tảng về bản thể học của sự kiện này. Sự kiện cụ thể đó là có một cái mâu thuẫn đối nghịch nơi hữu thể của chúng ta. Một đàng, hết mọi người đều biết rằng họ cần phải hành thiện và họ thật sự muốn làm như thế. Tuy nhiên, đồng thời họ cũng cảm thấy có một động lực khác thúc họ làm ngược lại, theo đuổi đường lối duy ngã độc tôn, bạo động, chỉ làm những gì thỏa mãn bản thân mình cho dù biết rằng họ đang tác hành phản lại sự thiện, chống lại Thiên Chúa và phạm đến tha nhân. Trong Thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô đã bày tỏ tình trạng tương khắc này nơi hữu thể của chúng ta như thế này: “Tôi muốn những gì là đúng đắn, thế nhưng tôi không thể làm được. Vì tôi không làm điều thiện mà tôi muốn, nhưng điều ác là điều tôi không muốn làm” (7:18-19). Tình trạng tương khắc nội tâm này nơi hữu thể của chúng ta không phải là một lý thuyết. Mỗi một người chúng ta đều cảm nghiệm thấy thế hằng ngày. Nhất là chúng ta thấy được nó xẩy ra chung quanh chúng ta cái thắng thế của ý muốn phụ thuộc. Chỉ cần nghĩ đến những tin tức hằng ngày về vấn đề bất công, bạo lực, giả trá, nhục dục. Chúng ta thấy nó hằng ngày: nó là một sự thật.

 

Hệ quả của quyền lực sự dữ này trong linh hồn chúng ta là một giòng sông bẩn thỉu đã tuôn chảy vào lịch sử, một giòng sông làm độc nhiễm địa dư của lịch sử nhân loại. Đại tự tưởng gia Pháp quốc Blaise Pascal đã nói về một “bản tính thứ hai”, một bản tính chồng chất lên bản tính tốt lành nguyên thủy của chúng ta. “Bản tính thứ hai” này làm cho sự dữ xuất hiện như là những gì bình thường đối với con người. Bởi thế thành ngữ thông thường: “thế mới là con người” có một lưỡng nghĩa. “Thế mới là loài người” có nghĩa là: Con người này tốt lành, họ thật sự tác hành như một người cần phải tỏ ra. Tuy nhiên, “thế mới là con người” cũng có nghĩa là sai trái, ở chỗ, sự dữ là những gì bình thường, con người là thế mà.  Sự dữ dường như trở thành một bản tính thứ hai. Cái tương phản này của con người, của lịch sử chúng ta cần phải gợi lên, và thậm chí gợi lên cả ở ngày hôm nay đây, ước muốn được cứu chuộc. Thật vậy, ước muốn ấy là mong thấy thế giới được đổi thay và hứa hẹn ấy là thấy một thế giới được kiến tạo nên bởi công lý, bình an, thiện hảo hiện diện khắp mọi nơi: chẳng hạn, nơi cính trị, tất cả đều nói tới nhu cầu cần biến đổi thế giới này, cần tạo nên một thế giới công chính hơn. Cái thể hiện của ước muốn này chính là ở chỗ làm sao có được một cuộc giải phóng cho khỏi tình trạng mâu thuẫn ngược nghịch chúng ta cảm nghiệm thấy nơi bản thân mình.

 

Thế nên, sự kiện về quyền lực của sự dữ nơi tâm can con người cũng như trong lịch sử của con người là những gì bất khả phủ nhận. Vấn đề ở đây là làm thế nào có thể cắt nghĩa được sự dữ này? Trong lịch sử tư tưởng, ngoại trừ niềm tin Kitô giáo, còn có một mẫu thức giải thích chính với một vài khác biệt. Mẫu giải thích này cho rằng hữu thể tự nó là những gì mâu thuẫn, nó chất chứa nơi mình cả thiện lẫn ác. Ở vào những thời cổ xưa, tư tưởng này bao hàm ý nghĩa có hai nguyên lý chính ngang nhau: một nguyên lý thiện và một nguyên lý ác. Nhị nguyên thuyết này đã là những gì bất khả khắc phục; hai nguyên lý ấy ở cùng một tầm cấp, bởi thế từ nguồn gốc của hữu thể, bao giờ cũng là tình trạng phản khắc tương nghịch này. Bởi vậy, cái tương phản nơi hữu thể của chúng ta có thể nói là phản ảnh cái xung khắc của hai nguyên lý thần linh. Theo thành phần chủ trương tiến hóa thuyết, một sao bản vô thần về thế giới này, thì cái nhãn quan nhị nguyên tương tự ấy đã tái diễn một cách mới mẻ. Ngay cả trường hợp nhường bước như thế, nhãn quan về hữu thể này là một thứ nhất nguyên, hàm ý là hữu thể như thế thì từ ban đầu đã chất chứa nơi mình cả sự dữ lẫn sự thiện. Hữu thể tự mình không chỉ là những gì thiện hảo mà còn hướng chiều về cả thiện lẫn ác. Sự dữ nguyên thủy tương đương với sự thiện, và lịch sử loài người sẽ phát triển một mẫu thức duy nhất đã hiện hữu nơi tất cả những tiến hóa trước đó. Những gì Kitô hữu chúng ta gọi là nguyên tội thực sự chỉ là tính chất hỗn hợp của hữu thể ấy, một thứ hỗn hợp lành dữ, theo thuyết này, nó thuộc về chính những gì làm nên hữu thể. Tận cùng thì nó là một nhãn quan tuyệt vọng, ở chỗ, nếu thực sự như thế thì sự dữ là những gì bất khả thắng. Cuối cùng chỉ còn duy vấn đề tư lợi. Và mọi mọi tiến bộ cần phải được trả bằng một giòng sông sự dữ, và ai muốn phục vụ cho tiến bộ đều phải chấp nhận trả cái giá ấy. Tựu kỳ trung chính trị thật sự được căn cứ vào những trích yếu ấy, và chúng ta thấy được những tác dụng của nó. Cuối cùng, cái tư tưởng tân thời này có thể chỉ tạo nên tình trạng buồn thảm và hoài nghi yếm thế mà thôi.

 

Vậy chúng ta hỏi lại một lần nữa: Đức tin nói gì đây, theo như Thánh Phaolô chứng thực? Thứ nhất, đức tin xác nhận sự kiện đối chọi giữa hai bản tính, sự kiện về sự dữ này, sự dữ kìm kẹp toàn thể tạo vật. Chúng ta đã nghe Đoạn thứ 7 Thư gửi tín hữu Rôma, chúng ta có thể thêm cả Đoạn 8 nữa. Sự dữ chỉ là những gì hiện hữu. Như được giải thích, trái với nhị nguyên thuyết và nhất nguyên thuyết chúng ta vừa vắn tắt đề cập tới và thấy rằng chúng gây ra tình trạng tàn hại, đức tin dạy chúng ta rằng có hai mầu nhiệm ánh sáng và một mầu nhiệm đêm tối, một mầu nhiệm mà dù sao cũng bị bao phủ bởi các mầu nhiệm ánh sáng. Mầu nhiệm ánh sáng thứ nhất là thế này: Đức tin bảo chúng ta rằng không có hai nguyên lý, một thiện và một ác, mà chỉ có một nguyên lý duy nhất, đó là Vị Thiên Chúa hóa công, và nguyên lý này là thiện, sự thiện duy nhất, không có một bóng dáng sự dữ nào. Cũng thế, hữu thể không phải là những gì hỗn hợp giữa lành và dữ; hữu thể bởi thế là thiện và vì thế nó là sự thiện phải là, nó là sự thiện phải sống. Đó là lời công bố hân hoan của đức tin, ở chỗ, chỉ có một nguồn mạch thiện hảo duy nhất đó là Đấng Hóa Công. Và vì vậy, sống là điều thiện hảo, là con người nam nữ là một điều thiện, sự sống là những gì thiện hảo. Thế rồi xuất hiện mầu nhiệm tối tăm, mầu nhiệm đêm tối. Sự dữ không xuất phát từ nguồn mạch của chính hữu thể, nó không phải là những gì đồng nguyên khởi. Sự dữ xuất phát từ một thứ tự do được ban tặng, tự một thứ tự do bị lạm dụng.

 

Điều này có thể xẩy ra hay sao, nó xẩy ra như thế nào? Nó vẫn còn là những gì mờ ảo. Sự dữ không phải là những gì hợp tình hợp lý. Chỉ có Thiên Chúa và sự thiện mới hợp lý, mới sáng tỏ. Sự dữ vẫn là những gì bí ảo. Nó đã được trình bày bằng những hình ảnh cả thể, như ở Đoạn 3 Sách Khởi Nguyên cho thấy, như hình ảnh của hai cây, hình ảnh con rắn và hình ảnh con người tội lỗi. Một hình ảnh cả thể khiến chúng ta suy đoán, thế nhưng nó không thể tự mình giải thích mình vô lý. Chúng ta có thể suy đoán, chứ không cắt nghĩa; chúng ta cũng không thể thuật lại nó như là một sự kiện ở bên cạnh một sự kiện khác, vì nó là một thực tại sâu xa hơn nữa. Nó vẫn là một bí nhiệm của bóng tối tăm, của đêm tối. Tuy nhiên, cần phải thêm ngay một mầu nhiệm ánh sáng. Sự dữ xuất phát từ một nguồn mạch phụ thuộc. Bằng ánh sáng của mình, Thiên Chúa là Đấng mãnh liệt hơn, và vì thế, sự dữ có thể bị khống chế. Bởi vậy, tạo vật, con người có thể được chữa lành, thế nhưng nếu sự dữ chỉ xuất phát từ một nguồn mạch phụ thuộc thì việc con người có thể chữa lành là những gì thực sự. Sách Khôn Ngoan nói: “các loài tạo vật trên thế gian này đều là những gì lành mạnh” (1:14).

 

Sau hết, điểm cuối cùng con người không phải chỉ có thể được chữa lành họ thực sự đã được chữa lành. Thiên Chúa đã mang đến việc chữa lành. Chúa Kitô đã chết và đã sống lại, một Tân Adong, Đấng chống lại giòng sông dơ bẩn bằng một giòng sông ánh sáng. Và con sông này đang hiện diện trong lịch sử: Chúng ta thấy những vị thánh, những vị đại thánh mà còn những vị thánh khiêm tốn, những tín hữu đơn thành. Chúng ta thấy rằng giòng sông ánh sáng xuất phát từ Chúa Kitô đang hiện hữu, đang mãnh liệt.

 

Anh chị em thân mến, đây là thời điểm Mùa Vọng. Theo ngôn ngữ của Giáo Hội thì tiếng Mùa Vọng có hai ý nghĩa: sự hiện diện và niềm trông đợi. Sự hiện diện: Ánh sáng đang hiện hữu, Chúa Kitô là tân Adong, Người ở với chúng ta và ở giữa chúng ta. Ánh sáng đã chiếu soi và chúng ta cần phải mở mắt tâm can để thấy được ánh sáng này và tiến vào giòng sông của ánh sáng. Nhất là phải tri ân về sự kiện là chính Thiên Chúa đã tiến vào lịch sử như một nguồn mạch mới mẻ của sự thiện hảo. Thế nhưng, Mùa Vọng cũng còn có nghĩa là đợi trông nữa. Đêm đen của sự dữ vẫn còn mãnh liệt. Và đó là lý do tại sao trong Mùa Vọng chúng ta nguyện cầu với dân xưa của Chúa rằng: “Và chúng con tha thiết nguyện cầu: Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến; hãy đến, hãy ban quyền năng cho ánh sáng và thiện hảo; hãy đến nơi nào lầm lạc, không biết đến Thiên Chúa, nơi bị bạo lực và bất công thống trị; xin hãy đến lạy Chúa Giêsu, xin ban quyền năng cho sự thiện của thế giới này và giúp chúng con trở thành những người mang ánh sáng, những tác nhân hòa bình, những chứng nhân chân lý. Xin hãy đến, lạy Chúa Giêsu!

 

  

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 3/12/2008

(những chỗ được in đậm lên là do tự ý của người dịch trong việc làm nổi bật những điểm chính yếu quan trọng)